Nguyễn Quang Chơn, bạn của các nhà thơ, họa sĩ và anh em văn nghệ khắp nơi, đã viết những câu thơ đơn giản nhưng gây xúc động khi loan tin buồn về Phạm Ngọc Lư:
Vậy là anh ra đi
lúc mười tám giờ năm lăm phút ngày thứ sáu 26.5.2017…
Thế là Phạm Ngọc Lư không còn nữa. Trên trang báo này, Nguyễn & bạn hữu đã một lần viết về Phạm Ngọc Lư và cầu chúc ông sớm bình phục. Một điều an ủi cho Phạm Ngọc Lư là ông được bạn bè thương mến và quý trọng. Nhiều anh em đã tìm đến thăm Lư khi ông nằm ở bệnh viện ung bướu Đà Nẵng. Đỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Quang Chơn, Lãm Thúy, Viêm Tịnh, Du Tử Lê,… Nhiều lắm, người viết ở xa không biết hết được. Đặc biệt có ca sĩ Thu Vàng chẳng những đến thăm Lư mà còn hát cho Lư nghe để an ủi và xoa dịu nỗi đau trong ông. Thật không gì quý bằng.
Bây giờ không còn Phạm Ngọc Lư trên đời này nữa. Nhưng thác là thể phách còn là tinh anh. Còn tác phẩm của Lư ở lại lâu dài cùng nhật nguyệt.
Sau đây xin trích gởi đến bạn đọc một số những bài viết của bạn bè thân hữu tiễn đưa Phạm Ngọc Lư. Phần lớn những bài ở đây là từ Blog Phạm Cao Hoàng. Xin cảm ơn nhà thơ.
NGUYỄN & BẠN HỮU
Vĩnh biệt nhà thơ Phạm Ngọc Lư
Vậy là anh ra đi
lúc mười tám giờ năm lăm phút ngày thứ sáu 26.5.2017…
Sáng nay em đến thăm anh
Mang hoa ưu đàm ngàn năm mới nở để cầu cho anh một sự bình an
Anh nhìn em vui mừng mỉm cười
rồi phều phào nói mệt
Và đàm tràn lên khí quản, anh thở bằng oxy mà vẫn nặng nề
Thấy anh mệt, em khuyên anh chợp mắt ngủ ngon
Anh gật đầu cầm tay em siết chặt rồi nhắm mắt dưỡng thần
Em se sẽ bước đi
Gởi thư báo tin bè bạn
Ai cũng reply mong PNL qua cơn biến nạn…
Chừ anh nằm đó bình yên
như ngủ
Anh ngủ giấc ngàn năm quên “biên cương hành” bi tráng, quên “ngập ngừng sông núi“, quên cõi mộng “phù dung“, để ngày kia chị đưa anh về “trở lại bến Tam giang“… (*)
Thôi anh ngủ yên
Hôm nay trời mưa, gió mát
“Cố lý hành“, thôi nhé “biệt cố nhân“!… (*). NGUYỄN QUANG CHƠN –
Đà Nẵng, 26.5.2017
(*) những chữ in nghiêng là tựa đề thơ PNL
Nhà thơ sẽ được đưa về mai táng tại quê nhà Phú Vang, Thừa Thiên, Huế, ngày 31.5.2017
Về thăm Phạm Ngọc Lư
Ta về thăm Phạm Ngọc Lư
Thấy trong tao ngộ dường như bẽ bàng
Ðường chiều mưa ướt lối sang
Tâm tư trĩu nặng như ngàn cân treo
Duyên Thơ , tình cũng ít nhiều
Xót lòng ngó dáng Anh tiều tụy sao!
Hồn không ai dập mà đau
Tâm nào có ai vùi đâu, nát nhừ!
Siết tay nhau , nói giã từ
Mà lòng thắt thẻo buồn như cuối cùng!
Trời mưa qua suối, qua rừng
Qua đèo qua dốc rưng rưng nỗi niềm
Chút gì ứ nghẹn trong tim
Nguyện cầu còn được gặp thêm đôi lần!
Khi về dạ cứ tần ngần
Lẽ nào đầu bạc thi nhân chẳng chờ? LÃM THÚY – Đà Nẵng, 2016

Phạm Ngọc Lư, một đời tài hoa
Năm 1970 tôi được thuyên chuyển về dạy học ở Tuy Hòa. Ðây là khoảng thời gian tôi có dịp rong chơi với Phạm Ngọc Lư. Phạm Ngọc Lư quê ở Huế, sau khi tốt nghiệp sư Phạm Qui Nhơn vào năm 1967 anh được phân công về dạy ở Tuy Hòa. Anh thuê chỗ trọ ở đường Nguyễn Huệ và ăn cơm tháng ở tiệm ăn Mỵ Châu Thành. Chỗ anh ở trọ chỉ cách nhà tôi một con đường, chiều nào anh cũng ghé nhà tôi chơi, thân đến mức như người trong nhà. Vì lý do nào đó mà năm ba hôm không thấy anh đến là cha tôi lại hỏi: “Mấy bữa nay sao không thấy Lư ghé chơi?” Sau năm 1975, gia đình tôi tan tác, anh em mỗi người một phương, sau này gặp lại nhau bên Mỹ, mỗi khi nhắc lại bạn bè cũ ở Tuy Hòa, các anh của tôi vẫn nhắc đến Lư. Lư hiền lành, ít nói, và hơi bất cần đời. Anh có biệt tài thổi sáo và rất giỏi chữ Hán vì trước khi vào sư phạm anh học ở Viện Hán Học Huế. Truyện và thơ của anh đều hay, với lối viết sắc sảo, cô đọng và chặt chẽ; đặc biệt trước 1975 truyện của anh xuất hiện đều đặn trên tạp chí Văn ở Sài Gòn – điều mà các cây bút trẻ dạo ấy không dễ gì có được. Cũng như Y Uyên, Bùi Ðăng, Mang Viên Long, anh có thời gian dạy học ở vùng nông thôn Phú Yên, trực tiếp chứng kiến những cảnh tượng hãi hùng của chiến tranh. Anh luôn ưu tư về tình hình đất nước và phần lớn các sáng tác của anh đều có nội dung tố cáo và lên án tội ác của chiến tranh. Tôi chính thức tham gia vào sinh hoạt văn học nghệ thuật ở Tuy Hòa từ năm 1970 đến 1972, trong khoảng thời gian đó ngoài Phạm Ngọc Lư tôi thường gặp các anh Trần Huiền Ân, Ðỗ Chu Thăng, Mang Viên Long và điều trùng hợp ngẫu nhiên là tất cả đều là giáo chức. Sau năm 1975, vì nhiều lý do khác nhau tất cả đều không còn làm nghề dạy học. Mỗi khi nghĩ đến chuyện các anh không còn đi dạy tôi không khỏi chạnh lòng vì tôi biết rõ các anh rất yêu nghề dạy học. Các anh rơi vào cảnh lỡ thợ lỡ thầy. Trần Huiền Ân chuyển qua làm nghề vẽ pa-nô và bảng hiệu, Ðỗ Chu Thăng về quê ở Hòa Mỹ làm ruộng, Mang Viên Long về quê ở Bình Ðịnh làm nghề sửa ổ khóa, còn Phạm Ngọc Lư lưu lạc vào Long Khánh, ngồi ở ngoài chợ bán dừa, bắt đầu đoạn đời lận đận lao đao từ đó. Khi tạp chí Thư Quán Bản Thảo do Trần Hoài Thư và Phạm Văn Nhàn chủ trương ra đời, Phạm Ngọc Lư viết khá đều và gửi bài cộng tác – chủ yếu là thơ, những bài thơ rất buồn, nhưng chỉ một thời gian sau thì anh tuyên bố ngừng viết. Một số email anh gửi tôi cách đây 5 năm cho thấy anh đang trải qua những ngày tháng vô cùng khó khăn, không còn tha thiết gì đến văn chương, nhưng không nói rõ khó khăn gì mà tôi thì không tiện hỏi. Trên các diễn đàn văn học, bài vở cộng tác của anh thưa thớt dần rồi không thấy nữa. Chiều nay tin từ gia đình và bạn bè ngoài Ðà Nẵng cho biết sau hơn một năm chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, anh đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 7 giờ kém 5 tối Thứ Sáu, 26.5.2017, tại Ðà Nẵng. Một đời tài hoa rồi cũng đến lúc phải dừng lại. Cầu mong linh hồn người bạn thơ sớm yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng. PHẠM CAO HOÀNG – Virginia, 26.5.2017
(Bài đã đăng trên Thư Quán Bản Thảo số số 70 chủ đề Phạm Ngọc Lư tháng 6.2016.
Sửa chữa bổ sung ngày Phạm Ngọc Lư qua đời 26.5.2017)
Phạm Ngọc Lư, người vẫn giữ lửa cho nền văn học miền Nam
Ðỗ Trường viết trên Văn Việt:
Từ độ “đất trời dị biệt, gió mây bất đồng“ thì nền văn học miền Nam bị khai tử. Và tròn bốn mươi năm, tưởng chừng nó cũng đã chìm vào lãng quên. Nhưng nhìn lại, dường như dòng văn học ấy vẫn nảy nở, âm thầm chảy trong lòng đất Việt…
Nếu được phép đi tìm những khuôn mặt cho văn học miền Nam còn ở lại trong nước, chắc chắn thi sĩ tôi nghĩ đến trước nhất phải là Phạm Ngọc Lư. Tuy viết không nhiều, nhưng cốt cách Con Người cũng như hồn vía văn thơ của ông trong một cái xã hội dối trá lọc lừa, không phải ai cũng giữ được.
Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn đất nước không có một ngày bình yên, do vậy Phạm Ngọc Lư thấm được nỗi đau và sự mất mát trong chiến tranh và nỗi thống khổ sau cuộc chiến. Là nhà giáo, không phải cầm súng nơi chiến trường, nhưng với ngòi bút của mình, người thi sĩ trẻ ấy đã bóc trần sự thật của chiến tranh. Có thể nói, Biên Cương Hành là một trong những bài thơ hay nhất viết về chiến tranh, không chỉ của thi ca miền Nam, mà cho cả nền thi ca đất Việt.
Sau biến cố 30- 4- 1975, thì giá trị đạo đức, giá trị con người bị đảo lộn tùng phèo. Nền văn học miền Nam chính thức bị khai tử, nạn đốt sách, truy bức, tù tội các nhà văn một cách dã man và tàn bạo. Phải sống trong một xã hội nhơ nhuốc, bóp chặt bao tử, lấy miếng ăn làm thước đo nhân phẩm và cai trị con người như vậy, giữ được nhân cách biết còn lại bao người?
Tuy nhiên, khi đọc và nghiên cứu Phạm Ngọc Lư, tôi thấy bóng dáng và chí khí kẻ sĩ bất phục trước danh vọng, tiền tài và quyền lực của nhà thơ Hữu Loan ở trong ông. Ðề Thơ Trước Mộ Thanh Xuân là một bài thơ hay, được Phạm Ngọc Lư viết gần đây. Nó như một lời tự sự và những chiêm nghiệm nhân tình thế thái về chính cuộc đời của thi sĩ đã trải qua. Chúng ta đọc đoạn trích dưới đây để thấy được cái khí khái và con người thi sĩ Phạm Ngọc Lư :
“Có người bảo ta ngu
Không thèm ăn thóc nhà Chu
Bỏ về quê ăn cỏ
Có kẻ khoái ta ương gàn càn rỡ
Dám chê rượu nhà Tần
Thứ rượu cung đình của phường hiển vinh quý tộc
Tuổi mới ba mươi
Có ai ngờ ta uống hèn nuốt nhục
Lấy giẻ rách che tai
Cắm chông gai rào miệng
Nhặt nhạnh gia tư ít đồ tế nhuyễn
Trèo lên xe trâu
Lui về quê kiểng
Mài răng gặm nhấm cái thanh bần…”
Phạm Ngọc Lư
ĐỖ TRƯỜNG
NGUYỄN & BẠN HỮU