Menu Close

Thập niên cũ (kỳ 1)

Nếu truyện ngắn giống một tấm ảnh trắng đen ghi lại chân dung tinh thần của người viết vào thời điểm hoàn tất, thì trả lời phỏng vấn là thâu tiếng nói vào chữ. Đăng lại, là lục trong ngăn tủ cuộn băng xưa và nghe lại giọng nói của chính mình một thập niên trước.

Trần Vũ

Lê Quỳnh Mai: Một thập niên trước, khi truyện ngắn Mùa Mưa Gai Sắc xuất hiện trên tạp chí Hợp Lưu đã gây ra cuộc bàn cãi sôi nổi trong văn giới. Rồi sau đó, các tác giả Bùi Vĩnh Phúc, Nguyễn Mạnh Trinh, Phan Huy Đường, Thụy Khuê, Nguyễn Xuân Hoàng, Trương Vũ, Nguyễn Văn Trung, v.v.. đã bàn luận về tập truyện Cái Chết Sau Quá Khứ giống như Nguyễn Hưng Quốc, Nguyễn Ngọc Bích, Hoàng Khởi Phong, Bùi Bảo Trúc trước đây đã viết về Ngôi Nhà Sau Lưng Văn Miếu. Nhìn chung, có nhiều so sánh giữa Mùa Mưa Gai Sắc với trường thiên tiểu thuyết Sông Côn Mùa Lũ của Nguyễn Mộng Giác. Suy nghĩ cá nhân của ông về vấn đề này?

Trần Vũ: Trước nhất, tôi nghĩ không thể so sánh một truyện ngắn giới hạn trong một thước phim âm bản, một khúc đời thái lát, đôi ba nhân vật phẫu thuật, như trường hợp Mùa Mưa Gai Sắc với một trường thiên tiểu thuyết công phu, trên ngàn trang giấy, trải dài từ chiếc nôi của biến động Bình Ðịnh ra Bắc Hà, trở ngược xuống Bến Ván, rồi vào Gia Ðịnh với cả trăm nhân vật, với tham vọng ghi lại toàn bộ thăng trầm đất nước ở vào thời kỳ lên sởi “da beo”, với những vùng “tạm chiếm” hoặc đã “giải phóng” như trong Sông Côn Mùa Lũ. Truyện ngắn Mùa Mưa Gai Sắc không có tham vọng đó và thể loại truyện ngắn không cho phép tham vọng ấy.

Với Sông Côn Mùa Lũ, Nguyễn Mộng Giác đi tìm bình dị con người trong vĩ nhân. Với Mùa Mưa Gai Sắc, tôi đi tìm dã thú trong con người. Hai mục đích khác nhau. Mặt khác, tôi không viết truyện lịch sử.

 

Lê Quỳnh Mai: Ông chưa trả lời toàn vẹn câu hỏi. Vì sao có sự so sánh giữa hai nhân vật Ngọc Hân-Nguyễn Huệ của Mùa Mưa Gai Sắc và trong Sông Côn Mùa Lũ? Tiện đây xin hỏi thêm mối tương quan giữa Trần Vũ và Nguyễn Mộng Giác, mà dường như đã khơi nguồn cho truyện ngắn gây nhiều bất mãn này?

Trần Vũ: Chuyện rất dài… So sánh của giới phê bình và điểm sách mà tôi được đọc trên các nhật trình và tạp chí Việt ngữ, chủ yếu tập trung quanh hình ảnh dã man của Nguyễn Huệ, cũng như mối thâm thù toan tính ám sát Huệ của Lê Ngọc Hân trong Mùa Mưa Gai Sắc. Ðây là trái biệt chính. Vì Huệ trong Sông Côn Mùa Lũ rất hiền hoà, trong sáng, Hân thắm thiết, đằm thắm, ngoan ngoãn… nhưng có lẽ, nên bắt đầu từ mối tương quan vô hình giữa tôi và nhà văn Nguyễn Mộng Giác.

h1

Lê Quỳnh Mai sinh 1962 theo học chương trình Pháp tại Sàigòn và định cư Canada từ 1975. Tốt nghiệp BAC de Communication Appliquée, là thành viên thiện nguyện Unicef, Lê Quỳnh Mai phụ trách Chương trình Văn học Nghệ thuật  cho Radio TNVN, Montréal và thực hiện phỏng vấn, làm Talkshow, MC âm nhạc. Cộng tác với Văn Học, Hợp Lưu, Tập san Y Sĩ, Tạp chí Quốc Gia (Montréal), Tập san Hồng Đức (Trung tâm Văn hóa Giáo dục Hồng Đức), Tạp chí Đi Tới. Tác phẩm đã xuất bản: Tác Giả, Với Chúng Ta (nxb Khôi Nguyên, 2004); Audio Book Gã Đấu Bò Thành Málaga (nxb Khôi Nguyên, 2005 ).

Tất cả đã bắt đầu rất sớm, cách đây hai thập niên. Lúc đó và cho đến bây giờ, nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã luôn là một nhà văn đàn anh, người đã đem đến cho tôi vô vàn say mê với tập truyện Ngựa Nản Chân Bon. Chính năm 1984, khi tôi chưa viết truyện, Nguyễn Mộng Giác với tập 1 Những đợt Sóng Ngầm của trường thiên Mùa Biển Ðộng đã lôi tôi vào thế giới văn chương mà tôi vừa biết đến ở Sàigòn trước 75, rồi đứt khúc.

Có thể xem, một trong những yếu tố khiến tôi bước chân vào văn xuôi là do hấp lực của Mùa Biển Ðộng. Tôi đã “mê” nhân vật Diễm rất nhiều, mê những giọt mồ hôi ẩm trên ngấn cổ cô Diễm những trưa nắng mang thau nước rửa mặt cho Ngữ bên xưởng vẽ của Ngô. Mê cách trao thân hết mình của Diễm dưới chân cầu Gia Hội cho Ngữ. Mê cách sống không hối tiếc và quyết tâm làm giàu sau khi gạch bỏ tình yêu của Diễm. Nguyễn Mộng Giác rất thành công trong mô tả phụ nữ miền Nam trước 75. Như Nam, thiếu nữ dấn thân và thần thánh Tường, giáo sư triết của trường Quốc Học, thần thánh trong đời sống, trong tình yêu, trong cả nhẫn nhục chịu đựng. Nguyễn Mộng Giác phân tích tài tình đời sống, từng trạng huống tâm lý, đi từ lãng mạn tột độ, băn khoăn cùng cực, vui sướng hết mức đến hốt hoảng, đăm chiêu, tuyệt vọng rồi liều lĩnh. Nhân vật Tường, cũng đầy sôi động. Trước khi « nhảy núi », Tường trở về nhà mắng cha, ông Thanh Tuyến, đã lái xe Toyota bằng máu của nhân dân lao động…

Ðã hai thập niên trôi qua mà tôi vẫn còn nhớ như in không khí của gia đình ông Thanh Tuyến, rõ ràng là không khí của gia đình tôi, từ nếp sống, cách sinh hoạt, nếp suy nghĩ, phản xạ trước chánh quyền, trước đám đông, thói quen xã hội… Gia đình tôi, một gia đình Bắc di cư mà không hề khác gia đình ông Thanh Tuyến bố của Tường, một gia đình Huế. Ðiều đó cho thấy Nguyễn Mộng Giác đã tái tạo được đơn vị gia đình Việt Nam trong tiểu thuyết của ông.

Ðã hai thập niên mà ở hải ngoại chưa có cuốn tiểu thuyết nào làm tôi say mê bằng. Ði làm ôm theo, ngồi trong xe lửa đọc miên man, vào công ty gấp sách lại chỉ mong chóng mau đến giờ hết việc, xuống xe điện, mở tập 2 Bão Nổi, các nhân vật lại sống trở lại, cười nói, yêu khóc giận hờn, từng màu áo, sắc son môi, khoé mắt, tưng bừng trên trang giấy, làm như mình chưa hề rời xa họ một giây phút nào, đã thân thiết với họ tột bực, đã sống chung, chia sẻ tận cùng đời sống thầm kín của từng người. Tuyệt diệu là tất cả đã xảy ra, diễn ra, sinh sống trên cái nền lịch sử tan vỡ của miền Nam trước 75, khởi đi từ thao thức sinh viên, tranh đấu miền Trung, Phật giáo xuống đường… Nguyễn Mộng Giác ghi lại được hết tất cả những chuyện ấy, nhỏ nhặt từ trong nhà ra đến ngoài chợ, từ trong trường học ra tới đồn Mang Cá. Các đoạn đánh nhau ngoài Huế, Việt cộng núp dưới chân Chúa khiến Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ càu nhàu vừa bi hài vừa chết chóc như trong Full Metal Jacket của Stanley Kubrich (quay sau Mùa Biển Ðộng mấy năm). Sau Tình Ca Trong Lửa Ðỏ, Giải Khăn Sô Cho Huế, Ðổ Nát của Nhã Ca, bút ký chiến trường của Phan Nhật Nam và ký Quảng Trị Ðất Ðợi Về của Dương Nghiễm Mậu, tôi thật sự khám phá chiến tranh, biến động xã hội và miền Trung qua Nguyễn Mộng Giác. Tiểu thuyết ngoài nước bây giờ chai sạn vì không còn những Mùa Biển Ðộng nữa. Và cũng không chỉ ngoài nước, cả trong nước, chưa có cuốn tiểu thuyết nào mang kích thước, chiều kích sánh bằng. Cùng thể loại, Vỡ Bờ của Nguyễn Ðình Thi, Ðống Rác Cũ của Nguyễn Công Hoan là những trường thiên đọc chán vô cùng.

Trả lời dài …”trường thiên”  như vậy, để cô hiểu nỗi say mê tiểu thuyết Nguyễn Mộng Giác của tôi, đã bắt đầu từ buổi sáng xám trắng, ảm đạm, một nhóm thuyền nhân vô tình phát giác có kẻ thắt cổ chết trong căn lều bên cạnh rồi im lặng thao thức cho số phận con người trên cái nền trầm trầm của kinh thánh… Những trang Ngựa Nản Chân Bon đó, Nguyễn Mộng Giác đã viết ngày ông vừa đặt chân lên trại tỵ nạn Galand-Nam Dương. Ðó là năm 1982. Tôi cũng vừa rời Phi Luật Tân, vừa chứng kiến cảnh thuyền nhân tự tử trong trại đảo Puerto Princesa City, Palawan vì bị …từ chối đi Mỹ, vừa đặt chân đến Âu châu. Tôi đã “gặp” Nguyễn Mộng Giác khi ấy.

Khi ấy, giai đoạn 1982-1984, văn học hải ngoại đang thành hình và Nguyễn Mộng Giác là một trong những tác giả chính. Khi ấy, Nguyễn Mộng Giác đáp ứng tâm tình của độc giả vì ông đã thể hiện tâm tình thật của chính ông, một cá nhân chìm trong loạn lạc nội chiến của đất nước.

Nhưng 7 năm sau, đến Sông Côn Mùa Lũ thì tôi thất vọng. Cuốn trường thiên này thiếu sôi nổi, thiếu sức mạnh túm bắt, xô, đẩy, đạp người đọc vào trong tiểu thuyết rồi “giặt giũ” cho đến tả tơi, rã rời mê đắm. Sông Côn Mùa Lũ không có chất mê hoặc của những tác phẩm quỷ quái như Anh Em Nhà Karamazov. Ðộc giả không “bắt” được nhân vật, quá trơn tru, thiếu sần sùi, ít góc cạnh. Nói cách thô lậu là người đọc không “ăn nằm” được với nhân vật. Lý do, theo tôi nghĩ, vì nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã viết trường thiên này thời gian ở Việt Nam sau 75. Thiếu tự do sáng tác, lo lắng trước các chính sách văn hóa của nhà nước, khiến ông đã không thể đẩy nhân vật đến cùng, mà phải chọn vị thế trung dung, “an toàn”, do đó tất cả nhân vật đều chung chung … “ít vấn đề “.

Lúc đó, khoảng 1991, mua mấy tập Sông Côn Mùa Lũ khá mắc, tôi bực mình với Nguyễn Huệ của Nguyễn Mộng Giác ở An Thái vô cùng. Có mỗi bàn tay nhỏ nhắn xinh xắn của An, con gái Giáo Hiến, mà Huệ cũng không dám nắm! Ðọc mấy trăm trang sách không biết đến chừng nào An-Huệ mới cầm tay, hôn môi! Nhát cáy như vậy làm sao Huệ đánh Ðông dẹp Bắc, 4 lần vào Gia Ðịnh, 3 lần ra Bắc Hà, thảm sát Minh Hương ở Biên Hòa, diệt quân Xiêm ở Rạch Gầm, giết thuộc hạ Nguyễn Hữu Chỉnh với Vũ Văn Nhậm, dứt bỏ tình huyết thống đạo lý luân thường để đảo chánh anh ruột là Nguyễn Nhạc. Nguyễn Huệ đứng dưới chân thành Quy Nhơn chửi mắng Nguyễn Nhạc không tiếc lời, về sau còn đục thuyền cho thân nhân gia đình Ngọc Hân chết chìm…

Lê Quỳnh Mai và Nguyễn Mộng Giác hình chụp 2005.
Lê Quỳnh Mai và Nguyễn Mộng Giác hình chụp 2005.

Quang Trung hoàng đế, con người đó, lạ thay, dưới ngòi bút Nguyễn Mộng Giác vô cùng “lành” với chư tướng, do dự và nhút nhát trước phái yếu!

Với tôi, ấn tượng đầu tiên sau khi đọc Sông Côn Mùa Lũ là Nguyễn Mộng Giác khắc hoạ nhân vật Huệ không thành công. Người đọc không bắt được thần thái uy lực của Huệ, một trong những yếu tố chính, vì thiếu uy lực đó sẽ không có Huệ. Nguyễn Huệ trong Sông Côn Mùa Lũ là bản sao của Ngữ, một… trung sĩ địa phương quân trước khi đi học khoá sĩ quan trừ bị Thủ Ðức trong Mùa Biển Ðộng! Các nhân vật khác trong Sông Côn Mùa Lũ cũng đều là bản sao của các nhân vật trong Mùa Biển Ðộng, mặc dù họ “sinh” ra trước Mùa Biển Ðộng.

Ngay khi gấp sách, tôi quyết định viết một truyện ngắn phác hoạ lại Nguyễn Huệ, đúng theo suy tưởng của mình. Hoàng đế Quang Trung trong tâm trí tôi phải mang hình ảnh Thành Cát Tư Hãn, vó ngựa trường chinh, bách chiến bách thắng và có chất …thổ phỉ!

Phần khác, tôi không tin Lê Ngọc Hân có thể yêu Nguyễn Huệ ngay phút đầu tiên, dễ dàng và say đắm. Khác biệt giai cấp, văn hoá, tâm lý quá lớn. Chưa nói đến thù cha, nợ nước, thù nhà, khiến Ngọc Hân khó mà… “vô tư”. Sau 75, các tiểu thư Sàigòn trong một thời gian dài đã không “vô tư“, trừ phi phải làm Vương Thúy Kiều liều mình chuộc cha đang “tập trung cải tạo”, đa số đã từ chối các “anh hùng quân đội nhân dân”. Tôi muốn thể hiện lại điều đó, sự chối từ “áo vải cờ đào” của những thiếu nữ kinh kỳ sinh sống nơi kinh đô bị chiếm đóng.

Mùa Mưa Gai Sắc ra đời trong suy nghĩ đó, với ước muốn tân tạo hình ảnh Nguyễn Huệ trong đầu mình, như mình muốn, trong tự do tuyệt đối.

Tất nhiên không phải hình ảnh truyền thống của môn lịch sử học đường, và sự khác biệt này không hề tàn phá lòng quý trọng của tôi đối với nhà văn Nguyễn Mộng Giác, là một nhà văn đàn anh, người đã giữ lửa, đã làm đầu tàu thúc đẩy văn học hải ngoại trong hai thập niên vừa rồi.

 

Lê Quỳnh Mai: Theo Trần Vũ, nền tiểu thuyết Việt Nam đang ở đâu? trong thời điểm hôm nay, cuối năm 2003 này? Ông đã viết Tổng kết 12 năm sinh hoạt trên tạp chí Hợp Lưu, chắc cũng có thể “tổng kết” tiểu thuyết?

Trần Vũ: Nền tiểu thuyết Việt Nam đang ở đâu? hôm nay? lúc này? Ðây là một câu hỏi mênh mông. Tổng kết một nền tiểu thuyết …chưa thành hình, đòi hỏi cả một bài nghiên cứu, tra cứu tỉ mỉ, phân tích, trích dẫn tùm lùm, không thể “tổng kết” trong phạm vi một bài phỏng vấn. Tôi chỉ có thể đưa ra vài số liệu trên khía cạnh nổi của mặt bằng xuất bản.

Về thống kê, trong suốt năm 2002 vừa qua, theo Phạm Thị Hoài mà tạp chí Talawas đặt mua, ngành xuất bản Việt Nam quốc nội in 100 đầu tiểu thuyết. Ngành in ấn tại Pháp, chỉ riêng trong tháng 9-2003, xuất bản 691 tiểu thuyết (số liệu của nhật trình Le Monde). Nếu không tính 236 tiểu thuyết ngoại quốc phiên dịch sang Pháp ngữ, con số còn lại là một mức chênh lệch quá lớn giữa một dân tộc Pháp có 2000 năm văn hiến với 60 triệu dân và một dân tộc Kinh có 4000 năm văn hiến với 80 triệu dân. Nền tiểu thuyết Việt Nam ở đâu? hôm nay? cuối năm 2003? Thống kê trên trả lời cho câu hỏi của Quỳnh Mai.

 

Lê Quỳnh Mai: Còn bước ra ngoài thống kê?

Trần Vũ: Bước ra ngoài thống kê chỉ có thể đi tìm những lời bào chữa. Như không thể so sánh Việt Nam với Pháp, một đế quốc đã có nhiều mươi thế kỷ truyền thống văn xuôi, một đế quốc đã từng có nhiều thời kỳ hoàng kim văn học… Khó là một giải thích duy nhất.

Vì sao hôm nay thể loại truyện ngắn thịnh hành trong lúc thể loại tiểu thuyết được độc giả ưa chuộng lại vắng bóng? Nhà văn Việt không còn muốn viết dài nữa?

Các sáng tác hai, ba trang và từng câu mỗi ngày một nhiều. Văn xuôi Việt Nam đang… thun lại. Trong chiều hướng này, với thể loại truyện Câu, truyện Chớp, truyện ngăn ngắn, truyện thật ngắn đang bành trướng, sẽ phát sinh …”trường thiên tiểu thuyết cực ngắn” gồm nhiều chương mà mỗi chương với một câu duy nhất! Tôi không tin lắm vào khả năng của truyện rất ngắn hay cực-cực ngắn, cho dù là thể loại thích hợp với các diễn đàn internet, cho dù truyện thật ngắn nổi tiếng Ðường Tăng trong nước và 100 truyện cực ngắn của Trần Tất Ðạt trên Tiền Vệ gần đây rất hay, đây là hai tác giả thành công trong thể loại này.

Phần thiếu trầm trọng của văn chương Việt Nam hôm nay nằm ở truyện dài, loại tiểu thuyết có nhân vật, ghi lại băn khoăn con người, đột biến xã hội, xáo trộn thời đại, vấn nạn đất nước, diễn tả một cách bình thường hay khác thường… Ðây mới là thể loại thật sự có khả năng chinh phục độc giả Việt, cũng như thế giới. Không phải những thử nghiệm cách tân cầu kỳ làm xa cách người đọc.

(còn tiếp)