Việc chiếc độc bình cổ bán được 69.5 triệu Mỹ kim là một kinh ngạc cho nhiều người, từ nhà đấu giá Bainbridge, người bán và cả giới buôn bán đồ cổ.
Bắt đầu từ người bán, hai anh em thu dọn căn nhà cũ của cha mẹ quá vãng và tìm thấy những vật dụng lưu giữ dưới hầm nhà. Chiếc độc bình lẫn trong những thứ phế thải khác. Họ đem vật dụng phế thải ra bán qua nhà đấu giá Bainbridge, một công ty nhỏ, buôn bán tại địa phương, ở vùng ngoại ô Luân Ðôn không có tầm mức thế giới như Christie.
Không ai biết giá trị của chiếc độc bình, kể cả nhà đấu giá cho đến khi họ mướn chuyên viên thẩm định món hàng, ông Luan Grocholski. Khi ngắm nghía và thẩm xét chiếc độc bình, ông Grocholski kinh ngạc, không thể ngờ rằng món hàng quý hiếm nọ lại xuất hiện tại vùng ngoại ô Luân Ðôn. Dù nhận ra trị giá nhưng chiếc độc bình chỉ được định giá từ 1.3 – 2 triệu Mỹ kim.

Bắt đầu cuộc đấu giá, chiếc độc bình cao 16 phân Anh màu vàng nhạt và xanh trời, tráng men, với hình hoa lá, cá nhiều màu sắc được rao bán với giá 800 ngàn. Trong vòng nửa giờ, giá bán kết cục là 69.5 triệu Mỹ kim! Cộng thêm 20% tiền công đấu giá và thuế VAT trả cho chính phủ Anh, người mua mở hầu bao để trả 85.9 triệu Mỹ kim. Người mua kẻ bán đều xoa tay hoan hỷ.
Món cổ vật được định tuổi thời Càn Long, 1735-1796, triều đại hưng thịnh nhất của nhà Thanh, Trung Hoa. Ông vua sính nghệ thuật từ tranh vẽ đến đồ gốm cho mở nhiều lò gốm chế tạo đồ gốm dùng riêng cho hoàng gia, gắn triện đóng dấu đàng hoàng trên mỗi món đồ. Chiếc độc bình kể trên cũng có dấu triện dưới đáy bình, nghĩa là xuất phát từ Jingdezhen (Cảnh Ðức Trấn), tỉnh Jiangxi (Giang Tây), phía Tây Thượng Hải ngày nay, một trong những lò gốm của nhà vua ngày xưa. Giang Tây được xem như nơi sản xuất đồ gốm của Trung Hoa từ ngàn năm nay.
Chiếc độc bình được xem như cổ vật (antique – gốc Latin: antiquus có nghĩa là cổ) và được người yêu chuộng sưu tầm qua các tiêu chuẩn như đẹp mắt, quý hiếm, sự nguyên vẹn, cách dùng… và một số đặc tính khác, chủ quan cũng như khách quan.
Một vật dụng “cổ” thường có số tuổi 100 năm trở lên và định tuổi theo thời đại xuất hiện. Danh từ “đồ cổ” đôi khi được sử dụng với ý biếm nhẻ, chế giễu những thứ “quá thời” hay “cũ”.
Theo sách vở, đồ gốm của thế giới xuất phát từ Trung Hoa khoảng 18 ngàn năm trước đây, tại vùng Yuchanyan Cave, phía Nam Hoa Lục đã có những vật dùng bằng đất nung. Ðây là dấu tích xưa cũ nhất.
Qua các thời đại sau, kỹ thuật chế tạo đồ gốm được biến chế và mỗi ngày một tinh xảo, thoạt tiên là chế tạo đồ dùng, sau đó là để trang hoàng, làm đẹp. Cách chế tạo khiến vật dụng được phân biệt như “đồ sứ” (tạm dịch từ chữ porcelain) và “đồ gốm” (ceramic).
Người Hoa Lục dùng cách “nung” với nhiệt độ cao, thấp để phân biệt, xếp loại các món đồ sứ, đồ gốm và cũng dùng vật liệu chế tạo (đất sét miền Nam, miền Bắc) để phân loại đồ vật.
Nói chung, các món “đồ sứ” thường được chế tạo bằng thạch cao (kaolin, loại đất sét chứa khoáng chất kaolinite), và đồ gốm làm bằng các loại đất sét khác chứa khoáng chất như petunse, feldspar hoặc quartz.
Kỹ thuật chế tạo đồ sứ được giữ kín tại Trung Hoa cho đến thời Tống, khi người Trung Ðông mua được các vật dụng đem về cố quốc và bắt đầu chế tạo đồ dùng.
Ðể định tuổi đồ gốm, các nhà khảo cổ thường dùng kỹ thuật thermoluminescence hay “TL test”. Họ cạo ra một ít “đất” từ đáy hoặc khoan một lỗ nhỏ từ vật dụng để lấy mẫu thẩm định ngày nung. Việc thử nghiệm này sẽ làm hỏng vật dụng, do đó TL test không mấy phổ thông trừ việc khảo sát những mảnh gốm đã vỡ tìm thấy tại những vùng khảo cổ.
Riêng với chiếc độc bình kể trên, có lẽ chuyên viên dựa trên dấu triện của hoàng gia, hình tượng, màu sắc và cách vẽ để định thời đại món đồ?
Khi được hỏi về xuất xứ của chiếc độc bình, anh em chủ nhân nói rằng họ chỉ biết rằng món vật dụng kia có mặt trong nhà từ thập niên 30 của thế kỷ trước. Có giả thuyết cho rằng trong cuộc chiến tranh nha phiến, quân đội viễn chinh của hoàng gia Anh đã cướp bóc hoàng cung nhà Thanh và lấy đi các đồ vật. Món hàng “đoạt giải” kia theo chân người lính viễn chinh về quê nhà.
Ðây là món cổ vật xuất phát từ Trung Hoa được bán với giá cao nhất từ trước đến nay. Ðầu năm 2010, một cổ vật khác cũng thời Càn Long được bán đấu giá tại HongKong với giá 34 triệu Mỹ kim.
Người mua chiếc độc bình kể trên, ẩn danh, là người Hoa Lục mua để mang cổ vật về đất cũ.
Châu về hợp phố, phải không bạn?
TLL