Nghe hơi lạ: Thường người ta viết văn thơ ca tụng mẹ, nhưng ít nhắc đến người cha. Không phải vì không đủ yêu thương, nhưng đó là do tính chất của người cha thường trầm lặng và nghiêm khắc, chỉ âm thầm đứng sau thực hiện mọi nỗ lực vì con nhưng lại ít khi bày tỏ tình cảm của mình.
Tác phẩm Một Bông Hồng Cho Cha của Võ Hồng là một sự bổ sung thú vị, với cách diễn đạt quen thuộc từng được nhiều người yêu mến của ông. Đây quả thật là một bông hồng mà những người làm con nhất định phải kính dâng lên cha mình để bày tỏ lòng biết ơn đối với những gian lao khó nhọc của người.

Sau đây là bài giới thiệu sách tìm thấy trên lưới. Người viết ký tên Chiêm Phong.
NGUYỄN & BẠN HỮU
Một bông hồng cho cha là một món quà tôi nhận được vào năm sáu tuổi, một quyển sách rất mỏng với cái bìa giản dị mà thật đẹp. Lúc đó tôi còn chưa đọc sõi nên thích nó cũng chỉ vì cái bìa, sau này sách in lại nhiều bìa khác nhau nhưng khi viết bài này tôi vẫn nhất định tìm cho ra bìa như sách mình có (dù rằng phải chỉnh ảnh lại rất nhiều). Cũng vì chưa đọc được nên bố đã đọc cho tôi nghe mỗi tối. Cuốn sách này đối với tôi cũng như những câu chuyện cổ tích với bao bạn nhỏ khác, vị trí quý giá như thế đấy. Hồi đó, mỗi lần nghe, tôi đều khóc. Rất nhiều năm sau khi đọc lại tôi vẫn khóc. Ðây là một trong những cuốn sách cảm động nhất mà tôi từng được đọc.
Có lẽ với đa số bạn đọc trẻ ngày nay, Võ Hồng là một cái tên xa lạ. Ông ít khi lên báo và viết cũng không nhiều, dù đời văn rất dài. Tôi không có ý định nói dông dài về ông, nhưng “Nhà văn sống mãi bằng tác phẩm, chứ không bằng giai thoại hay những… bài báo cỏn con.” (Ngô Kinh Luân), thế nên xin bỏ qua phần tác giả mà đến với tác phẩm.
Một bông hồng cho cha là một tuyển tập vài tạp bút về ông, cha, mẹ và thầy. Trong đó có hai tạp bút về cha. Võ Hồng viết bằng một giọng văn giản dị, không chút cầu kỳ, giản dị đến từng vế câu, từng hình ảnh so sánh.
Tuổi già chiếc bóng, mẹ dễ sống theo con, dâu, rể. Lúc thúc sớm hôm, chăm chút tỉ mỉ, mẹ uốn mình theo nếp sống, mềm mỏng ung dung như nước. Thường cha thì không, cha ít cam khuất phục rể dâu. Chịu sống hắt hiu, thiếu thốn, cố tránh trước cái giả bộ nặng tai của dâu, cái im lặng cố ý của rể. Mẹ biết ý nên khi nhắm mắt vĩnh biệt, mẹ thường thổn thức dặn dò: “Anh ở lại nuôi con. Gắng kiếm một người hiền lành giúp đỡ. Chớ đàn ông không chịu khổ được lâu.”
Phải, tuổi càng cao, khổ càng chồng chất, dâu rể không ăn hiếp thì có con muỗi, con kiến ăn hiếp thay. Cứ cắn, cứ chích, nạn nhân nghe đau đâu đập đấy, chớ mắt mờ đâu còn thấy rõ. Nhìn lên bầu trời đâu còn thấy chòm Bắc Ðẩu mà mới ngày nào lững thững dắt con đi trong sân cha chỉ cho con nhìn.
Ðối chiếu với cuộc đời Võ Hồng, thật dễ thấy nhiều nét giống với chuyện kể trong sách. Nhưng sao một chuyện riêng khi đọc lại đem đến nhiều đồng cảm như vậy? Những gì Võ Hồng kể đều rất quen, đọc chừng như không có gì mới, chỉ đến khi ngẫm lại mới thấy, chính vì quen quá mà đời thường ta sống chẳng mấy ai để tâm nói gì đến việc viết ra. Phải chăng chính vì nhà văn viết bằng một tấm lòng chân thành nên người đọc tìm được nhiều đồng cảm?
Thoạt nhìn, bạn có thể cảm thấy Một bông hồng cho cha không khác gì những cuốn sách ca tụng tình cảm gia đình, thầy trò người ta vẫn in bán để làm quà tặng những dịp kỷ niệm. Chúng rất khác nhau. Vì khi đọc một số trong các mẩu chuyện kia ta có thể cảm động vì một tình huống giàu cảm xúc nào đó, nhưng ở Một bông hồng cho cha, tôi đã khóc, nhưng khóc vì chính bản thân mình, bởi lẽ những gì sách viết sao mà lại gần gũi, thân quen đến vậy.

CP