Menu Close

Bóng người sinh viên chặn xe tăng ở Thiên An Môn

Tháng sáu về. Mây xưa đầy trời. Lại nhớ đến Thiên An Môn. Ðã 28 năm trôi qua. Nhớ một lần, Nguyễn đã viết: Thiên An Môn, từ sau năm 1989, đã trở thành đất thiêng của nhân dân Trung Quốc. Ðây là nơi lảng vảng những hồn ma của quá khứ. Ðây là nơi khách từ năm châu đứng lặng nhìn hoàng hôn mà còn nghe vang vọng tiếng kêu gào đau đớn và phẫn nộ của hàng ngàn sinh viên bị đàn áp trong sự biến xảy ra vào đầu tháng 6 năm 1989. Mường tượng thấy những ánh lửa trong đêm, những mái đầu gục vào nhau trong giấc ngủ chập chờn, những mối tình nở vội dưới ánh trăng trên quảng trường. Ôi, làm sao quên tháng 6. Nhà thơ Shi Tao bị bắt năm 2004 vì làm thơ tưởng niệm Thiên An Môn, đã viết: Cả đời tôi / sẽ không bao giờ qua được cái bóng của tháng sáu / tháng sáu. ôi tháng sáu…

Trong cái bóng của tháng sáu ấy có bóng người thanh niên áo trắng đứng chặn đoàn xe tăng của quân Trung Quốc. Sự kiện diễn ra vào ngày 5 tháng 6 năm 1989 trên đại lộ Trường An, cách quảng trường Thiên An Môn, ngay trước Tử Cấm Thành chỉ khoảng một phút đi bộ. Ðó là ngày thứ hai của đợt trấn áp đầy bạo lực của chính quyền Trung Quốc đối với những người biểu tình. Hình ảnh ghi lại và còn được lưu truyền cho tới ngày nay: Người thanh niên áo trắng tay xách túi đứng một mình ngay giữa đại lộ lớn để chặn những chiếc xe tăng đang tiến lại gần. Khi những chiếc xe tăng dừng lại thì anh ta ra dấu cho quay đầu lại. Trong khi đó chiếc xe tăng dẫn đầu lại tìm cách đi vòng qua người thanh niên để tránh anh ta và tiếp tục tiến tới. Ðáp lại, anh ta di chuyển qua lại theo chiều ngang của đại lộ để tiếp tục chặn đoàn xe. Sau khi chặn đứng đoàn xe, anh ta đã leo lên chiếc tăng đầu tiên và trao đổi với người lái.

Những điều thuật lại cuộc trao đổi này không được nhất quán: “Tại sao các anh lại đến đây? Thành phố này trở thành một đống hỗn loạn là do lỗi các anh”, “Quay đầu xe lại và ngừng ngay việc giết chết nhân dân của mình đi” và “Ra khỏi đây đi”. Những đoạn băng video cho thấy những người chứng kiến cảnh này sau đó đã đưa chàng thanh niên ra khỏi con đường và sau đó anh ta bị cuốn vào đám đông, còn những chiếc xe tăng lại tiếp tục tiến tới. Nhiều người nghi ngờ rằng những người đã đưa người đàn ông này ra khỏi đại lộ là cảnh sát nhưng mặc thường phục. Tuy nhiên điều này vẫn chưa được khẳng định. Một tờ báo của Anh đã nói rằng người đàn ông này đã bị tử hình vài ngày sau sự kiện này. Và điều này cũng chưa được khẳng định.

Có rất ít thông tin về nhân thân của chàng thanh niên. Một thời gian ngắn sau sự kiện Thiên An Môn, tờ báo Sunday Express của Anh đã gọi người này là Wang Weilin (Vương Duy Lâm), một sinh viên 19 tuổi, bị buộc tội là “côn đồ chính trị” và “ra sức chống phá Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc”. Tuy nhiên, theo Trung tâm Thông tin về Nhân quyền tại Hồng Kông, nguồn tin này mâu thuẫn với tài liệu nội bộ của Ðảng Cộng sản Trung Quốc vốn cho biết họ không thể tìm ra anh ta. Một Ðảng viên Ðảng Cộng Sản Trung Quốc phát biểu: “Chúng tôi không thể tìm ra anh ta. Chúng tôi biết tên anh ta qua báo chí. Chúng tôi đã kiểm tra trên máy tính nhưng không thể tìm ra anh ta trong số những người bị chết hay bị bỏ tù.” Có nhiều giả thuyết và nhiều câu chuyện khác nhau về những gì đến với người thanh niên này sau cuộc biểu tình. Trong bài phát biểu năm 1999, Bruce Herschensohn, phụ tá cũ của Tổng thống Richard Nixon, nói rằng người này đã bị tử hình 14 ngày sau đó. Những nguồn tin khác lại cho rằng anh ta bị xử bắn dưới tay lực lượng thi hành án vài tháng sau cuộc biểu tình trên quảng trường Thiên An Môn. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1990 với Barbara Walters, Giang Trạch Dân, Tổng bí thư Ðảng Cộng sản Trung Quốc, đã nói rằng ông ta không nghĩ rằng người đàn ông này đã bị giết.

thien-an-mon
Chàng sinh viên “đối đầu” với xe tăng quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tại Thiên An Môn (năm 1989)

Có thật vậy không? Vậy tại sao không có tin tức gì về người sinh viên áo trắng đã một mình đứng chặn xe tăng Cộng Sản trên quảng trường Thiên An Môn. Người anh hùng của một thời ấy đã biến mất vào hư vô chăng? Có điều là người dân Trung Quốc cũng như chúng ta ở đây chưa ai quên bóng dáng của anh. Anh cùng với sự biến Thiên An Môn đã in bóng vào lịch sử và trí nhớ người. Tháng 4 năm 1998, tạp chí Time xếp người biểu tình vô danh này vào danh sách 100 nhân vật quan trọng nhất của thế kỷ 20. Và năm 2004, một trong những bức ảnh chụp cảnh chắn xe tăng được xếp vào danh sách “100 bức ảnh làm thay đổi thế giới” của tạp chí Life.

Không. Không thể nào quên được bóng dáng người thanh niên áo trắng một mình đương đầu với bạo lực. Nó quá lẫm liệt, quá đẹp như một hình ảnh của sử thi mãi mãi vẫn còn in dấu.

TN Tổng hợp