Rời Hà Tiên, chúng tôi thẳng tiến về Cà Mau, tỉnh cuối cùng của dải đất hình chữ S, và cũng là tỉnh có diện tích rừng ngập mặn nguyên sinh lớn nhất miệt đồng bằng sông Cửu Long. Và đây cũng là vùng đất mà trước đây, vào thời nhà Nguyễn, những đoàn lưu dân hạng thấp cổ bé miệng, không mảnh đất cắm dùi trên cố xứ và cũng có thể là tù nhân, dân giang hồ rày đây mai đó… Tất cả được đẩy vào hai trung tâm, trung tâm đầu tiên là quận 4 Sài Gòn, trung tâm thứ hai là Mũi Cà mau. Ở đây, họ phải đối mặt với hàng trăm thứ khó khăn để tồn tại. Và dòng máu lưu vong của họ vẫn duy trì cho đến nay.

kỳ 2
Gia đình tôi đi “giang hồ” thường chia ca. Ví dụ như chồng đi thì vợ ở lại khách sạn chăm hai đứa nhỏ và đi loanh quanh dạo phố, dắt con đi ăn… Ngược lại thì chồng lại hỏi vợ hôm qua cho con ăn chỗ nào, đi chơi ở đâu. Và thường như vậy nên hai đứa nhỏ đâm ra chán tôi, bởi tôi luôn dắt vào chỗ mẹ chúng đã dắt. Nhờ vậy mà tôi được đi nhiều hơn. Cũng xin nhắc đến câu chuyện khiến tôi mất ngủ đêm hôm đó khi đi xe khách từ Hà Tiên xuống Cà Mau.
Có một điểm khá thú vị, miệt miền Tây trù phú, phì nhiêu nhưng người dân thì lại nghèo, có nơi quá nghèo, có nơi rất nghèo, có nơi nghèo tàn tạ. Nhưng các điểm dừng chân cho xe đường dài ở đây thì tuyệt vời, vừa đẹp, vừa sạch sẽ, giá cả phải chăng. Ði từ Nam ra Bắc, không có nơi nào lại có hệ thống điểm dừng chân xe đường dài tốt hơn miệt miền Tây.
Tôi nhớ lúc tôi vừa lên xe ở bến Hà Tiên thì có một ông chừng 60 tuổi, dắt hai đứa nhỏ, một đứa chừng 10 tuổi, đứa kia chừng 4 tuổi, gương mặt kháu khỉnh nhìn dễ thương không tả được. Cái nước da bánh mật, tóc hơi cháy xoăn vì dang nắng pha với đôi mắt đen, to, có chút gì đó rất Khmer của chúng nó khiến tôi không thể không nhìn.

Trưa, vào quán cơm, ông này mua cho hai đứa nhỏ hai bịch nước mía và hai cái bánh mì ngọt, không nói không rằng, đưa cho hai đứa nhỏ, hai đứa nhỏ cũng lặng im cầm nước mía và bánh mì ngọt ăn ngấu nghiến, ngon lành. Phần vợ chồng tôi thì lo chăm hai đứa nhỏ, lại phải cố nài nỉ chúng ăn lấy một muỗng cũng được cho khỏi bỏ bữa. Lúc này, tôi chú ý đến hai đứa nhỏ và nghĩ “ông này chắc là ông nội của hai đứa này, mà sao ông nội gì keo kiệt thế, cho cháu mình ăn uống kiểu vậy, cách gì lên xe cũng bị ói vì rỗng ruột…!”. Nghĩ vừa ghét “ông nội” kia lại vừa thương hai đứa nhỏ nhưng chẳng biết làm gì. Y hệt, lên xe, chạy chừng mươi cây số là hai đứa nhỏ ói bò lăn bò toài, lúc này, “ông nội” đâm ra lúng túng, hết lo cho đứa lớn quay sang đứa nhỏ. Tôi cũng sang phụ giúp cho “ông nội” xoa dầu, dỗ dành thằng lớn, thằng nhỏ cũng đang ói mửa.
Bà xã tôi tìm cách đưa bánh, sữa và kẹo (lúc này chỉ có ngần đó thứ) để dỗ hai đứa nhưng nó đã mệt đứ đừ, mắt lờ đờ tôi nhìn mà phát xót. Trong lúc thằng lớn tựa vào hông tôi, ôm cứng lấy cánh tay tôi, thằng nhỏ thì thỉnh thoảng dụi mũi vào lưng tôi hít thở. “Ông nội” nói vừa hàm ơn vừa gỡ gạc: “Không biết sao bữa nay nó mửa dữ dội vậy? Trước đây nó đâu có mửa đâu!”.
“Thì bụng nó không có gì nó phải mửa thôi chứ biết làm sao?!” – Tôi nói giọng bình thường mà thú thực là tôi rất tức cho cái “ông nội” keo kiệt này.

“Lúc trưa hai đứa nó có uống nước mía, ăn bánh mì ngọt mà!”.
“Trời ạ, con nít bây giờ mà chú cứ cho ăn giống như thời của chú với lại con trai chú không bằng! Chú thấy xe bây giờ chạy tốc độ ra sao, thời chú chạy tốc độ ra sao? Mà ba mẹ hai đứa đâu rồi chú? Sao để mình ông nội dắt hai đứa nhỏ vậy?”.
“Tôi là ba nó đây chứ ai? Tôi là ba nó chứ không phải ông nội. Mẹ nó bỏ đi rồi!”.
Thực sự là tôi nghẹn thở, không thể nói gì thêm được, tự dưng tôi thương người đàn ông này lạ lùng, hóa ra tôi có lỗi nặng vì nghĩ ông keo kiệt. Một thân gà trống nuôi hai đứa con trai, chắc chắn là ông rất nghèo, bởi ở miệt này, đẻ con hay chưa đẻ con không quan trọng, con trai hay con gái cũng không quan trọng, đứa con không phải là sợi dây buộc số phận của người phụ nữ vào mái ấm gia đình mà là tiền. Chỉ có tiền mới buộc chân họ lại trong nhà. Nếu thiếu tiền, họ sẽ bỏ đi, chưa biết đi đâu và làm gì nhưng họ sẽ bỏ đi.
Vừa trả lời xong câu tôi hỏi thì cũng vừa lúc xe dừng, người đàn ông này ẵm hai đứa nhỏ bước xuống xe và không quên nói vói lại cám ơn vợ chồng tôi vì mấy bịch sữa, mấy cái bánh và chai dầu. Thực lòng mà nói, lúc đó cả hai vợ chồng và hai đứa nhỏ con tôi (hình như chúng cũng nghe và hiểu chuyện) cứ nhìn theo người đàn ông và hai đứa trẻ, nhìn cho đến lúc ông ta bước vào căn chòi ọp ẹp và xe chạy khuất. Cũng may là khách sạn OZONE (một khách sạn 4 sao, có đầy đủ hệ thống hồ bơi, nhà hàng, nhìn ra sông, phong cảnh thơ mộng, sang trọng nhất Cà Mau, nằm gần bến xe Năm Căn, huyện Năm Căn, có giá khá rẻ, phòng đôi, đầy đủ tiện nghi 4 sao, 25USD cho 24 giờ. Anh chị em người Việt hải ngoại khi về Việt Nam, đi du lịch Cà Mau nên lưu ý khách sạn này!) nằm cách chỗ căn nhà ọp ẹp của người đàn ông kia không xa!

Vừa nhận phòng xong là tôi để hai đứa con cho bà xã, bắt xe ôm chạy đến chỗ ngôi nhà ọp ẹp kia. Hai đứa trẻ đang ngồi ăn cơm trước hiên, người cha đang lụi hụi làm cá. Không khí buồn đến não lòng. Tôi tặng ông một chút tiền nhỏ để ông mua sữa cho hai đứa nhỏ. Ông cám ơn và nói: Vậy là có tiền xe để mai ba cha con đi lên thành phố rồi. Cám ơn anh!”.
“Ủa, sao lúc chiều chú không ghé luôn thành phố, xe chạy qua thành phố rồi mới về đây mà!”.
“Không, mấy ngày nay tôi dẫn hai đứa nhỏ lên Hà Tiên tìm mẹ, nhưng chủ tiệm hớt tóc gội đầu nói là cô ấy đã đi ra ngoài Bắc. Như vậy là hết hy vọng, tôi dắt hai đứa nhỏ đi lang thang và tìm việc làm nhưng đi ba ngày mà chẳng có việc chi để làm hết. Tối lại ba cha con ngủ dưới hiên nhà người ta. Mình cũng chẳng có đồ gì quý mà sợ cướp hay trộm nên ngủ cũng ngon giấc…”.
“Mai chú đi lên thành phố làm gì vậy?”.
“Tôi đi làm lưới cho người ta, họ mới gọi điện kêu đi làm. Chứ ở nhà thì lấy chi mà nuôi mấy đứa nhỏ!”.
“Chú dắt mấy đứa đi theo chú hay sao?”.
“Không, tui gởi ông bà nội tụi nó coi giùm, chứ dắt theo lấy chỗ đâu mà ở, rồi vướng tay vướng chân, người ta lại đuổi việc sao!”.
Chơi với gia đình ông một chút, tôi tạm biệt và về lại khách sạn. Trên đường đi, tôi ta thán với ông xe ôm: “Tội quá chú hả, sao bà vợ nhẫn tâm vậy không biết, tội hai đứa nhỏ quá!”.
“Bình thường thôi cậu ơi, ở đây còn nhiều hoàn cảnh éo le hơn nữa kia, có chừng 20% các cặp bỏ nhau vì nghèo, hoặc là cô vợ theo thằng đàn ông khác có nhiều tiền, bỏ chồng con, hoặc là thằng chồng theo con nhỏ khác có nhiều tiền, bỏ vợ con. Nhưng trường hợp 2 thì hy hữu”.

“Ðời sống khổ quá làm người ta đổ quẩn phải không chú?”.
“Khó nói lắm. Nhưng mà có trường hợp con bé bên cạnh nhà tôi mới tội nghiệp, giờ nó thành con nuôi của bà chị tôi rồi. Số là mẹ nó vốn đã có chồng nhưng không có con, rồi bỏ chồng theo thằng đàn ông khác trên Bình Dương, khi có bầu thì thằng Bình Dương bỏ, lại mang bầu về quê sinh con. Ðứa bé được hai tháng thì nó nhờ bà chị tôi nuôi và đi tiếp, nói là đi làm ăn để gởi tiền về nuôi con. Năm đầu nó gởi đều đặn hàng tháng. Nhưng sau đó thì bặt vô âm tín, không biết có bị bán sang Trung Quốc hay mất tích không nữa. Con bé giờ đã 5 tuổi rồi, 4 năm mẹ nó không gởi tiền về nuôi. Bà chị tôi lên cơ quan nhà nước xin xác nhận nó làm con nuôi luôn. Giờ nó sống với bà chị tôi, nó thông minh và dễ thương lắm!”.
Tôi về lại khách sạn OZONE, có thể nói là buổi chiều đầu tiên trên đất Cà Mau mới thật là thê thiết!
Kỳ 3:
Cửu Long ký sự 3