Menu Close

Cuba còn ngái ngủ

Nghe ông lãnh đạo xứ ta kể lể rằng… Ta ngủ thì Cuba thức…, nôm na là hai quốc gia cách xa nửa địa cầu thay nhau canh gác [thế giới?], canh cái chi thì Dế Mèn không biết, chắc canh giữ kẻo chủ nghĩa xã hội rơi rớt giữa đàng chăng? Chủ nghĩa xã hội thì chán lắm nhưng Cuba thì lại là một nỗi tò mò của Dế Mèn cũng như những người khác: Xứ cộng sản sát một bên thiên đàng đế quốc, sau 60 năm cấm vận mới được mở cửa buôn bán với nhà giàu, họ làm ăn ra sao? Hai thế hệ con người chịu che mắt, bịt tai sinh sống như thế nào? Hệ thống y tế, giáo dục đi tới đâu?

Sửa soạn khá lâu nhưng đến cuối tháng Ba vừa qua, Dế Mèn mới có thể dự một chuyến đi ngắn, lang thang qua mấy thành phố của Cuba, bắt đầu từ Havana (tiếng địa phương là La Habana) đến Trinida de Cuba và Cienfuegos.

cuba-con-ngai-ngu4
Công viên Cách Mạng (Revolution Park) với những cột cờ trơ trụi,

Trước khi kể chuyện ngắn dài về đất nước xem ra còn ngái ngủ, chưa theo kịp thế giới bên ngoài; phe ta rẽ ngang một chút để nói về thủ tục hành chánh nhập cảnh, bạn đọc nào có thời giờ muốn ghé thăm nơi này thì đỡ tốn thời giờ tìm kiếm. Chính phủ Huê Kỳ chưa chính thức cho phép cư dân “du lịch” (tourism), chỉ có những người thăm viếng đất nước này qua một trong 12 tiêu chuẩn /mục đích liệt kê sẽ được phép dưới hình thức “general license”, bằng không phải xin giấy phép đặc biệt (specific license): Thăm gia đình, vì công việc (công chức liên bang, làm việc cho chính phủ ngoại quốc, cho các tổ chức liên quan đến chính phủ Huê Kỳ); báo chí, nghiên cứu & tham dự hội thảo, giáo dục, tôn giáo, trình diễn công cộng, thể thao… Nghĩa là thăm viếng có mục đích chứ không được đi chơi lang thang. Dế Mèn qua Cuba với mục đích tìm hiểu dân tình (people-to-people) và viết bài tường thuật, nôm na là thăm viếng dưới dạng truyền thông / báo chí. Với mục đích “chung chung” như thế nên không cần giấy phép, chỉ phải ký tên vào biên bản (affidavit), nhìn nhận mục đích thăm viếng cũng như giữ bản thảo ghi chép mỗi ngày về cuộc thăm viếng (lỡ chính phủ Huê Kỳ rỗi hơi đi tìm mà hỏi tới thì có bài viết đưa ra làm bằng!?).

Phe ta bay thẳng từ Orlando, Florida đến Havana qua jetBlue, chuyến bay ngắn xỉn, trên dưới một tiếng đồng hồ sau khi mua visa ngay tại quầy bán vé (tốn cỡ năm phút đồng hồ và 50 Mỹ kim) của hãng máy bay kể trên. Công ty jetBlue nhanh tay lẹ chân làm ăn với chính phủ Cuba nên tha hồ kiếm bạc qua những chuyến bay thẳng đến Havana từ New York, Tampa, Orlando và Miami, chỉ bán visa thôi cũng đủ nặng túi tiền!

cuba-con-ngai-ngu3
Chiếc máy đánh chữ mà văn hào Hemingway thường dùng

Cuba là một hòn đảo nên cũng những hàng dừa lả ngọn bên bờ nước xanh biếc. Ðến nơi vào giữa trưa nên trời nắng chang chang. Nhân viên phi trường ăn mặc khá thoải mái nhất là phụ nữ, váy ngắn trên nửa đùi, mặc vớ lưới đen như mấy vũ nữ trong hộp đêm. Rất lạ. Dân đảo nên có phần phóng khoáng chăng? Qua khỏi quầy di trú là đến màn xếp hàng đổi tiền. Người ngoại quốc đến Cuba sử dụng CUC (Cuban Convertible Peso), còn gọi là “dollar” trong khi người bản xứ dùng peso để mua bán. Một CUC tương đương với 1 Mỹ kim, nhưng chịu 10% “thuế dịch vụ” trong khi các loại tiền khác không chịu 10% thuế này. Dế Mèn dùng Bảng Anh và tiền Canada (còn sót lại trong các chuyến đi trước) để đổi lấy mấy trăm CUC dằn túi. Taxi xếp hàng dài để đón khách, và đã được dặn dò trước nên phe ta ngã giá đàng hoàng trước khi lên xe, đồng hồ để ngó cho đẹp chứ chẳng có chiếc taxi nào xài cả. Từ phi trường về quán trọ trong vùng Malecon, gần bên Tòa đại sứ Huê Kỳ (cho chắc ăn, ăn chắc?), khoảng 30 phút, và tốn 30 CUC cho bốn mạng du khách (đi du khảo).

Mặt tiền ngôi nhà nhìn ra bờ Ðại Tây Dương, xéo xéo là công viên Cách Mạng (Revolution Park) với những cột cờ trơ trụi, những sợi dây treo cờ rít lên trong gió lồng lộng. Nhà có phòng khách, phòng ăn, chỗ nấu bếp nhỏ xíu và bốn phòng ngủ có nhà vệ sinh riêng và máy lạnh. Ðây là một loại phòng trọ nhỏ, cho mướn phòng kiểu “bed & breakfast” của tư nhân; loại “mini hotel” mọc lên như nấm sau mưa khi lãnh tụ Fidel vĩ đại qua đời, ông em kế nghiệp thả lỏng để  cư dân buôn bán làm ăn riêng kẻo đói kém quá, người dân chịu hết nổi hẳn sẽ nổi loạn? Các khách sạn lớn, có môn bài chính thức hầu hết là công ty của chính phủ với phần đầu tư của tư nhân.

Ernest Hemingway House

Nhận phòng xong là phe ta và bạn bè kiếm đường đi thăm ngôi nhà của văn hào Ernest Hemingway. Ngày còn sống, trong thời gian gần 20 năm, ông nhà văn sống ở thôn làng San Francisco de Paula, cách Havana khoảng 10 dặm, cỡ 40 phút taxi. Ngôi nhà có tên “Finca Vigia”, hay “đài quan sát”, do Kiến trúc sư Miguel Pascual y Baguer vẽ kiểu và xây cất năm 1886. Ông cụ Hemingway mua lại với giá 12,500 Mỹ kim vào năm 1940, và sống bán thời gian ở đó cho đến năm 1959. Tại đây, hai tác phẩm lẫy lừng của ông nhà văn ra đời: ‘For Whom the Bell Tolls’ (Chuông gọi Hồn Ai) và ‘The Old Man and the Sea’ (Ngư Ông và Biển Cả) và những tác phẩm khác kể cả ‘A Movable Feast’. Cuốn Ngư Ông và Biển Cả đoạt giải Nobel Văn Chương năm 1954. Sau trận đổ bộ tại Vịnh Con Heo (the Bay of Pigs) của Hoa Kỳ vào năm 1961, chính phủ Cuba trưng thu tài sản của công dân Huê Kỳ kể cả ngôi nhà Finca Vigia cũng như kho tàng sách vở đồ sộ của ông nhà văn.  Không biết tòa nhà được sửa chữa từ bao giờ nhưng ngày nay, trở thành một địa điểm thăm viếng nổi tiếng của Cuba. Vé vào cửa là 5 CUC.

cuba-con-ngai-ngu
Bảng giới thiệu ngôi nhà của Hemingway, nay là bảo tàng du lịch

Tòa nhà nhiều phòng ốc nằm trên đồi, mảnh đất mênh mông rộng trên 10 mẫu, cây cối um tùm xanh mát rất đẹp. Từ đó ta có thể dõi mắt nhìn quanh thôn làng xa xa.  Phòng làm việc của văn hào nằm trên lầu cao, chung quanh cửa sổ bọc kính, còn giữ được cả cái máy chữ cổ lỗ sĩ nhỏ xíu dài khoảng 20 phân Tây.

Tấm hình cái máy chữ do người giữ cửa chụp dùm và chụp luôn cả hình ảnh nhóm du khách yêu chuộng nhà văn hào.

Riêng người bạn, nguyên là giáo sư Anh Văn, bà ấy yêu văn tài nên theo dấu ông Hemingway khắp nơi, từ Sun Valley, Idaho đến Key West, Florida và hôm nay, San Francisco de Paula, Cuba.

Phòng khách, phòng ngủ và cả nhà vệ sinh, nơi nào cũng có kệ sách đầy kín. Dế Mèn tò mò lắm, không biết ông nhà văn đọc những sách vở gì, mà chỉ được đứng từ cửa ngó vào phòng nên chẳng có dịp nhìn gần. Ông Hemingway thích đi săn nên phòng ốc treo đầy đầu thú vật nhồi bông, từ cọp đến hươu nai.

cuba-con-ngai-ngu2
Tác giả Trần Lý Lê và 3 người trong nhóm du khảo (hàng sau). Hình chụp tại Hemingway House

Finca Vigia còn giữ được cả chiếc tàu Pilar đi câu cá của ông nhà văn và cả mộ chí của bốn con mèo. Dế Mèn nghe nói rằng ông cụ thích mèo nên nuôi cả bầy trên dưới hơn chục con; lúc chết đem chôn, có bia mộ Linda, Negro … đàng hoàng! Ổng thích mèo và thích luôn cả trò đá gà nên trong dinh thự có luôn cả một khoảng đất dùng để làm đấu trường. Bây giờ vẫn còn dấu vết.

Về đến quán trọ thì trời đã chiều, chỉ đủ thời giờ để phe ta rửa mặt, thay quần áo và ra phòng khách gặp gỡ những người du khảo khác. Mojito, món rượu pha nổi tiếng của Cuba được đem ra liên tục. Bá tánh có vẻ ưa chuộng thức uống này, rum trắng pha với nước cốt chanh, đường mía, nước nổi bọt và lá bạc hà đập nát. Có cả món Cuba libre, rum pha với cola, tùy ta nặng hay nhẹ tay với rượu.

Nhà trọ sạch sẽ, khá tươm tất và nhân viên thì hết lòng hết sức với khách hàng! Bữa cơm tối nấu nướng khá vừa miệng, có ca sĩ hát giúp vui. Bữa ăn thịnh soạn theo tiêu chuẩn địa phương, Dế Mèn nghe nói đầu bếp đã nấu nướng cả ngày, món canh bí đỏ nấu chung với cà rốt và khoai lang có vị ngọt của rau củ, tất cả đều được nghiền nát nên sền sệt như cháo; món thịt heo chiên/nướng đặc sản, cơm nấu chung với đậu đen, và khoai mì hấp nhão với tỏi chưa kể món salade với dưa leo, cà chua. Cà chua ở đây rất ngon, dù chỉ mới chín hườm hườm, da còn chỗ xanh chỗ vàng nhưng vẫn đầy đủ hương vị của cây cỏ tươi. Sangria rượu nho ngọt lừ ngọt lự và bia (Presidente) mang nhãn hiệu của Guatemala.

Bài ghi nhận thứ nhất: Anh ngữ chưa mấy phổ thông ở đây, người dân cần cù chịu khó và thức ăn [được xem là ngon] thì hơi nặng dầu mỡ.

cuba-con-ngai-ngu1
Góc sân đá gà trong dinh thự Hemingway

TLL