Menu Close

Mộng dưới… mưa

Sài Gòn vào hè, mưa ròng mưa rã y như ba mùa còn lại. Nghe bên này nhà người ta khoe soạn đồ đi biển để ăn BBQ thịt rừng, bên kia người ta khoe đang trên núi ăn… sea food! Giận lắm mà đâu dám nói, một mình tôi lầm lũi ngồi bên cửa sổ, đếm người trôi dưới màn mưa mà buồn ơi là buồn. Mỗi khi tôi buồn thì dĩ nhiên là tôi muốn cả thế giới không dzui. Nên hôm nay tôi lại kể chuyện buồn…

mong-duoi-mua1
Tất cả rồi sẽ biến mất dưới mưa trong giấc mộng Singapore của… tôi – Hình cũng của tôi

Thật ra là buồn cho… dzui thôi chứ cũng bị nghiện cảm giác ngồi trong phòng, ngó xuống cửa sổ nhìn những con mưa chạy tới tạt vô mặt người ta lắm. Tính ra tánh đó cũng hơi kỳ. Nhưng mà cái cảm giác coi dòng người ngoài kia vội vã gom đồ đạc, vội vã rồ ga, vội vã chạy không kịp với những con mưa nó lạ lắm. Rồi đèn đỏ, rồi kẹt xe. Những chiếc áo mưa mỏng dày đủ màu sắc rất đẹp, con mắt nhỏ xíu mà chứa đủ màu sắc của cả thế giới. Màu của Sài Gòn, màu của cuộc đời mình, màu của những phận người. Rồi bên cạnh những bình yên sẽ có đụng xe, có chửi lộn, đập lộn dưới mưa. Người ta hung hăng đánh nhau trước công an phường, các chú công an ngồi trong nhìn ra lắc đầu ngao ngán, rồi đủng đỉnh thủng thẳng đi ra giải tán. Các quán nhậu, cà phê vì mưa mà càng lúc càng nhộn nhịp người… đụt mưa. Không hiểu sao nhiều khi tôi cứ ước, những hạt rớt từ trời xuống không phải là nước mà là chất độc, chạm vào ai người đó lập tức biến mất. Vậy là sau mỗi cơn mưa thì thành phố sẽ mất một số lượng lớn con người con vật. Còn những người ở trong nhà, trong xe, như mình, sẽ đếm và đăng lên mạng xã hội số người biến mất trước mặt. Cho tới một ngày, mắc mưa… ồ, tới lúc tôi mắc mưa, dĩ nhiên cơn mưa đó sẽ bình thường. Vì tôi nghĩ ra cái đề tài xinh xắn này mà!+

mong-duoi-mua7
Một tấc cũng đập Hình từ Zingnews

“Ðời từ muôn thuở tiếng mưa có vui bao giờ…”

Hầu như các nhà văn/nhạc/viết sỉ (và lẻ) đều có suy nghĩ… lệch lạc như vậy! Riết rồi cái suy nghĩ đó nó cũng nhiễm vào sâu tận đáy lòng hầu hết nam phụ lão ấu (ít nhất là quanh tôi). Ðiển hình là cứ 10 chàng trai/cô gái nhắn tin cho tôi, hỏi đang làm gì, tôi trả lời ngắm mưa. Thì hết 9 chàng/nàng: “buồn ha?”, còn lại một người thì ngay tắp lự “update” thời tiết bên nớ đang nắng đẹp. Rồi ví dụ nhắn tin bâng quơ hỏi 10 người câu hỏi: “Anh/chị có thích mưa không?”, dĩ nhiên là có người thích người không nhưng đa số sẽ kèm theo hai chữ định mệnh “mưa buồn”. Nhiều khi tôi tự hỏi, không biết có phải chàng/nàng vừa “start up” một gánh bán hàng rong hay không mà cứ mưa là đòi… buồn! Nói đến chuyện bán hàng rong, tôi lại nhớ một chuyện… buồn. Nỗi buồn này cũng “vi diệu” như nỗi buồn dưới cơn mưa của tôi vậy!

Chuyện là, hổm ngồi ăn bột chiên lề đường, hỏi chị giám đốc… gánh hàng rong:

– Mưa quài há chị? Buồn không chị?

Bả ngồi ghế cao chân thòng chân vắt nói giọng sang sảng:

– Buồn gì nổi, năm ngoái giờ ổng có ngưng mưa đâu. Giờ chỉ ngán ngập với mấy cha dẹp dzỉa hè thôi! Bà chủ cho thuê chỗ này nói mốt phải tốn thêm mớ để đóng “phí mặt tiền”! Bán bữa đực bữa cái không biết sao!!

mong-duoi-mua6
Cho người dân??? – Chụp từ bản tin

Tôi tò mò:

– Chị thuê lại chỗ này hả hay được bà chủ cho bán?

– Thuê mà giá tượng trưng thôi, bán lâu năm rồi bả cũng thương. Chứ chỗ này mướn chắc cũng mấy triệu một tháng, đâu phải ngày nào cũng đắt. Có khi ba mẹ con ăn bột chiên trừ cơm riết ớn, đem đổi với mấy bà bán đồ xung quanh, mấy bả thấy mình cũng lơ luôn! Trăm người bán vạn người mua cưng ơi…

Nghe chỉ nói rồi ngồi ngẫm nghĩ thấy “cư dân mạng” hồi hổm ngồi cãi nhau vì một “Singapore tương lai” mà tự nhiên tôi không nhịn được cười sằng sặc. Quá trời người vì bênh anh “phá chủ tịch” vì “đại nghĩa diệt thân”, dẹp luôn các trụ sở phường lấn chiếm bậy mà tạo biết bao nhiêu là mục bút chiến. Cái lý do “Chính quyền dọn vỉa hè cho người đi bộ” trở nên lố lăng y như cái môi tô son đỏ chóe trên mặt một chàng hotboy 6 múi vậy!

mong-duoi-mua5
Giấy phép sử dụng TẠM THỜI vỉa hè – hình từ facebook nhân vật

Sau chiến dịch “giải cứu vỉa hè”, khắp nơi đập đập phá phá kèm theo lời tuyên bố hùng hồn của ông “phá chủ tịch” Ðoàn Ngọc Hải: “Nếu không lấy lại được vỉa hè CHO NGƯỜI DÂN tôi sẽ cởi áo về vườn”. Thì chính tay ông Ðoàn Ngọc Hải ký “Giấy phép sử dụng tạm vỉa hè” 12.000vnd x m2/tháng kèm vạch sơn vàng 25000vnd đồng 1 mét cũng do “chính chủ” nhà chi trả. Tiếp theo, hình như thấy những điều CHO NGƯỜI DÂN còn quá ít, Sở Giao Thông Vận Tải đã “đề xuất” cho người dân buôn bán thuê lại vỉa hè để thu phí. Mức phí cho thuê được đóng khung, in đậm đăng lên khắp các mặt báo: quận 1 giá 100,000 đồng/m2/tháng, quận 3 sẽ là 80,000 đồng/m2/tháng, quận 5 là 50,000 đồng/m2/tháng, quận 4 và quận Bình Thạnh là 30,000 đồng/m2/tháng, quận 6 và Tân Bình là 25,000 đồng/m2/tháng, quận 10 là 45,000 đồng/m2/tháng, quận 11 là 35,000 đồng/m2/tháng, quận Phú Nhuận là 40,000 đồng/m2/tháng… Nói là “đề xuất” nhưng ai cũng hiểu cái “bảng giá” kia coi như thay cho lời thông báo!

Là người nghiêm túc với nỗi buồn của người khác, sau khi nhận thấy ánh nhìn kỳ thị của chị giám đốc quán bột chiên đối với vẻ mặt hớn hở của mình tôi im lặng suy tính coi ai buồn nhất trong chuyện này ngoài tầng lớp sống giữa vỉa hè bấy lâu nay (vì tầng lớp này quá nhiều và cũng quá nhiều người đề cập). Ðể coi…

mong-duoi-mua4
Tranh thủ ngủ trước khi bị thu phí! – Hình facebook Dat Vu

Ðầu tiên xin giới thiệu một góc nhìn của người trong “kẹt”. Một chủ quán cà phê có mặt bằng ở mặt tiền:

“Với dự thảo thu phí sử dụng vỉa hè như vầy, các bạn biết ai là người phản đối đầu tiên không? Ðó là lực lượng quản lý đô thị. Các anh sẽ là những người buồn nhất nếu luật thu phí này được thông qua. Thay vì trước đây mỗi tháng các hàng quán phải nộp “tờ rơi quảng cáo” cho các anh đô thị mà vẫn nơm nớp lo sợ bị xử phạt, thì bây giờ họ đường đường chính chính nộp phí cho ngân sách nhà nước. Giá cả rõ ràng, không lo bị phạt. Về luật thu phí, đúng sai về mặt pháp lý còn phải tranh luận nhiều. Nhưng trước mắt thấy có lợi là thay vì đóng phí… chìm, thì bây giờ đóng phí nổi. P/S: à quên, một thanh niên vừa bị “phạt” 2tr5 cho biết!” – Từ facebook Nguyễn Việt Thắng

Vậy là “một bộ phận không nhỏ” trong guồng máy nhà nước sẽ cảm thấy không vui vì chuyện này nhưng vẫn phải “cắn răng chịu đựng” rồi. Vì cái gì không định giá sẽ là vô giá. Vô giá cũng có nghĩa là vô số giá. Cho nên xưa giờ không ai lạ gì chuyện:

mong-duoi-mua3
Thành phần “nồng cốt” góp phần lớn vào “ngân sách quốc gia” Hình từ báo CAND

– “Ngày xửa ngày xưa”, mỗi lần trước các đợt xuống đường thực hiện chiến dịch “dẹp lấn chiếm vỉa hè, giải tỏa lòng lề đường” những người chủ quán ăn, quán cà phê “chịu chi” sẽ được “bật xi nhan” trước (bằng cách gọi điện, thông báo…) với điều kiện là họ đã đóng phí giữ chỗ từ trước. Cái phí này nó cũng mơ hồ như lượng nước của những cơn mưa Sài Gòn chợt đến chợt đi vậy. Khi thì là vài chục ngàn đồng mua gói thuốc, vài trăm ngàn đồng ăn tô hủ tiếu, vài triệu đồng uống chai bia vỉa hè… Xem mặt đặt tiền. Rất truyền thống! Người không chịu đóng thì sẽ bị tịch thu bàn, ghế, dù, kệ và những mặt hàng đang bán (có thể là đồ ăn, quần áo…) đang nằm trên “tài sản chung của toàn dân” mang tên vỉa hè. Dĩ nhiên khách của họ cũng sẽ bị tịch thu bằng cách hoảng sợ mà bỏ của chạy lấy người. Sau đó, một là chủ nhân lên phường “chuộc” với một mức phí mơ hồ nào đó hoặc “thà là bỏ đi hết ta làm lại từ đầu” chứ lấy về cũng không xài được… Dân Sài Gòn ai xui lắm mới không chứng kiến cảnh mua hàng rong hoặc đi chợ “chồm hổm” thấy người bán ngó trước nhìn sau như ăn trộm rồi gom đồ bỏ chạy không thèm lấy tiền.

Túm lại, kế bên những lo lắng của những người nghèo, buôn gánh bán bưng thì các ông/bà chủ của một cửa tiệm thì cái phí kia có vẻ dễ chấp nhận hơn, như ý kiến của anh chàng ở trên.

mong-duoi-mua2
Những khách hàng “tiềm năng” của Sở Giao Thông Vận Tải Hình từ facebook Tam Huynh

Tiếp theo, những người tôi luôn tò mò về suy nghĩ của họ là những người chủ của các căn nhà mặt tiền. Ai cũng biết, muốn mua một cái căn nhà mặt tiền ở Sài Gòn không phải là vấn đề “vừa và nhỏ” chút nào! Vừa phải tranh chấp với các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn bất động sản khổng lồ muốn thu tóm hầu hết mặt tiền đẹp trên thành phố, vừa phải vượt qua nỗi sợ với tờ giấy sổ hồng có tên: “Quyền Sử Dụng Ðất” (chứ không phải “Quyền Sở Hữu Ðất”). Thì nhà ở mặt tiền sẽ mắc gấp vài lần đến vài chục lần nhà trong hẻm. Nhà mặt tiền “hẻm xe hơi” mắc gấp nhiều lần nhà mặt tiền hẻm xe ba bánh, nhà ở hẻm mặt tiền xe ba bánh cũng sẽ mắc hơn nhiều lần nhà hẻm mặt tiền xe xích lô, xe hủ tiếu gõ… Chưa kể mặt tiền có vỉa hè cũng mắc hơn mặt tiền không vỉa hè, mặt tiền đường lớn quận trung tâm sẽ mắc gấp vài lần đến vài chục vài trăm lần mặt tiền một quận “chim kêu vượn hú” ngoại thành! Khi mua nhà có nghĩa là người chủ nhà đã mua luôn mặt tiền, mua luôn cái “tài sản chung của toàn dân” ở trước mặt tiền nhà mình. Khi cho thuê lại, họ cũng sẽ dựa vào đó mà định giá. Nghĩ coi, một ngày đẹp trời nào đó, mặt tiền thông thoáng trước mặt nhà mình, buồn nên để cho… vui không thèm cho thuê nhưng vì có người trả tiền cho nhà nước cái họ được sử dụng. Chủ nhà sẽ có cảm giác gì?

Tiếp theo, những người tôi quan tâm là những người trực tiếp “định giá” vỉa hè. Vì bên cạnh những hàng quán cố định dễ dàng bị “thuần phục” thì “đội quân” sống dưới vỉa hè đa số là những người bán hàng rong. Ðã nói hàng rong thì dĩ nhiên không phải đứng một chỗ rồi! Ða số rày đây mai đó, buổi sáng bán chỗ này buổi chiều bán chỗ khác. Khi nắng bán chỗ này khi mưa bán chỗ khác. Nơi họ bán cũng tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng với mặt hàng họ đang bán. Tính ra mỗi nơi họ đi qua rồi ngừng lại, mỗi chỗ tạm tính là một mét vuông, một ngày họ đi 100 chỗ thì mỗi tháng họ sẽ phải đóng số tiền cho 100 mét vuông. Chỉ cần mỗi người ở Sở Giao Thông Vận Tải đi theo một người hàng rong thì mỗi tháng ngân sách nhà nước mập lên vô kể. Nhưng như vậy thì Sở Giao Thông Vận Tải sẽ… thiếu nhân lực trầm trọng. Và thị dân sẽ… đói trầm trọng vì hàng rong bốc hơi như những con người biến mất dưới mưa như giả tưởng trong trí tưởng tượng của tôi ở trên!

mong-duoi-mua
“Bảng giá” mới – Chụp từ báo tuổi trẻ

Cuối cùng, điều tôi quan tâm trên hết là mức phí cho những đồng chí Cảnh Sát Giao Thông mỗi lần đứng “thi hành nhiệm vụ” bên vỉa hè, lòng lề đường. Trong khi người người nhà nhà đều phải chấp hành quy định của pháp luật thì người trong bộ máy pháp luật cũng phải làm gương chớ hả?

Còn nữa, theo thông cáo trên thì mốt xe hơi sẽ được đậu dưới lòng đường và cũng tính phí như với… hàng rong. Với mức thu phí mỗi chỗ để xe từ 20,000vnd thì hổng chừng không lâu sau Sài Gòn cũng sạch bóng… xe hơi vì người ta đi Uber, Grab hết rồi, vừa tiện vừa rẻ hơn. Cảnh Sát Giao Thông có thể.. đổi nghề cũng nên!

Ngồi trước màn mưa miên man nhìn đôi mắt hình viên đạn của chị bột chiên. Tôi có quyền hy vọng một Singapore sạch bóng hàng rong, sạch sẽ xe hơi và người đi bộ, cảnh sát giao thông, rồi khi có luật cấm xe máy thì chúng ta sẽ kiến nghị nhà nước cho thuê luôn lòng đường. Người người bán cháo lòng, hủ tiếu, khoai lang, bột chiên, nhà nhà nộp đơn vào Sở Giao Thông Vận Tải làm giám sát, nộp đơn vào Uber, Grab làm tài xế… Dân và quan đồng lòng canh me nhau, thế giới đại đồng, Sài Gòn hòa bình thịnh vượng. Thật đáng ước ao…

DU