Menu Close

Luận tội tổng thống

Cuộc điều trần của cựu giám đốc FBI James Comey trước Uỷ ban Tình báo Thượng viện tại quốc hội hôm Thứ Năm tuần qua là sự kiện thời sự nổi bật và ồn ào nhất, làm lu mờ tất cả các sự kiện quan trọng khác, kể cả kết quả cuộc bầu cử đã phần nào làm đảo lộn hiện tình chính trị tại Anh Quốc trong thời gian tới. Tuy nhiên, kết quả cuộc điều trần trên cũng không đưa ra thêm một chi tiết bất ngờ nào khác, là vì tất cả các chi tiết quan trọng liên quan đến vụ sa thải James Comey đều đã được báo chí nói đến từ mấy tuần trước đó.

luan-toi-tong-thong2
Hơn 1.1 triệu người ký kiến nghị ủng hộ luận tội Tổng thống Trump nguồn Democracy Now

Cuộc điều trần trên là lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng kể từ khi Comey bị Tổng thống Trump sa thải. Các nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ muốn biết vụ việc sa thải Comey có phải là do Tổng thống Trump cố tình làm trì trệ công cuộc điều tra của FBI về những lời cáo buộc rằng chính phủ Nga đã tìm cách can thiệp trong cuộc bầu cử Tổng thống 2016. Và nếu Comey nói rằng có thì các nhà lập pháp Cộng hoà muốn biết tại sao Comey không chịu lên tiếng trước đó.

Tuy nhiên, có một chi tiết quan trọng được ông Comey kể lại là trong một lần họp tại Tòa Bạch Ốc, sau cuộc họp, Tổng thống Trump đã yêu cầu mọi người – trong đó có Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions và cố vấn Jared Kushner – ra ngoài để Tổng thống chỉ gặp riêng James Comey. Trong câu chuyện, qua lời kể của ông Comey, Tổng thống Trump có nói nguyên văn: “Tôi hy vọng ông có thể bỏ qua cuộc điều tra này.” (I hope you can let it go.) – tức cuộc điều tra về sự liên hệ giữa cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn và một số giới chức ngoại giao Nga.

Câu nói trên của Tổng thống đã được người ta chú ý và mổ xẻ nhiều nhất là hai chữ “I hope”, và tuỳ theo quan điểm của mỗi người, có thể hiểu đó như một lời yêu cầu, một gợi ý, hay hơn nữa, là một lời ra lệnh. Nếu như có đủ bằng chứng cho thấy Tổng thống Trump cố tình làm trì trệ cuộc điều tra của FBI thì đây được xem như một hành động cản trở công lý và như vậy sẽ có đủ lý do để đưa tới một tiến trình luận tội và sau đó có thể truất phế Tổng thống tại quốc hội.

luan-toi-tong-thong3
James Comey điều trần tại quốc hội – nguồn News Club

Từ ngay sau vụ sa thải Comey, đã có một số nhân vật thuộc đảng Dân chủ lên tiếng đòi luận tội Tổng thống, và mới đây nhất, chỉ hai ngày trước cuộc điều trần, dân biểu Al Green thuộc tiểu bang Texas đã chính thức nộp bản cáo trạng để luận tội (articles of impeachment) Tổng thống Trump. Trong cuộc thăm dò gần đây của tờ báo mạng Politico, có khoảng 43 phần trăm người được hỏi ủng hộ tiến trình luận tội. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia về luật pháp, tiến trình luận tội Tổng thống ngay lúc này đây khó có thể xảy ra vì hai lý do: thứ nhất, người ta không có đủ bằng chứng buộc tội; và thứ hai, hiện nay đảng Cộng hoà đang kiểm soát cả thượng viện lẫn hạ viện.

Những việc làm của Tổng thống Trump, từ cuộc gặp riêng tới vụ sa thải Comey trong khi cuộc điều tra nghi án Nga đang tiến hành, được nhiều người cho là hành vi thiếu hợp lý. Tuy nhiên, dưới khía cạnh luật pháp, đó không hẳn là những bằng chứng đủ mạnh để buộc tội. Trump không phải là vị Tổng thống đầu tiên tỏ thái độ không hài lòng với cuộc điều tra bởi Bộ tư pháp. Cựu Tổng thống Bill Clinton trước đây cũng đã từng tỏ rõ thái độ không hài lòng với cuộc điều tra về chính phủ của ông dưới quyền của Bộ trưởng tư pháp lúc đó là Janet Reno. Do đó, không có gì ngạc nhiên nếu ông Trump muốn thấy cuộc điều tra được chấm dứt. Ðây chỉ nên được xem như là ý kiến riêng của một cá nhân, cho dù cá nhân đó là một tổng thống.

Tại toà án, tội cản trở công lý được định nghĩa là hành động trực tiếp tìm cách gây cản trở tiến trình điều tra của một cơ quan tư pháp. Nếu trong trường hợp phía công tố có thể giải thích được trước toà để được xúc tiến vụ án thì họ vẫn cần phải chứng minh rằng ông Trump đã tìm cách lũng đoạn để làm ảnh hưởng đến cuộc điều tra. Việc Trump nói với Comey rằng ông Michael Flynn là “một người tốt,” và rằng ông hy vọng Comey có thể hủy bỏ cuộc điều tra thì cũng không thể lấy đó như một hành động cố tình, và nếu được đưa trình bày trước toà án thì thường là sẽ bị quan toà bác bỏ.

luan-toi-tong-thong1
Quang cảnh xử án luận tội Tổng thống Andrew Johnson tại thượng viện 1868 nguôn The History Place

Trong lịch sử nước Mỹ có ba vị Tổng thống từng là đối tượng để bị luận tội tại quốc hội, trong đó có hai vị đã bị buộc tội tại hạ viện là Bill Clinton năm 1998 và Andrew Johnson năm 1868. Cả hai đều thuộc đảng Dân chủ và đã không bị thượng viện kết tội trong những vụ xử án sau đó.

Trong khi đó, Richard Nixon thuộc đảng Cộng hào cũng bị đòi đưa ra luận tội năm 1974 sau vụ đổ bể Watergate, nhưng đã từ chức trước khi hạ viện bỏ phiếu buộc tội ông.

Clinton bị buộc tội với lý do khai man và cản trở công lý qua cuộc điều tra về vụ ngoại tình giữa ông và cô Monica Lewinsky, một sinh viên thực tập tại Toà Bạch ốc lúc đó. Lúc đầu Clinton phủ nhận mối quan hệ nhưng sau đó đã nhìn nhận vì phía công tố trưng ra được chứng cớ ông đã để lại “dấu tình” trên chiếc váy của cô Lewinsky.

Trong trường hợp của Johnson, 11 bản cáo trạng luận tội được thông qua ở hạ viện sau khi các chính sách tái thiết miền Nam của ông sau cuộc nội chiến đã làm nhiều nhà lập pháp Cộng hoà tại quốc hội tức giận. Một lý do khác nữa, ông bị cáo buộc là đã không theo đúng luật khi sa thải Bộ trưởng Chiến tranh Edwin Stanton, một người thường hay chỉ trích các chính sách của ông.

Giả sử trong trường hợp quốc hội có đủ lý do để xúc tiến thủ tục buộc tội Tổng thống Trump thì chuyện gì sẽ xảy ra? Trước hết, đây là một tiến trình hết sức nhiêu khê và gay go, và như đã nói ở trên, từ trước tới nay chỉ có ba vị Tổng thống là đối tượng của tiến trình buộc tội này và chưa một vị tổng thống nào từng bị truất phế.

Hiến pháp Hoa Kỳ cho phép quốc hội được quyền truất phế tổng thống trước khi nhiệm kỳ chấm dứt nếu như các nhà lập pháp hội đủ số phiếu xác định tổng thống đã phạm tội “phản quốc, hối lộ, hoặc những tội đại hình và tiểu hình khác.”

Theo đúng thủ tục, trước tiên, hạ viện quốc hội sẽ bỏ phiếu trên một hay nhiều cáo trạng buộc tội. Nếu có ít nhất một cáo trạng nhận đủ đa số phiếu thì vị tổng thống đó sẽ chính thức bị buộc tội. (Trong cả hai trường hợp của Nixon và Clinton, Uỷ ban Tư pháp Hạ viện được xem xét vụ việc trước khi cho tiến hành.)

luan-toi-tong-thong
Quang cảnh luận tội cựu Tổng Thống Bill Clinton tại Thượng viện Mỹ ngày 12/2/1999 nguồn: famous-trials.com

Kế đến, tiến trình vụ việc được đưa lên thượng viện, tại đây vụ xử án diễn ra dưới sự giám sát của vị Chánh thẩm Tối cao pháp viện (chief justice).

Một nhóm các nhà lập pháp của hạ viện sẽ đóng vai là những công tố viên. Phía tổng thống cũng có một nhóm luật sư biện hộ riêng, và tất cả các thượng nghị sĩ làm công việc của bồi thẩm đoàn.

Nếu có đủ ít nhất hai phần ba số thượng nghị sĩ bỏ phiếu kết tội tổng thống thì vị tổng thống này sẽ bị truất phế và phó tổng thống lên thay thế để điều hành quốc gia.

Hiện nay vẫn chưa có một tiêu chuẩn rõ rệt nào trong tiến trình xử án tổng thống. Thay vào đó, thượng viện trước hết cho thông qua một nghị quyết đặt ra những bước cần thiết trong thủ tục xử án.

Ví dụ trong trường hợp của Clinton, điều lệ được đặt ra là bên công tố Cộng hoà có 4 ngày để trình bày việc buộc tội, theo sau là 4 ngày để các luật sư của tổng thống có cơ hội biện hộ. Ngoài ra, thủ tục của vụ xử án này còn giới hạn số nhân chứng và thời gian cho các lời cung khai làm cho công việc buộc tội của phía công tố còn khó khăn hơn gấp bội so với những vụ xử án tại các toà án dân sự.

Ông Bill Clinton bị buộc tội bởi một quốc hội mà đảng đối lập kiểm soát cả hạ viện lẫn thượng viện. Trong trường hợp của ông Donald Trump, đảng của ông hiện đang kiểm soát cả hai viện và nếu nhìn từ góc độ chính trị thì việc buộc tội Tổng thống Trump là điều hoàn toàn bất khả.

VH