Ðể nhớ Huỳnh Hữu Cầu, Vĩnh Cảnh, Ðặng Ngọc Hồ,
Bửu Thụ, Tôn Thất Cẩn…những bạn bè, kẻ còn, người mất!
Mùa hè năm 1954 sau khi hiệp định Geneve được ký kết, người Pháp lên tàu về nước, ngôi trường Khải Ðịnh ở Huế, nguyên người Pháp khi trở lại Việt Nam, sử dụng như một đồn binh, được giao lại cho phía Quốc Gia. Chúng tôi là những học sinh vừa xong niên học Ðệ Tứ tại cơ sở Việt Anh, đầu đường Hoàng Hoa Thám, sau này là trường Trung Học Nguyễn Tri Phương, phấn khởi tiếp thu, đồn lính Tây, quét dọn để trương bảng Trung Học Khải Ðịnh, chỉ dành cho các lớp Trung Học Ðệ Nhị Cấp, trong khi các lớp em út, từ Ðệ Thất đến Ðệ Tứ còn ngồi lại chỗ cũ.
Ðể tiết kiệm ngân khoản cho việc chỉnh trang lại ngôi trường, Giáo sư Nguyễn Văn Hai, năm đó là Hiệu trưởng Trường Khải Ðịnh, phát động phong trào kêu gọi học sinh vào mùa hè tình nguyện đến làm vệ sinh và quét vôi các lớp học. Sau đó để tưởng thưởng cho các học sinh đã vất vả suốt mấy tuần lễ, thầy can thiệp với toà Lãnh Sự Mỹ ở Huế và cơ quan USOM, dành cho chúng tôi một chuyến máy bay C.47 đi Saigon, ăn ở tự túc, khi nào muốn về lại Huế thì đến USOM xin vé máy bay.

Bạn đọc cũng hiểu cho niềm hãnh diện và sự nô nức của chúng tôi, trước chuyện được đi Saigon. Không dễ dàng như các bạn ở miền Nam, Saigon đối với chúng tôi, những cậu học sinh mới lớn của một tỉnh miền Trung xa xôi, vẫn là một điều gì đó cao sang, lộng lẫy như câu chuyện trong mơ, không bao giờ với tới. Từ những năm Ðệ Ngũ, tập tễnh làm văn chương, chúng tôi chỉ biết được Saigon qua hình ảnh của những tấm carte-postale và những tuần báo văn nghệ như Ðời Mới, Thẩm Mỹ…mỗi trưa thứ Năm đã đến Huế bằng những chuyến bay Air Vietnam, có mặt ngay sau đó trên sạp báo của nhà sách Bình Minh trước cửa chợ Ðông Ba.
Tôi không có bà con, anh em gì ở Saigon chỉ có địa chỉ một thằng bạn hồi học Ðệ Ngũ, đổi vào học Saigon, ở nhà ông chú, nhưng nghe được đi xa, thì cũng đi liều. Ðến Saigon, xe bus USOM đổ ở đường Tú Xương, tôi với Bửu Thụ thuê xe xích lô máy về thẳng địa chỉ nhà ông chú Huỳnh Hữu Cầu ở đường Bùi Quang Chiêu, thường được gọi bằng cái tên “Hẻm Cá Hấp,” gần chợ Bến Thành.
Hương vị của Saigon
Ấn tượng đầu tiên của tôi, một thiếu niên mới lớn, với Saigon, khi ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhứt là nhà cửa, đường sá, xe cộ, to lớn, rộn rịp, khác xa hẳn với thành phố Huế của tôi, nghèo nàn và êm ả. Dần dần, ngấm vào hồn là đèn xanh đèn đỏ và âm thanh của tiếng xích lô máy nổ giòn giã vào những đêm khuya. Và mùi của Saigon, đó là mùi xăng nhớt trong khói xe, và mùi mỡ dầu ngọt ngào từ những quán ăn đủ loại bên đường.
Bữa ăn đầu tiên người bạn đãi tôi là một dĩa cơm sườn nướng mỡ mòng vàng tươm, điểm mấy lát dưa leo, cà chua và một lá rau xà lách, kèm theo một ly đá lạnh. Ðây là lần đầu trong đời, tôi được “sở hữu” một miếng sườn heo như hôm nay, và ngạc nhiên cũng lần đầu biết đến cái ly cối trà đá, một đặc điểm của Saigon bình dân trong quán xá hay trong bữa cơm gia đình.
Ông chú bạn tôi là một thương gia chủ mấy chiếc xe đò chạy đường Banmethuot-Saigon, trong nhà thợ thầy, người làm công và cả khách đi xe vào ra tấp nập. Ðến bữa ăn, tôi cũng tự nhiên gia nhập ngồi vào bàn ăn với mọi người, không người nào thắc mắc về sự có mặt của tôi, và trong bàn ăn, ngoài bạn tôi, tôi cũng chẳng biết ai. Tôi cho đó là đặc điểm “dễ dãi” của người Nam Bộ nói chung, và Saigon nói riêng, khác hẳn với phong cách của Bắc và Trung Kỳ.
Trời Saigon lúc ấy vào mùa Hè, và hình như suốt 12 tháng, tháng nào của Saigon cũng là mùa Hè, chúng tôi trải chiếu và ngủ trên sân thượng của ngôi nhà, với bầu trời đầy sao. Bên kia đường Calmette là Dancing Văn Cảnh với đèn màu nhấp nháy, ánh sáng thay đổi chiếu loang loáng đến chỗ chúng tôi nằm, đêm nào cũng nghe tiếng nhạc vũ trường xập xình và tiếng trompette the thé cho tới nửa đêm. Sau nửa đêm khi đèn tắt, tiếng nhạc ngưng, thì dưới đường phố, tiếng nổ giòn giã của những chiếc “xích lô máy” lại nghe rõ mồn một trong đêm.

Trên đường đi cùng bạn tôi ngạc nhiên nhận ra Saigon sao có nhiều người ăn xin, ăn mặc rất tươm tất, mặc áo quần trắng, có khi đội nón “feutre,” chặn đường chúng tôi, chắc là vì bản mặt ngây thơ, để ngửa tay xin “Cậu cho đồng bạc ăn cơm!” Nếu tôi sốt sắng móc túi cho thanh niên kia một đồng, thì tôi sẽ được nài nỉ: “Xin cậu thêm một đồng mua tờ báo lót lưng ngủ đêm nay!” Tôi thương hại định móc túi, thì thằng bạn vội vã kéo tay tôi đi và chửi tôi: “Ðồ ngu! Ðừng đem tâm hồn Huế của mi mà áp dụng nơi này!”
Xe nước mía Viễn Ðông, và những chiếc khay nhôm “phá lấu” để trên cái chân xếp bằng gỗ bên lề đường Bonard là những cái gì quá đỗi lạ lùng với một thiếu niên ở tận “ngoài nước Huế” rất đỗi nhà quê, vào Saigon lần đầu. Tôi được thằng bạn kéo lại chú ba Tàu bán “phá lấu,” hỏi tôi muốn ăn gì, gan, mề gà, tim, lá sách hay ruột heo. Thằng con trai Huế như tôi, chưa bao giờ phơi bày sự ăn uống của mình ra giữa đường sá, chỗ đông người qua lại như hôm nay.
Người bán lấy một cái tăm tre, ghim vô miếng mề gà, quệt lên trên đó một ít tương đỏ và đưa cho tôi, tôi ngần ngại cầm lấy miếng “phá lấu,” ngập ngừng đưa lên miệng, trong khi con mắt thì láo liên nhìn quanh để xem có ai quen đang nhìn mình và thấy mình đang đứng ăn phá lấu ở góc đường Bonard- Pasteur không?
Cũng lần đầu tiên trong đời, gã thiếu niên 17 tuổi từ Huế vào, được uống một ly nước mía ngọt ngào với những miếng nước đá nhỏ của tiệm Viễn Ðông ở góc đường này.
Ở một tỉnh nhỏ miền Trung với cái “kiểu cách đặc biệt, cổ kính của xứ Huế, cái ăn, cái mặc luôn luôn được giấu kín, không bao giờ được phơi bày ra trước mắt thiên hạ như quang cảnh hôm nay tôi thấy ở Saigon. Phải ba năm sau, xe nước mía mới hiện diện trên đường Trần Hưng Ðạo, Huế và cái khay “phá lấu” luôn luôn là một nét đặc biệt của Saigon- Cholon.
Ly nước mía, ly trà đá, và cà phê đá phải chăng cũng là một đặc điểm của Saigon, một xứ nhiệt đới. Saigon, mà những người không nhà có thể ngủ qua đêm trên ghế đá công viên, ở vỉa hè hay trước những cửa tiệm đã đóng cửa.
Có thể nói Saigon là một thành phố không ngủ, với tiếng còi xe, tiếng động của các loại động cơ của các loại xe máy, xe xích lô, xe lambretta. Ánh sáng hình như chưa bao giờ tắt với “Saigon ngọn xanh, ngọn đỏ…” nhấp nháy ở mỗi đầu đường.
HP