Thiếu Tướng Trần Bá Di là một trong bốn vị Tướng sau cùng được trả tự do sau 17 năm bị giam cầm trong nhà tù Cộng Sản. Trong bài Niềm hãnh diện của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, tác giả Hương Nam miêu tả vị cựu Tư Lệnh Sư Đoàn 9 Bộ Binh là một người “chân thật, bình dị, hết lòng với anh em nhưng rất kiên cường, bất khuất trước quân địch”. Đi đến đâu, ông đều được mọi người yêu mến và ca ngợi. Vì vậy, với tấm lòng tri ân, Đêm Hội Ngộ Sư Đoàn 9 Bộ Binh đã được tổ chức tại nhà hàng Lam’s Garden vào ngày 24 tháng 6 vừa qua.




Bắt đầu chương trình, Thiếu Tướng Trần Bá Di được chào mừng trong tràng pháo tay nhiệt liệt hoà cùng với tất cả lòng mến yêu của các thân hữu tại Orlando. Sau đó là nghi thức chào cờ Việt-Mỹ không thể thiếu. Đây là lần đầu tiên tôi nghe cả khán phòng hát quốc ca Việt Nam Cộng Hoà hùng hồn và khí thế đến như vậy. Nhắc đến mảng âm nhạc không thể không nhắc tới Sư Đoàn 9 Hành Khúc được chỉ thị soạn thảo bởi Thiếu Tướng Trần Bá Di vào năm 1970. Bài hành khúc đã thất lạc sau hơn 40 năm, nhưng với sự cố gắng của các bằng hữu và thân hữu, ý nhạc và lời nhạc nguyên thuỷ đã được phục hồi khoảng 90%. “Khét tiếng vang lừng Sư Đoàn Tên Thép, chiến đấu oai hùng bảo vệ non sông. Quê hương Quang Trung, đoàn quân xuất phát, về miền đồng bằng bát ngát Cửu Long. Giữ vững biên cương quốc dân an hoà”.




Tôi thấy Thiếu Tướng còn khoẻ mạnh và vui vẻ lắm. Cụ còn biết đùa: “Tôi quen la rồi, không có quen nói chuyện bằng micro!” Cụ muốn gửi lời biết ơn trân trọng nhất đến các quý bằng hữu và thân hữu đã dành thời gian đến tham dự buổi Hội Ngộ này. Điều đó được thể hiện qua từng ánh mắt, nụ cười của cụ trong suốt đêm hôm ấy. Ái nữ của cụ là cô Quế Hương cũng cảm kích trước lòng ưu ái và mối chân tình của gia đình Sư Đoàn 9 Bộ Binh để có buổi họp mặt trong tình huynh đệ chi binh. Đọng lại trong ký ức của tôi là dáng người nhỏ bé của Đại Uý Lê Đình Tùng, đến dự từ California. Ông là Đại Đội Trưởng trinh sát của Sư Đoàn 9, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Thiếu Tướng Trần Bá Di. Khi đơn vị trinh sát đang di chuyển thì bị phục kích, Đại Uý Tùng trúng đạn mà không hề hay biết. Thấy cánh tay của ai nằm trên chiến trường lửa đạn, ông nhặt lên và hỏi: “Tay ai đây?”. Sau đó mới nhận ra là tay của mình bị trúng tạc đạn đứt lìa. Nhờ sự giúp đỡ của Thiếu Tướng Trần Bá Di mà đơn vị ông không có người thiệt mạng. Chỉ có ông bị thương, phải mang cánh tay về bệnh viện để nối lại nhưng bác sĩ còn cưa thêm một chút để lấy da bọc lại nuôi lành vết thương. Cuộc đời ông tưởng chừng chấm dứt. Sau khi giải ngũ về Sài Gòn, Đại Uý nghiên cứu Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, không ngừng nuôi hy vọng “Bất chiến tự nhiên thành”. Cất giọng run run, chân thành và kính cẩn, ông gửi đến Thiếu Tướng lời cảm ơn muộn màng sau mấy chục năm và lời chúc sức khoẻ đến quý đồng hương, mong một ngày có thể trở về nước Việt Nam tự do.
Chương trình là sự kết hợp hài hoà giữa nghệ thuật và nhân văn, giữa âm nhạc và những câu chuyện đời chinh chiến. Kết thúc đêm Hội Ngộ là ca khúc Còn Chút Gì Để Nhớ như thay lời muốn nói cho những chiến hữu còn lưu luyến kỷ niệm năm xưa. “Một buổi chiều nao lòng bỗng bâng khuâng” trong tình bằng hữu và nỗi nhớ quê hương tha thiết.




























QN