Trong loạt phim The Sixties (Thập niên 70) của CNN vừa chiếu tuần trước, năm 1963, hai ông xướng ngôn viên khi loan tin tức Tổng thống John F. Kennedy vừa bị ám sát ở Dallas, Texas năm 1963, mà miệng vẫn phì phèo điếu thuốc lá. Ðầu thế kỷ XX, phim ảnh không hề thiếu cảnh tài tử nhả khói thuốc lá. Tiêu biểu là nữ tài tử lừng danh Marlene Dietrich, trong hầu hết cuốn phim cô có mặt, rồi Humphrey Bogart trong “Casablanca,” hoặc James Dean trong “Rebel Without a Cause.” Nghệ sĩ Việt Nam cũng không thiếu những cảnh trong các vở kịch, tuồng cải lương nhân vật vừa trình diễn vừa hút thuốc. Những người ở Saigon khoảng năm 1950-51 vẫn còn nhớ hình ảnh của Năm Châu tay cầm điếu thuốc trên bích chương quảng cáo cho vở tuồng “Vợ và Tình.”

Thuốc lá đi vào văn chương, trong thơ của Hồ Dzếnh: “Nhớ nhà châm điếu thuốc, khói huyền bay lên cây!” hay: “Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé, Ðể lòng buồn tôi dạo khắp trong sân. Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần… Tôi nói khẽ: gớm, làm sao nhớ thế!”
Vào khoảng năm 1962, ở Saigon, thi sĩ Lệ Khánh, tác giả “Em Là Gái Trời Bắt Xấu” đã đem mùi thuốc lá vào nụ hôn khi cô viết câu “Nụ hôn mùi Capstan…” thế thì chắc chắn thế gian này cũng có “nụ hôn mùi thuốc rê,” hay “nụ hôn mùi thuốc lào.”
Câu thơ năm chữ này có vẻ khuyến khích chàng cứ tiếp tục dùng Capstan “Chiếc Áo Phong Sương Tình Anh Nặng,” miễn là đừng đổi sang hút thuốc đầu lọc menthol Salem “Sao Anh Làm Em Mệt!”
Nhưng tất cả đều là dĩ vãng. Ngày nay cảnh hút thuốc trên phim ảnh, trên truyền hình không còn nữa. Thậm chí người đi xin việc cũng phải khai báo có hút thuốc hay không. Thuốc lá bị cấm hút trong công sở, siêu thị, rạp chiếu phim, ngoài công viên, thậm chí cả ngoài bãi biển. Hút thuốc bây giờ hình như là một hành động lạc hậu, không hợp thời!
Người ta tìm ra trong thuốc lá có 4,000 hoá chất, 200 loại có hại cho sức khoẻ, 40 chất gây ung thư. Một nghiên cứu quốc tế được công bố trên tạp chí y khoa uy tín The Lancet trong năm 2016, 6.4 triệu người chết vì thuốc lá, khiến thuốc lá trở thành kẻ giết người đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau bệnh tim. Cũng trong báo cáo mới của WHO, có khoảng 890,000 người chết do tiếp xúc với khói thuốc thụ động, có thể gây đột quỵ ở người lớn và hội chứng đột tử ở trẻ em cùng với nhiều nguy cơ khác.
Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, có tới hơn 80% số ca tử vong có liên quan đến thuốc lá. Việt Nam có tên trong 15 nước hút thuốc lá nhiều nhất, có 15.3 triệu người hút thuốc, tiêu xài 322 triệu đô la mỗi năm, và số người chết vì thuốc lá là 100 người mỗi ngày.
Năm hãng thuốc lá lớn bị kiện là Philip Morris, R.J. Reynolds Tabacco, Brown & Williamson Tabacco. Lorillard, Liggett. Cũng bị kiện còn có hai nhóm Kỹ nghệ Council for Tabacco Research và Viện Tabacco. Các công ty thuốc lá phải bồi thường cho chính quyền 206 tỷ đô la, từ năm 2015, để từ nay các tiểu bang sẽ không thưa kiện đòi các hãng thuốc lá trả số tiền các tiểu bang đã dùng để chữa trị cho những người bị bệnh vì hút thuốc lá.
Chuyện hút thuốc của người Việt trên đất Mỹ đương nhiên gặp khó khăn, vì không được hút thuốc trong nhà, ra vườn thì khói thuốc lá bay sang nhà khác, sẽ bị than phiền hay thưa gửi ngay. Sau mỗi bữa tiệc, hay hội họp, những người hút thuốc nháy nhau đứng dậy, “liều một đám” bước ra vườn, cùng nhau “làm một điếu!”
Thậm chí nhiều vị cao niên Việt Nam sang đến Mỹ còn ôm theo ống điếu thuốc lào, họ tuyên bố hút thuốc lá lạt lẽo, không đậm đà và không có tính dân tộc, nhưng thực tế đây là thói quen mang về từ các trại “cải tạo,” nơi mà tù nhân, trong cảnh đói triền miên, chấp nhận đổi một chén (phần) cơm lấy ba bi thuốc lào cho qua cơn ghiền:
“Nhớ ai như nhớ thuốc lào,
Ðã chôn điếu xuống, lại đào điếu lên!
Bây giờ ở Việt Nam có câu: “Hút thuốc lào là…nâng cao sĩ khí!”
Nhiều phụ nữ và trẻ em hiện nay cũng là nạn nhân của “Second hand smoke- SHS” chỉ cần hít gián tiếp khói thuốc lá cũng đủ chết. Nhất là ở Việt Nam, giáo dục về chuyện hút thuốc chưa đặt nặng và cấp bách. Ở nơi công cộng, khách đến nhà, hay người đàn ông trong gia đình vẫn còn thói quen hút thuốc ở mọi nơi.

Thế giới bỏ ra hàng tỷ đô la mỗi năm để giáo dục, ngăn cấm việc hút thuốc lá. Tổ chức Y tế thế giới tổ chức “Ngày Thế giới Không Thuốc lá,” kiểm soát trẻ em mua thuốc lá khi chưa đến tuổi, in những lời cảnh cáo về bệnh ung thư phổi và cái chết trên mỗi bao thuốc lá, tăng thuế trên mỗi bao thuốc lá, nhưng hiệu quả thì rất ít.
“Hình như họ mù chữ!” Ðó là lời một bà vợ có chồng nghiền thuốc lá nặng mà chưa bỏ được. Nhờ con thỏ thẻ với Bố: “Ba ơi! Ðừng hút thuốc!’ thì nay con đã lớn, vào đại học và đi xa cả rồi!
Nhưng nghĩ cũng buồn cười, nữ tài tử Marlene Dietrich là “con ma” thuốc lá, cô thú nhận mỗi ngày hút đến 50 điếu (chắc không thiếu rượu chè nữa) mà sống thọ đến 91 tuổi (sinh 1901, chết 1992.)
Nhiều ông bạn đến tuổi 85 rồi mà khoẻ như vâm, không cao máu, cao mỡ, đắc ý khoe với bạn: nhờ mỗi ngày hút chừng một bao “Marlboro Light.”
Vậy thì tôi biết tin ai?
(Nhân “Ngày Không Thuốc Lá” – 31 tháng 5)