Mary Kay Fualaau, theo họ của chồng ‘nhí’, chớ trước kia là Letourneau, họ của chồng cũ. Năm ấy, năm 1996, em đã 34 tuổi, làm cô giáo, có chồng và có tới 4 đứa con, ngụ tại Seattle. Mary Kay ngoại tình với Vili Fualaau, học trò lớp 6, mới 12 tuổi của mình.
Làm con toán trừ thì thấy tuổi hai người cách nhau tới 22 năm, cả một khung trời viễn mộng.
Em có bầu, đẻ cho anh chồng nhí nầy một đứa con gái, rồi vác chiếu ra tòa và xách gói vô tù hơn 7 năm trời ròng rã, vì đã ‘tù ti tú tí’ với trẻ vị thành niên.
Ra tù năm 2005, hai đứa vẫn còn yêu, nên cưới nhau ở Woodinville, WA.
Cứ tưởng sóng gió đã trôi qua, thuyền tình ta tà tà tới bến hoàng hôn tới răng long (phải đi nhổ và trồng răng giả), tới đầu bạc (phải đi nhuộm tóc)… nào ngờ anh chồng, giờ vẫn xuân thì, 33 tuổi, đâm đơn ra tòa quận King ở tiểu bang Washington, vào ngày 9 tháng Năm để xin ly dị với em yêu đà 55 tuổi, vì không còn là ‘em yêu’ nữa… dù chàng đã cho nàng nằm hai ‘lửa’.
Như vậy đôi đũa lệch nầy có tất cả 6 đứa con. 4 đứa con riêng của em và 2 đứa con chung để con em đánh con của chúng ta (!)
Ðông con, mạt cũng phải, tài sản đôi ta khi chia xa không có gì để chia cả ngoài cái đít không, nên không cần ông tòa phải bận tâm phân xử.
‘Người tình lớp Sáu’ sau 12 năm chung sống, người bỏ ta sao đành thì chàng nói: “Không có đứa thứ ba nào chen vô phá đám hết nhe! Tui không có mèo và em không có kép. Nhưng ở chung mà tối ngày cứ gây lộn hoài làm sao mà ở chớ?”
Ráng đem cái máy ‘hàn’ để gắn lại tình ta nhiều lần nhưng vô phương; thôi chỉ còn cách là anh đi đường anh, em đường em, tình nghĩa đôi ta có thế thôi. Hu hu!
Trả lời đài truyền hình để kiếm chút cháo, khi được hỏi rằng: “Kinh nghiệm tình trường như vậy, ông (giờ làm đàn ông rồi không còn là con nít quỷ nữa) khuyên mấy em lớp 6 ra làm răng?
Thì rằng: “Tôi không đồng tình với việc trẻ nhỏ nên có quan hệ tình cảm hay làm đám cưới với người quá lớn tuổi với các em.”
Ðừng làm phi công trẻ mà lại khoái lái máy bay đầm già! Ðừng khờ khạo mà chơi đồ cổ!
(Xin mở ngoặc ở đây, máy bay đầm già là những chiếc máy bay nhỏ có cánh quạt như Morane hay Cessna L-19, bay rất chậm và cánh quạt kêu phành phạch rất to, ồn ào như một bà đầm già, không chở được nhiều người và chỉ được dùng để do thám địch quân trong những ngày đầu tiên của chiến tranh Việt Nam.)
Nói bên Mỹ mà mình quên trường hợp na ná đã xảy ra ở Việt Nam mình xưa thiệt là xưa thì đâu có được nè!
Dẫu đây chỉ là yêu thầm lặng, không có sờ sẫm, mò mẫm, hun hít gì ráo vậy mà phải đi ở tù mới báo.
Ði ở tù không phải vì hành vi tính dục, nhỏ mà đòi trèo lên, trèo lên cây bưởi hái hoa… mà đi ở tù là vì bài thơ. Làm thơ tình mà bị bắt bỏ bót là chuyện chỉ có xảy ra trong chế độ CS mà thôi.
Chắc bà con mình đều biết thi sĩ Hoàng Cầm rất nổi tiếng về nhiều bài thơ tình. Vì ông yêu cũng kha khá, nghe nói tới 13 em lận.
Một trong những bài thơ tình nổi tiếng là ‘Lá Diêu Bông’ .
“Váy Ðình Bảng buông chùng cửa võng / Chị thẩn thơ đi tìm
Ðồng chiều/ Cuống rạ/ Chị bảo/ Ðứa nào tìm được lá diêu bông/ Từ nay ta gọi là chồng.
Hai ngày em tìm thấy lá/ Chị chau mày/ Ðâu phải lá diêu bông.
Mùa đông sau em tìm thấy lá/ Chị lắc đầu/ trông nắng vãn bên sông
Ngày cưới chị/ Em tìm thấy lá/ Chị cười se chỉ ấm trôn kim
Chị ba con/ Em tìm thấy lá / Xoè tay phủ mặt chị không nhìn
Từ thuở ấy/ Em cầm chiếc lá/ đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi/ Diêu bông hời…/…ới diêu bông…!”
Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh ngày 12 tháng Giêng, năm Nhâm Tuất, tức ngày 22, tháng Hai, năm 1922, tại Bắc Giang.
“Lá Diêu Bông” là chiếc lá huyễn hoặc, là cuộc tình người thơ theo đuổi mãi…
Vậy mà có đứa ganh tài, tố Hoàng Cầm đầy ẩn ý xỏ xiên, ám chỉ Ðảng là ‘Chị’, nghệ sĩ là ‘Em’! Người nghệ sĩ đem hết tâm sức ra giúp Ðảng trong công cuộc kháng chiến nhưng rồi sau, đều cảm thấy như lý tưởng bị đánh mất.
Bài thơ “Lá Diêu Bông” bị coi là có ‘vấn đề’. Hoàng Cầm phải làm tờ kiểm điểm, rồi ở tù 18 tháng, bị đuổi khỏi Hội Nhà văn, cấm in và lưu hành tác phẩm.
Cơ khổ viết thơ tình mà cứ bị bọn cà chớn chụp cho cái mũ phản động như thế nầy mà cũng có đứa tin sao?
Nhà thơ suốt một đời đi tìm lá, nhưng chẳng có chiếc lá nào là lá Diêu Bông.
Nghĩa là tìm hoài nhưng hổng gặp được tình yêu, vì không có ai yêu hết ráo.
(Tui cũng vậy! Ðã từng tìm lá Diêu Bông gần suốt cả đời người mà chưa thấy nè. Giờ thì tui nghỉ đi tìm rồi… Mỏi cẳng! Mệt quá! Hi hi!)
Nhạc sĩ Phạm Duy và Trần Tiến chắc cùng chung tâm sự, phổ bài thơ Lá Diêu Bông nhưng Hoàng Cầm cho rằng cả hai bài nhạc nầy hổng được hay.
(Tui đồng ý! Một bài thơ mà phổ nhạc… thường điệu nhạc làm hạn chế nhạc thơ trong bài… Rồi nhấn nhá, ngân nga không đúng, chỗ đáng lý cao thì thành thấp, chỗ đáng lý thấp thì thành cao… làm bài thơ mất hẳn đi niềm cảm xúc.
Nhạc thì có công chuyên chở bài thơ tới độc giả, thính giả nhiều hơn… nên bài thơ dễ được nhiều người biết đến hơn. Nhưng từ thơ qua nhạc, bài nhạc phổ thơ cho hay… may lắm đạt chừng vài chục phần trăm ý của nhà thơ… là mừng rồi ạ!)
Sau khi bị đám bồi bút đánh lên bờ xuống ruộng, về già đám tay sai đó đi bán muối hết ráo rồi thì hổng còn ngán đứa nào nữa, nhà thơ Hoàng Cầm nhẩn nha kể lại rằng: “Chẳng qua: Từ làng quê chuyển lên sống ở một phố nhỏ dọc đường quốc lộ, cách thị xã Bắc Giang chừng 6 cây số, cha tôi có tủ thuốc Bắc và gánh hàng xén của mẹ.
Năm đó tôi lên 10, đã học đến lớp ba (cour élémentaire). Một buổi chiều có một người con gái mặc chiếc áo phin trắng, ngoài có chiếc gilê màu thẫm. Khi đó nắng xiên khoai dọi vào nhà, lúc chị ngửng đầu lên thì cả khuôn mặt chị được ráng vàng chiếu sáng, tôi thấy bừng lên một khuôn mặt khiến tôi choáng váng cả người. Tên chị là Vinh.”
Và nhà thơ thầm yêu trộm nhớ. Nhưng than ôi! Sau đó “Nó đi lấy chồng rồi con ạ.” vì có một ông Quản lính khố xanh qua đây, mê vì nhan sắc, đưa chị Vinh về Phủ Lý làm vợ lẽ…
Năm 17 tuổi, nhà thơ vừa thi đỗ tú tài, đang sống ở Hà Nội, về Phủ Lý ăn đám cưới của người bạn, tình cờ gặp lại người xưa.
“Cậu Việt ơi!” Tôi nhìn sang bên kia đường, thì thấy chị Vinh đang ngồi bên một cái tủ bày bánh kẹo, cạnh một cái chõng bán nước chè.
Chị kéo tôi ngồi xuống chõng, chị ngồi cạnh ôm ngang lưng tôi. Chị lấy ông Quản đã có một mặt con. Nhưng dần dần ông Quản ruồng bỏ chị, đi theo người khác.
Tôi ái ngại nhìn chị. Lúc này trong tôi không còn cái tình yêu say mê của thời thơ ấu. Tôi chỉ cảm thấy thương cho một con người tiều tụy, nhan sắc đã tàn phai!”
Hồi xưa ngắm một người đẹp, mình thầm yêu, đâu cần xét căn cước làm chi? Tình yêu thánh thiện chớ đâu có tình dục linh tinh gì đâu? (Nhỏ quá làm sao biết?)
Hai mươi lăm năm sau, Hoàng Cầm lại nhớ về chị Vinh, tình thơ dại đầy trong trắng ngây thơ của mình bèn ghi lại trong “Lá Diêu Bông”.
***
Thưa! Con nít bây giờ, bởi ăn gà nướng của KFC và uống Pepsi Freeze hoặc Big Mac của McDonald’s và uống Coke nên dậy thì còn sớm hơn xưa nữa kìa!
Nhưng thôi! Mới 12, 13 tuổi thì đừng có yêu đương nhăng nhít mà chi cho dù có bị cô giáo (ấu dâm) rắp tâm dụ dỗ chăng đi nữa.
Ráng học cho tới nơi tới chốn đừng để cha mẹ phải buồn lòng nhe! Phần yêu càng sớm… càng thấy gớm… mà thôi.
Vì thơ cũng có câu rằng: “Ðường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn!” Biết buồn nhiều hơn vui thì chầm chậm hãy cắm đầu vô, chưa có muộn mà!
Ðừng có bắt chước tui, học không lo học mà chỉ lo yêu đương nhăng nhít mà ân hận tới ngàn thu! Hu hu!

ĐXT – Melbourne