Tháng Sáu là tháng của thể thao. Nhiều giải banh quan trọng đã xảy ra, nhiều kỷ lục đã bị phá, và nhiều nhà thể thao đã trở thành triệu phú. Bài tuần này lướt sơ một số sự kiện đáng ghi nhận.

Trước hết phải kể đến kỷ lục French Open của Rafael Nadal, đưa tổng số cúp các giải Major mà tay quần vợt người Tây Ban Nha này đoạt được lên 15, chỉ sau Roger Federer 3 cái. Nhưng trong cùng một giải thì chưa ai bằng Nadal. Federer và Pete Sampras thắng Wimbledon 7 lần. Bill Tilden thắng US Open 7 lần. Novak Djokovich và Roy Emerson thắng Australian Open 6 lần. Nhưng Nadal thắng French Open lần này là lần thứ 10! Một con số kỷ lục không ai tưởng tượng nổi và không biết bao lâu nữa mới có người qua mặt. Sau đây là những năm Nadal đoạt cúp French Open: 2005, 2006, 2007, 2008 (bốn năm liên tục), 2010, 2011, 2012, 2013, 2014 (năm năm liền), 2017.
2014 cũng là lần cuối Nadal thắng một giải lớn, mãi cho đến năm nay. Nhiều người cứ tưởng Nadal sắp hết thời, nhưng trong trận chung kết vừa rồi Nadal đã dứt Stan Wawrinka của Thuỵ Sĩ một cách dễ dàng (6-2, 6-3, 6-1) chứng tỏ chàng vẫn rất còn phong độ. Ngoài chiếc cúp ra Nadal còn rinh về tấm ngân phiếu 2.3 triệu đô la. Hèn chi thiên hạ cứ trầm trồ chiếc đồng hồ đeo tay của Rafael, nghe nói trị giá sơ sơ khoảng… 750,000 đô. Ðối với một người như Nadal, thời giờ đúng là vàng bạc.
Về phía nữ, quán quân giải French Open năm nay lại là một khuôn mặt mới toan – Jelena Ostapenko, chưa thắng lần nào trong các giải quần vợt do hiệp hội Women’s Tennis Association (WTA) tổ chức. Trước đây chuyện này chỉ xảy ra một lần, trong giải French Open năm 1997, với tay vợt Barbara Jordan. Ostapenko cũng là tay vợt đầu tiên, nam cũng như nữ, của nước Latvia đã thắng một giải Major, và là nhà quán quân được xếp hạng thấp nhất (47) khi giải bắt đầu.

Giống như Nadal, Ostapenko cũng mang về tấm ngân phiếu 2.3 triệu đô, nhưng đó là nhờ sự tranh đấu bền bỉ của rất nhiều nữ thể tháo gia qua nhiều thập niên chứ không phải tự dưng mà có. Năm 1968, khi các giải quần vợt mở rộng (Open) bắt đầu và dân nhà nghề (professional) được phép tranh tài với dân nghiệp dư (amateur), bà Billie Jean King đã thắng giải Wimbledon nhưng chỉ được trả £750, so với £2,000 cho nam quán quân Rod Laver, một tỉ lệ khác biệt giữa nam và nữ khoảng 2.5 lần (viết tắt là 2.5:1).
Ðến năm 1970 thì sự bất-bình-đẳng về tiền thưởng tăng lên gấp bội, khoảng 12:1. Ðiều này đã khiến một số nữ quần vợt, trong đó có Billie Jean King, quyết định thành lập một tổ chức riêng cho mình vào năm 1973, dần dà trở thành WTA như ta biết đến ngày nay. Năm 1976, Chris Evert là nhà quần vợt nữ đầu tiên đạt được 1 triệu đô la tiền thưởng trong sự nghiệp đánh banh. Năm 1982, Martina Navratilova là người đầu tiên kiếm được 1 triệu đô la trong một mùa banh, qua năm sau bà kiếm được trên $2 triệu. So với thời bây giờ thì con số này không nghĩa lý gì, nhưng vào thời điểm đó đây là những món tiền cực lớn.
Tuy nhiên, mãi đến năm 2006 thì WTA mới bắt đầu bớt kỳ thị nam-nữ, phần lớn nhờ sự đốc thúc của hai chị em Venus và Serene Williams, đòi hỏi các giải French Open và Master phải trả tiền thưởng cho nam và nữ ngang nhau. Giờ đây, chỉ cần đánh một trận thôi, Ostapenko đã lãnh tiền thưởng bằng Rafael Nadal!
Tháng Sáu còn có giải bóng rổ NBA (National Basketball Association). Năm nay là lần thứ ba trong vòng ba năm liền hai đội Cleveland Cavaliers và Golden State Warriors đối đầu nhau trong giải chung kết. Lebron James của Cleveland đạt kỷ lục chơi trong 7 giải chung kết liên tục. Sau khi thua Golden State hai năm trước, năm ngoái Lebron đã mang về cho Cleveland chiếc cúp vô địch đầu tiên, làm dân chúng vùng Ohio ăn mừng hết cỡ. Nhưng mùa này Golden State nhất quyết phục hận nên đã kéo được siêu sao Kevin Durant về từ đội Oklahoma Thunder. Và Durant đã không làm cho giới mộ điệu thất vọng. Trong giải chung kết năm nay, Durant đã cùng thủ quân Steph Curry áp đảo Cleveland tới tấp, thắng 4-1 nhẹ nhàng và được trao cúp MVP (Most Valuable Player) vô cùng xứng đáng.

Dĩ nhiên, cái gì cũng có giá của nó. Ðể mời được Durant đầu quân cho mình, ông chủ của đội Golden State đã phải chi khoảng 26 triệu đô, số lương cao nhất trong lịch sử của đội banh, và hiện là lương cao thứ nhì trong NBA, chỉ đứng sau… Lebron James ($36 triệu). Trong khi đó, những cầu thủ giỏi khác của Golden State được trả lương thấp hơn nhiều, như Klay Thompson ($16 triệu), Draymond Green ($15 triệu)… Thậm chí, đến như thủ quân đa tài Steph Curry lương cũng chỉ $12 triệu! (Jeremy Lin, người Mỹ gốc Tàu chơi cho Brooklyn Nets, lương cũng trên $11 triệu!) Nhưng thật ra, bóng rổ là môn thể thao đồng đội, cho nên mặc dù Lebron James có hay cách mấy, có giàu cách mấy, đội Cleveland vẫn yếu hơn đội Golden State.

Ngược lại, golf là môn thể thao cá nhân, thành thử các tay golfer nhà nghề chỉ cần mướn huấn luyện viên giỏi. Mùa golf năm nay lại xuất hiện thêm vài khuôn mặt mới trong giải US Open, một trong bốn giải Major của golf. Khác với tennis, các giải Major của golf không trụ tại một chỗ mà được tổ chức khắp nơi (trừ giải Masters ở Augusta, Georgia).
Trước hết, phải nhắc đến golfer người Nhật tên Hideki Matsuyama. Mới 25 tuổi, Matsuyama là một ngôi sao đang lên của Á Châu và đã về nhì trong giải US Open tuần trước với số điểm -12, mang về trên $1 triệu. Trong cuộc đua giành chiếc cúp FedEx Cup trị giá $10 triệu, Matsuyama hiện đang đứng hàng thứ nhì, sau Dustin Johnson, quán quân giải US Open năm ngoái. Nhưng năm nay Dustin đã bị loại sau hai ngày đầu, chữ trong nghề là bị “cắt” (cut), không được chơi hai ngày cuối tuần – nghĩa là không được đồng xu nào. Ðối với dân đánh golf nhà nghề, nhất là những tay thuộc hàng siêu đẳng, top 100 trở lên, thì việc bị cắt được coi như một sự sỉ nhục. Trong số đó kỳ này ngoài Dustin ra còn có những tên tuổi lớn như Jason Day (Úc), Rory McIlroy (Ái Nhĩ Lan), là những người đã từng thắng các giải Major.

Trong khi đó thì quán quân US Open năm nay lại là một anh chàng xưa giờ chỉ mới thắng có duy nhất một giải nhỏ của PGA. Nói vậy không có nghĩa là anh ta hên, vì thật ra anh ta đã “xém thắng” nhiều giải rồi. Có điều lần này Brooks Koepka (Mỹ) đã chơi thật tuyệt vời trong bốn ngày liền trên sân Erin Hills tại Wisconsin và đạt kỷ lục điểm thấp nhất trong lịch sử US Open, -16, bằng số điểm của Rory McIlroy năm 2011. Như ông bà mình nói, có công mài sắt có ngày nên kim. Mà cây kim này trị giá tới 2.16 triệu đô la lận. Còn anh chàng trẻ tuổi tài cao Si Woo Kim của Nam Hàn năm nay đứng hạng 13 trong US Open nên cũng ẵm được 210,000 đô.

Khác với tennis, các tay golfer nữ vẫn còn bị đối xử bất bình đẳng trên phương diện tiền thưởng. Chẳng hạn như quán quân giải US Open năm ngoái – Britany Lang, chỉ lãnh được $810,000. Lydia Ko (gốc Hàn) về hạng 3 cũng chỉ được $200,000. Một phần là vì các giải nữ ít người coi hơn. Tổ chức LPGA (Ladies Professional Golf Association) đang cố gắng tìm mọi cách để gia tăng số người xem, nhưng có vẻ họ không thành công cho lắm. Một đặc điểm của golf nữ ngày nay là thành phần Á Châu ngày càng đông. Nhìn vào bảng liệt kê tổng số tiền thưởng từ các giải golf trong năm nay, ta thấy trong số 20 người làm được nhiều tiền nhất thì hết 14 là dân Á Châu, đa số là người Hàn Quốc.
Nhiều khi ngồi nghĩ, không hiểu tại sao phụ huynh Việt ít ai cho con em mình, nhất là các em gái, học môn chơi này. Rõ ràng nó rất thích hợp với tạng người Á Châu chúng ta. Ðể xem phải chờ bao lâu nữa…
Tin Giờ Chót: Con cưng của Dallas – Jordan Spieth vừa thắng giải Travelers Championship sau khi đánh một cú banh thần sầu quỷ khốc, từ đụn cát lọt thẳng vô lỗ 18, làm chấn động cả Internet. Ðây là chiến thắng thứ 10 của Spieth trong PGA Tour. Ngoài Spieth ra trước nay chỉ có mỗi Tiger Woods là thắng được 10 giải golf trước 24 tuổi. Chàng thanh niên mới 23 tuổi đời này sẽ rinh về cái cúp và tấm ngân phiếu 1.2 triệu đô! Không đến nỗi tệ!

BB