Bắt đầu từ Hà Tiên, sở dĩ câu chuyện của tôi bắt đầu từ mảnh đất này bởi ấn tượng nó để lại trong tôi quá lớn. Mọi thứ trở nên đảo lộn trong tôi. Từ xưa, tôi vẫn nghe ông bà, cha mẹ tôi kể lại rằng Hà Tiên là mảnh đất trù mật có hạng của Việt Nam, cây trái, thương nhân và con người ở đây khoáng đạt, phong cảnh thơ mộng, hữu tình, sản vật giàu có không nơi nào bằng. Hơn nữa, Hà Tiên còn có được cụm đảo Phú Quốc liền kề, chỉ cần đi hơn giờ đồng hồ ngồi tàu là đã tới. Nhưng có vẻ chỉ mới đúng có một nửa, đúng với thời của ông bà, cha mẹ chúng tôi. Bây giờ mọi sự đã đổi thay!

Phần 1
Chu du cùng xe lôi
Ðến Hà Tiên, nếu không ngồi xe lôi thì cũng hơi uổng, bởi chỉ còn duy nhất ở đất Hà Tiên có dịch vụ xe lôi và không bị cấm, thậm chí được ưu tiên. Ngược lại, tất cả các tỉnh Tây Nam Bộ khác đã cấm xe lôi từ nhiều năm trước. Cái cảm giác ngồi trên một chiếc xe thô sơ, người phía trước khom lưng đạp và xe liên tục lắc lư, lạng lách qua các con đường vừa gồ ghề vừa “cộ xe nhiều cũng nhảy bổng như hươu” (Bùi Giáng) thật là khó tả. Một cái gì đó rất mâu thuẫn trong lòng người khách du lịch. Ði để người phu xe có chén cơm, nhưng ngồi trên xe để người khác cong lưng đạp cũng gây nên cái xốn xang.

Với chi phí mỗi người 30 ngàn đồng, một xe lôi chở được từ 3 người đến 5 người, chạy vòng quanh thị xã Hà Tiên, ước chừng 5 cây số, kể ra cũng không đến nỗi quá rẻ nhưng chắc chắn là không mắc. Gia đình tôi gồm hai người lớn, hai em bé, tôi đoán là giá cước chừng 120 ngàn đồng (vì bốn người). Nhưng ông xe lôi nói là chỉ lấy 60 ngàn đồng tính phí hai người lớn. Bà xã tôi yêu cầu: “Bác cứ lấy đủ bốn người đi, vì tụi con đi máy bay người ta cũng tính bốn vé, đi xe khách thì ít nhất cũng ba vé cho ba ghế bởi em bé nhỏ không chịu ngồi riêng”.
“Không ai chơi mặc áo quá đầu vậy đâu cô ơi! Máy bay hắn dùng động cơ, vô tri vô giác, còn xe lôi dùng sức người đạp, có linh hồn, có trí tuệ và có tấm lòng. Sao cô nỡ mang chiếc máy bay kia mà so sánh với xe lôi vậy, bộ không sợ chúng tôi buồn sao?”
“Dạ không, cháu không nghĩ vậy, tụi cháu nào dám so sánh đâu bác!” – Tôi ‘gỡ gạc’ cho bà xã.
“Tôi nổ chút cho vui, cô cậu đừng phật lòng nha! Thú thực là làm nghề này mà không nổ một chút thì đời nó chai ngắt à!”.

“Bây giờ mình mua một chiếc xe lôi giá cỡ bao nhiêu và đạp bao lâu thì lấy lại vốn vậy bác?”.
“Xe này bây giờ giá tiền chỉ còn chưa đầy 20% so với trước đây, hồi xưa mua một chiếc như vậy tốn cả lượng vàng, còn bây giờ năm triệu đồng là có một chiếc tương đối tốt, bảy triệu thì có chiếc “xịn víp bờ rồ đại ca” luôn. Chạy chẳng biết hư hỏng là cái gì, chỉ có lâu lâu thay lốp, thay bi, vô nhớt, thay sên dĩa là xong. Ðạp chừng một tháng là lấy lại vốn rồi. Nhưng mà một năm chỉ đạp có sáu tháng nắng thôi, từ tháng Sáu âm lịch trở đi thì bắt đầu mùa mưa, chỉ ngồi nhà nhìn ra ngõ thôi. Nói chung cũng đủ sống chứ khó dư, vì làm 6 tháng, ăn 1 năm thì khó dư, muốn dư phải làm thêm nhiều thứ”.
“Thường thì mình làm thêm việc gì trong mùa mưa vậy bác?”.
“Nói chung thì trời sinh voi sinh cỏ thôi, làm đủ các công việc để sống. Nhưng vẫn xoay quanh cái xe lôi của mình, mùa nắng mình chở người, mùa mưa mình đổi ra cái xe lôi hàng, gắn vào xe gắn máy và đi chở đủ các loại, từ cát sạn cho tới rau củ quả, có tiền là làm, để mua gạo thôi! Chú biết đó, trong cái rủi có cái may, ví như mà Hà Tiên cũng cấm luôn xe lôi, theo phong trào từ bên An Giang, Ðồng Tháp, Cà Mau và các tỉnh khác, bên đó cấm mà mình cũng cấm nữa thì coi như đi toi. Cũng như chuyện dẹp lề đường đó, ông Hải trên quận 1 Sài Gòn làm rát, vậy là các tỉnh khác cũng thi nhau làm rát giống như phong trào vậy. Cuối cùng thì lề đường lộn xộn vô cùng, mà đáng sợ nhất là cái lộn xộn trong tâm hồn hay trong niềm tin của người dân.”

“Ngoài xe lôi, Hà Tiên còn loại xe gì và thường thì bác có chiêu nào để thu hút khách du lịch?”.
“À, ngoài xe lôi thì Hà Tiên còn xe ngựa, nhưng xe ngựa ít lắm, vài chiếc để các đại gia đi chơi với nhau chứ không có cho dân mình đi đâu. Chủ yếu vẫn là xe lôi thôi. Ở đây, chủ yếu là tôi chở đi vòng quanh thị xã Hà Tiên, qua chợ đêm Hà Tiên, ra cơ sở chế tác ngọc trai và đồi mồi, lên cầu cảng rồi quay về trả khách. Chở chừng đó cũng tốn khá nhiều calo đó nha! Mà phải có qua mấy làng nghề người ta mới thích, mới đi!”.
“Ở đây vẫn còn bán đồi mồi sao bác? Ðó là loài quốc tế cấm đánh bắt bằng mọi giá mà?”.

“Cậu nói làm sao vậy, quốc tế cấm thì ảnh hưởng gì tới Việt Nam? Ví dụ như quốc tế nhân quyền đâu có cho phép ai bóc lột hay đánh đập ai. Nhưng mà Việt Nam thì có tất, đánh đập hay bóc lột hay khủng bố đều có đủ, bởi vì quốc tế và Việt Nam, thì không liên quan với nhau mấy đâu! Ðánh rùa biển cũng vậy, loài đồi mồi, còn gọi là vich, đây là loài sắp tuyệt chủng nhưng tại Hà Tiên này, có hẳn một cửa hàng chuyên cung cấp đồi mồi vĩnh cửu, tức đồi mồi khô qua xử lý hóa học, tuy nó chết nhưng nhìn giống y hệt như thật.”
“Ở đây có ruộng đất gì không bác?”.
“Ðất thì có, nhưng chủ yếu là đất nhiễm mặn, trồng cây thốt nốt, cây đước, trên núi thì trồng tiêu. Nhưng bây giờ trồng cũng không còn như xưa nữa, sản lượng thấp lắm. Mà không phải ai cũng có đất để trồng tiêu đâu! Thời du lịch, tấc đất tấc vàng, người ta bán hết, các đại gia họ xây khách sạn, khu nghỉ mát sạch rồi, chỉ còn mấy thẻo đất chẳng ma nào dòm thì mới còn trồng tiêu. Làm biển thì chẳng đâu vào đâu. Thêm cái biển nhiễm độc, rồi rác thải khắp bờ biển nữa, thua luôn!”.

HL
Kỳ tới
Cửu Long ký sự 2