Nguyễn Thị Hoàng sinh ngày 11.12.1939 tại Huế. Quê Quảng Điền, Triệu Đại, Triệu Phong. Theo học trường Đồng Khánh.
Bút hiệu khác là Hoàng Đông Phương. Bắt đầu viết tiểu thuyết từ năm 25 tuổi.
1957 vào Nha Trang.
1960 vào Sài Gòn, học Đại học Văn Khoa và Luật, nhưng sau bỏ dở, đi làm, dạy học ở Đà Lạt. Bà từng là giáo sư Việt văn (trung học) ở Đà Lạt. Cuốn tiểu thuyết gây chấn động dư luận miền Nam Vòng Tay Học Trò được sáng tác trong khoảng thời gian này.
Sau đó, bà lại bỏ Đà Lạt về Sài Gòn, cộng tác với các tạp chí Bách khoa, Văn… và một số báo khác.
Sau Vòng Tay Học Trò, bà còn xuất bản trên 30 tiểu thuyết trước 1975.
1990 xuất bản Nhật Ký Của Im Lặng.
Bà còn rất nhiều tác phẩm chưa xuất bản như: Người Yêu Của Đấng Trời,…
Sau đó 17 năm, Nguyễn Thị Hoàng xuất hiện trở lại với bài viết “Nghĩ từ thơ Thái Kim Lan”, đăng trên tạp chí Văn hoá Phật giáo số Xuân Mậu Tý (2007). (Nguồn: wikipedia)
Mặc dầu đã ngừng viết và xuất bản sách, hình ảnh và tiếng tăm của Nguyễn Thị Hoàng vẫn còn trong tâm trí nhiều người. Có thể nói tất cả từ Nguyễn Thị Hoàng đều đẹp. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Nguyễn Tường Trung Huy về tác phẩm Đất Hứa của nhà văn này.
NGUYỄN & BẠN HỮU
Tập truyện ngắn tôi thích nhất của Nguyễn Thị Hoàng – do NXB HOÀNG ÐÔNG PHƯƠNG (của chính bà xuất bản năm 1969) – với một văn phong “kiều diễm và thơ mộng” nhưng đằng sau những con chữ là nỗi quay quắt và luôn truy vấn chính bản thân nhân vật và người đọc, hoài nghi về nhiều… ý nghĩa của cuộc đời / hoặc giả chăng truy vấn chính cuộc đời!
Những nhân vật trẻ tuổi ấy yêu hết mình, nhiều lúc tưởng như nắm bắt được hạnh phúc, nhưng thoắt cái, tất cả lại tuột khỏi tầm tay, biến mất, vỡ vụn. Con người dấn thân vào cuộc đời là dấn thân “vào nơi gió cát”.
Những chữ, những dòng, những chấm và cả những-không-chấm trong truyện ngắn Nguyễn-thị-Hoàng… như một chiếc thuyền lòng đã mắc nạn và nằm kẹt lại vĩnh viễn nơi người đọc, những “triết lý”, những câu hỏi liên tiếp reo lên trong truyện ngắn của Nguyễn-thị-Hoàng neo lại trong lòng tôi một chút mơ màng trong đời sống chật chội này, nó cũng đủ làm dấy sáng trong tôi leo lét những lân tinh hy vọng, dù là ít ỏi… hy vọng lấy từ chút hơi tàn sức kiệt muốn sống và phải sống… Cái triết lý ấy từng được Nguyễn – thị- Hoàng nói đến đâu đó trong nhiều tác phẩm.
“Trong mỗi mấp máy, bước chân đi vào hay ra khỏi đời sống hỗn tạp mang mang, trong từng thấp thoáng linh cảm hay cỏn con mơ tưởng của con người đều vẩn vơ dấu vết của bước chân định mệnh. Bước chân đó dù ghé đến thềm đời của một người nào, dù dịu dàng hay mãnh liệt, dù thầm kín hay ngang nhiên cũng đều là một ma lực kỳ dị, vừa dẫn dắt ta theo con đường vạch sẵn từ tiềm thức nhưng đồng thời cũng dìu ta lên một cõi sáng láng nào, dù là khoảng cao phải trải qua bao nhiêu vực thẳm của đời sống và tâm hồn. Sự trốn chạy chỉ là một cách để dấn sâu thêm vào vực thẳm. Và sự dấn sâu tâm hồn hay đời sống vào vực thẳm cũng là một cách để cuối cùng bay vút lên cao” (Cho Ðến Khi Chiều Xuống – truyện dài)
Ði sâu vào cõi sống tâm hồn và giải nghĩa… ý nghĩa của định mệnh, phải chăng Nguyễn-thị-Hoàng cố công đi tìm câu trả lời “Ðừng hỏi chuông nguyện hồn ai, chuông nguyện hồn…anh đó” ?!?
Nguyễn Tường Trung Huy
Huyvespa@gmail.com
*tuyển truyện của NXB Hoàng Đông Phương năm 1969