NGUỒN TIN: RFA

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, cho biết: Thời gian qua, sau khi khủng hoảng giàn khoan năm 2014 xảy ra, quan hệ Việt Nam Trung Quốc đã có những cải thiện thể hiện qua những cuộc thăm viếng của lãnh đạo cấp cao hai bên. Tuy nhiên, những khúc mắc cơ bản trong quan hệ song phương vẫn còn, đặc biệt là vấn đề biển Đông. Trong hoàn cảnh đó, hoàn toàn dễ hiểu là Việt Nam tiếp tục chính sách tăng cường quan hệ với các cường quốc chủ chốt trong khu vực, đặc biệt là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Trong khi vẫn cố gắng cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Mục tiêu của Việt Nam là nâng cao vị thế chiến lược của Việt Nam trước Trung Quốc, đặc biệt là trong hồ sơ biển Đông.

Việt Nam cũng đã có những bước tiến triển khá là rõ nét. Thể hiện qua hàng loạt sự kiện, như chuyến công du của Tổng thống Obama tới Việt Nam, tiếp đó là chuyến đi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ. Ngoài ra gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới công du Hoa Kỳ. Ông là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên tới Hoa Kỳ, dưới thời Tổng thống Donald Trump. Và sau đấy là chuyến công du của ông đến Nhật Bản. Nội dung hội đàm liên quan về hợp tác quốc phòng giữa hai bên, Việt Nam và Hoa Kỳ, cũng như Việt Nam và Nhật Bản, được nêu bật, đặc biệt là trong tuyên bố chung giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, hai bên sẽ thảo luận việc để tàu sân bay của Hoa Kỳ vào cảng Cam Ranh.

Đây có thể là nguyên nhân chính khiến cho Trung Quốc không cảm thấy thoải mái, và rõ ràng là Trung Quốc muốn gây sức ép để Việt Nam không nghiêng quá gần về phía Hoa Kỳ hay Nhật Bản, vì Hoa Kỳ và Nhật Bản là những đối thủ cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc trong khu vực này.