
Chuyến xe đi chầm chậm trong đêm tối, lúc ấy hẳn là 2 giờ sáng. Tôi giật mình tỉnh giấc và nheo mắt qua cửa kính để tìm những bảng hiệu hai bên đường xem mình đang ở đâu. Huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, mở bản đồ ra xem thì biết được còn khoảng 30 km nữa sẽ đến Hà Tiên. Con đường nhỏ, hai bên đường giờ đây là những hồ nuôi tôm ngập ánh đèn, là những nhành dương liễu phất phơ trong gió sớm, là những người Kiên Lương tụ tập chợ sớm.
Ai xả rác?
Gần 3 giờ sáng, chúng tôi đến bến xe Hà Tiên, về khách sạn nghỉ ngơi vài tiếng đồng hồ và bắt đầu cuộc tìm kiếm nơi đây.
Tìm gì đây, thực sự là chúng tôi cũng chưa biết tìm gì. Tính ông xã tôi vốn ưa xê dịch, mà tôi cũng vậy, chỉ cần một tháng dài ngồi nhà thì chẳng thể làm được chuyện gì ngoài chuyện uống cà phê, đọc sách một cách mệt mỏi rồi lại ra vườn chăm rau, rồi lại vào nhà nấu cơm, đưa đón con đi học, dạy nó ba điều bốn chuyện chẳng đâu vào đâu… Rồi lại dắt díu nhau cả nhà đi chu du. Lần này thì Hà Tiên, Kiên Giang, bãi biển sình lầy thoai thoải và xác tôm cá, nghêu sò ốc hến chết trải thảm, rồi rác đầy bãi tắm lại réo gọi chúng tôi.
Nhưng nói đúng hơn thì con người hiền hòa, nghèo khổ nhưng hiếu khách và có chút gì đó thảm thương ở đây đã khiến chúng tôi chọn ở lại lâu hơn những chỗ khác. Sáng đầu tiên, ăn sáng xong, tôi tìm một chiếc xe ôm để rời Hà Tiên đi xuống Mũi Con Cọp, nơi có hải sản chết, may mắn gặp được một chú xe ôm nhiệt tình:
-Chú ơi, ở đây gần bãi nghêu chết không?
-Ði dọc theo bờ biển khoảng 20 km là đến à. Bữa nay bên bãi ông Cọp còn chết nhiều lắm!
-Vậy nhờ chú chở giùm con đến đó.

Xe thong dong chạy trên con đường rộng khoảng 5 m, đường nhỏ, chỉ đủ để một xe chạy, và khi gặp xe ngược chiều, cả hai bác tài sẽ nhường nhau một xíu để xe kia qua. Một bên đường là những mái nhà lô nhô lợp mái tôn, một bên là bãi biển Hà Tiên, thỉnh thoảng một vài cây xoài vươn mình ra cho trái. Có đi ban ngày tôi mới hiểu được tại sao xe khách đi đoạn đường 300km mà chạy từ 4 giờ chiều hôm trước mãi đến tận 3 giờ sáng hôm sau mới đến nơi.
Ði đường được khoảng 5 km, tôi nhờ chú xe ôm dừng lại để xuống biển quan sát. Ở đây cơ hồ là rác, rác ngút ngàn, rác đủ các chủng loại, từ rác y tế cho đến rác điện tử, rác kinh tế, rác giáo dục, rác văn nghệ, rác nhân chủng học, rác triết học đều có mặt, cả một bờ biển dài rác và rác.
Cũng xin nói thêm, rác y tế thì gồm ống tiêm, bình truyền đạm, các loại bao bị chứa thiết bị y tế phế thải; rác điện tử thì nhiều nhất, từ các phụ tùng điện tử bị hỏng cho đến các đồ vật điện tử đều có mặt, nằm rải rác, vương vất khắp bờ biển. Rác giáo dục là bàn học, các loại dép giày (tôi gọi là rác giáo dục bởi hầu hết các loại này bị vất ra biển như vậy là vì vấn đề giáo dục bị hỏng, nếu giáo dục không hỏng thì không có rác này trên biển). Rác văn nghệ thì chủ yếu các hộp đựng thức ăn, vỏ lon bia, chai đựng rượu và một vài thứ gì đó giống như thơ ca đang bị bỏ rơi trên bãi biển. Rác nhân chủng học thì hơi tế nhị, tôi xin miễn bàn, chỉ riêng rác triết học thì sang trọng và tốt vời, bởi nó nằm riêng một cõi, không đụng chạm tới ai và cũng không ai dám đụng chạm tới nó, cho dù nó là rác, bởi một khi mở nó ra, người ta không chịu đựng nổi cái mùi của nó. Nhờ vậy mà nó nằm riêng một cõi tốt vời, quý phái của rác triết học. Một thứ triết học mà nhân loại đã quẳng vào thùng rác lịch sử từ lâu, nhưng ở xứ này nó tràn đầy bãi biển với các loại thủy sản chết phơi mình mà nó vẫn tỉnh bơ tuyên bố là biển đã sạch.

-Bãi biển này bị nhiễm bẩn, bị phủ rác bao lâu rồi chú?
-Mới đây thôi, chừng ba năm nay, trước đây nó là một bãi tắm rất đẹp, nhưng không hiểu rác ở đâu cứ dạt vào, phần khác thì mấy ông bà đi tắm biển cứ mang thức ăn ra bãi biển ngồi nhậu rồi xả ra đầy ngoài bãi.
-Sao chính quyền không can thiệp, không cấm họ xả rác hả chú?
-Cô nghĩ sao mà nói can thiệp với cấm. Cô nghĩ đi, dân lao động ở đây làm cật lực mỗi ngày kiếm được trăm ngàn, cao nhất cũng trăm hai, trăm tư ngàn đồng, tiền ăn còn không có lấy đâu ra biển tắm rồi nhậu nhẹt. Toàn dân đại gia, dân có tiền, quan chức ra tắm cả thôi! Mà họ ra tắm, họ xả thì chính quyền cấp xã thấy họ thì lo tránh chứ dám đâu mà cấm! Ở đây còn khổ lắm, tụi con nít bỏ học đi bán vé số đầy ra đó thôi. Cô thấy mấy đứa nhỏ bán vé số không? Tụi nó bỏ học hết rồi!

Những bước chân dép lê
Nghe đến đây, tôi chụp vội vài tấm hình về rác và quyết định quay lên chỗ bến phà, nơi mà theo ông xe ôm nói là các nhóm trẻ em bỏ học đi bán vé số tụ tập ở đây khá đông.
Từ Mũi Con Cọp đến bến phà Hà Tiên, nơi có tàu đi ra đảo Phú Quốc, đoạn đường dài chừng 15 kilomet. Ở Hà Tiên, có thể nói là số người đi bán vé số nhiều không kém Sài Gòn, chỉ thua Tây Ninh và Lào Cai một chút, bởi Tây Ninh và Lào Cai là hai tỉnh có nhiều người bán vé số không kể xiết (mà theo phỏng đoán của tôi là do Lào Cai có Ðền Trần, Ðền Mẫu, hoạt động ốp đồng, ban lộc thường xuyên và Tây Ninh có Tòa Thánh Tây Ninh, nơi cầu cơ, chấp bút diễn ra thường xuyên nên người ta cầu lộc bằng cách mua vé số, do vậy mà người bán vé số phát triển một cách bất thường) được ba năm nay rồi.
Ðến bến phà Hà Tiên, lúc này người chờ phà, chờ tàu đi Phú Quốc cũng đã vãn, chỉ có mấy đứa trẻ bán vé số còn quanh quẩn mời khách, tôi hỏi một đứa nhỏ sau khi mua mấy tờ vé số:
-Con học lớp mấy rồi?
-Dạ con nghỉ học rồi, nghỉ ba năm nay, đi bán vé số phụ cha mẹ, nhà con nghèo lắm!
-Nhà con ở đâu?
-Dạ con không có nhà, ba mẹ con thuê nhà trọ mấy năm nay, hồi trước ba mẹ con sống với ông bà nội bên Ðồng Tháp, sau này ông bà nội nghèo quá bán nhà chữa bệnh, ba mẹ con phải lên đây thuê nhà trọ ở. Ba con đi đánh cá thuê, mẹ con bán vé số, em trai con bị bệnh tim, cần tiền để mổ, con phải nghỉ học để bán vé số giúp ba mẹ.
-Phòng trọ con ở đâu? Dắt cô về được không?
-Dạ được, nhưng cô phải hứa là cô không phạt ba mẹ con vì để con đi bán vé số!
-Là sao, cô lấy quyền gì mà phạt con?
– Dạ con sợ cô là công an, cô hỏi rồi tới phạt, cứ bảo bắt trẻ em đi lao động sớm, bóc lột sức lao động trẻ con gì đó rồi phạt ba mẹ của con. Phạt như vậy ba mẹ con mất tiền, tội cho ba mẹ của con lắm!
-Không đâu, cô là khách du lịch, cô chỉ muốn tới thăm cho biết hoàn cảnh của con, biết đâu cô có thể giúp gì đó cho con được đi học chẳng hạn!
Cậu bé dắt tôi về phòng trọ, lúc này gần 12 giờ trưa…

UC