Tôi có cậu con nuôi, khá “khôi ngô tuấn tú”, còn không lâu nữa sẽ trưởng thành. Sẽ đặt bước chân đầu tiên vào lớp… một. Chừ thì cậu đang học hè, làm quen trường mới, bạn mới, thầy cô mới và chương trình học mới. Một đêm trăng thanh gió lộng, cậu gọi “video call” cho tôi. Sau màn chào hỏi, cậu bỗng nức nở: “Con đã bị… bỏ rơi!”

“Ai bỏ rơi con?”
Mặc dầu phải nín cười đến đỏ mặt, nhưng tôi vẫn cố bày tỏ thái độ “quan ngại sâu sắc” với khuôn mặt méo xẹo của cậu qua video. Thấy được lòng yêu thương bao la và lương thiện đó, cậu không ngần ngại hẹn tôi đi ăn kem để kể lể. Tuy cậu rủ nhưng tôi phải trả tiền!
Chuyện là trong suốt những năm đi học mầm non, cậu đã kịp có “rung động đầu đời” với một cô bé tên Nhi. Cậu đã “dẫn về nhà ra mắt” vài lần khi gia đình tổ chức sanh nhật cho cậu. Hai cô cậu đã “hẹn thề” với nhau khi nghỉ hè xong sẽ vào chung một lớp, cùng dìu nhau qua đoạn đường “bỉm sữa” đầy chông gai sắp tới. Thế mà khi cậu vào học hè cũng như là nhận lớp ở trường mới thì không thấy bạn Nhi đâu. Cậu hỏi cô chủ nhiệm mới thì cô nói không quen biết bạn Nhi nào, trong danh sách lớp cũng không có ai tên Nhi. Cậu hỏi ba mẹ ruột thì bị la vì ba mẹ cậu cũng không hề hay biết người con gái tên Nhi. Cậu nhờ chị gái chở về “mái trường xưa” tìm thì trường nghỉ hè nên đã đóng cửa, chỉ có cánh cổng lạnh lùng và khoảng sân hiu hắt đầy kỷ niệm. Còn phải mất nửa ống heo để trả “lộ phí” cho người chị dấu yêu. Thế là sau bao nỗ lực vẫn không tìm được “người trong mộng”, cũng không biết “tỏ cùng ai”, cậu bèn gọi cho người mẹ nuôi vốn đã “ra rìa” này… bắt đền. Vì tôi cũng biết “người con gái tên Nhi” qua mấy lần đón cậu tan trường!!!

Vừa tốn tiền, vừa phải nghe kể lể vừa dịch từ ngôn ngữ 6 tuổi ra ngôn ngữ 15 tuổi, vừa bị bắt đền nữa! Thiệt tình hông có cái họa nào giống cái họa nào! Dằn lòng nén đau thương, tôi hỏi cậu:
“Con biết nhà Nhi không? Có số điện thoại ba mẹ Nhi không? Nhi có chơi…. Facebook không?”
Cậu nhìn tôi đầy kỳ thị:
“Dĩ nhiên con không biết rồi!”
Thiệt tình trong ấn tượng của tôi, vị tiểu thư tên Nhi kia chỉ là một hàm răng trải đều… nướu. Ngoài ra rất mịt mù. Tôi cũng không biết làm sao giải quyết chuyện này. Chỉ có cách hẹn ngày mai chở cậu đến nhà cô giáo chủ nhiệm cũ hỏi nhà “cô gái tên Nhi” kia để hai người gặp mặt “bày tỏ nỗi lòng”. Trước khi về nhà ngủ, cậu bắt tôi phải ngoéo tay cam kết. Hôm sau, sau mọi giằng co trong lòng, để bảo đảm mình là một người mẹ trẻ đầy trách nhiệm, tôi đến nhà đón cậu rồi chở cậu đến nhà cô giáo cũ xin số điện thoại. Rồi đích thân liên lạc, thuyết phục và cam kết an toàn với mẹ nàng Nhi kia cho cậu được gặp mặt “người trong mộng”. Mẹ nàng Nhi và cô giáo cũ của cậu có vẻ ngạc nhiên với hành động “rảnh rỗi” của tôi vì ở Việt Nam cái khái niệm thỏa mãn những nhu cầu “điên rồ” của con trẻ hầu như là xa xỉ. Các phụ huynh chỉ chăm chăm thỏa mãn con mình ở nhu cầu vật chất và tinh thần thường ngày như cho ăn ngon, mua đồ chơi đẹp, cho học “trường điểm”… rất ít người tâm sự và tìm hiểu những nhu cầu khác của trẻ. Phần vì “cơm áo gạo tiền”, phần vì “Ui, tụi con nít biết gì!”

Cuối cùng hai cô cậu cũng gặp nhau. Không biết họ nói gì với nhau vì tôi và mẹ Nhi ngồi trong nhà nói chuyện, cho họ không gian riêng để “giải quyết” chuyện của “những người trẻ”. Tôi nhìn qua cửa sổ thấy không khí khá hòa bình cũng an tâm. Chắc cũng không đến nỗi phải chứng kiến một buổi “chia tay mối tình đầu” đầy nước mắt. Tôi để ý thấy cứ sau một hồi rù rì rủ rỉ thì hai cô cậu ngoéo tay nhau rồi lại trò chuyện rồi lại ngoéo tay nhau. Hai cô cậu ngoéo tay nhau chừng chục lần thì tôi hết kiên nhẫn, tuyên bố bế mạc, ra dìa. Không quên xin lưu lại số điện thoại mẹ nàng Nhi để khi nào rảnh cậu con nuôi của tôi có thể gọi “người trong mộng” bằng cái iPad mà ba mẹ đặc cách tặng chàng khi tốt nghiệp mẫu giáo. Họ cho phép cậu xài mỗi ngày 2 tiếng đồng hồ để học tiếng Anh, gọi cho người thân ở xa. Dĩ nhiên luôn có người kiểm soát khi cậu sử dụng để không gây thêm chuyện đau đầu.
Trên xe, cậu bỗng ôm tôi từ phía sau đầy “thân ái”, thỏ thẻ:
“Tối qua con cứ sợ mami sẽ không giữ lời!”
Tôi hốt hoảng, không ngờ ý định “chuồn” trong đầu mình hôm qua cậu cũng đọc được! Con nít bây chừ quả tình không qua mặt nổi. Tôi ngượng ngùng hỏi lại:
“Bộ mami giống vậy lắm hả?”
“Không, nhưng mà trong nhà con ai ngoéo tay xong cũng quên cả! Có khi nhắc còn bị la nữa!”
Tôi sẵn dịp hớn hở:
“Ðó thấy chưa, mami thương con quá trời thấy chưa!”

Vòng tay của cậu chặt hơn làm cái sự hớn hở của tôi bị “vơi đi ít nhiều”. Có phải tôi mém chút nữa “chà đạp” lòng tin của một chàng trai mới lớn hay chăng? Hú hồn. May mà tôi đã cư xử đúng với… bản chất của mình thường ngày.
Sau khi đau lòng “rút hầu bao” dẫn cậu đi ăn gà rán rồi tiếp tục vừa đau đầu nghe cậu kể lể những chuyện vừa “thề non hẹn biển” với “người con gái tên Nhi” kia vừa giải thích, “động viên”, chia sẻ những khúc mắc trong lòng cậu, vừa phải lặp đi lặp lại lời hứa giữ kín bí mật này với ba mẹ cậu, tôi rất hân hoan chờ đợi phút giây trả cậu về “nơi sản xuất” và kết thúc câu chuyện này. Ðưa cậu đến cửa, tôi dằn lòng biết bao nhiêu là “tham vọng” tống cậu xuống xe và chuồn êm vì rất sợ cậu tiếp tục rủ dzô nhà kể lể, có khi tôi cũng không được về ngủ vì phải “tâm sự” (đây cũng không phải lần đầu tôi nếm trải sự sợ hãi này). Ðành phải giả bộ hiền từ đưa tay nắm lấy bàn tay bé xíu kia đỡ cậu xuống đất, ôm cậu vào lòng, giả đò bịn rịn… Không lường trước được, cậu lại nhéo vào cái… bao tử mong manh của tôi một cái bằng lời hứa rất hợp lý:
“Con yêu mami nhất! Tết con sẽ đập ống heo dắt mami đi ăn.”

Cậu còn tự mình đưa ngón tay ra ngoéo tay tôi một cái đầy cam kết. Tôi hiểu, cái ngoéo tay đối với cậu vô cùng “trọng đại”, nó biểu trưng cho một lời hứa trịnh trọng, nó thật hơn bất kể con dấu trên văn bản nào của thế giới người lớn. Trong cái xã hội đáng sợ này, để có được lòng tin của ai đó hay để trao lòng tin của mình cho ai đó là một việc rất “bất khả thi”.
Niềm tin của con người qua thời gian từ một cái ngoéo tay đơn giản sẽ dần biến thành muôn hình vạn trạng. Khi thì là một cái bắt tay lúc lại kèm theo một lời thề, tiếp đến là những chữ ký, những con dấu, những bản hợp đồng dài hơi, những bằng chứng phức tạp và những nhân chứng chẳng liên quan đến kẻ cho và nhận, thậm chí là mạng người…. Những “cái ngoéo tay” ngày càng đậm, càng rõ ràng, có thể thở và nói chuyện thì ngày càng vô giá trị, càng dễ phai nhạt, càng mất nhân tính! Lòng tin từ một viên ngọc xinh đẹp dần biến thành một khối u ác tính không ai dám “rớ” vào! Con người, những kẻ tạo ra những “cái ngoéo tay” và những “niềm tin” kia. Từ một đứa trẻ hoàn mỹ, càng sống lâu năm trong xã hội này thì càng trở nên khiếm khuyết. Lúc thì mất đi cánh tay trước những việc mình có thể làm. Lúc thì mất đi đôi mắt trước những thứ mình chứng kiến. Lúc thì mất bộ não trước những vấn đề có thể suy nghĩ. Lúc thì mất trái tim để yêu thương đồng loại. Từng thứ, từng thứ một, đến lúc mất luôn cả bản thân mình mà không hề hay biết! Ngay cả chính tôi bây chừ, tôi cũng không biết mình còn cái gì nữa, khi xung quanh có quá nhiều chuyện xảy ra. Tôi đã bất lực không thể đưa tay ra giúp đỡ những kẻ yếu thế hơn mình. Tôi cũng đã phải nhắm mắt cho qua khi nhìn thấy một chuyện nực cười. Tôi đã phải ngậm miệng khi đối diện với những điều chướng tai gai mắt. Tôi đã từng bịt tai, ôm đầu cố dỗ mình ngủ, ngừng nghĩ ngợi trong rốn của bao nhiêu là sự thật quá chán chường. Tôi bây chừ ngay cả bản thân mình còn nghi ngờ, đừng nói đến lòng tin đối với nhân loài. Ðôi khi tự đặt tay lên ngực, tôi cũng không biết mình có biết yêu thương bản thân hay không nữa huống chi là người dưng khác họ… Túm lại thì mọi thứ đều trở nên phức tạp và mâu thuẫn khi bạn trưởng thành. Có phải tôi bi quan lắm chăng?
Một người bạn tôi (từng là tù chính trị ở VN nhiều năm, sau đó qua Thái đi tù tiếp rồi mới được qua Mỹ) nói: Qua Mỹ rồi mới thấy cuộc sống ở Mỹ… nhạt nhẽo ra sao. Ra chợ cứ thích gì thì mua đó không cần sợ đồ Trung Quốc. Mua đồ ăn không cần phân biệt cái nào sẽ bị tưới thuốc trừ sâu, tiêm thuốc tăng trưởng, nhúng màu hóa học hay bị thay hạn sử dụng. Ði sửa xe không sợ bị “luộc”, coi “tidi” hay báo chí không sợ bị định hướng hay “mị dân”. Ðóng thuế không sợ bị “ăn chặn”, biết đồng tiền mình “lạc trôi” về phương nào. Làm ăn có hợp đồng chuẩn xác dầu hứa miệng cũng không sợ lật lọng. Chính quyền không có quyền nói dóc với dân. Ghét Trump hay Hillary hay Nguyễn Tấn Dũng hay Nguyễn Phú Trọng đều có thể nói không sợ bị bỏ tù. Thích tôi cũng có thể nói cũng không sợ tôi… thích lại. Con người ở Việt Nam phải nghĩ quá nhiều thứ mà ở đây (Mỹ) không cần phải nghĩ. Cuộc sống của bạn bây chừ chỉ phải lo cho bản thân, gia đình và những người cần quan tâm. Chăm chỉ làm việc, kiếm tiền lương thiện. Tôi hỏi bạn:
“Vậy từ khi qua đó có mất lòng tin với ai chưa”
Bạn trả lời:
“Có, mất lòng tin với… chính quyền Việt Nam dữ lắm. Vì họ nói Mỹ ác ôn, bóc lột, không cho con người ta sống an ổn. Sưu cao thuế nặng, khủng bố triền miên…”

Tôi kể bạn nghe hành trình đi tìm người yêu “thất lạc” của cậu con trai. Bạn nói có thể nhiều người nghĩ là tôi bịa nhưng bạn tin. Bạn hỏi tôi cảm thấy thế nào? Tôi tất nhiên cũng rất vui và xúc động. Ðang thầm khấn nguyện “cái ngoéo tay” kia sẽ là một bữa sushi “hầm hố” chứ không phải là món gà rán McDonald’s khoái khẩu của cu cậu nhưng đầy sợ hãi của tôi. Vì từ nay tới Tết, tôi vẫn sẽ phải được/bị cậu “rủ” đi ăn gà rán không ít lần nữa. Các hóa đơn bay nhảy trong đầu làm mắt tôi long lanh như là hạnh phúc lắm làm bạn hiểu lầm.
Sau đó những tưởng an bình, câu chuyện kết thúc. Ai dè tôi bị ba mẹ cậu đeo bám “tra khảo” mãi đến chừ. Dĩ nhiên, với tinh thần trách nhiệm, tôi không kể cho ba mẹ cậu nghe. Tôi chỉ kể với Trẻ để lưu giữ một kỷ niệm đẹp và cả lời hứa “dắt đi ăn” kia, mong Trẻ giữ… bí mật dùm tôi.

DU