Menu Close

Thoả hiệp bạo quyền, thật đáng sợ

Thấy sự chịu đựng của dân mình mà sợ. Sợ vì không biết đâu là giới hạn để họ bật dậy làm cho tròn vai của con người sống có ý nghĩa để duy trì cộng đồng 93 triệu dân này còn tiếp tục tồn tại cho nhiều đời sau. Sự có mặt của họ ở thời đại này là do biết bao thế hệ trước đã không thể dung hoà với áp bức đã nổi lên chống lại để gìn giữ đất nước này và dân tộc này tồn tại cho đến hôm nay. Mong sao họ biết nghĩ cho thế hệ mai sau như thế hệ trước đã nghĩ cho họ.

Sự dốt nát hay có chữ mà hèn hạ thì cũng cho kết quả như nhau cả. Cả hai chẳng đem lại được gì cho tương lai đất nước. Dù dân tộc có đông đến trăm triệu đi chăng nữa thì cũng vô ích. Sự mê muội không phân biệt xấu tốt hay xã hội nhiều kẻ phân biệt xấu tốt mà thoả hiệp với gian tà đều là kết quả như nhau.

Việt Nam đang chuyển biến về chất trong những con người nhưng vẫn không có hy vọng gì cho sự đổi thay là vì đâu?

Từ sau 30/04/1975 đến đầu những năm 1990 là thời kì đóng kín cửa với thế giới. Bên trong là nền giáo dục phân biệt đối xử nặng nề, sự loại bỏ rất nhiều người có cha mẹ đã từng tham gia vào bộ máy nhà nước VNCH tạo ra một màn đen bao trùm đất nước. Ngày đó dân dốt nát, thiếu thông tin nên tỏ ra ngoan ngoãn. Ngày nay sự học hành lên cao dễ hơn và thông tin rộng mở hơn nhờ Internet, nhưng thay cho tầng lớp dốt nát trước kia là những người trí thức cuội. Họ hiểu bất công nhưng lại thoả hiệp với sự áp bức của chính quyền. Đấy là một bi kịch đang diễn ra trên đất nước này.

Con vật không thể tính toán xa được. Trong rừng, thú săn mồi chỉ biết săn được gì thì chén nấy mà không hề tính toán gì cho ngày hôm sau cả. Trời ban cho rừng có sản vật phong phú thì thú no nê, hết thì tuyệt chủng. Thế nhưng con người thì khác, con người có thể tính cho tương lai của mình, có tính tương lai cho con, và cao hơn nữa là tính tới tương lai cho đất nước.

Trong một xã hội mà con người chỉ biết tính đến miếng ăn cho mình, lo cho vợ con là chấm dứt thì trông có vẻ như họ là kẻ thức thời “khôn ngoan”. Nhưng chính những khôn ngoan đó đã đẩy cộng đồng gần trăm triệu người này thành một quốc gia ngày càng yếu ớt trước kẻ thù.

Trong thế giới hoang dã có những loài mạnh yếu cộng sinh hỗ trợ lẫn nhau. Ví dụ cá ép luôn bám cá mập trắng sống cộng sinh. Cá ép vệ sinh cho thân thể cá mập, bù lại những rong rêu trên thân cá mập nuôi sống cá ép. Tương tự vậy, Hoa Kỳ và đồng minh cũng quan hệ hỗ trợ.

Nhưng trong thiên nhiên hoang dã cũng có những loài có quan hệ đối kháng. Sư tử và linh dương là kẻ thù của nhau. Linh dương là mồi của sư tử. Sự khoẻ mạnh của linh dương sẽ giúp nó tránh bị sư tử vồ. Còn linh dương yếu ớt bệnh tật thì sao? Ắc hẳn sớm hay muộn gì cũng là mồi của sư tử. Không khỏe mạnh, ắc diệt vong. Việt Nam đang là đất nước rất yếu, mà quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc là quan hệ sư tử – linh dương. Việt Nam yếu mãi thì sẽ có ngày diệt vong.

Đất nước này là của 93 triệu dân chứ không của riêng ai. Sự lo lắng cho tương lai đất nước là bắt buộc với mọi người dân chứ không được phép phó thác cho ai. Đó là xu hướng của một xã hội tiến bộ và cũng là phần hồn cho một đất nước muốn trường tồn và phát triển cùng với thế giới. Nếu mọi người chỉ gói gọn phần chăm lo của mình trong nội bộ gia đình thôi thì đấy là điều không ổn. Đó là nguồn gốc của sự rời rạc trong một đất nước. Đất nước đó đông nhưng không mạnh.

Sự thoả hiệp với bạo quyền của người có học đáng sợ hơn người dốt nát nhiều. Chính nó làm cho sự thuyết phục trở thành vô dụng. Quốc gia sẽ yếu hèn không cách nào vực dậy được. Đối với những người dốt nát khi được mở mang đầu óc họ có thể càng dám nói dám làm hơn. Mong sao lớp trẻ của đất nước này đừng tự đóng sập tương lai đất nước bằng kiểu biết mà câm mồm nữa. Nếu tiếp tục như vậy thì đấy là hồi chuông báo tử cho đất nước này. Mong trẻ hậu sinh không phải như thế hệ đương thời này. Mong lắm.

Từ facebook Đỗ Ngà