Mối liên hệ anh em, đặc biệt giữa anh trai và em gái, thường thắm thiết, có khi kéo dài qua suốt đời. Câu chuyện kể lại sau đây nói lên điều đó và còn hơn thế nữa, do định mệnh sắp xếp, tình anh em đượm nhiều nỗi bi thương, khiến người đọc phải rưng rưng lệ. Mời các bạn theo dõi. NS
Johnny lớn hơn tôi ba tuổi, tính từ ngày sinh. Tôi sinh ngày 28 tháng 8, Johnny sinh 29 tháng 8. “Em đúng là món quà sinh nhật của anh, Sal ạ.” Chỉ có anh mới gọi tôi với tên ấy.
Vì cả cha và mẹ tôi đều đi làm việc, Johnny lãnh phần săn sóc tôi sau khi tôi đi học về. Mùa đông, anh lo cho tôi mặc ấm. Vào những ngày mưa, anh vặn máy hát và hai đứa chúng tôi nhảy múa quanh nhà.

Khi Johnny lên trung học, trong một buổi lễ ở trường, anh yêu cầu tôi làm bạn khiêu vũ của anh (prom date). Và chúng tôi nhảy suốt đêm. Mặc dù anh không nói nhưng tôi biết anh là gay (người đồng tính). Tôi chỉ mong Johnny vui và được thương yêu thôi.
Và anh rất được các con tôi yêu. Chúng thường gọi anh là Dì Johnny bằng giọng nhỏ nhẹ, và cái tên ấy đeo theo anh luôn.
Howard chồng tôi và tôi muốn ngôi nhà mình lúc nào cũng rộn rã tiếng cười và chúng tôi muốn cả năm phòng ngủ đều có trẻ thơ. Nhưng vào lúc chúng tôi đã sẵn sàng có thêm trẻ nhỏ, tôi được biết mình không thể nào có thai và sinh con. Tôi lúc ấy mới có ba mươi hai tuổi mà đã mãn kinh.
Do đó chồng tôi và tôi đưa tên lên danh sách chờ nhận con nuôi. Một đêm đã khuya không ngủ được tôi gọi điện cho Johnny: “Johnny ơi, em không thể nào sinh thêm một đứa con nữa.” Rồi tôi nức nở khóc. Johnny với giọng thật dịu dàng an ủi tôi: “Em sẽ có thêm một đứa nữa mà.” Anh nói. “Ðừng bao giờ buông xuôi tuyệt vọng, Sal ạ.”
Và rồi năm 1990, thế giới bỗng như sụp đổ quanh tôi. Johnny báo tin anh bị bệnh AIDS. “Không!” Tôi thét lên, nước mắt giàn giụa chảy xuống mặt. Tôi không thể tin được rằng một ngày nào đó người anh thân yêu của mình sẽ chết. Tôi ôm Johnny trong tay và chúng tôi cùng đong đưa cùng khóc. Ôi, giá như tôi có thể ôm anh mãi và che chở anh.
Johnny ở cách chúng tôi có một vài con phố. Và tôi có mặt thường xuyên ở đó để chăm sóc anh khi bệnh trở nặng. Có những lúc, với một tia sáng ngời lên trong mắt, anh ôm tôi và khiêu vũ quanh phòng. Nhưng những khoảnh khắc ấy qua mau.
Tới mùa thu năm 1992, chúng tôi biết rằng kết thúc đã gần kề. Một buổi chiều Tháng Chín, bố và mẹ và tôi đứng quanh giường Johnny. Tôi nói, “Em sẽ mãi nhớ tới anh.” Và tôi cúi xuống hôn Johnny. “Khi anh thấy đèn sáng thì cứ ra đi.” Và với một hơi thở ngắn, Johnny từ giã cõi đời.
Tê dại vì đau đớn, tôi cầm lấy cái tượng Thánh nhỏ mà Johnny vẫn giữ bên mình lúc đau ốm. Tôi ép nó vào ngực mình và khóc. Khi về đến nhà, tôi đặt cái tượng lên giá sách.
Ôi, làm sao tôi có thể đi qua hết đoạn đường đời còn lại mà không có anh Johnny. Tôi thường khóc, cầm chặt cái tượng Thánh trong tay và cầu nguyện. Còn đâu những lúc khiêu vũ. Còn đâu tiếng gọi “Sal” đầy thân ái.
Thế rồi một buổi sáng sau khi Johnny ra đi một vài tuần lễ, hai con tôi Nicholas và Matthiew chạy vào bếp la lên, “Mẹ ơi, dì Nonny về!”
Ðôi chân tôi run lên. “Cái gì?”
“Dì về với tụi con.” Chúng nói. “Dì mặc chiếc Tshirt màu đỏ.”
Tôi muốn tin điều này là đúng. Nhưng đây là do lũ trẻ quá nhớ Johnny và chúng tưởng tượng ra thế.
Trong nhiều tháng kế tiếp Johnny tiếp tục về thăm. Rồi ngưng, lũ trẻ không còn nhắc tới nữa. Chúng đã trở lại bình thường. Ðời sống vẫn trôi qua, nhưng buồn bã hơn. Một đêm tôi nói với Howard, “Mình phải có thêm một đứa con nữa. Mình cần sống có hy vọng.”
Vậy là chúng tôi khởi sự tìm kiếm, lần này là với một cơ quan quốc tế về nhận nuôi trẻ. Nhiều tuần lễ rồi nhiều tháng trôi qua vẫn không kết quả, trong khi lòng tôi nôn nao muốn trao cho đứa nhỏ tình thương mà chúng tôi đã có với Johnny. Vào những lúc đen tối, tưởng đã không còn hy vọng nữa, tôi nghe văng vẳng bên tai lời nói của Johnny, “Ðừng bỏ cuộc, đừng tuyệt vọng, Sal ạ.”
Tôi không bỏ cuộc. Sau hai năm chờ đợi tôi nhận được điện thoại. Một em bé người Nga hai tuổi cần có một gia đình. Tôi vội lên máy bay tới đó. Mặc dù đời sống khổ cực, Anna vẫn khỏe mạnh và lớn lên trong gia đình tôi. Em không biết tiếng Anh nhưng em diễn tả bằng nụ cười và những cái hôn.
Em ở với chúng tôi được một vài tháng, đến một buổi chiều tôi đi shopping về thì gặp Howard chồng tôi chờ ở cửa với vẻ mặt lo lắng. Anh dẫn tôi tới gặp Anna. Em đang cầm trên tay cái tượng Thánh tôi đã lấy về từ giường bệnh của Johnny. Ngẩng lên nhìn tôi, Anna đưa cái tượng Thánh ra và thốt lên, “Dì Nonny”. Ðoạn em buông cái tượng ra cho tôi. Howard cho biết bé Anna cứ nhắc cái tên Nonny suốt buổi chiều.
Mắt đẫm lệ, đầu óc tôi quay cuồng. Tôi run rẩy bỏ các gói đồ xuống. “Chúng ta chưa bao giờ nói với bé về Johnny, chẳng lẽ em hiểu được điều chúng ta nói với nhau.” Tôi khóc nức lên. Cho dù Anna có hiểu lời lũ trẻ nói chuyện với nhau nhưng làm sao em biết được cái tượng Thánh ấy là của Johnny.
Chẳng lẽ Johnny cũng hiện về với Anna? Ngay ở đây, trong ngôi nhà này? Và Johnny là thiên thần hộ mệnh của em và em đã gặp Johnny. Do đó mà em thốt lên tên gọi Nonny. Tôi cứ tưởng là tôi đã mất Johnny vĩnh viễn nhưng giờ đây dường như không phải vậy.
Ðêm qua Anna bỗng ngừng chơi với các đồ chơi và chạy đến ôm tôi. Tôi nhìn xuống khuôn mặt đẹp của em và bỗng thấy ở đó vẻ tươi vui của Johnny. Mối liên hệ tình yêu không bao giờ bị đứt đoạn, Johnny vẫn luôn luôn ở với chúng tôi – hiển hiện trong nụ cười của Anna.
NS
(theo Eva Unga – trích từ tạp chí Woman’s World Magazine)