Menu Close

Nhân 76 năm ngày sinh của đạo diễn Krzysztof Kieślowski (kỳ 1)

Krzysztof-Kieslowski

Giới thiệu Dekalog

Nhắc đến điện ảnh Ba Lan, không bao giờ có thể bỏ qua một cái tên: Krzysztof Kieślowski. Cũng như Andrzej Wajda, Roman Polanski, Krzyssztof Zanussi, Agnieszka Holland, Jerzy Kawalerowicz, Andrzej Munk v.v…

Krzysztof Kieślowski (sinh ngày 27.6.1941, mất ngày 13.3.1996) là một đạo diễn và nhà biên kịch Ba Lan đã lớn lên trong một nước Ba Lan cộng sản tuyệt vọng về kinh tế và tự do ngôn luận bị kìm hãm.

Chân dung Krzysztof Kieslowski của Alberto Terrile, được chụp tại Liên hoan phim Venice, 1994. Nguồn: Wikipedia.
Chân dung Krzysztof Kieslowski của Alberto Terrile, được chụp tại Liên hoan phim Venice, 1994. Nguồn: Wikipedia.

Những tác phẩm nổi tiếng quốc tế của ông gồm có Dekalog (1989), The Double Life of Veronique (1991) và The Three Colors trilogy (1993–1994).

Dekalog: The Ten Commandments and The Decalogue là một loạt mười bộ phim ngắn, mỗi phim khoảng 1 giờ, dựa trên Mười Điều Răn của Chúa (The 10 Commandments of God), được thực hiện cho truyền hình Ba Lan với kinh phí từ Tây Đức. Kịch bản Krzysztof Kieslowski và Krzysztof Piesiewcz, 10 tập phim lúc đầu định giao cho 10 đạo diễn khác nhau nhưng cuối cùng Krzysztof Kieslowski đạo diễn tất cả. Bối cảnh được quay tại một khu bao gồm nhiều tòa chung cư ở Warsaw năm 1980.

Mỗi bộ phim ngắn khám phá những nhân vật đối mặt với một hoặc nhiều vấn đề đạo đức trong cuộc sống.

Bộ phim là tác phẩm được đánh giá cao nhất của Kieślowski, được cho là “tác phẩm kịch tính ấn tượng nhất từng được làm riêng cho truyền hình” (“Kieslowski’s magnificent Decalogue by Robert Fulford, The National Post, May 14, 2002) và đã giành được nhiều giải thưởng quốc tế, mặc dù nó không được phát hành rộng rãi ra bên ngoài châu Âu cho đến cuối những năm 1990.

Một trong những người hết lời khen ngợi Dekalog là đạo diễn Stanley Kubrick.

Nhà làm phim Krzysztof Kieślowski quan tâm đến vấn đề đạo đức, triết học và cũng muốn sử dụng bộ phim này như một bức chân dung về những khó khăn của xã hội Ba Lan, đồng thời tránh những vấn đề chính trị mà ông đã miêu tả trong những bộ phim tài liệu, phim ngắn trước đó.

Mỗi phim dài chưa đầy một tiếng, độc lập nhau về cốt truyện, ý tưởng, nhân vật nhưng vì quay cùng một khu nhà nên thỉnh thoảng lại thấy nhân vật của phim này xuất hiện loáng thoáng trong khuôn hình của phim khác, câu chuyện của phim này đươc nhắc đến trong phim khác và một vài nhân vật quen thuộc với nhau.

Mặc dù lấy cảm hứng từ lời giải tội của Mười Điều Răn, các bộ phim của Krzysztof Kieślowski phát triển thành chủ đề riêng, chẳng hạn, ý tưởng của Điều Răn thứ nhất là về sự linh thiêng của Thiên Chúa và sự thờ phụng (The sanctity of God and worship), nhưng chủ đề của Krzysztof Kieślowski trong Dekalog 1 là sự thần tượng hóa khoa học (Idolization of science) và câu chuyện phim là hai bố con tin vào tính toán, vào khoa học nên đứa con vô tư đi trượt băng nhưng cuối cùng băng lại bị sụp, đứa bé chết để lại nỗi ân hận khôn cùng cho người cha.

Dekalog 2, từ ý tưởng sự thiêng liêng của ngôn từ (The sanctity of speech), đạo diễn phát triển chủ đề về tầm quan trọng của lời nói trong cuộc sống con người. Một người phụ nữ có chồng bị bệnh nặng đã đến gặp người bác sĩ đang chữa trị cho chồng mình và kể rằng mình đang có thai nhưng đứa bé không phải là của người chồng, và cô muốn biết anh sẽ sống hay chết. Nếu anh chết, cô sẽ giữ lại cái thai, nếu anh sống cô sẽ phá thai mặc dù đây có thể là cơ hội cuối cùng của cô để có một đứa con. Người bác sĩ đứng trước một sự lựa chọn khó khăn, khi lời nói của ông sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của sinh linh bé bỏng đang tượng hình trong bụng người mẹ kia, cuối cùng dù biết người chồng sẽ sống nhưng ông lại quyết định nói dối với người vợ rằng chồng chị sẽ chết.

Dekalog 5 dựa trên điều răn không được giết người, sự thiêng liêng của sự sống (The sanctity of life) trở thành chủ đề sát nhân và sự trừng phạt. Dekalog 6 dựa trên điều răn chớ phạm tội ngoại tình, ý tưởng về sự thiêng liêng của tình yêu (The sanctity of love), trở thành chủ đề bản chất và mối quan hệ của tình yêu và đam mê. Cả hai tập này được dựng lại thành 2 bản dài hơn, để chiếu rạp, đó là 2 bộ phim cũng rất nổi tiếng của Kieślowski “A Short Film About Killing”“A Short Film About Love”.

“A Short Film About Killing” là câu chuyện về một chàng trai trẻ trong một ngày buồn chán, bế tắc và tuyệt vọng đã giết một tài xế taxi và bị tử hình. Bộ phim cũng thể hiện quan điểm chống tử hình của đạo diễn thông qua nhân vật luật sư.

Cảnh trong phim “A short film about Killing”  Nguồn: Dekalog, piec, Sense of Cinema.
Cảnh trong phim “A short film about Killing”
Nguồn: Dekalog, piec, Sense of Cinema.

“A Short Film About Love” là câu chuyện của một chàng thanh niên trẻ yêu một người phụ nữ lớn tuổi hơn, có đời sống tình dục khá thoáng và không có niềm tin vào tình yêu, nhưng đến khi tình yêu của cậu thuyết phục được người phụ nữ thì những ứng xử của người phụ nữ lại có thể giết chết tình yêu trong lòng cậu. Bộ phim với cái kết mở, được chỉnh sửa lại cho lạc quan hơn so với cái kết của Dekalog 7.

Cả hai phim dù ngắn, nhưng là những tác phẩm kinh điển của điện ảnh từ ngôn ngữ về hình ảnh, bố cục, góc máy, các chi tiết cho tới diễn xuất, diễn biến tâm lý của các nhân vật. Rất nhiều người, trong đó có người viết bài này đã xem 2 bộ phim này như 2 tác phẩm độc lập trước khi biết rằng nó nằm trong bộ Dekalog của đạo diễn.

Poster phim “A Short Film About Love”. Nguồn: amazon.co.uk
Poster phim “A Short Film About Love”. Nguồn: amazon.co.uk

Dekalog 8 từ điều răn chớ thèm muốn vợ của hàng xóm/người khác, Kieslowski phát triển chủ đề về tình dục, ghen tuông và lòng trung thành. Một người đàn ông bị bất lực, chấp nhận cho vợ có đời sống tình dục bên ngoài nhưng lại không chịu được, ghen tuông, rình mò theo dõi vợ rồi tự dằn vặt, đau khổ. Người vợ một mặt có những mối quan hệ thoáng qua bên ngoài nhưng vẫn yêu chồng và quyết định dừng lại, nhất là khi cô tận mắt chứng kiến nỗi đau của chồng và suýt chút nữa là họ đã mất nhau…

Dekalog 10 từ điều răn chớ thèm muốn của cải của hàng xóm/người khác, phát triển thành sự tham lam và các mối quan hệ. Khi người cha chết đi, hai người con trai tìm thấy bộ sưu tập tem của ông để lại mà họ không ngờ đó là cả một gia tài. Cuộc sống của họ đảo lộn từ đó khi bị những kẻ tham lam dòm ngó bộ sưu tập, họ phải canh cánh giữ gìn, rồi họ cũng trở nên quan tâm đến tem, lòng tham khiến hai anh em chấp nhận đánh đổi một quả thận của người anh để lấy một con tem nằm trong một series quý hiếm mà bộ sưu tập còn thiếu, nhưng khi hai anh em ở trong bệnh viện thì kẻ trộm đã vào nẫng toàn bộ bộ sưu tập, bị mất của, hai anh em lại quay sang nghi ngờ lẫn nhau…

Dù phát triển từ Mười Điều Răn, dù nói về việc con người phải đối mặt với những vấn đề đạo đức nhưng Dekalog hoàn toàn không có ý định rao giảng về đạo đức. Ngược lại mối quan tâm của đạo diễn hay cái chủ đề thứ hai, xuyên suốt trong cả 10 tập phim, đó là cuộc đời của con người là tập hợp của những sự lựa chọn của người đó, trong một hoàn cảnh nào đó chúng ta chọn nói hoặc hành động như thế này và nó sẽ dẫn đến hậu quả như thế này. Nhưng cũng đôi khi có những cái vượt ra ngoài sự tính toán, chọn lựa hay sự hiểu biết của con người, phải chăng đó là số phận, là những điều bí ẩn của vũ trụ mà chúng ta không hiểu hết được?

Trong hầu hết 10 tập phim, trừ tập 7 và 10, đều có sự xuất hiện của một nhân vật, do cùng một diễn viên thủ vai. Anh ta quan sát các nhân vật chính ở những khoảnh khắc quan trọng và không bao giờ can thiệp. Nhân vật này có thể là Chúa Jesus hay một nhân vật siêu nhiên hay chính là Số Phận.

Dàn diễn viên bao gồm những người nổi tiếng và chưa nổi tiếng, nhưng đểu rất hợp vai và thể hiện xuất sắc vai diễn của mình.

Dekalog đã được các nhà phê bình đánh giá rất cao.

Các cảnh và các nhân vật trong Dekalog. Nguồn: Two shows about the Ten Commandments are in the works, including a “reimagining” of Kieslowski’s Dekalog,  Patheos
Các cảnh và các nhân vật trong Dekalog. Nguồn: Two shows about the Ten Commandments are in the works, including a “reimagining” of Kieslowski’s Dekalog, Patheos

Trong cuộc thăm dò Sight & Sound 2002 để xác định những bộ phim hay nhất mọi thời đại, Dekalog A Short Film About Killing đã nhận được sự tán thành từ 4 nhà phê bình và 3 đạo diễn, trong đó có Ebert, nhà phê bình David Denby của New York và đạo diễn Mira Nair. Ngoài ra, trong cuộc thăm dò Sight & Sound tổ chức cùng năm để xác định 10 bộ phim hàng đầu trong 25 năm trước đó, Kieslowski được xếp vào danh sách Top of Directors với số phiếu bầu cho các bộ phim của ông được phân chia giữa Dekalog, Three Colors Red / Blue,The Double Life of Veronique.

Năm 2002, bộ phim này đã được liệt kê trong Top 100 phim hay nhất mọi thời đại của Hiệp hội các nhà phê bình điện ảnh quốc gia (The National Society Of Film Critics’ 100 Essential Films) và đứng thứ 36 trong “The 100 Best Films Of World Cinema” của tạp chí Empire năm 2010.

SC