Tháng Sáu này, chuyên mục Kiến Thức Trẻ đã xuất hiện trên Trẻ vừa tròn 15 năm. Thay cho lời tâm tình cùng sự cảm ơn những đón nhận và khích lệ mà độc giả đã dành cho chuyên mục trong 15 năm qua, chúng tôi xin đăng tải bài phỏng vấn người phụ trách chuyên mục do nhà văn Lương Thư Trung thực hiện dưới bút hiệu Hai Trầu. Cuộc trao đổi này được trích từ tác phẩm “Người đọc và người viết” do anh thực hiện với một số văn nghệ sĩ, nhà báo tại hải ngoại và sẽ được phát hành trong năm nay. Xin mời quý độc giả cùng theo dõi.

Hai Trầu thực hiện
Kỳ 2 và hết
Hai Trầu: Vâng, tôi đồng ý với bạn “Nhà báo chỉ hiện diện như một nhân vật trần thuật” và “họ thường là bóng mờ sau lưng các bài báo, hiếm khi đăng đàn để bày tỏ suy nghĩ hay công việc thật sự của mình.” Nhưng những gì bạn viết trong khoảng 700 bài báo trong hơn 15 năm qua với một phương pháp làm việc rất nghiêm nhặt mà bạn tự đặt ra và luôn tự nhủ mình phải theo đúng phương cách ấy đã là một tấm gương kiên nhẫn, một công trình tâm huyết của một tác giả trẻ rất mẫu mực rồi! Thế cho nên, tôi nghĩ in sách là cách hay nhứt để giữ gìn những suy nghĩ và công sức mà bạn đã bỏ ra để mang “Kiến Thức Trẻ” làm quà cho mọi giới người đọc.

Giờ tôi xin lướt qua một chút về vài khía cạnh tiêu biểu của mục “Kiến Thức Trẻ” của bạn. Trước hết về hình thức, dường như bài nào của bạn trong mục “Kiến Thức Trẻ” cũng khúc chiết, giản dị, gọn gàng mà đầy đủ, chữ dùng của bạn không quá kêu, không quá mới, và cũng không quá lạ; cách ngắt câu bằng những dấu chấm, dấu phết, hoặc dấu chấm phết, dấu chấm than… bạn đặt chỗ nào đúng vào vị trí chỗ nấy trong câu, nên không làm cho người đọc khó chịu vì những cách chấm phết cải cách bây giờ nên họ rất yên tâm đọc từng hàng chữ của bạn trong thích thú để vừa biết thêm những kiến thức mới mà cũng để học hỏi nữa! Mặc dù tác giả các bài báo không hiện diện trong nội dung các bài viết như bạn vừa chia sẻ, nhưng chính cách viết ấy đã là một sự hiện diện rất dễ thương của một tác giả trẻ có lòng như bạn rồi còn gì!

Bạn Ðinh Yên Thảo,
Kể từ những ngày tôi mới bắt đầu làm quen với tạp chí Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng và nhóm Ô Thước, tôi được biết bạn là một chuyên viên điện toán và làm việc trong ngành khoa học kỹ thuật, sao bạn lại viết văn rất nhuần nhuyễn và trôi chảy như vậy? Vốn Việt văn này bạn học ở trường hay do trau dồi qua sách vở?
Ðinh Yên Thảo: Ví von tí giữa việc viết và ca hát với anh cho vui. Em nghĩ một người được huấn luyện trường lớp chưa hẳn sẽ ca hay hơn người có giọng ca trời cho, cũng như không phải cứ giáo sư văn chương thì văn chương sẽ hấp dẫn hơn học trò của mình. Ca hát hay văn chương có những yếu tố và con đường hơi khác biệt như vậy. Dù vậy chúng ta cũng cần hiểu rằng, một khi đã có chút khả năng hay một cơ duyên khởi đầu thì cho dù ca sĩ hay người cầm bút cũng phải trau dồi, học hỏi để có được một nền tảng hay sâu rộng hơn về cái nghề (hay nghiệp) của mình. Như em đã trả lời bên trên, còn viết báo thì mình còn phải đọc và học nhiều, từ kiến thức trong các lãnh vực khác nhau cho đến cú pháp, ngữ nghĩa Việt văn. Thật ra em là một người đã và vẫn đang làm việc trong lãnh vực kỹ thuật cho đến nay, viết báo chỉ là một “cái nghiệp” vô tình vướng phải (cười). Không biết có phải vì gộp chung tính chất nghề nghiệp kỹ thuật như sự chính xác, dữ liệu, các nghiên cứu, luận chứng, cộng thêm dăm chút văn chương của thời viết văn, làm thơ giai đoạn Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng như anh nhắc, nên thỉnh thoảng cũng có nghe được một số độc giả bày tỏ sự quý mến. Câu hỏi của anh làm em nhớ đến Giáo sư Ðàm Trung Pháp, một giáo sư đại học về văn chương và sinh ngữ trước 75 và tại đại học Hoa Kỳ vào thời ông còn ở Dallas này. Cứ mỗi lần gặp, ông đều khen các bài báo của em có câu cú rành mạch, chấm phết rõ ràng. Chắc được ông chấm trên điểm trung bình (cười), nên đó cũng là một kỷ niệm và niềm vui với riêng em.

Hai Trầu: Tôi rất đồng ý với nhận xét của bạn: “Một người được huấn luyện trường lớp chưa hẳn sẽ ca hay hơn người có giọng ca trời cho, cũng như không phải cứ giáo sư văn chương thì văn chương sẽ hấp dẫn hơn học trò của mình.” Lý thuyết hay khuôn mẫu là những mẫu mực cần nhưng chưa đủ để hấp dẫn người thưởng ngoạn mà còn cần nhiều yếu tố khác kể cả cái tài năng riêng của mỗi tác giả nữa.
Về nội dung “Kiến Thức Trẻ”, tôi có cảm nhận dường như là mọi việc đời đang xảy ra chung quanh bạn trong thời đại mà bạn đang sống đều có mặt trong các bài viết ấy.

Thành ra, ngoài nội dung bao gồm các sự kiện mang tính cách khoa học, xã hội, chính trị, tôn giáo, nhân văn rất thời sự thì khía cạnh giáo dục mới là điều bạn luôn mong mỏi các bạn trẻ nhận ra và đó mới chính là những đề tài, theo tôi, nó có một tầm quan trọng đặc biệt. Những bài viết của bạn về những mùa tựu trường, hoặc những lời phát biểu trong các bài diễn văn của các nhân vật tên tuổi trong ngành giáo dục, trong chính phủ, trong xã hội vào các buổi lễ tốt nghiệp là những bài báo mang tính giáo dục tích cực nhất. Tôi có đọc được bài viết “Bộ Trưởng Giáo Dục John B. King, Jr.”, là một bài rất hữu ích. Những gia đình Việt Nam mình lúc nào các bậc phụ huynh cũng mong muốn con em mình học hành giỏi giang, thành tài, thành nhân với đời dù ở quê nhà hay nơi xứ người. Bài viết vừa kể của bạn về Tiến sĩ John B. King, Jr chính là một gương danh nhân tiêu biểu cho con em chúng ta noi theo.
Ngoài ra, tôi thấy bạn còn có những bản dịch nữa, chẳng hạn như “Hồi ký Hỏa Lò” của John McCain”, “Vài trích đoạn – Các phát biểu lễ ra trường”… Khi dịch các tài liệu ấy bạn có gặp khó khăn nào trong cách chọn từ ngữ giữa bản gốc và bản dịch không? Lúc bấy giờ trong lòng bạn, bạn muốn dịch sát nghĩa hay dịch thoát ý?

Ðinh Yên Thảo: Thật ra Kiến Thức Trẻ có khá nhiều bài dịch thuật, phần lớn em chọn các diễn từ cổ súy giới trẻ một xu hướng công dân tích cực và tinh thần dấn thân từ những nhân vật nổi tiếng trong những mùa bãi trường hay mỗi khi bắt gặp một diễn từ hay, có ý nghĩa. Thỉnh thoảng em cũng dịch một số hồi ký hay bài viết liên quan đến chiến tranh Việt Nam trong mùa 30 tháng Tư, như hồi ký John McCain anh vừa nhắc vậy. Em muốn dịch sát nghĩa, vừa giữ đúng ý và từ ngữ của các tác giả, trong khi lại muốn đem đến cho độc giả những mạch văn có cú pháp và tâm cảm Việt gần gũi hơn, nên việc dịch cũng có mất thời gian. Có khi đang dịch, gặp vài từ trúc trắc nào đó cũng làm mình phải dừng lại suy nghĩ, tìm chữ cho thích hợp. Dịch theo phương pháp thay thế thì dễ dàng hơn vì lúc đó mình có thể dịch thoát ý và trau chuốt câu văn theo ý mình.

Hai Trầu: Cảm ơn Ðinh Yên Thảo đã bỏ thời giờ chia sẻ khá đầy đủ về mục “Kiến Thức Trẻ” trên tuần báo Trẻ và cách làm việc rất nhà nghề của bạn trong cương vị là một người viết báo chuyên nghiệp. Tôi hy vọng bộ sách về “Kiến Thức Trẻ” của bạn sẽ sớm có mặt và rất vui với nụ cười lúc nào cũng hiền như tên gọi rất “Hiền” của Ðinh Yên Thảo. Cầu chúc bạn có nhiều hứng thú để viết nhiều thêm nữa những bài trong mục “Kiến Thức Trẻ” này như một thú vui cho mình mà cũng để làm quà tặng cho bạn đọc xa gần.
Ðinh Yên Thảo: Cảm ơn anh Lương Thư Trung rất nhiều, lâu lắm mới được nghe lời khích lệ chân thành như vậy. Hy vọng em sẽ có thể tiếp tục lâu dài những đóng góp bé nhỏ của mình và in ra dăm cuốn sách tặng anh em, thân hữu giữ làm kỷ niệm.

HT