Menu Close

Todd Rundgren Ân nhân của thuyền nhân

Từ trái: Tác giả Ianbui, Todd,  Michele và huy hiệu cờ VNCH - Hoa Kỳ do Ianbui tặng.
Từ trái: Tác giả Ianbui, Todd, Michele và huy hiệu cờ VNCH – Hoa Kỳ do Ianbui tặng.

Lời Giới Thiệu: Nhân dịp nhạc sĩ Todd Rundgren đến Texas trình diễn, báo Trẻ đã có cơ hội phỏng vấn người nghệ sĩ đa tài này qua điện thoại và sau show nhạc tại Houston. Mời bạn đọc theo dõi phần 2 của bài phóng sự.

Phóng Viên: Chào anh, xin được phép hỏi vì sao anh đã quyết định làm show nhạc gây quỹ cho thuyền nhân Việt Nam vào năm 1979?

Todd Rundgren: Khi chiến tranh Việt Nam đang xảy ra thì tôi không có tham dự. Mà nếu như lúc ấy có bị bắt quân dịch thì có lẽ tôi cũng không hội đủ tiêu chuẩn sức khoẻ [cười]. Vả lại, bản thân tôi cũng không ủng hộ chiến tranh. Nhưng sau khi chiến tranh chấm dứt, là một công dân Hoa Kỳ, tôi cảm thấy mình có phần nào trách nhiệm trong việc hàn gắn những vết thương của cuộc chiến mà chánh phủ nước mình đã nhúng tay vào. Tôi thấy ít ra phải vậy mới công bằng.

 

PV: Ý tưởng này tự anh nghĩ ra hay do ai thúc đẩy?

TR: Ðây là sáng kiến của bản thân tôi. Tuy nhiên, lúc ấy tôi hoàn toàn không biết phải làm cách nào để thực hiện điều này. Chúng tôi bèn liên lạc với tổ chức Children’s Defense Fund (Quỹ Bảo Vệ Trẻ Em) của Liên Hiệp Quốc để nhờ họ hỗ trợ. Họ đã giúp chúng tôi rất nhiều về mặt tổ chức, quảng bá v.v… Họ còn thu xếp cho tôi lên chương trình TV “60 Minutes” để được phỏng vấn bởi Ed Bradley, nhờ vậy chương trình của chúng tôi được khá nhiều người biết đến.

Ngoài ban nhạc Utopia của tôi ra còn có sự đóng góp của một số nghệ sĩ khác như Rick Derringer, Patti Smith, David Johansen của ban nhạc New York Dolls… Gần 40 năm rồi nên tôi cũng quên những ai đã chơi trong đêm nào, nhưng theo tôi nhớ thì khán trường cả hai đêm đều rất đông, gần như đầy kín khán giả. Ngoài số tiền thu được, thành công lớn hơn là chúng tôi đã gây được sự chú ý của công chúng về tình trạng bi đát của thuyền nhân, cho nên trong chừng mực nào đó coi như chúng tôi đã đạt được mục đích.

Whitney Burr
Whitney Burr

PV: Trong dĩa “Initiation”, phát hành năm 75, anh có nhiều bài đậm chất triết lý Đông Phương cũng như một số lý thuyết Ấn Giáo. Anh có thể cho biết ảnh hưởng đó đến từ đâu?

TR: Thú thật là từ nhỏ tôi không lớn lên trong một gia đình Ki Tô giáo. Nhưng tôn giáo là một phần không thể tránh khỏi trong xã hội Mỹ. Khi tôi gia nhập Hướng Ðạo, họ bắt tôi phải có một tôn giáo cho nên tôi cũng đi nhà thờ Presbyterian, mặc dù tôi không siêng năng học Kinh Thánh cho lắm. Năm lên 16 tuổi tôi cũng từng nghĩ là mình được “tái sinh” (born again), nhưng có lẽ chỉ vì lúc đó tôi cảm thấy cô đơn. Lớn hơn chút nữa tôi mới nhận ra mình không thuộc vào bất cứ tổ chức hay hệ thống tôn giáo nào. Ngược lại, tôi hay thắc mắc vì sao con người ta cần có niềm tin, và tôi bắt đầu tìm hiểu thêm về các tín ngưỡng.

Khoảng giữa thập niên 70 tôi làm một cuộc hành trình về phương Ðông. Tôi mua vé đi vòng quanh thế giới, đến những xứ Hồi Giáo như Turkey, Afghanistan, Iran ngay trước khi ông Shah bị lật đổ. Ở Nepal tôi tìm hiểu về Phật Giáo. Ở Ấn Ðộ thì học về Ấn Giáo. Sau đó tôi sang Thái Lan, Bali, Nhật Bản, v.v… Tại mỗi nơi tôi học hỏi về con người và tín ngưỡng nơi đó, tôi thu gom những tư tưởng của nhân loại để làm hành trang cho chính mình nhưng không theo bất cứ đạo giáo nào.

 

PV: Anh có một lượng fan Nhật rất đông, có phải từ chuyến đi đó?

TR: Thật ra lần đó tôi đến Nhật không phải để chơi nhạc. Sau này, khi ban nhạc Utopia của tôi sang Nhật trình diễn thì khán giả Nhật mới biết đến tôi. Lúc đầu họ thích vì thời đó tôi hay xuất hiện trên sân khấu với y phục sặc sỡ, hoá trang cầu kỳ, giống như kịch Kabuki của họ. Ban nhạc KISS rất được ưa chuộng ở Nhật cũng vì họ chẳng khác nào một tuồng Kabuki [cười]. Nhưng dần dà khán giả Nhật bắt đầu để ý đến nhạc của tôi, và các thông điệp được chuyển tải trong đó, hơn là cách trang phục. Từ đó các fan club mọc lên và tôi được nhiều người Nhật ái mộ. Ngày nay tôi vẫn thích sang Nhật để trình diễn hàng năm–nếu có cơ hội.

Todd và Ringo trong All-Starr Band, 1992
Todd và Ringo trong All-Starr Band, 1992

PV: Trong các bản nhạc của Utopia có bài “Hiroshima”, nói về hai trái bom nguyên tử Mỹ thả xuống Nhật. Khán giả Nhật phản ứng ra sao khi ban nhạc Utopia chơi bài đó?

TR: Khán giả Nhật rất cảm kích khi thấy có người dám mạnh dạn đối đầu đề tài khá nhạy cảm này. Nước Nhật đã trải qua một sự thay đổi lớn từ sau Ðệ Nhị Thế Chiến. Một thời họ cũng đã từng có tham vọng làm bá chủ thiên hạ, nhưng giờ đây họ chỉ chú tâm vào việc chế tạo những sản phẩm tốt và bền để bán ra thế giới. Họ yêu chuộng thiên nhiên hơn, không coi sức mạnh quân sự là thước đo của quyền lực nên dân nước họ sướng. Rất tiếc nhiều quốc gia vẫn còn dựa vào quân đội để tạo ảnh hưởng, theo tôi nước Mỹ là một.

 

PV: Ngoài Nhật ra anh còn có fan hâm mộ ở các nước Á Châu nào khác không?

TR: Nếu có thì tôi cũng không được biết [cười]. Nhưng năm ngoái khi tôi theo ban nhạc All-Starr của Ringo sang Nam Hàn thì chúng tôi được tiếp đãi rất nồng hậu. Người Hàn cũng giống như người Nhật, rất hiếu khách. Họ ra tận phi trường để đón tiếp và tặng hoa, tặng quà. Thời 90 có lần tôi sang diễn ở Thượng Hải trong một chương trình trao đổi văn hoá, nhưng khán giả Tàu không hiểu gì hết về âm nhạc của tôi. Họ có vẻ thích nghe mấy ban nhạc Philippines nhái nhạc Bee Gees hơn! [cười]

Todd và hồ nước trước nhà, Kauai
Todd và hồ nước trước nhà, Kauai

PV: Anh đã chơi trong ban nhạc All-Starr của Ringo trong nhiều năm. Anh thấy nó ra sao?

TR: Ði tour với Ringo là điều tuyệt vời nhất đối với một người nhạc sĩ. Mặc dù là một Beatle, nhưng Ringo thích hoà đồng với mọi người, muốn được đối xử như một thành viên trong ban nhạc. Bất cứ nơi nào chúng tôi đến Ringo đều sinh hoạt chung với ban nhạc–ở khách sạn hay đi ăn cũng vậy. Câu châm ngôn của Ringo là “Tình Yêu và Hoà Bình” (Peace & Love), và anh ấy thể hiện điều đó qua cách sống và ứng xử của chính bản thân. Ngoài ra Ringo còn là một người rất tếu, thích đùa giỡn, đôi khi cũng hơi quá trớn nhưng chỉ để vui thôi. Ringo hay nói, “Mình đâu sống lâu vầy để làm khổ thân!” [cười]

 

PV: Ngoài Ringo ra anh có từng hợp tác với các thành viên Beatle nào khác hay không?

TR: Ðể xem… Có một lần tôi được mướn để hoàn tất dĩa nhạc “Straight Up” của ban Badfinger do George Harrison sản xuất. Lúc ấy George mắc bận với chương trình gây quỹ cứu trợ cho Bangladesh nên anh phải ngưng nửa chừng. Lần đó tôi có tiếp xúc với George nhưng chúng tôi không làm việc chung. John Lennon thì tôi cũng có gặp một lần, nhưng vào thời điểm đó anh ta chỉ thích làm nhạc với Yoko mà thôi [cười]. Còn Paul [McCartney] thì hoàn toàn không.

Todd Rundgren trong show “International Feel”, AWATS Tour 2009. Ảnh Ann Cusack
Todd Rundgren trong show “International Feel”, AWATS Tour 2009. Ảnh Ann Cusack

PV: Anh có thể giới thiệu thêm về tổ chức bất vụ lợi do anh sáng lập vài năm trước mang tên Spirit of Harmony Foundation?

TR: Vâng. Mục đích của Foundation là thúc đẩy việc dạy nhạc cho học sinh ở cấp tiểu học. Chúng tôi tin rằng nếu trẻ em được học nhạc khi còn nhỏ, trí óc của chúng sẽ phát triển tốt hơn và những sự biến đổi trong não bộ đó sẽ giúp chúng trong nhiều lãnh vực khác ngoài âm nhạc, mang lại lợi ích lâu dài, có thể là suốt đời.

Mặc dù rất khó để đo lường sự thành công của chương trình này, nhưng trong vài năm qua chúng tôi đã có những bước tiến rõ rệt. Chẳng hạn như một số nhà nghiên cứu về giáo dục, tâm lý và y khoa đã giúp chúng tôi chứng minh được sự khác biệt giữa não bộ người được học nhạc khi còn nhỏ và người không được học. Hoặc như Nghị Viện tiểu bang Colorado đã quyết định đưa âm nhạc vào trong ngân sách giáo dục sau khi nghe một thành viên trong Ban Quản Trị của Foundation thuyết trình về lợi ích của việc học nhạc khi còn nhỏ.

Ngoài ra, cũng cần nói thêm là chúng tôi đã và đang hợp tác với nhiều tổ chức khác nữa, như NAMM (National Association of Music Merchants—Hiệp Hội Các Doanh Nghiệp Âm Nhạc) hay Hungry For Music, một tổ chức thiện nguyện chuyên cung cấp nhạc khí cũ cho trẻ em nghèo. Mục đích chính của Foundation của chúng tôi không phải là quyên tiền mà là để hỗ trợ bất cứ ai muốn khuyến khích dạy âm nhạc nơi học đường, và tạo điều kiện cho các tổ chức địa phương kết nối với nhau để đẩy mạnh việc này.

 

PV: Tại Toddstock 2008 anh nói anh ngưỡng mộ những người như B.B. King hay Tony Bennett vì họ quan niệm nhạc sĩ là người chơi nhạc cho đến hơi thở cuối cùng. Bản thân anh cũng vậy, bằng chứng là tour “White Knight” mới nhất này anh vẫn đàn hát hết mình, có thể nói còn sung mãn hơn bao giờ. Anh có bí quyết gì để giữ gìn sức khoẻ và thể lực không?

TR: Bớt ăn tinh bột!! [cười] Thật ra tôi không cần tập thể dục vì mỗi năm tôi đi tour gần 8 tháng. Mỗi lần bước lên sân khấu tôi như lên đồng trong hai tiếng đồng hồ, coi như tập thể dục. Thời gian không đi tour thì tôi ở nhà [trên đảo Kauai] và không làm gì cả, chỉ ngắm trời ngắm biển để thư giãn. Có lẽ nhờ vậy mà đầu óc tôi luôn minh mẫn và cơ thể có thì giờ hồi phục. Dĩ nhiên càng lớn tuổi thì gân cốt cũng rêm hơn, mắt mũi kèm nhèm hơn, và trí nhớ cũng không còn bén như xưa. Nhưng nói chung thì hiện giờ tôi cảm thấy cực kỳ hưng phấn.

Todd Rundgren, trong “White Knight” Tour. Ảnh Whitney Burr
Todd Rundgren, trong “White Knight” Tour. Ảnh Whitney Burr

PV: Anh có dự tính gì cho sinh nhật 70 vào năm tới không?

TR: Cũng có, nhưng chắc sẽ không tổ chức như Toddstock ở Kauai năm 2008 được vì địa điểm đó quá xa cho nhiều người. Có thể chúng tôi sẽ tổ chức tại nhiều nơi khác nhau, như một ở khu vực Thái Bình Dương, một ở lục địa Hoa Kỳ, một ở Âu Châu, và biết đâu một ở Nam Mỹ!

 

PV: Anh cũng có fan ở Nam Mỹ nữa à?

TR: Thật ra cũng nhờ đi tour với Ringo! [cười]

 

PV: Cảm ơn anh đã dành thì giờ cho bổn báo, hy vọng sẽ gặp anh cuối tuần này ở Houston.

TR: Rất hân hạnh được đến với độc giả Việt, mong gặp lại.

Sau đêm diễn tại House of Blues ở Houston, tôi đã gặp gỡ vợ chồng Todd và Michele ở hậu trường. Nhân dịp này, thay mặt người Việt tị nạn, tôi đã trao cho Todd một chiếc pin cài áo mang hình hai lá cờ Hoa Kỳ-VNCH, như lời cảm tạ gởi đến một ân nhân của chúng ta mà gần 40 năm nay không mấy ai biết đến. Khi nhận món quà tượng trưng này, Todd cười vang và tuyên bố: “Tôi đang biến thành người Việt!” (I’m turning Vietnamese!)

IB