Không biết có phải tất cả các bác sĩ nhìn đâu cũng thấy vi trùng? Người bạn của tôi là người như thế. Nhớ hồi anh ta học bác sĩ, nói lắm chuyện về loại vi sinh vật đơn bào này. Anh bảo nơi tập trung nhiều nhất và đủ loại vi trùng là cánh cửa ra vô phòng vệ sinh công cộng. Không chỉ riêng anh, tôi để ý một số người ra vô cánh cửa “giải toả tâm hồn” này đều có ý nghĩ như anh. Lấy miếng giấy bao bàn tay cách ly với cánh cửa. Nhưng khi bọn chúng tôi nói chuyện về vấn đề vi khuẩn khi người ta hôn nhau thì anh thú thật, vi khuẩn có triệu loại. Tất nhiên nó vô hại cho nên nụ hôn vẫn cứ nhởn nhơ ra đấy. Và có ai mà không thích thú.

Dưới con mắt “nhà nghề” của giới y học giải phẫu nụ hôn cho thấy mỗi nụ hôn, người ta trao nhau 9mg nước, 0.7mg albumin, 0.18g các chất trong cơ thể, 0.711mg các chất béo, 0.45mg muối và hơn 250 triệu vi khuẩn. Thậm chí siêu vi khuẩn mononucléose thuộc nhóm herpes từ nước bọt có thể xâm nhập bạch cầu sinh ra loại bệnh mỹ miều “bệnh của nụ hôn” mà ngành y học gọi là tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn. May là loại vi khuẩn này không đến nỗi giết người, chỉ làm cơ thể mỏi mệt kéo dài hoặc lở môi lở miệng, tự hết trong vài ba tuần. Tuy nhiên, tuỳ theo tình trạng bệnh nặng hay nhẹ đi thầy thuốc vẫn là điều cần thiết, có cách điều trị thích hợp mau chóng bình phục để còn… hôn tiếp.
Vậy nụ hôn có từ khi nào mà khiến người ta mê mẩn đến vậy? Các nhà sử học đưa ra giả thuyết nụ hôn xuất phát từ Hy Lạp lan truyền qua Ấn Ðộ khi Alexander xâm lược Ấn Ðộ vào năm 326 trước Công nguyên. Nhưng cũng không thấy bằng chứng hình ảnh hôn nhau nào trong các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tường vách vào thời thượng cổ tại Hy Lạp có liên quan đến nụ hôn. Trong khi đó, người ta lại tìm thấy một văn bản bằng tiếng Phạn của Ấn Ðộ mô tả về nụ hôn vào khoảng năm 1500 trước Công nguyên. Vậy là khó xác định nụ hôn khởi phát từ quốc gia nào. Các nhà sử học Ấn Ðộ tin rằng nụ hôn là một hành vi tình cảm của con người xuất phát từ nhiều thế kỷ trước cho đến khi tài liệu bằng tranh Kama Sutra ấn hành vào thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên.

Còn nụ hôn đối với người phương Tây thì sao? Cũng chẳng có nhiều ghi nhận vào thời đế chế La Mã. Người La Mã chia nụ hôn làm ba loại: Osculum (hôn lên má), Basium (hôn lên môi) và Savolium (hôn sâu) để thể hiện tình yêu thương các thành viên gia đình hay cộng đồng trong các nghi thức giao tiếp xã hội. Nhưng tất cả các nụ hôn này đều chỉ là chạm môi lên phần của khuôn mặt chẳng khác gì dùng mũi mà ngửi. Người châu Âu còn hôn lên tay để tỏ lòng ngưỡng mộ, yêu mến và kính trọng mà cho đến bây giờ người ta ví von là nụ hôn thánh thiện. Người Kitô giáo vẫn thể hiện nụ hôn trong nhiều nghi thức bao gồm việc hôn nhẫn Giáo Hoàng. Còn đạo Tin Lành thì hoàn toàn loại bỏ nụ hôn. Một số trường hợp, người ta còn có nụ hôn chính trị, hôn lên mặt đất, cây cỏ để bày tỏ hạnh phúc và cám ơn cuộc đời.
Cũng theo các nhà sử học, nụ hôn nghiêm chỉnh trong các nghi thức giao tiếp bắt đầu từ đế chế La Mã. Nhưng về sau nụ hôn trở nên tự nhiên hơn. Ngay trong thư tình, người ta còn in dấu son môi (hôn lên thư tình) như một hình thức niêm phong và dần dần người ta thực hiện hành vi hôn ở các nghi lễ đính hôn cưới hỏi. Cặp đôi hôn say đắm trước mắt mọi người, chứng tỏ một tình yêu chung thủy. Từ đó nụ hôn lãng mạn ra đời và người ta còn hôn nhiều cách để tâm hồn mê đắm thăng hoa hơn nữa mà chúng ta thường thấy trên phim ảnh. Và cuối cùng nụ hôn môi sâu nồng nàn cháy bỏng đã buộc chặt hai người yêu nhau.

Vô địch nụ hôn cháy bỏng (lưỡi) là dân tộc Papua ở New Guinea. Maryam Sachs – nhà nghiên cứu hành vi hôn ghi nhận: “Cả hai giới đàn ông và phụ nữ trang điểm trong ngày kết hôn (hay hẹn hò lúc chưa là vợ chồng) bằng cặp môi tô son đỏ (bằng thứ màu làm từ thực vật). Họ nhìn nhau say đắm, không phải nét đẹp của khuôn mặt mà là cặp môi đỏ làm kích thích giác quan. Nhưng môi đỏ chỉ là phần xúc tác, cái lưỡi mới là chủ chốt. Nụ hôn bắt đầu theo nghi thức, đầu tiên là mút lưỡi, sau đó cọ xát dọc theo chiều dài lưỡi, cuối cùng hai người mút môi trước khi cắn cho môi bật máu để đạt đến trạng thái mê ly và cả hai truyền nước bọt cho nhau tuôn chảy vào miệng người yêu”.
Nụ hôn hai người yêu nhau của dân tộc Papua quá hãi hùng và sâu sắc không biết mất bao nhiêu calori vận động bắp thịt lưỡi, môi, khuôn mặt, nhưng một nụ hôn lãng mạn kiểu Pháp thì người ta tính ra được 29 bắp thịt chuyển động (trong có hết 17 của lưỡi) sơ sơ làm mất đi vài chục calori. Hôn nhau một phút sẽ đốt cháy lượng calori bằng chúng ta chạy bộ 500 mét. Nụ hôn đam mê cũng làm quả tim làm việc tích cực. Mạch đập từ 70 đến 150 lần trong một phút. Cho nên, đừng hôn lâu quá bốn năm phút, có thể sau khi buông tay một trong hai người ngã xuống bất tỉnh hoặc có khi nghẹt thở không kịp nói lời từ biệt.
Theo tờ DailyMail thì tiến sĩ nha khoa Hausauer Heidi cho rằng nụ hôn sâu giúp cơ thể tăng lưu lượng nước bọt. Ðiều này có lợi cho nướu răng vì sẽ loại bỏ các hạt thức ăn còn sót lại, ion trong nước bọt có khả năng tái tạo men răng, giảm tổn thương tình trạng các bệnh về miệng và nướu. Không chỉ thế, hôn còn giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Việc trao đổi nước bọt giúp cơ thể đón nhận nhiều loại vi khuẩn từ đối tác. Y học chỉ ra rằng, cơ thể có nhiều loại vi khuẩn khác nhau thì khả năng chống chọi với bệnh tật càng cao. Hôn còn làm cho giảm lo âu, giảm tác động của dị ứng, hạ huyết áp, làm chậm quá trình lão hoá, giảm cân và tăng khoái cảm tình dục.

Vậy thì lợi ích của những nụ hôn theo y học là quá rõ ràng, có lợi nhiều mặt, nhất là phụ nữ càng nên hôn càng nhiều càng tốt. Lão hoá là nỗi ám ảnh hầu hết phụ nữ trên hành tinh này. Giảm cân và tăng khoái cảm tình dục cũng là điều bất kỳ ai cũng thích. Maryam Sachs viết trong tác phẩm “Nụ hôn – rượu khai vị trong bữa yến tiệc thân thể”, rằng: “Trước nhất là cái miệng nàng quyến rũ. Và ngôn ngữ của nàng là nụ hôn. Một nụ hôn thể hiện nhiều cách, gây nên những cảm xúc mãnh liệt, đi đến chỗ cực khoái…”.
Còn Jacques Waynberg thuộc Viện nghiên cứu tình dục ở Pháp, giải thích: “Con người có cảm xúc mạnh như thế vì nụ hôn vận động tất cả các giác quan. Ðầu tiên là cái nhìn, kế đến là đụng chạm, rồi muốn (thèm) hôn khi vị giác kích thích tuyến nước bọt mạnh lên, rồi cảm nhận mùi của đối tượng và cuối cùng những hơi thở ngắt quãng nhịp nhàng hay hổn hển là thính giác phiêu lưu. Tất cả năm giác quan đó góp lại trong chuỗi quá trình hôn làm người ta ngây ngất. Nhiều khi chỉ mỗi cái hôn mà làm người ta nhớ đến suốt đời. Vậy mà nhà thơ Nguyệt Thảo có bài thơ “Con dấu chữ O tròn” như thế này. “Những nụ hôn chẳng làm nên nỗi nhớ / Tí son môi thì có vị hương gì / Chút hơi thừa trong vuông khăn gấp nhỏ / Quay lưng rồi gió sẽ thổi khô đi…”.
Xem ra cái miệng tròn như chữ O chẳng hấp dẫn tí nào. Ấy vậy mà cả nửa hành tinh này đang ngất ngây với những nụ hôn. Một loạt ảnh các anh lính thời chiến ra mặt trận và chiến thắng trở về hồi Thế chiến thứ hai, làm người ta say mê và ca ngợi như bức ảnh “Nụ hôn ở Quảng trường Thời đại năm 1945” của anh chàng hải quân hôn cô nữ y tá sau khi trở về New York đã đi vào lịch sử của những nụ hôn.

Ðối với nhà tập tính (hành vi) học Desmond Morris thì “mọi con người đều giống nhau ở đôi môi”. Nhưng lý thuyết này không thể giải thích tại sao người đàn ông, trong lần đầu tiên ôm hôn người đàn bà. Hành vi này được nhà tập tính Desmond Morris giải thích sâu về quá khứ có lẽ do gốc gác từ xa xưa. Người mẹ dứt sữa cho con bằng cách nhai đút thức ăn truyền “miệng qua miệng” cho đứa bé. Lưỡi và môi khi đó được sử dụng nhiều phát triển thành hành vi. Nụ hôn tình ái cũng vậy, di chứng của nụ hôn bú mớm mẫu tử hình thành những tiếp xúc đầu tiên của em bé với thế giới bên ngoài qua cái miệng: bú vú người mẹ, sờ nắn đồ vật bằng lưỡi. Chính vì vậy nhiều nhà khoa học tâm lý cho rằng sự gợi dục của cái miệng ra đời từ sự cho bú.
Chuyện giải phẫu nụ hôn từ ngoài vào trong còn nhiều khía cạnh chưa thể nói hết. Người ta chỉ hiểu nụ hôn là một đặc ân. Chỉ có nửa nhân loại trên hành tinh biết đến trạng thái này. Người châu Phi do mê tín nên không dám hôn nhau. Người Nhật, người Trung Hoa thì xem nụ hôn môi sâu lắng của người châu Âu quá hoang dã và sỗ sàng. Người New Zealand hôn nhau theo kiểu cọ xát đôi môi giống người Eskimo. Còn người Việt mình thì sao nhỉ?
NL – Theo DailyMail