“Đi làm thấy không có cảnh kẹt xe như mọi hôm mới sực nhớ học sinh đã nghỉ hè hết. Cũng nhờ cảnh này mà tui nghĩ ra sáng kiến giảm kẹt xe cho Saigon: Cấm học sinh tới trường.”

Anh bạn tôi chắc không bị “Nỗi buồn hoa phượng” nên mới “hùng dũng sang trọng” mà thốt lên câu đó. Anh có biết rằng, “Nỗi buồn hoa phượng” là nỗi buồn chung của cố nhạc sĩ Thanh Sơn cùng các vị phụ huynh đã “nghỉ hè”… 9 tháng.
“Hè gửi con đi đâu?”
Ðó là câu hỏi lớn của tất cả phụ huynh. Tìm câu trả lời trên… Google (lại google!) thì toàn thấy “điều hay lẽ phải”, những thứ Google “chỉ” toàn một chiều, dĩ nhiên là chiều của các nhà viết. Theo truyền thống, dĩ nhiên đa phần các bài viết đều theo định hướng chung là tốt cho các “thiên thần”. Nào là du lịch, nào là các hoạt động ngoại khóa của gia đình, nào là học kỹ năng sống… nhưng “đời không như là mơ”. Câu hỏi lớn trên luôn được giải đáp bằng cách thuận lợi nhất cho… phụ huynh.
Cậu bạn đầu bếp của tôi từng nói: “Ðến giờ cậu vẫn thắc mắc sao mấy cuộc thi chạy đua quốc tế ít thấy người Việt mình đoạt giải. Bốn ngàn năm văn hiến dân Việt Nam mình chạy thấy mẹ. Chạy nạn đói, chạy giặc Pháp, chạy Polpot, chạy cộng sản, rồi chạy trường, chạy chức, chạy việc, chạy giải, chạy giấy tờ, chạy trật tự đô thị, chạy ăn, chạy chợ, chạy thoát khỏi trường, giờ đến chạy ô nhiễm và chạy EB5 (chạy “thẻ xanh”) để thoát ra khỏi cái đất nước đầy bất an nhiễu nhương và khu phố văn hóa này. Chạy có truyền thống, có tổ chức, có định hướng và chuyên nghiệp, vậy mà đi thi chẳng có lấy được cái giải quốc tế nào là mần sao? Mần sao?”
Ðúng như vậy, người Việt Nam sinh ra chưa học đi đã được dạy… chạy. Học hè cũng là một hình thức chạy đua trong môi trường giáo dục. Học sinh chạy, phụ huynh chạy, giáo viên chạy, tất cả cùng chạy… đến đâu thì không biết.

Nhiều người kêu gào “Hiếm có nước nào mà học sinh có kỳ nghỉ hè kéo dài hơn 3 tháng”. Và theo lịch truyền thống sư phạm Việt Nam thì đúng là như vậy. Buổi “bế mạc” năm học thường sẽ vào ngày 25/5 hàng năm, giữa tháng 8 thì học sinh được dự buổi tựu trường, đi học rồi đến 5/9 là khai giảng chính thức, thế là hết “hơn ba tháng hè”. Sự thật thì sao? Dĩ nhiên những gì được mặc định là “truyền thống” ở Việt Nam đều chỉ được nằm ngoan ngoãn trên văn bản. Thật sự thì kỳ nghỉ hè trong mắt bọn trẻ con Việt Nam rất là dở hơi. Nó kéo dài chưa đầy một tháng, có một số ít chỉ được “nghỉ hè” chưa bằng một kỳ nghỉ lễ “liên hoàn” (ví dụ ngày lễ nằm trong thứ Bảy-Chủ nhật thì nhà nước sẽ cho “toàn dân” được nghỉ bù). Gọi là “nghỉ hè” thôi chứ thực ra đây là cơ hội cho các lớp học thêm trong trường trở thành “hợp pháp” với hai chữ “học hè”. Ngay từ đầu tháng 7 các lớp học hè đã được mở ra với sự đồng thuận cao của cả các phụ huynh và thầy cô. Bạn tôi là giáo viên cấp tiểu học nói: “Trong các buổi họp phụ huynh cuối năm hầu như thế nào cũng có phụ huynh thắc mắc “Khi nào có tổ chức học hè?”, “Cô có biết chỗ nào hè vẫn dạy cả ngày?…” Mặc dù ngành giáo dục cấm các trường tổ chức học hè để… dạy trước chương trình hay ôn luyện, khảo sát giúp học sinh vào lớp chọn, phân ban… nhưng KHÔNG CẤM tổ chức “ôn tập văn hóa” dịp hè nếu các lớp này được mở ra với hình thức tự nguyện sau mốc thời gian quy định. Nhiều nhà giáo dục cũng chung quan điểm là nên rút ngắn thời gian nghỉ hè để học sinh không quên kiến thức sau một kỳ nghỉ hè “truyền thống” quá dài. Cái gì không cấm thì được làm. Tuy ai cũng biết tác dụng của “học hè” chỉ để điểm danh cho năm học mới. Theo kinh nghiệm của một vị cựu học sinh đã từng học hè nhiều hơn học “thiệt”, tôi xin cam đoan, nó… rất dzui. Mà cái gì tôi thấy dzui thường nó sẽ chẳng giúp ích gì cho niềm dzui của quý phụ huynh và thầy cô cả. Cho nên dẫu học hè đầy đủ, học thêm như ca sĩ chạy show cật lực, tôi vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hơn 12 năm liền làm thầy/cô dạy văn khóc, thầy/cô dạy toán, lý, hóa tốn điểm âm cho mình! Tính ra thì cũng… không sao, các phụ huynh thời nay đa phần cho con học hè cũng không mong đợi điều gì. Ai cũng tin chắc rằng môi trường giáo dục là môi trường an toàn nhất, con mình có chỗ ở, có người canh, có bạn chơi chung, bản thân phụ huynh tiện lịch “sáng đưa đi, tối đón về”. Thế là xong!

“Con nít được nghỉ hè chứ người lớn đâu có nghỉ?”
“Hiện đại càng hại điện, cha đi làm, mẹ đi làm, nghỉ hè không học hè thì làm gì?”
“Ðể chúng ở nhà với người làm thì không yên tâm, không có người làm thì càng đáng lo hơn!”
Ðó là những lý do vô cùng chính đáng. Cũng không phải gia đình thành thị nào cũng có chỗ gửi con trong những ngày hè. Có người đưa con về quê được mấy bữa phải hốt hoảng về quê đón con lên bởi có nhiều trẻ không quen sống với môi trường “chim kêu vượn hú” nên suốt ngày ngồi trong nhà chơi điện tử trên điện thoại, xem ti vi, vài ngày thì buồn bã gào khóc kêu ba mẹ lên “cứu”. Người lớn, nhất là những ba mẹ đã có tuổi thơ xinh đẹp, rất nhiều người nghĩ khi con mình về quê mình vừa khỏe mà con lại sung sướng với đồng xanh gió lộng, với nhảy dây bắn bi đá cầu, với những người bạn mới chân chất thật thà và hiếu khách. Nhưng tiếc là con em chúng ta sanh ra nhầm thời “nông thôn hóa thành thị” và “thành thị hóa nông thôn”, “quê” nào cũng như “quê” nào thôi. Ðường làng bê tông hóa, không khí thì công nghiệp hóa, niềm vui của trẻ con thời nay cũng trở nên công nghệ thông tin hóa. Không còn “nhảy dây bắn bi đá cầu” nữa, mà là: nhà giàu thì mỗi đứa ôm một cái điện thoại di động, máy tính bảng hoặc một cái máy game, nhà nghèo thì “dành dụm” từng đồng vào quán net ôm một cái máy tính. Mạnh ai nấy… bình đẳng mà ngồi mê mải bấm, mê mải vui một mình. Ðó mới là một kỳ nghỉ hè không dở hơi và vô cùng lành mạnh trong mắt bọn trẻ. Dĩ nhiên ở đây tôi không nhắc đến số đông những đứa trẻ nghỉ hè phải đi bán vé số, lượm lon kiếm thêm tiền phụ cho năm học mới của mình. Ðó là một câu chuyện khác, là một niềm đau mang tính chất… hiển nhiên giữa cái xã hội này.

Không học hè, không về quê, không chơi net. Vậy nghỉ hè thì làm gì?
Ðây là câu hỏi bự của các phụ huynh lẫn các “bạn trẻ” Việt Nam nếu “lỡ” đọc phải bài viết này. Quả tình người viết cũng… bó tay. Tuy mới 15 tuổi nhưng tôi cũng lo xa lắm. Lâu lâu cũng trăn trở nếu có con thì mình có thể làm gì cho con mình giữa cái xã hội mỗi giây xuất hiện 1001 cái trăn trở khác này. Rõ ràng là “Cơm áo không đùa với phụ huynh” (Mấy người giàu hay làm “ông to bà lớn” thì người ta cho con đi Tây đi Mỹ hết rồi). Quyết định sanh ra một đứa con ở nơi có tỷ lệ phá thai nhì thế giới đã không dễ, nuôi nó lớn trong một môi trường ô nhiễm thức ăn đầy độc dược lại càng không dễ. Không chỉ người lớn, trẻ con bây chừ cũng phải ngoi ngóp sống với bao nhiêu khoản thuế, bao nhiêu nỗi sợ hãi chung và bao nhiêu con số 0 đang được thêm vào sau con số nợ công. Nói chi đến chuyện tìm cho nó một môi trường sinh hoạt tốt ngoài ngôi nhà và ngôi trường.
“Vào bệnh viện nhi đồng thấy trẻ em tội lắm.
Em nào em nấy như thiên thần. Thiên thần sốt, thiên thần gãy tay, thiên thần đau tim, thiên thần bị nhiễm trùng… Cứ 2 thiên thần chia nhau một cái giường hay một mảnh chiếu la liệt đường đi … người ta đi thăm bệnh, hay đưa con vào cấp cứu cứ rầm rập bước qua trong lo lắng, buồn phiền, và trĩu nặng. Nhu cầu tối thượng của một người đau bệnh là không muốn bất kỳ ai không liên quan nhìn thấy mình đau như thế nào là một nhu cầu xa xỉ và xa lạ!

Nhịp thở của những thiên thần gãy cánh như muốn dán xuống những nan chiếu ngả màu ủ rũ, vàng vọt mong manh rơi chuẩn xác trong hơn 1 mét vuông diện tích sàn gần chân cầu thang, dưới gầm giường (trời nóng quá, họ rút xuống gầm giường cho mát) lối hành lang, hay dường như bất kỳ khoảng trống nào khả dĩ. Ðiểm sáng duy nhất: khi một bà mẹ đưa con mình vào một cái giường chung thì sẽ có vài bà mẹ bên cạnh rù rì hỏi thăm và mách nước. Mỗi mẹ nói một kiểu, nhưng cũng có tác dụng an ủi lắm. Họa hoằn mới thấy y tá, bác sĩ… mà bao nhiêu y tá, bác sĩ cho vừa trong cái không gian trên dưới 100 mét vuông mà dễ đến gần 100 người chen chúc. Mình thấy bác sĩ, y tá mà yêu thương, tươi cười, nựng bé ở đây mình đều hết sức nể phục gấp nhiều lần ở những nơi khác. Ba mẹ nuôi cho bao năm ăn học; khoác áo blouse trắng chắc cũng háo hức bao hoài bão, nhân văn; rồi vào môi trường làm việc … không biết phải diễn tả làm sao: Dọc hành lang ra phòng hậu phẫu là quần áo người nhà treo kín … không gian bệnh viện không có mùi ê te là mấy, nhưng: sáng sáng ốp la mì gói, trưa trưa bún riêu, cơm sườn… thấy có ông phụ huynh còn uống bia nữa, chỉ thiếu bày mồi ra nhắm!…” Ðó là một phần tâm sự của một người đàn ông trưởng thành, hơn 40 tuổi tên Chương Ðặng. Nó minh chứng cho những nỗi lo sợ rất to của hầu hết các bậc phụ huynh trên đất nước này.

Trẻ em Việt Nam bây giờ được “trồng” như những bông hoa lan trong nhà kính vậy! Nhưng hầu như đều bị bón bằng “phân” độc. Ngoài yếu tố môi trường, vật chất, tinh thần ở trên còn hàng triệu yếu tố khác từ con người, xã hội. Ði học phải đưa đi đón về sợ bị bắt cóc lấy nội tạng, ngay cả con trong lớp rồi vẫn phải “theo dõi” thường xuyên sợ thức ăn không ổn, thầy cô không tốt. Ðưa con đi chơi các nơi công cộng cũng lo sợ con bị dạy hư vì sự thiếu ý thức của các cha mẹ khác. Ðể chạm đến “Nỗi Buồn Hoa Phượng” thì phụ huynh lẫn trẻ em đã chịu đựng hàng ngàn nỗi buồn khác rồi!
Túm lại, nếu nhân danh một cô bé 15 tuổi, phê phán nền “học hè” nước nhà, tôi đáng được ném đá bể đầu. Vì các hoạt động ngoại khóa có ích ở Việt Nam hầu như rất… tiết kiệm, đặc biệt là các hoạt động mang tính hợp pháp sẽ đi đôi với tính chất tuyên truyền. Học múa cũng học múa bài “Ðêm qua em mơ gặp bác Hồ”, đi “tham quan” với trường cũng được dẫn đi “địa đạo Củ Chi” xem “ông cha ta đánh Mỹ” ra sao, đến hát quốc ca cũng phải hát “đường vinh quang xây xác quân thù”, không biết sau này các em ngồi phân tích lời “quốc ca” có rợn người như tôi lúc này không! Nêu ra vấn đề mà không nêu ra được giải pháp coi cũng… kỳ. Và giải pháp duy nhất của tôi lúc này là, thôi đừng… đẻ khi còn ở Việt Nam. Thân ái chào quyết thắng!
DU