Menu Close

Trao đổi với Đinh Yên Thảo về “Kiến Thức Trẻ”

Tháng Sáu này, chuyên mục Kiến Thức Trẻ đã xuất hiện trên Trẻ vừa tròn 15 năm. Thay cho lời tâm tình cùng sự cảm ơn những đón nhận và khích lệ mà độc giả đã dành cho chuyên mục trong 15 năm qua, chúng tôi xin đăng tải bài phỏng vấn người phụ trách chuyên mục do nhà văn Lương Thư Trung thực hiện dưới bút hiệu Hai Trầu. Cuộc trao đổi này được trích từ tác phẩm “Người đọc và người viết” do anh thực hiện với một số văn nghệ sĩ, nhà báo tại hải ngoại và sẽ được phát hành trong năm nay. Xin mời quý độc giả cùng theo dõi.

trao-doi-voi-dinh-yen-thao
Hàng đứng (trái qua) Đinh Yên Thảo, nhà văn Phan Xuân Sinh, nhà văn Lương Thư Trung (Hai Trầu), nhà báo Phan Vỉa Hè. Hàng ngồi (trái qua) nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp và nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn

Hai Trầu: Bạn Ðinh Yên Thảo thân mến, 

Mùa này công việc mùa màng tàm tạm rảnh rỗi, tôi xin có vài câu hỏi muốn trao đổi với bạn chơi cho vui. Mong Ðinh Yên Thảo không từ chối. 

Xin bắt đầu với câu hỏi đầu là sau khi lần giở lại các trang báo TRẺ, tôi thấy mục “Kiến Thức Trẻ” do Ðinh Yên Thảo phụ trách, chỉ riêng từ tháng Giêng năm 2012 tới nay, bạn đã có 235 bài viết. Ðinh Yên Thảo có thể chia sẻ một chút về mục này không? Chẳng hạn “Kiến Thức Trẻ” bắt đầu từ khi nào, vì sao bạn đặt tên cho mục này là “Kiến Thức Trẻ” và hàm ý của những bài viết ấy nhằm gởi đến người đọc thuộc giới nào và bạn có nhận được những tiếng vọng từ các giới người đọc ấy lần nào không?

Ðinh Yên Thảo: Bác Hai Trầu mến

Chuyên mục Kiến Thức Trẻ chính thức ra đời vào tháng 6 năm 2002, dù trước đó các bài viết của em đã đăng trên báo Trẻ từ khá lâu. Báo ra hàng tuần nên tính theo đó thì có thể đến nay có khoảng 700 bài viết riêng cho chuyên mục này. Báo Trẻ chỉ lưu trữ và đưa các bài viết lên trang mạng của mình vài năm nay nên chỉ giữ được một phần như anh nói. Theo như tên gọi thì mục đích của chuyên mục là nhắm đến việc mang đến độc giả thêm những thông tin và kiến thức trong hầu hết các lãnh vực khác nhau, đặc biệt là các vấn đề giáo dục và ý thức cộng đồng qua các bài viết về những cá nhân xuất chúng, có tinh thần phục vụ đại chúng. Thông tin và kiến thức chỉ có một giá trị giới hạn nếu chúng thiếu đi các tâm thức và ý thức tích cực. Ðó là điều tâm niệm mà em đặt vào các bài báo của mình. Chuyên mục được đánh giá như thế nào thì thuộc về người đọc, dù thỉnh thoảng, em cũng nhận dăm khích lệ từ độc giả ở xa hay gặp gỡ bên ngoài.

trao-doi-voi-dinh-yen-thao4
Trái qua: ĐYT, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Hoàng Nguyễn và Tựu Ngô
trao-doi-voi-dinh-yen-thao5
Đinh Yên Thảo tại chương trình truyền hình Good Morning America tại New York

Hai Trầu: Như vậy, tính ra thì bạn cũng đã có mười lăm năm để viết khoảng 700 bài trong mục “Kiến Thức Trẻ”. Thời gian cũng khá dài mà cái kho hiểu biết ấy của bạn cũng quá đồ sộ nữa! Ðặc biệt là trong những ngày tới bạn còn đang tiếp tục viết tiếp những kiến thức mới nữa; vậy thì điều gì làm bạn có hứng thú ngồi xuống viết những kho kiến thức ấy? Việc chuẩn bị cho mỗi đề tài trong kho tàng này có lâu lắm không? 

Ðinh Yên Thảo: Câu hỏi của anh có thể hiểu như một câu hỏi chung cho một người cầm bút rằng, “Tại sao anh viết?” và cách riêng cho Kiến Thức Trẻ về sự chọn lọc đề tài của chuyên mục. Là một người cầm bút thì anh cũng biết mỗi người đều có một cái duyên khởi đầu và lý do để tiếp tục viết của riêng mình. Cái duyên báo chí đến với em khá sớm, khi những bài báo đầu tiên của em là ở những năm đầu đại học, khi suy nghĩ về các vấn đề xã hội. Có chút khác biệt giữa văn chương và báo chí là, dù đang tập sự hay cầm bút lâu năm thì một nhà báo phải là người có những sự quan tâm và kiến thức về các vấn đề chính trị xã hội, có sự xác thực trong thông tin, có tính thời sự và hữu dụng trong đề tài và có sự khai mở, thuyết phục trong vấn đề trình bày. Làm được đến đâu là điều mình cố gắng nhưng em luôn giữ các bài viết trên mục Kiến Thức Trẻ theo những quy tắc nghề nghiệp như vậy, cho dù chúng được viết ở bất cứ thể loại báo chí nào. Viết báo đi kèm với sự khám phá, tìm hiểu và tự học của chính mình nên khi tra cứu, phân tích và chắt lọc thông tin, những bài báo viết ra có thể ít nhiều hữu ích cho một số độc giả nào đó nên chính suy nghĩ đó đã giúp cho em tiếp tục công việc báo chí này. Với em, mỗi bài báo được viết nhanh chậm tùy đề tài nhưng nó là một sự dàn trải lâu năm trong sự học hỏi và suy nghĩ của mình chứ không đơn giản chỉ vài tiếng đồng hồ ngồi viết đó. Em cũng không ngờ mình giữ chuyên mục này liên tục 15 năm, không biết sẽ còn giữ được khả năng và đam mê đến bao giờ.  

trao-doi-voi-dinh-yen-thao3
Từ trái sang phải: các nhà văn Nguyễn Thị Thanh Dương, Ngân Bình, Đinh Yên Thảo, T. Vấn
trao-doi-voi-dinh-yen-thao1
Với nhà văn, MC Nguyễn Ngọc Ngạn tại Austin

Hai Trầu: Riêng cá nhân tôi, tôi thấy rằng những bài bạn viết trong mục “Kiến Thức Trẻ” tôi rất khoái đọc và học hỏi rất nhiều điều ở bạn. Nhưng đối với một người đọc nhà quê già lụm cụm như tôi thì làm sao tôi có thể có đầy đủ các số báo TRẺ để đọc những điều bạn viết và cho dù tôi có sưu tầm đủ các số báo TRẺ hằng tuần đi chăng nữa, thì làm sao mình có thể giữ báo còn nguyên hoài cho được vì có tới khoảng 700 số báo Trẻ mỗi tuần rất dày ấy! Thêm nữa, nếu đọc trên “Trẻ Online” thì lại gặp trở ngại về máy móc, kỹ thuật mà mình hổng rành nên mỗi lần vô online đọc cũng gặp khó khăn; đó là chưa kể ở tuổi già mắt mỗi ngày mỗi kém, đọc được vài trang là hết thấy chữ rồi! Phải chi bạn có nhã ý gom lại các bài viết để in thành sách thì hay biết mấy! Tôi nghĩ các bài viết của bạn là những kho kiến thức, những tài liệu rất giá trị về mọi mặt như khoa học, xã hội, giáo dục, nhân văn và đặc biệt nó rất văn chương nữa. Bạn có nghĩ rằng những cuốn sách trong bộ “Kiến Thức Trẻ” của bạn rồi ra sẽ nằm trong loại sách “Học Làm Người” của nhà xuất bản Phạm Văn Tươi một thời không? Bạn có dự định vào một ngày nào đó bạn sẽ in “Kiến Thức Trẻ” thành những bộ sách thật dày không?

Ðinh Yên Thảo: Rất cảm ơn và cảm động về những nhận xét trân trọng và ưu ái của anh, một người trong tư cách độc giả lẫn tác giả đã từng phỏng vấn hay có các bài viết nhận xét về một số văn nghệ sĩ. Thật ra anh biết là nhà báo chỉ hiện diện như một nhân vật trần thuật trong một số ít thể loại báo chí, như ký sự hay sổ tay phóng viên chẳng hạn, cũng như chỉ làm công việc tường trình sự việc và phỏng vấn người khác nên lẽ tự nhiên, họ thường là bóng mờ sau lưng các bài báo, hiếm khi đăng đàn để bày tỏ suy nghĩ hay công việc thật sự của mình. Ðộc giả chỉ biết nhân vật được phỏng vấn, đọc các vấn đề hay tường trình được đăng tải chứ hiếm khi chú ý đến tác giả hay người thực hiện. Chính vì tính chất báo chí này cũng như khó đoán được mức độ đón nhận của độc giả như thế nào nên các nhà báo ít khi in sách như các nhà văn, ngoại trừ một số người viết tạp bút. Dẫu sao thì in sách cũng là một điều chính đáng với bất cứ người cầm bút nói chung nào, nên em nghĩ với vài trăm bài báo ít nhiều mang công sức và tâm huyết mình đã viết, nếu chắt lọc lại cũng có thể in được vài cuốn sách theo như anh đề nghị. Ðể lưu giữ và tặng cho những độc giả từng quý mến mình, chứ không dám có tham vọng khác hơn. Vấn đề là điều gì thôi thúc mình thực hiện nó. Nhưng cũng hy vọng một ngày nào đó sẽ làm được (cười).

trao-doi-voi-dinh-yen-thao2
Phỏng vấn nhóm nhạc kịch Miss Saigon

(còn tiếp 1 kỳ)