Menu Close

Otto Warmbier

Câu chuyện anh sinh viên Otto Warmbier được Bắc Hàn trao trả về Mỹ sau hơn 17 tháng bị cầm tù là một trong những nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ trong việc điều đình để đưa những công dân đang bị những quốc gia khác bắt giữ về nhà, nhất là trong những trường hợp công dân đó bị bắt giữ trái phép hay bị buộc tội một cách vô lý. Otto được đưa về trên một chuyến bay đặc biệt trong tình trạng bị hôn mê. Theo lời kể của phía Bắc Hàn thì Otto bị ngộ độc sau khi uống một viên thuốc ngủ. Kết quả giảo nghiệm y khoa của phía Hoa Kỳ cho thấy tế bào não của Otto bị hư hại khá nhiều và tình trạng hôn mê kéo dài đã hơn một năm nay. Sự việc này dấy lên nghi vấn nguyên do vì sao Otto bị hôn mê (vì nhiều người không tin lời giải thích của phía Bắc Hàn) và câu hỏi được đặt ra là công dân Hoa Kỳ khi tới thăm những quốc gia được xem là thù nghịch với Hoa Kỳ, ví dụ Bắc Hàn hay Iran, thì có an toàn hay không?

otto-warmbier3
Otto Warmbier về đến Mỹ trong tình trạng hôn mê – nguồn USA Today

Việc Otto Warmbier được thả là một tiến trình ngoại giao bắt đầu từ Tháng Năm 2017 sau khi Ðặc sứ ngoại giao của Hoa Kỳ là Joseph Yun gặp vị đại diện cao cấp của bộ ngoại giao Bắc Hàn tại Oslo, Na Uy, và phía Bắc Hàn đồng ý cho Toà đại sứ Thuỵ Ðiển tại Bình Nhưỡng được phép viếng thăm tất cả bốn công dân Mỹ đang bị giam giữ.

Sau chuyến viếng thăm bốn công dân Mỹ của Toà đại sứ Thuỵ Ðiển, phía Bắc Hàn yêu cầu được gặp mặt trực tiếp với phía Mỹ tại thành phố New York.

Ngày 6 Tháng Sáu, Ðặc sứ ngoại giao Joseph Yun gặp Ðại sứ Bắc Hàn tại Liên Hiệp Quốc là Pak Kil-yon ở New York và được biết tình trạng sức khoẻ của Otto đang rất nguy kịch.

otto-warmbier2
Otto và nhóm bạn thăm Bình Nhưỡng – nguồn Daily Mail

Sau cuộc gặp ở New York, Ngoại trưởng Rex Tillerson hội kiến với Tổng thống Donald Trump và chỉ thị cho Yun chuẩn bị để bay tới Bắc Hàn với mục đích là bằng mọi cách đưa Otto về lại Mỹ.

Phái đoàn của Hoa Kỳ bao gồm Yun và một nhóm chuyên gia y tế được phái đến Bình Nhưỡng hôm Thứ Hai 12/6 để lo việc phóng thích cho Otto. Ngay khi máy bay vừa đáp xuống phi trường, phía Hoa Kỳ đã đòi phải được gặp Otto liền lập tức.

Yun và hai bác sĩ đã gặp Otto sáng hôm đó, đánh dấu lần đầu tiên phía Hoa Kỳ đã gặp và trực tiếp biết được tình trạng sức khoẻ của người sinh viên này kể từ khi anh bị kết án vào Tháng Ba 2016. Yun lập tức đòi phải thả Otto vì lý do nhân đạo và đã sắp xếp để đưa Otto rời khỏi Bắc Hàn.

Hôm Thứ Ba 13/6, Otto được đưa ra khỏi Bắc Hàn trên một chuyến bay được tháp tùng bởi nhóm chuyên gia y tế và đại diện của bộ ngoại giao, và được đoàn tụ lại với gia đình vào buổi tối cùng ngày.

Từ nhiều năm qua, bộ ngoại giao Hoa Kỳ vẫn âm thầm và kín đáo trong việc điều đình để các công dân Hoa Kỳ đang bị giam giữ ở Bắc Hàn được phóng thích, thường là qua một trung gian như Thuỵ Ðiển, là nước có đặt toà đại sứ ở quốc gia này kể từ năm 1970. Các giới chức chính phủ thường khuyên các gia đình có người bị bắt tránh phát biểu công khai vì ngại có thể làm cho phía Bắc Hàn nổi giận và trả thù đối với những công dân Hoa Kỳ đang bị giam giữ. Lối giải quyết này thường là mang lại kết quả ở những mức độ khác nhau.

otto-warmbier
Otto bị quay hình đang gỡ tấm biểu ngữ – nguồn Daily Express

Trong trường hợp của Otto thì lại không được như thế. Tình trạng hôn mê của anh có thể nói là kết quả tệ hại nhất đối với bất cứ người Mỹ nào đã từng bị Bắc Hàn bắt giữ từ trước tới nay. Và nguyên do thật sự đưa đến hôn mê thì không ai có thể biết được ngoại trừ hôm nào Otto bỗng thức dậy và kể lại đầu đuôi câu chuyện.

Otto Warmbier trước đây sống với gia đình tại vùng ngoại ô thành phố Cincinnati thuộc tiểu bang Ohio. Vào cuối năm 2015, khi đang là một sinh viên 21 tuổi của Ðại học Virginia trên đường tới Hồng Kông để học môn tài chánh, đã cùng với một nhóm bạn du lịch Trung Quốc ghé thăm Bắc Hàn. Ðầu năm 2016 trong khi cùng nhóm bạn chuẩn bị rời Bắc Hàn thì anh bị bắt giữ và bị cáo buộc có hành vi chống phá nhà nước. Lỗi lầm của anh là đã gỡ tấm biểu ngữ tuyên truyền treo trên tường ở khách sạn nơi anh tạm trú. Ðối với một xứ tự do thì đây là một tội rất nhỏ và chỉ đáng bị phạt tiền rồi cho đi. Nhưng đối với Bắc Hàn, một quốc gia độc tài và tôn sùng lãnh tụ vào bậc nhất thế giới, thì lại là một chuyện khác.

Kể từ khi bị bắt vào đầu năm 2016, gia đình chỉ nhận được một lá thư đề ngày 2 Tháng Ba 2016, và không thêm gì khác. Otto xuất hiện trên truyền hình ngày 16 Tháng Ba 2016 trong một phiên toà và đã nhận tội là cố ý gỡ tấm biểu ngữ tuyên truyền để mang về nhà làm kỷ niệm. Toà án tối cao của Bắc Hàn đã tuyên án anh 15 năm tù khổ sai lao động.

Một giới chức cao cấp của Mỹ cho biết chính phủ Hoa Kỳ đã nhận được một số tin tức tình báo nói rằng Otto đã thường xuyên bị đánh đập. Số phận bi thảm của Otto làm dấy lên nỗi lo ngại và quan tâm về tình trạng chính phủ Bắc Hàn đối xử với người ngoại quốc hiện đang bị giam giữ.

Kể từ năm 1996 đến nay Bắc Hàn đã bắt giam ít nhất 16 công dân Mỹ, kể cả ba công dân khác vẫn đang còn bị cầm tù. Những công dân này đã từng bị ngược đãi về tinh thần ở những mức độ khác nhau nhưng thường thì ít bị tra tấn thể xác.

Trước Otto, trường hợp bị ngược đãi tệ hại nhất là của công dân Robert Park, một nhà truyền giáo đạo Thiên Chúa kể rằng ông đã bị đánh đập tàn nhẫn bởi những người lính Bắc Hàn sau khi ông bị bắt năm 2009 trong khi đi bộ từ Trung Quốc ngang qua biên giới và đưa cao cuốn Thánh kinh vẫy vẫy trong không khí. Sau khi được chuyển tới một nhà tù ở Bình Nhưỡng, ông đã bị tra tấn khủng khiếp đến độ chỉ muốn được chết đi cho xong.

otto-warmbier1
Otto nhận tội trước toà – nguồn The Cavalier Daily

Cô Laura Ling, em gái của ký giả Lisa Ling của đài CNN và cũng là một nhà báo, bị Bắc Hàn bắt giữ năm 2009 cùng với một đồng nghiệp người Mỹ khác là cô Euna Lee đã kể lại rằng cô bị giam giữ trong một phòng tối với chiều dài rộng chỉ hơn một mét. Tuy nhiên, cô được phép gọi điện thoại và gửi thư cho gia đình vài lần. Trường hợp của Laura Ling được cho là một ngoại lệ. Nhiều người tù khác cho biết đã từng bị hỏi cung trong suốt 15, 16 tiếng liền để khủng bố tinh thần.

Bộ ngoại giao Hoa Kỳ từ lâu vẫn thường khuyên những công dân Mỹ tránh tới Bắc Hàn, nhưng mỗi năm vẫn có hàng trăm người tới thăm viếng quốc gia gần như cô lập với thế giới bên ngoài này.

Trong ba công dân Mỹ còn đang bị giam giữ, gần đây nhất có Kim Hak-song bị bắt giữ ngày 6 Tháng Năm. Vào lúc tình hình mỗi ngày mỗi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên với việc Bắc Hàn tiếp tục cho bắn thử hoả tiễn và có nguy cơ đưa đến xung đột vũ trang, thì việc bắt giữ thêm những công dân Mỹ mới làm cho công việc điều đình phóng thích thêm phần phức tạp.

Vậy tại sao vẫn có những người Mỹ ghé thăm Bắc Hàn?

Lý do là vì đa số những khách du lịch này tò mò muốn biết cái nơi đến đó có gì khác lạ với những địa điểm du lịch bình thường khác hay không. Và sự tò mò đó thúc đẩy họ sẵn sàng bỏ ngoài tai những lời cảnh báo từ phía chính phủ mà ngày càng bị họ coi thường và cho là nhàm chán.

Bộ ngoại giao Hoa Kỳ không lưu lại hồ sơ là có bao nhiêu người Mỹ đã viếng thăm Bắc Hàn. Trong khoảng từ 4,000 đến 5,000 du khách phương Tây ghé Bắc Hàn mỗi năm thì có khoảng 20 phần trăm là đến từ Mỹ.

Những công dân Mỹ bị bắt sẽ ít có cơ hội được bảo vệ nếu không muốn nói là gần như không có. Hoa Kỳ không có toà đại sứ tại Bắc Hàn, và toà đại sứ Thuỵ Ðiển thường thay mặt để làm công việc thăm viếng những công dân Mỹ trong nhà tù Bắc Hàn khi cần thiết. Nhưng ngay cả sứ quán Thuỵ Ðiển cũng khó lòng gặp được những công dân này. Otto Warmbier chỉ được gặp vị đại diện của Thuỵ Ðiển hai tháng sau khi anh bị bắt.

Có những hành vi mà ở những xứ khác không bị xem là trọng tội hoặc chỉ bị phạt nhẹ thì ở Bắc Hàn có thể đưa tới những bản án hết sức nặng nề, như trường hợp của Otto Warmbier với 15 năm tù khổ sai và với kết quả bi thảm là bị hôn mê mà theo bác sĩ cho biết là có nguy cơ không bao giờ thức dậy nữa. Và đây là một bài học hết sức đắt giá dành cho một người tuổi còn quá trẻ.

HV