Sài Gòn dạo này “mưa quài mưa quỷ”, ta nói mưa xuyên mùa xuyên năm. Bữa nào hông có mưa là thấy thiếu, bữa nào có mưa mà không nghe báo đài đăng tin “khoe” ngập là thấy kỳ. Người ở nơi trũng gia cố lại gia cang để “sống chung với lũ”. Người ở chỗ cao thì thấp thỏm canh giờ “hoàng đạo” ra đường để không bị ướt. Đau khổ nhất vẫn là những người xây nhà mới, một công trình tháng rưỡi sẽ thành ba tháng, tỷ rưỡi sẽ thành hai tỷ vì trời mưa.
Xóm tôi vừa có một gia đình dọn đi, căn nhà cũ bị đập nát tan. Người ta đang “trồng” lên một căn nhà mới có vẻ khang trang hơn trên nền cũ. Ngày ngày cứ sáng đúng 8 giờ là cả xóm được đánh thức bằng tiếng khoan, đập, tiếng xe chở vật liệu. Hầu hết số ngày là họ xây luôn đến 8, 9 giờ đêm cho để “chạy” trời mưa. Thị dân vốn hiếu khách huống chi là cái xóm nhỏ nhìn qua nhìn lại toàn người quen. Kẻ ở trọ người ta còn nhớ mặt mà cười hết cỡ thì ai mà đi “ghẻ lạnh” với láng giềng mới. Cộng với thấy trời mưa, bà chủ nhà mới buồn xo, thế là không ai phàn nàn, vội đóng bớt cửa để tránh bụi, nhét lỗ tai tránh ồn, bớt thả chó để thợ thầy đi ra đi vô đỡ sợ. Chuyện cũng chẳng có gì đáng nói đến khi trong một tuần xóm mất hai con chó.

Ở cái xóm theo lời bà hàng xóm: “Mười năm nay không mất… cọng lông chó!” mà mất đến hai con chó là một chuyện khá ồn ào. Cộng cái dân ở đây nuôi chó toàn loài quý hiếm, mất một con có thể nói là một gia tài của người có thu nhập thấp. Tiếp cái là nhà nào cũng có camera cẩn mật từ trong nhà đến trước cổng vì đa số các hộ dân đều cho người ta thuê phòng, để camera vừa bảo vệ tài sản chủ nhà lẫn người thuê. Chính vì thế mà cả xóm ồn ào, người người khó chịu khi không hề thấy có gì khả nghi qua các video quay lại. Mọi người rần rần đổ dồn mọi sự chú ý vào cái camera được gắn trên cột đèn giữa xóm, chắc chắn nó sẽ ghi lại cái gì đó. Thế là hai nhà mất chó dắt nhau lên văn phòng tiếp dân ở đầu hẻm đòi coi camera, ông tổ trưởng khu phố hùng hồn đứng ra khẳng định: “Bà con bình tĩnh, chuyện mất chó tôi sẽ xem xét điều tra thỏa đáng. Còn cái camera… hư lâu rồi!”

Không ai lạ gì chuyện đóng tiền gia cố đường trong hẻm mà hẻm vẫn trũng nước, đóng tiền bảo trì camera mà nó “hư lâu rồi’ dân chả ai hay. Nên chẳng ai thèm để ý nữa, ra về sau lời hứa “Mai cho người đến sửa” của ông tổ trưởng khu phố. Rừng nào cọp nấy thôi, quận 1 có anh “phá chủ tịch” Hải thì trong khu phố văn minh có ông tổ trưởng. Cái chuyện mất chó có vẻ dần đi vào ngõ cụt. Ở Việt Nam người ta đánh nhau sứt đầu mẻ trán kêu công an còn khó hơn kêu thức ăn giao tận nhà vì “chưa chết ai, lo gì”. Nên chuyện hai con chó mất có là gì đâu ầm ĩ. Nhưng có lẽ không may cho tên trộm nào đó rồi! Hắn dám trộm chó trong cái xóm chó nhiều hơn người này và hai con chó hắn trộm quá đắt tiền như vậy thì chủ của chúng cũng “không phải dạng vừa”. Không ai biết họ sẽ tìm chó bằng cách nào. Có thể là lên mạng, lên báo đăng tin tìm chó, hai con chó “cành vàng lá ngọc” kia dĩ nhiên sẽ không bị vô nồi mà sẽ được bán đi để lấy tiền. Những nơi mua lại sẽ không lạ gì chuyện chủ của lũ chó sẽ đến chuộc nên chắc sẽ liên lạc nhanh thôi. Vấn đề là ai đã bắt? Và mọi “nghi ngờ” đổ dồn về căn nhà đang xây dở của vị hàng xóm mới. Ai cũng cho rằng “thủ phạm” là một trong số người công nhân ngủ lại. Vì công trình xây từ sáng đến tối nên họ ở lại vừa canh vật liệu vừa bảo vệ công trình. Ðó cũng là nghi ngờ của hai người bị mất chó. Thế là hôm đẹp trời họ đến gặp bà chủ nhà mới để nói chuyện trước ánh mắt tò mò của người lẫn chó trong xóm. Bà chủ nhà sau khi “dỗ dành” hai láng giềng tương lai thì kêu hết thợ thuyền xuống hỏi. Dĩ nhiên đâu ai chịu nhận. Mà không ai nhận thì cũng không ai có thể kết tội. Sự việc coi như bị bỏ xó. Nhưng từ đó, ngôi nhà mới đang xây dở bị toàn xóm ghẻ lạnh. Bà láng giềng tương lai bị “bơ đẹp”.

Vài bữa ông tổ trưởng dân phố lẫn bên phường phải chạy xuống một lần vì bị mắng vốn là ngôi nhà kia xây ồn ào cả ngày lẫn đêm, ngày thường lẫn ngày nghỉ. Cư dân trong xóm không nghỉ ngơi được. Thế là bà chủ nhà mới phải cho thợ làm toàn “giờ hành chính”, có nghĩa là chỉ làm từ sáng đến chiều, ngày Chủ Nhật cũng sẽ nghỉ. Thợ ra vô cũng “được” chú ý. Ngộ cái là đến tận khi xong căn nhà không còn bị mất con chó nào nữa. Có thể là do ai cũng cảnh giác hơn nhưng càng khiến mối “hiềm nghi” kia ngày một lớn. Mấy con chó trong xóm hình như cũng hiểu lòng chủ hay sao mà cứ thấy bà chủ nhà mới là chạy ra nguyên hội đồng sủa tán loạn. Cũng không ai thèm ngăn tụi nó. Tội cho bà, cứ đi đâu mà đi bộ là ngó trước nhìn sau như… ăn trộm. Cũng phải thôi, chó xóm này ngoài việc đắt tiền ra thì con nào con nấy mập như heo, bị tụi nó “ghim” rồi thì ai mà không sợ. Tôi rất có kinh nghiệm trong chuyện này. Nên mỗi lần nhìn bà là tôi càng… tâm đắc, tôi cũng từng… mạnh mẽ như vậy!

Mưa vẫn rơi, ngày vẫn qua, nước chảy thì đá mòn. Chuyện hai con chó có vẻ như gần trôi xuống cống thì bỗng bị đào lên. Con trai của bà chủ của một trong hai con chó mất tích bỗng tìm được chúng qua mạng sau nhiều ngày đăng tin và nhận được lượng “like và share” chóng mặt. Một “cư dân mạng” đã gửi cho cậu hình hai con chó đó ở gần nhà họ, nói rằng thấy rất giống. Nhất là mấy điểm “đặc trưng” cậu miêu tả trong “tâm thư tìm chó”. Thế là hai bà chủ và cậu con trai tức tốc đến địa chỉ kia coi có phải chó mình hông, không quên rủ mấy người trong xóm cùng đi theo để làm chứng (dĩ nhiên không thiếu kẻ nhiều chuyện nhì xóm là tôi). Ðến nơi trong địa chỉ (cũng khá gần) không thể ngờ được hai con chó kia đúng là hai con đã bị mất tích. Chúng thấy chủ cũ cũng chạy ra kêu la oai oái nhảy ra mừng rỡ, khi tôi gào lên “Hai con heo kìa!” chúng cũng không quên liếc xéo gầm gừ đầy ghét bỏ. Chủ tớ nhà họ cách nhau cánh cổng sắt nắm tay nắm chân trông thật là… phim ảnh.

Ðoàn người bên ngoài bấm chuông miết mới có người ra mở cửa. Sau khi chứng minh đó là chó của mình thì hai người chủ cũ muốn chuộc lại, người chủ mới không chịu. Hai người chủ cũ đòi đem lên công an, người chủ mới cũng không chịu, đòi đuổi mấy vị khách không mời ra khỏi nhà. Dĩ nhiên không ai chịu ai. Cuối cùng trước sức ép “người đông thế mạnh”, cũng không muốn ra công an phiền phức. Ông chủ mới liền gọi “người cháu đã để lại hai con chó giá rẻ” cho ông đến đối chất. Người đến, ai cũng nhận ra là một trong những người phụ hồ cho bà chủ nhà mới trong xóm. Người thì muốn cho người kêu bà chủ mới kia qua để “mắng vốn” sếp anh chàng, người thì muốn kêu công an giải quyết. Nhưng anh chàng cầu xin năn nỉ nên hai người chủ chó tha thứ. Cuối cùng ông chủ mới đành chịu trả chó, còn chuyện tiền bạc thì họ tự tính với nhau. Cả “đội” lên xe đi về với hai chú chó lòng ai cũng hân hoan vui sướng. Hai bà chủ chó nói lát về sẽ báo tin cho bà hàng xóm mới biết chuyện sẵn “làm hòa cho dzui”. Người Sài Gòn là vậy, rất dễ “dụ” và bao dung. Thế nhưng, hình như bà láng giềng mới không phải “người Sài Gòn”. Sau khi nghe câu chuyện và nhìn hai con chó vừa về “cố quận” thì tới phiên bả làm mặt lạnh “đóng cửa thả chó”!!!
Ai cũng thấy bất bình vì “rõ ràng mọi chuyện từ bả mà ra mà giờ làm mình làm mẩy!” Thế là sau tháng ngày bị tẩy chay, bà hàng xóm mới tiếp tục bị cho “ra rìa”. Vì chính bà ta không chấp nhận sự chủ động “làm quen lại” của mọi người. Chuyện hai con chó thôi mà lây lan ra khắp hơn hai trăm người trong xóm nhỏ, hẻm nhỏ. Bà và gia đình hầu như tách biệt với cả xóm, đi họp khu phố cũng ngồi riêng. Ðến chó nhà bà cũng không bao giờ cho ra khỏi nhà. Mọi người ngồi tám với nhau mà nghe tiếng tru dài vô vọng của con chó “cô đơn” kia mà sốt hết cả ruột. Thiệt tình mỗi lần ngồi trên ban công, tôi lại vô tình thấy dáng vẻ lén lút mỗi khi ra ngoài đi đổ rác hay mua đồ vì sợ chó trong xóm của bà mà tôi không nhịn được cười. Bọn chó xóm này cũng có thù dai nhưng có thể chỉ với tôi thôi vì tôi hay phá chúng, chứ đối với người ra vô trong xóm quen mặt chúng cũng không thèm để ý nữa (có thể để dành sức bắt nạt người mới). Còn người trong xóm này thiệt tình cũng mau quên như… lũ chó. Chuyện qua rồi không ai còn chấp nhặt. Chỉ là bà không biết tính mọi người nên có vẻ kiêng dè hơi thái hóa. Cái hành động đó, vẻ mặt đó khiến tôi cứ mắc cười. Nói thật thì tuy ở tuốt trên ban công ngóng xuống, nhưng tôi cười cũng không dám cho bà thấy, sợ bà càng “tủi thân” mà thêm chú ý tôi như đối với… lũ chó.

Mọi chuyện rồi cũng trôi đi theo từng cơn mưa Sài Gòn ướt mẹp. Thị dân biết bao nỗi lo ngoài cơm áo gạo tiền, ai mà rảnh rang nhớ chuyện hai con chó, ngoài tôi. Vậy mà mọi chuyện lại bị đào lên khi bà hàng xóm mới bị… mất con chó. Bả không đến nhà ai hỏi, cũng không thèm lên văn phòng khu phố kiểm tra camera (có thể là “rút kinh nghiệm” camera bị hư lần trước). Bà hùng hồn đứng giữa xóm, lấy hết sức bình sinh mà… chửi. Bà chửi “phong long” từ sáng, nghỉ mệt xong bà ra chửi tiếp đến trưa. Ôi cái giọng oanh vàng ấy đinh tai nhức óc gấp ngàn lần “dàn đồng ca” tiếng sủa của lũ chó và tiếng khoan cắt đập xây nhà ngày cũ. Ai đã từng ở một miền quê nghèo miền Bắc Việt Nam hay ở khu chợ cá nào đó có thể tưởng tượng ra cách chửi có vần có điệu ấy. Bao lời xấu xí, dơ bẩn nhất đều được bà nhả ra chửi “cái bọn bắt chó của tao”. Bà cho là “Tao biết trong xóm này chứ không ai” “Bọn bây thù tao sao bắt chó của tao..” Trong xóm ai cũng sợ hãi trước “cô Bắc Kỳ nho nhỏ” đó, ông tổ trưởng khu phố lắc đầu, mấy bạn phường chạy xuống cũng sợ hãi chạy đi không can ngăn được bà. Mấy người nhà của bà còn xách xe chạy trốn huống chi là… Cả xóm ăn cơm trưa xong khuyên nhau tối thuê khách sạn ngủ, phòng khi bà còn… sức.
Nhưng có lẽ “ở hiền gặp lành”, cuối cùng, may thay, cũng có kẻ giúp bà im lặng. Mọi người nước mắt rưng rưng, như muốn quỳ mọp xuống cám ơn cái mông lúc lắc của chú chó lông xù mình mẩy đầy sình đất đang tung tăng chạy đến chân bà!…
DU