Nếu truyện ngắn giống một tấm ảnh trắng đen ghi lại chân dung tinh thần của người viết vào thời điểm hoàn tất, thì trả lời phỏng vấn là thâu tiếng nói vào chữ. Đăng lại, là lục trong ngăn tủ cuộn băng xưa và nghe lại giọng nói của chính mình một thập niên trước.
Trần Vũ
Lê Quỳnh Mai: Ông có thể đào sâu thêm?
Trần Vũ: Thành công của Bảo Ninh hay Dương Thu Hương khi dịch ra tiếng nước ngoài, trước nhất là thành công của thể tiểu thuyết. Ðiều đó không có nghĩa truyện ngắn không bằng tiểu thuyết, không thể so sánh thịt bò với cá lóc. Nhưng độc giả VN và thế giới đã chọn lựa, steak và.. bò nhúng giấm! Thời tiền chiến, chính tiểu thuyết Tự Lực Văn Ðoàn và sau 1954, tiểu thuyết dịch và tiểu thuyết trong Nam đã lôi cuốn người đọc tạo ra nhiều tầng lớp độc giả và các thế hệ nhà văn đi sau. Ngày nay, cái gì lôi kéo giới trẻ đi vào văn chương? Phê bình? Thi ca? Truyện Ngắn? Thể loại đầu dành cho giới chuyên môn. Thể loại giữa khép kín trong vòng tròn thi sĩ, còn thể loại sau đã chứng minh sản phẩm lạm phát, ít khách tiêu thụ.

Kỳ quặc, khi chúng ta biết, truyện ngắn là một trong những thể loại khó nhất của văn xuôi, nhưng nhà văn Việt nào cũng có nhiều mươi đầu truyện… Nina Mc Pherson, dịch giả chánh thức của Dương Thu Hương, trong những buổi tối rủ nhau đi uống rượu khuya, thường kể: Các nhà xuất bản Hoa Kỳ đã luôn ngao ngán, ngán ngẩm lắc đầu mỗi khi cô ôm bản dịch truyện ngắn VN đến chào mời. Lần nào cô cũng nhận một câu trả lời: “Nhà văn Việt Nam có tiểu thuyết không?”
Tại sao trên thế giới truyện ngắn hiếm đi nhưng đến Việt Nam sinh sôi nảy nở kinh dị? Tại sao những bậc thầy truyện ngắn trên thế giới như Borges, Tchékov, Guy de Maupassant không nhiều và một đời viết văn được dăm truyện ngắn hay đã là nhiều, nhưng ở Việt Nam mỗi nhà văn là một… cỗ máy sản xuất truyện ngắn? và đang gia công sản xuất truyện cực ngắn? Vì đặc thù kinh tế đất nước là một nền sản xuất nhỏ? Tôi chưa rõ lắm. Tôi tự đặt cho mình những câu hỏi. Các câu hỏi mỗi lúc một nhiều thêm lên sau mỗi lần bước chân vào các hiệu sách Việt, tìm mua một cuốn tiểu thuyết, chưa nói xuất sắc, chỉ cần đủ lôi cuốn một tuần lễ, nhưng tìm không ra. Bước chân vào hiệu sách Việt, từ Cali về đến trong nước, từ nhà sách Tú Quỳnh ở Bolsa đến nhà sách Nguyễn Huệ trên đại lộ Nguyễn Huệ Sàigòn là cả một nỗi chán chường.
Ít tiểu thuyết, càng ít tiểu thuyết hay, trở thành một ác mộng.
Hôm nay, cuối 2003, dường như giới phê bình trong-ngoài nước và giới sáng tác trong-ngoài nước đều đã công nhận khủng hoảng tiểu thuyết này. Nhưng nguyên nhân của ác mộng ở đâu?
Tôi không rõ lắm nguồn cơn ác mộng của Hội Nhà Văn Hà Nội hay TP HCM. Với bên này, tôi lờ mờ trông thấy. Tôi không nghĩ nhà văn Việt không còn muốn viết truyện dài, nhưng tiểu thuyết là một thể loại khó, dài mà không lê thê, vẫn chặt chẽ, xuyên suốt, liền lạc, không dễ viết chút nào. Không thể viết tiểu thuyết nếu không đam mê hết mình, trong một thời gian dài liên tục, không thể viết tiểu thuyết chỉ bằng chộp bắt những góc độ, những mảnh đời, bằng khả năng “quan sát …cuối tuần.” Cần cái nhìn rộng, xuyên suốt sự vật, con người, xã hội, cần kinh nghiệm, vốn sống, va chạm, chung đụng, ngôn ngữ, và khả năng tổng hợp, phân tích, quản trị nhân vật… chưa kể đến cấu trúc, giọng văn và khí hậu truyện từ trang đầu đến trang cuối phải nhất quán. Ngần ấy thứ, trong đời sống quá tất bật và đơn điệu ở ngoài nước, khiến tiểu thuyết trở thành một cuộc đầu tư, đầy thách đố.
Tôi không biết có quá hàm hồ hay không khi đặt câu hỏi: Có phải chính vì thiếu truyện dài mà văn học hải ngoại ít độc giả, khiến ngành xuất bản khủng hoảng, do dự mỗi khi in ấn? Nhưng tôi thấy rõ: Ngoài nước thiếu một đội ngũ ký giả văn học chuyên nghiệp làm công việc giới thiệu tác phẩm, khiến nhà văn Việt đã luôn phải xuất hiện dưới dạng truyện ngắn trên các tạp chí để đến với độc giả của họ. Trái lại, ngược hẳn, tiểu thuyết gia ngoại quốc không cần đăng báo, các nhà xuất bản và nhật báo, tuần san, nguyệt san làm công việc giới thiệu, quảng cáo tác phẩm, tiếp cận khách hàng. Ðây là lý do, vì sao, truyện ngắn lấn át tiểu thuyết và tràn lan suốt hai thập niên vừa qua.
Sự trống vắng tiểu thuyết này đưa đến một hậu quả: Văn học hải ngoại là một chuỗi vụn những thành tựu nhỏ. Những hột xoàn tấm, cho dù có thật nhiều, hằng hà sa số (trong thực tế ít hơn vậy), cũng không thể thay thế những viên kim cương không cợn than trên 10 ly. Hiếm có tác giả nào ngoài nước, có 10 truyện ngắn thật xuất sắc trong cùng một tập truyện, để tập truyện đó trở thành một hiện tượng.
Lê Quỳnh Mai: Với ông, có cách nào thay đổi tình trạng này?
Trần Vũ: Tôi nghĩ đã đến lúc nhà văn Việt ngoài nước cần đi tìm tác phẩm công phu. Từ chối xuất hiện trên mặt báo thường xuyên. Chấm dứt bao sân cho các tập san. Chấm dứt “đi khách”. Chấm dứt thỏa mãn những thị hiếu phù du. Chấm dứt “mì ăn liền”. Ðộc giả Việt sẽ bằng lòng với tiểu luận như độc giả Pháp đã hài lòng với tiểu luận trên các báo Lire, Magazine Littéraire, Esprit, Critique… rất ít đăng trích đoạn tiểu thuyết và gần như không có truyện ngắn.

Ở thời điểm hôm nay, thêm 5 truyện ngắn hay nữa, không thay đổi văn học VN. Thêm 5 truyện… hay cực ngắn, lại càng không đem đến gì thêm. Ngược lại, với 5 tiểu thuyết xuất sắc, sẽ ghi một dấu mốc, đánh dấu một giai đoạn. Giới sáng tác, một số đã ý thức không thể tiếp tục với truyện ngắn, một thể loại thiếu sức chứa của xe hàng 18 bánh. Tôi chờ đợi rất nhiều ở tiểu thuyết của Ðặng Thơ Thơ, Mai Ninh, Nam Dao, Lê Thị Thấm Vân, Quỳnh Dao, Phan Huy Ðường, Nguyễn Thị Thanh Bình và truyện vừa Nguyễn Thị Hoàng Bắc đang thành hình. Hy vọng năm 2004 sẽ mở ra một giai đoạn mới: giai đoạn tiểu thuyết ngoài nước. Ðã đến lúc, các chủ biên Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Mộng Giác, Khánh Trường, Nguyễn Hưng Quốc nên tiếp tay đẩy mạnh tiểu thuyết bằng cách ưu tiên giới thiệu các trích đoạn, hoặc như tổng biên tập Nguyễn Ðình Thi đã đăng nguyên cuốn tiểu thuyết Thiên Sứ của Phạm Thị Hoài trên tạp chí Tác Phẩm Mới, không hề tiếc trang, khi Thiên Sứ vừa chào đời chưa xuất bản và Phạm Thị Hoài hãy còn là một người viết mới. Ðây là hình thức mà nhà văn Dương Nghiễm Mậu gọi là “tiểu thuyết phổ thông” và ông đã thực hiện khi làm chủ bút tạp chí Văn Nghệ, Sàigòn.

Lê Quỳnh Mai: Dưới mắt nhìn của một nhà văn thuộc thế hệ trẻ cầm bút lưu vong, theo Trần Vũ, văn học hải ngoại sẽ đi về đâu? Vấn đề “Đàng Trong”, “Đàng Ngoài” có còn là một vấn đề lớn để tranh luận như cả một thập niên trước đây không?
Trần Vũ: Cho phép tôi đính chính. Tôi không phải là một nhà văn. Tôi chỉ là người viết truyện lâu lâu gởi đăng báo. Và tôi cũng không còn trẻ nữa, nếu các chủ bút, giới biên khảo vẫn ưu ái xếp vào giai cấp không có quá khứ, điều đó chẳng qua vì không có thế hệ người viết sinh trong thập niên 70 ngoài nước. Thế hệ sinh trong thập niên 60 đang là thế hệ cuối cùng.
Lê Quỳnh Mai: Vậy theo ông, thế nào mới là một nhà văn? Và xin ông cho tên một nhà văn Việt Nam điển hình?
Trần Vũ: Với tôi, một nhà văn, ngoài tác phẩm, trước nhất là một người trí thức có tư cách và cất tiếng nói trước bất công của xã hội, trước chính quyền không sợ hãi, với tất cả trách nhiệm. Nhất Linh Nguyễn Tường Tam là một nhà văn. Ông xứng đáng là văn hào của nước Việt Nam.
Lê Quỳnh Mai: Quay lại câu hỏi văn học hải ngoại sẽ đi về đâu… Tham dự giòng văn chương này rất sớm, ông có thể dự báo?
Trần Vũ: Những ngày đầu di tản, thời Thư Gởi Bạn, rồi Lại Thư Gởi Bạn, cho đến những năm 1978, 1979 trên tạp chí Văn Học Nghệ Thuật, Võ Phiến thường đặt câu hỏi 15 năm sau biết có còn ai đọc chữ Việt nữa hay không? 20 năm sau, câu trả lời đã có: Vẫn còn người đọc, nhưng …ít người mua. Văn học hải ngoại rồi sẽ nhập với văn học quốc nội để thành một dòng chảy duy nhất: Văn Học Việt Nam. Chậm hay mau, tùy thuộc thủ tục hành chánh hải quan. Nhưng đây là định mệnh của dòng văn chương khát khao tổ quốc và sinh ra từ thảm kịch nội chiến này.

Tương lai trước mắt, thập niên 2000 là thập niên quyết định của văn học hải ngoại. Ða số các tác giả Trịnh Y Thư, Cao Xuân Huy, Phan Thị Trọng Tuyến, Kiệt Tấn, Diệu Tần, Miêng, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Ngu Yên, Tưởng Năng Tiến, Nguyễn ý Thuần, Nguyễn Bá Trạc, Trần Long Hồ, Hoàng Khởi Phong, Nguyễn Xuân Hoàng, Trần Thị Kim Lan, Hoàng Xuân Sơn, Nam Dao, Hồ Minh Dũng, Trần Doãn Nho, Mai Ninh, Ngô Thế Vinh, Nguyễn Xuân Quang, Lê Bi, Lê Thị Huệ, Vũ Huy Quang, Ðỗ Quỳnh Dao, Nguyễn Ðức Bạt Ngàn, Lâm Hảo Dũng, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Luân Hoán, Ngự Thuyết, Tam Thanh, Trần Mộng Tú, Bùi Bích Hà, Thái Tú Hạp, Lâm Chương, Song Thao, Phạm Việt Cường, Mai Kim Ngọc, Ngô Nguyên Dũng, Phan Tấn Hải, Trùng Dương, Túy Hồng, Trần Thị Lai Hồng, Thế Giang, Võ Ðình, Trương Vũ, v.v.. đều đã bước qua khúc quanh dẫn vào xa lộ The Last Pacific Highway… Còn bao nhiêu hoài bão nếu không trút hết ra giấy sẽ đem theo xuống mồ. Ðây là một mất mát lớn, vì thế hệ nhà văn này đã trải qua nhiều xã hội VN, Pháp thuộc, đệ nhất-đệ nhị Cộng Hoà, xã hội XHCN, tù đày, vượt biển, trại tỵ nạn, xã hội tư bản… ít có thế hệ nhà văn Việt nào giàu kinh nghiệm, nhiều khổ đau, mất mát, cũng như đã phải trả giá nhiều và tiếp xúc trực tiếp với phương Tây như những nhà văn Việt kể trên. Không còn nhiều thời gian nữa. Những chuyến tàu cuối cùng đã cặp bến. Không lên chuyến này, sẽ không còn chuyến nào nữa.
Thế hệ tôi cũng không còn nhiều thời gian, đồng hồ tay anh Trịnh Y Thư và tay anh Ngô Thế Vinh chỉ 12 giờ đêm kém 5, đồng hồ tay tôi và các bạn bè của mình, Thận Nhiên, Phan Nhiên Hạo, Thơ Thơ, Phạm Thị Ngọc, Trân Sa, Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Thị Thanh Bình, Nguyễn Hương, Ðinh Linh, Hồ Ðình Nghiêm, Hoàng Mai Ðạt, Hồ Như, Nguyễn Thanh Hùng, Lê Thị Thấm Vân, Vũ Quỳnh Hương, Vũ Quỳnh Nh, Thường Quán… chỉ 12 g đêm kém 10. Tất cả còn 5, 10 phút phù du đó, để rong chơi phung phá một lần nữa, sau đó hoá …bí rợ.

Lê Quỳnh Mai: Còn vấn đề “Đàng Trong”, “Đàng Ngoài” thì sao?
Trần Vũ: Vấn đề “Ðàng Trong”, “Ðàng Ngoài”? Cô muốn hỏi vấn đề Nam-Bắc? Vấn đề này đập vào mắt! Tôi không nghiên cứu xã hội học, cũng không quan tâm đến chính trị, lãnh vực của lựu đạn, hầm chông và mã tấu. Tôi chỉ có thể trả lời cô những gì tôi trông thấy sau những lần về thăm nhà. Miền Nam hoàn toàn Bắc hoá. Toàn bộ guồng máy nhân viên hành chánh, thuế khoá, an ninh trong Nam đều do người Bắc nắm giữ, ngay những chức vụ thấp nhất. Số lượng người Bắc sinh sống trong Nam đông vô cùng, ở Sàigòn, tỷ lệ 4/10 là ít. Người Nam ra Bắc sinh sống ngược lại rất hiếm. Tôi hoàn toàn không phiền hà chi việc người Bắc “di cư” vào Nam sau 1975, nhưng tôi thấy rõ miền Nam chịu chính sách cai quản của người Bắc, một cuộc Nam tiến.
Tại sao gần tuyệt đại bộ phận sinh viên du học là người Bắc? Tại sao những nhà văn công du quảng cáo văn chương Việt Nam là những nhà văn Bắc của Hội Nhà Văn Hà Nội? Và tại sao trên mặt văn chương, chỉ một giọng văn Bắc? thuần Bắc? Giọng văn Bắc thường sắc, mạnh, nhưng nhìn toàn cảnh văn học trong nước hôm nay bị đơn điệu. Tại sao có hiện tượng Bùi Hoằng Vị, Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng và những nhà văn cũ Dương Nghiễm Mậu, Cung Tích Biền, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thuỵ Long, Trần Thị Ngh, v.v… chỉ xuất hiện trên các tạp chí hải ngoại? Nếu Nam-Bắc cùng tẩy chay nhau, thì nhà văn trong Nam đã tẩy chay Hội Nhà Văn của chính quyền vì họ không có tiếng nói. Không biết bao nhiêu nhà văn trong Nam, những khi gặp, đã nói với tôi họ không xem những hiện tượng văn học ngoài Bắc ra ký lô nào, và những trao giải-không nhận giải đều sắp đặt, cũng như xuất bản, thu hồi, rồi …tái bản. Và tại sao Hội Nhà Văn, Viện Văn Học, Trường Viết Văn Nguyễn Du, các đại học ngữ văn, đã cử bao nhiêu nhà văn, viện sĩ, nhà phê bình ra nước ngoài tìm hiểu văn học hải ngoại “cánh tay nối dài của Ðàng Trong”, nhưng khi về nước hội thảo, trên văn bản chánh thức đều tránh đề cập? Tại sao Hoàng Ngọc Hiến, Ðỗ Minh Tuấn, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Huệ Chi, Trần Văn Thủy… nghiên cứu cộng đồng hải ngoại, văn học hải ngoại cho trung tâm William Joiner Center của Hoa Kỳ nhưng về trong nước họ không thể phúc trình hay công bố nghiên cứu của mình cho dân Việt Nam hay biết một phần máu của dân tộc này đang chảy ngoài nước? Nếu đây là vấn đề “Ðàng Trong”, “Ðàng Ngoài” như cô hỏi, thì tôi chứng kiến tận mắt như vậy.
Lê Quỳnh Mai: Như vậy vấn đề “Đàng Trong”, “Đàng Ngoài” sẽ còn là một vấn đề lớn để tranh luận. Nhưng tại sao thuộc thế hệ trưởng thành sau khi chiến tranh chấm dứt, ông không nghĩ phải vượt lên trên vấn đề Nam-Bắc, Quốc-Cộng và phải quên đi quá khứ nội chiến đẫm máu của dân tộc để hướng đến tương lai?
Trần Vũ: Tất nhiên là tôi nghĩ đến, nếu không tôi đã không tham dự tạp chí Hợp Lưu do họa sĩ Khánh Trường khởi xướng từ năm 1991. Tôi hiểu phải biết vượt lên trên vấn đề Nam-Bắc, Quốc-Cộng, không nên để quá khứ hãm hiếp hiện tại. Nhưng tôi cũng biết một khi hiện tại không trung thực thì chiếc bóng của hiện tại sẽ không hoàn chỉnh và bóng tối của quá khứ sẽ trỗi dậy. Tôi sống trong trông chờ một hiện tại trung thực ở quê nhà. Và chỉ trên cái nền sạch sẽ này, tất cả người Việt mới có thể cùng đi vào tương lai.
(Còn tiếp)