Chị đau xót quá, ngực đầy ứ như thể sắp sửa vỡ tung nếu chị không la hét để cơn giận thoát khỏi lồng ngực. Cảm giác uất nghẹn đau đớn theo đuổi chị mãi từ lúc người hàng xóm tốt bụng kéo chị ra góc vườn mà thì thào. Bà cụ tóc bạc phơ, chân tay run rẩy nên đi đứng khó khăn. Bà ấy thân thiết với gia đình và quen thuộc với chị từ thủa chị còn học tiểu học. Hàng xóm láng giềng suốt mấy chục năm qua.
Hôm ấy chị về thăm nhà, thăm ông bố tuổi đã bát tuần như thường lệ. Chị ra vườn thơ thẩn ngắm nhìn gốc sồi già mà bồi hồi nhớ đến những ngày thơ ấu, lớn lên trong góc vườn ấy, căn nhà ấy. Qua hàng rào, bà cụ quơ tay vẫy rối rít. Lấy làm lạ chị mở cửa vườn bước qua vườn hàng xóm.
Bà hàng xóm nhỏ giọng như sợ ai khác nghe thấy:
– Hôm nọ, tôi thấy C. xô dúi ông bố cô xuống đất. Mấy hôm sau tôi hỏi thăm về vết bầm trên mặt thì ông cụ nói tránh là đụng vào cánh cửa. Cô tìm hiểu xem sao…
Chị lặng người, hụt hẫng trước mẩu tin khó tưởng. C là chồng người quản gia, bà S., mà chị hết lòng tin cậy. Chị mượn người chăm nom ông bố từ mấy năm nay khi ông cụ yếu dần và không thể tự chăm sóc. Chị muốn đưa ông cụ về sống với mình để tiện bề săn sóc gần chục năm nay. Mời mọc biết bao lần mà ông bố chị từ chối dọn nhà, lần nào cũng thế. Ông cụ biểu rằng ông chỉ muốn chết trong căn nhà đầy kỷ niệm ấy. Thuyết phục ông bố mãi không xong, chị đành thuê mượn người. Bà S. là người chị tìm kiếm và lựa chọn mãi, sạch sẽ, vén khéo và chu đáo. Mấy lần chị về thăm, ông cụ xem ra được săn sóc cẩn thận, quần áo sạch sẽ, nhà cửa gọn gàng như thể mẹ chị vẫn còn quanh đấy. Và chị yên lòng, vài ba tháng về thăm nhà một lần.

Có lần chị bắt gặp vài vết bầm tím trên thân thể người cha, ông cụ lần nào cũng bảo rằng vấp vào đồ đạc, té ngã… Những lý do khả tín nên chị không nghĩ ngợi nữa. Nhưng lần này thì chị không thể tin vào đôi tai mình, mẩu tin ông bố bị người làm hành hạ khiến chị nghẹt thở vì bàng hoàng, đau xót. Không biết “họ” đánh đập ông bao nhiêu lần và từ lúc nào? Tại sao ông cụ chẳng bao giờ nói cho chị biết? Hẳn là những kẻ hung ác kia đã hăm dọa ông cụ? Cả chục câu hỏi dồn dập hiện lên trong trí óc… Rồi chị ứa nước mắt thương xót ông bố, lòng đầy ứ những căm giận.
Chị là luật sư, đang làm thẩm phán, cầm cân nảy mực tại một tiểu bang cách quê nhà 600 dặm đường. Ngoài công đường, chị ngồi ghế quan tòa, xét xử, kêu án tù tội phạm để bảo vệ công chúng mà không bảo vệ được người cha gầy gò ốm yếu của mình. Sao lại ra nông nỗi này?!
Sau mấy cú điện thoại thu xếp công việc tại sở làm, chị sẽ vắng mặt ít nhất cả tuần nữa để ở lại đây chăm nom ông bố. Việc đầu tiên là đưa ông cụ đi khám bệnh. Ông bác sĩ gia đình nhẹ nhàng trách móc, sao không thấy ông cụ đi khám bệnh thường niên cả mấy năm nay… Tấm hình quang tuyến phổi cho thấy vết gãy đã cũ của hai rẻ xương sườn bên trái. Không biết ông cụ té ngã hay bị bạo hành? Lòng chị đau rát như bị muối xát.
Chị xem xét giấy tờ, kiểm điểm tiền bạc. Chữ ký nguệch ngoạc trên mấy tấm chi phiếu không thể nào là chữ ký của ông cụ. Ra ngân hàng thì chị vỡ lẽ. Ông cụ đã ký giấy cho phép người quản gia sử dụng trương mục và ký chi phiếu. Mấy trương mục của ông cụ gần như hết sạch. Hộp sắt ký thác tại ngân hàng trước đây đầy những món kỷ niệm; nữ trang của bà mẹ, những món gia bảo truyền tay từ thời ông bà cố nội ngoại… cũng mất dấu. Hộp sắt trống trơn. Ông cụ đã đến đây nhiều lần như sổ sách ghi chép.
Chị nhớ như in cái mề đay bằng bạch kim đính mấy hạt lam ngọc của bà nội. Bà nội con nhà khá giả nên về nhà chồng với rất nhiều nữ trang quý giá. Bà nội nhiều lần bảo sẽ cho chị những món gia bảo ấy vì chị là đứa cháu duy nhất. Khôn lớn và thành danh, chẳng mấy khi chị nghĩ đến di sản của gia tộc. Chị bận rộn với nghề nghiệp tên tuổi của mình, chị đang thăng tiến trong công danh. Bây giờ chiếc mề đay bạch kim nọ chẳng còn dấu vết… Chị nhớ đến bà nội quá vãng và những ngày thơ êm đềm. Cái gốc tưởng như đã đứt lìa nhưng sợi rễ mỏng manh kịp giữ chị lại, sợi rễ nối liền chị với dòng tộc. Chị trách mình ỷ y, nhẹ dạ, hời hợt. Những ý tưởng chạy lộn xộn trong tâm trí, chị bắt gặp lúc mình ngây thơ như hồi còn đi học, lại có lúc khúc chiết, rõ ràng như quan tòa gõ búa phán quyết.
Chị làm món ăn trưa giản dị cho hai cha con. Ngồi dưới gốc cây sồi, ông cụ hỏi khi nào chị về lại nhiệm sở vì dường như lần này chị ở lại thăm lâu hơn. Rõ ràng là chuyến viếng thăm này chị đã ở thêm cả hai ngày, lại đưa cụ đi khám bệnh. Bố chị đang lo rằng chị lỡ công việc. Giọng ông cụ nhẫn nhục chịu đựng làm chị muốn khóc. Thì ra ông cụ vẫn mạch lạc, minh mẫn; chỉ có cái thân thể kia chịu thời gian làm cho bạc nhược.
Chị nhẹ nhàng dẫn câu chuyện sang hướng khác. Chị hỏi thăm về bà S., về ông C.
Ông bố ngần ngại:
-Bà ấy vẫn đến hàng ngày, chỉ trừ lúc con về thăm. C. thỉnh thoảng ghé qua…
Nghe tên C. thì lòng chị quặn thắt, lại sôi sục căm giận:
– C. đến đây bao nhiêu lần?
– Bố không nhớ rõ!
– Có khi nào C. hay S. làm phiền bố không?
Giọng ông cụ thoảng như gió, nhuốm chút sợ hãi:
– Không, không!
Ðã đến lúc chị cần nói với cha mình về những ý tưởng trong đầu, về những điều chị đã rõ. Sự thương xót khiến chị nghẹn lời:
-Bố ạ, C. đã có lần hành hung bố. Bà B. hàng xóm chứng kiến và đã bảo cho con biết.
Biết không thể giấu giếm nữa, ông cụ nghẹn ngào:
-Bố sợ nó làm hại con. C. nói sẽ giết con, giết bố nếu bố nói cho bất cứ ai về những cái bạt tai, cú đấm…, về tiền bạc. Một mình bố chịu đựng được, rồi nó cũng qua.
Chị bật khóc trong bàng hoàng, đau đớn. Ông cụ sợ hãi quá nên quên rằng chị là luật sư, chỉ cần ít bằng cớ là C. đi tù về tội hành hung, tội sang đoạt tài sản… Sự bạc nhược của thân xác khiến ông cụ không còn cứng cỏi, tự tin như ngày trước. Ôi, cha tôi! Nước mắt chị chảy thành dòng.
Ông cụ xoa nhẹ trên vai chị an ủi, vỗ về:
-Không sao, con à, không sao!
Chị ngẩng mặt quả quyết:
– C. và S. sẽ không đến đây nữa, sẽ không có ai đánh đập đe dọa bố nữa. Nếu họ đến gần bố, sẽ bị cảnh sát bắt giữ.
Chị nói thêm, rất nhiều những điều về luật pháp. Ông cụ kiên nhẫn ngồi nghe cho đến khi chị dừng lời để thở, nhắc nhở chị một thực tại:
– Nhưng con sẽ không có mặt ở đây!
Chị thở dài nhìn nhận và đưa ra đề nghị khác. Ðề nghị ông cụ vào nhà an dưỡng trong thành phố nếu không muốn dọn về sống với chị và gia đình…
Dù đã nghỉ việc, bà S. vẫn lảng vảng trước nhà, lấy cớ muốn thăm ông cụ. Chị mời vào nhà và đặt thẳng vấn đề. Chị nói cho người quản gia cũ rằng chị biết rất rõ là vợ chồng bà ấy đã đánh đập ông cụ ra sao, đã lần hồi thu góp tài sản của gia đình chị qua các món “quà” từ ông cụ… và chị nói rằng đã tha thứ cho họ nhưng từ đây không được đến gần ông cụ nữa. Chị đã có án lệnh của tòa án, restraint order, cấm ông C., bà S và thân nhân đến gần ông bố chị. Chị trao cho bà S. một phụ bản của án tòa.
Mấy ngày trước khi rời thành phố tuổi nhỏ, chị đưa ông bố vào nhà an dưỡng. Ông cụ không muốn rời thành phố nơi ông sinh trưởng, lập gia đình và sống gần hết đời. Ý tưởng phải xa lìa không khí quen thuộc này làm ông sợ hãi và “chỉ muốn chết”. Chị tôn trọng quyết định của ông cụ. Ông cụ không còn tự chăm sóc được nữa, lại không muốn rời thành phố, nhà an dưỡng ít ra có những người khác, và chị có thể đặt máy thu hình trong phòng. Thăm viếng, nói chuyện với ông cụ qua màn hình xem ra dễ dàng hơn. Ôi chao thời điện tử. Máy móc làm giúp con người một số công việc, kể cả thăm nom cha mẹ, người thân!?
Không đoan chắc rằng mình đã làm đúng, chị băn khoăn rồi tự an ủi, đây là điều tốt đẹp nhất mà ta có thể làm được để bớt cắn rứt và để tha thứ cho mình.
TTL