Menu Close

Sau cái chết của Otto Warmbier

Otto Warmbier, sinh viên 22 tuổi của Đại học Virginia, được chính phủ Bắc Hàn trả tự do trong tình trạng hôn mê ngày 13 Tháng 6 sau 17 tháng bị giam cầm và được đưa về đoàn tụ với gia đình ở tiểu bang Ohio, đã qua đời gần một tuần sau đó. Trong bản thông cáo báo chí, gia đình Otto đã viết: “Chúng tôi thành thật đau buồn xin được thông báo rằng con trai chúng tôi, Otto Warmbier, đã hoàn tất chuyến hồi hương. Với sự có mặt của toàn thể gia đình thân yêu, Otto đã ra đi ngày hôm nay vào lúc 2 giờ trưa.”

sau-cai-chet-cua-otto-warmbier3

Otto mất hôm Thứ Hai 19/6 và đám tang được tổ chức vào hôm Thứ Năm 22/6 ngay tại ngôi trường trung học nơi anh tốt nghiệp hạng á khoa cách đây bốn năm với hàng ngàn người đã đến đưa tiễn anh lần cuối và hàng triệu người khác trên khắp nước Mỹ đã tỏ lòng thương tiếc.

Cái chết của Otto cũng đã làm cho chính phủ Mỹ giận dữ và mối quan hệ giữa hai nước trong thời gian vừa qua đã không mấy tốt đẹp thì nay lại càng tồi tệ hơn. Nhiều chính trị gia đã lên tiếng cáo buộc Bắc Hàn và đòi chính phủ nước này phải chịu trách nhiệm về cái chết của Otto. Một số khác lên tiếng đòi chính phủ Mỹ phải có hành động ngay.

Có lẽ phía Toà Bạch Ốc cũng đang xem xét lại tất cả các biện pháp và nên phản ứng ra sao trong tình huống hiện nay sau cái chết của Otto đã gây nên nhiều xúc động trong dân chúng, và như Ngoại trưởng Rex Tillerson trả lời trong một cuộc họp báo: Mục tiêu của chính phủ Mỹ là “buộc Bắc Hàn phải chịu trách nhiệm đối với việc bắt giữ [Warmbier] không đúng với công lý.”

sau-cai-chet-cua-otto-warmbier2
Dòng người đến đưa tiễn Otto – nguồn NBC News

Ngoài việc đòi hỏi phải được cung cấp đầy đủ chi tiết những gì đã xảy ra cho Otto trong nhà tù Bắc Hàn, phía Hoa Kỳ còn có một vài biện pháp để đáp trả sau sự kiện đau lòng này – mặc dù hiện vẫn còn ba công dân Mỹ đang bị Bắc Hàn giam giữ, tất cả đều là người gốc Ðại Hàn, và bất cứ hành động nào cũng cần phải cân nhắc đến sự an toàn của họ và những phản ứng bất lợi từ chính phủ Bắc Hàn đối với những tù nhân này.

Bộ ngoại giao Mỹ hiện đang xem xét việc có nên đưa ra lệnh cấm du lịch Bắc Hàn hay không, và lệnh cấm du lịch toàn diện cũng đã nhiều lần được ban hành trước đây. Chính phủ Mỹ từng cấm công dân du lịch tới những quốc gia bị xem là nguy hiểm, như Lebanon trong thời gian nội chiến tại nước này và Libya trong những năm cầm quyền của nhà độc tài Muammar Gaddafi.

Khó có thể biết được có bao nhiêu người Mỹ đang có mặt tại Bắc Hàn, tuy nhiên một đại học tư duy nhất tại nước này hiện đang mướn 40 công dân Mỹ, nhiều người trong số đó là song tịch. Thêm nữa, có khoảng từ 800 đến 1,250 du khách Mỹ đến thăm Bắc Hàn mỗi năm, và con số này sẽ suy giảm đáng kể sau cái chết của Otto, đặc biệt là những công ty du lịch như Young Pioneer Tours, nơi Otto sử dụng dịch vụ, đã quyết định hủy bỏ tất cả các chuyến du lịch trong tương lai đối với người Mỹ.

sau-cai-chet-cua-otto-warmbier
Đám tang Otto – nguồn metro

Chính phủ Trump cũng có thể cô lập Bắc Hàn nhiều hơn nữa bằng cách tạo áp lực đối với những quốc gia đang có hợp tác kinh tế với Bắc Hàn phải cắt quan hệ, trong đó có thể là ngưng cấp chiếu khán cho những công nhân lao động Bắc Hàn, mà tiền lương của những người này thường đi thẳng vào trương mục của nhà nước; từ chối các chuyến bay của Bắc Hàn được quyền đáp và đổ xăng ở các phi trường nước ngoài; trục xuất và giảm thiểu sự hiện diện các nhân viên ngoại giao của Bắc Hàn; và ngăn cản những chuyến chuyên chở hàng gồm có vũ khí và những nguyên liệu bị cấm khác.

Theo lời của quyền Phụ tá Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách khu vực Ðông Á và Thái Bình Dương, Susan Thornton, thì chiến lược này có mang lại một vài thành công nho nhỏ.

Về biện pháp chế tài mà phía Hoa Kỳ áp đặt lên Bắc Hàn từ nhiều năm qua thì nay chính phủ Trump cũng có thể đưa ra thêm một số điều khoản chế tài mới với Bắc Hàn hoặc với những đối tượng đang làm ăn với chế độ của nhà họ Kim, trong đó có một số công ty Trung Quốc.

Thậm chí trước khi Otto qua đời, nhiều thành viên ở quốc hội đã thúc giục Ngoại trưởng Tillerson công bố những biện pháp chế tài mới đánh mạnh vào những nhược điểm của Bắc Hàn, trong đó có mạng lưới và những móc xích cung cấp tài chánh và làm cách nào để biện pháp chế tài mới này có thể làm gián đoạn cũng như gây xáo trộn để làm cho chế độ họ Kim suy yếu thêm.

Trong một bài xã luận của tờ Wall Street Journal, ban chủ biên của tờ báo đã kêu gọi chính phủ Mỹ “Hãy áp đặt biện pháp chế tài lên những công ty tài chánh và thương mại Trung Quốc hiện đang giúp duy trì quyền lực của Kim Jong Un. Hoa Kỳ và đồng minh phải vận dụng mọi biện pháp chế tài và những gì có được trong tay để ngăn cản chế độ họ Kim không còn gây thêm thảm hoạ lên hàng triệu [người dân Bắc Hàn] như họ đã gây ra cho Otto Warmbier.”

sau-cai-chet-cua-otto-warmbier1
Bắc Hàn thao diễn quân sự – nguồn Daily Express

Tuy nhiên, Trung Quốc là một trong năm nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và nếu Hoa Kỳ muốn áp dụng biện pháp trừng phạt mạnh nhất đối với Bắc Hàn thì cũng cần đến sự hợp tác của Trung Quốc. Chỉ cần một lá phiếu chống từ Trung Quốc là sẽ hỏng mọi chuyện như đã từng xảy ra nhiều lần trước đây.

Chính phủ Trump từng tuyên bố là tất cả mọi biện pháp quân sự đều đã có sẵn nếu cần để ngăn cản chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân và hoả tiễn đạn đạo của Bắc Hàn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích tình hình, trên thực tế, tác động của biện pháp quân sự rất giới hạn và có nguy cơ leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện làm cho biện pháp này là sự chọn lựa ít có khả năng xảy ra nhất, đặc biệt là nếu chỉ vì để trả đũa cho cái chết của Otto Warmbier.

Trong trường hợp nếu phía Hoa Kỳ chọn biện pháp đánh phủ đầu thì những mục tiêu cần nhắm tới trước tiên như cơ sở hạt nhân của Bắc Hàn tại Yongbyon hay Trạm Phóng Vệ tinh Sohae nơi dùng để chế tạo hoả tiễn hoặc những phi trường quân sự trong các tỉnh Hwangju, Kusong và Wonsan nơi Bắc Hàn thử nghiệm các loại hoả tiễn tầm xa mới trong năm vừa qua.

Tuy nhiên, việc tấn công phủ đầu có thể dẫn tới phản ứng quân sự từ phía Bắc Hàn và hậu quả là sự thiệt hại nhân mạng có thể lên đến hàng trăm ngàn hay hàng triệu người dân vô tội.

Phần lớn quân đội Bắc Hàn với khoảng một triệu binh lính chính quy hiện đang đóng quân ở ngay phía bắc khu vực phi quân sự (DMZ) dọc theo biên giới với Nam Hàn. Những đầu đạn đại bác tầm xa của Bắc Hàn dọc theo khu phi quân sự cũng dư khả năng bắn tới Hán Thành (Seoul), thủ đô của Nam Hàn.

Thời gian gần đây đã âm thầm diễn ra những cuộc họp kín giữa các nhóm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Nam Hàn tại Thuỵ Ðiển với đại diện của Bắc Hàn để tìm một giải pháp chung để tiếp tục lại cuộc đàm phán sáu bên (có thêm Liên Hiệp Quốc) đã bị ngưng lại từ năm 2009. Nhưng theo lời kể của một số chuyên gia có mặt trong những cuộc họp trên, phía Bắc Hàn luôn tỏ ra cứng đầu và chỉ đưa ra một yêu cầu duy nhất: “Phải chấp nhận chúng tôi là một quốc gia hạt nhân, sau đó chúng tôi mới chuẩn bị đàm phán về hiệp ước hoà bình hay là chiến tranh. Chúng tôi đã chuẩn bị cả hai.”

Không khí của các cuộc họp được mô tả là khác hẳn với những cuộc họp khác trong quá khứ: tự tin, thậm chí ngang tàng – cho thấy Bắc Hàn chắc chắn đã gặt hái được ít nhiều thành công trong những cuộc thử nghiệm hạt nhân và hoả tiễn mới đây. Theo các chuyên gia này, cho dù phía Nam Hàn có đưa ra những nhượng bộ gì, hay tân Tổng thống Nam Hàn là Moon Jae-in có đề nghị làm hồi sinh lại “chính sách vầng thái dương” mà không đòi hỏi điều kiện gì từ phía Bắc Hàn thì cũng chỉ gặp thất bại mà thôi.

Theo ý kiến của các chuyên gia thì Hoa Kỳ hãy cứ hành động bằng những biện pháp mới chứ không nên mất thêm thì giờ đàm phán vô ích. Và nhìn chung, biện pháp thích hợp nhất hiện nay là chế tài mà theo họ thì đây không phải là biện pháp tạo được kết quả ngay mà phải mất thời gian nhưng từng bước có thể làm sụp đổ chế độ của họ Kim và ít gây rủi ro nhất.

VH