Nhà Xuất Bản AN TIÊM, trước 1975 và cả sau 1975 đã cho ra đời hàng loạt những tác phẩm giá trị về nhiều thể loại: THƠ, VĂN, TRIẾT, BIÊN KHẢO,VĂN HỌC, DỊCH THUẬT… Người đứng chủ trương là Thích Thanh Tuệ, về sau cởi áo tu và lập gia đình. Yêu sách, quý trọng văn chương và nhà văn, hết lòng trong việc in ấn tác phẩm. Thanh Tuệ được nhiều nhà văn quý mến. Ông mất ngày 16 tháng 8. 2004 sau khi từ Pháp qua thăm Cali. Nhiều nhà văn viết bài thương tiếc Thanh Tuệ.

Nhà văn Song Thao nhắc lời Khế Yêm khi nhớ tới Thanh Tuệ: “Nếu những tờ tạp chí văn học là mặt nổi, thì những nhà xuất bản chính là những lực đẩy mạnh mẽ thúc đẩy một nền văn học. Không có sự yêu nghề và tận tụy với nghề, quý trọng những tác phẩm giá trị, không vì những lợi nhuận tiền bạc, thì làm sao nền văn học miền Nam có được một thời kỳ rực rỡ? Cái công lao không nhỏ đó, tiếc thay, lại chẳng ai buồn nhắc tới”. Song Thao cũng nhắc tới Tiến sĩ Thái Kim Lan ở Ðức khi thương tiếc “anh An Tiêm”: “Mặc dù “thân sơ chưa định”, lạ nhiều hơn quen, nhưng khi nghe giọng nói từ tốn nhuốm đầy từ bi và mẫn cảm của anh, khi nghe anh lưỡng lự một cách khiêm nhường trong lựa chọn hay đề nghị mẫu chữ cho một quyển sách mới, khi nghe anh khôn ngoan mà nhẫn nại khuyên nên viết thêm một vài bài mới, khi nghe anh nhẹ nhàng mà tinh tường đưa ý kiến trình bày hình bìa, khi nghe anh rành rẽ và kính trọng khen nghệ thuật đóng sách của người Ðức là giỏi, và mới đây từ San Jose, trước khi đi về quận Cam để mãi mãi không còn trở về lại Paris, anh còn gửi cho tấm ảnh của anh để nhận diện và gọi về căn dặn kỹ càng cách chọn giấy cho quyển sách dự tính, tôi biết mình không gặp một “nhà xuất bản” theo nghĩa thường, mà đang gặp một NGHỆ SĨ tài hoa của thế giới sách vở – có lẽ còn hơn – linh cảm chỉ cho tôi một vùng sáng tưởng tượng trong đó thấp thoáng bóng anh như trong bức tranh xưa đã thấy treo một lần nào đó nơi thiền viện Vạn Hạnh, Sài Gòn, nơi anh đã có lần là Thầy Thanh Tuệ – vẽ một khất sĩ mê sách – hay Bồ tát tóc dài lang thang mang túi đãy – đi lượm các sách trong kho chứa của trời đem về cõi trần”.
Trong bài “Ði tìm dấu vết An Tiêm gặp Bùi Giáng” Thái Kim Lan nhắc lời dịch giả Bửu Ý từng sống với Thanh Tuệ trong những năm mới thành lập An Tiêm: “Thời ấy anh Thanh Tuệ thấy quyển sách nào trình bày đẹp, nhất là sách ngoại quốc từ Pháp, từ Mỹ, từ Ðức, từ Ý trong các hiệu sách là anh mua về cho anh em đọc, rồi cắt bìa giữ lại làm tư liệu cho những cuốn sách mà anh sẽ hư cấu, chọn bìa, chọn giấy thích hợp với nội dung” để in. Trong 10 năm (1965 – 1975) NXB An Tiêm mở rộng cửa đón nhận nhiều tác phẩm danh tiếng trên thế giới, qua các bản dịch bởi Bửu Ý (chẳng hạn: Vườn đá tảng của Nikos Kasantzakis – 1967; Ðứa con đi hoang trở về của A.Gide – 1967; Văn học thế giới hiện đại của R.M.Alberes – 1973), và các tác phẩm khác của Phạm Công Thiện, Vũ Khắc Khoan, Tuệ Sỹ… có hình bìa hoặc phụ bản của Ðinh Cường, Hiếu Ðệ, Trịnh Cung. Giáo sư Lê Văn Lợi nhắc: “Nguyễn Hiến Lê – dịch giả tác phẩm Chiến tranh và Hòa bình của Leon Tolstoi 4 tập dày cộm (gồm 3,000 trang) – rất ít khen ai và tự xuất bản sách của thầy, lại hết lời cảm phục tài năng và tấm lòng Thanh Tuệ với văn chương chữ nghĩa”… Rõ nét nhất là các tác phẩm của Bùi Giáng do NXB An Tiêm in, mà nhà văn Nguyễn Mộng Giác ở hải ngoại đã đề cập đến vài hôm sau ngày Thanh Tuệ mất: “Có thể nói hầu hết những tác phẩm quan trọng của Bùi Giáng đều do anh Thanh Tuệ in, dù NXB biết không thể lấy lại vốn in đã bỏ ra (…) Một nhà thơ lớn (như Bùi Giáng) đẩy thơ vào một cuộc chơi lớn, thì ngay lập tức cũng có một NXB “chịu chơi” có đôi mắt xanh sẵn sàng bỏ công bỏ sức ra in thành quả khác thường của cuộc chơi ấy (…). Tôi tin chắc rằng anh Thanh Tuệ kiếp trước cũng là một nhà thơ. Không, tôi lầm. Không cần phải đi ngược lên kiếp trước. Ngay trong phút này, anh “đã là” một nhà thơ. Thi nghiệp của anh là An Tiêm (…) anh đứng đợi Bùi Giáng vào lúc, vào chỗ thích hợp nhất, để hai người sánh vai thực hiện một cuộc hành trình mới vào thơ”. Còn Bùi Giáng trong “thơ điên” của mình vẫn nhắc: “Tuy nhiên xuất bản một thầy/Tu hành thanh tuệ còn ngây thơ cười” – cười thanh thản, vì đã góp tay mở được một cánh cửa mới và đầy “màu hoa trên ngàn” cho khu vườn văn học miền Nam, đưa An Tiêm vào huyền thoại đẹp của ngành xuất bản Sài Gòn một dạo…”
Huy Tưởng tức Faifo Phố Hoài viết comment cho blog Lê Thị Thấm Vân: “Chào Thấm Vân. Xin mừng Nàng vẫn tươi vui, xinh đẹp. Tôi cũng xin cám ơn TV đã cho tôi nhìn lại hình ảnh một người Bạn xưa, một nghệ sĩ thầm lặng, một tấm lòng lớn lao với văn học nước nhà, tôi muốn nói đến thầy Thanh Tuệ trong những năm cuối thập niên 60s bước qua 70s của thế kỷ trước, thầy đã chịu sống vô cùng cam khó để nuôi nấng, chăm sóc & thúc giục cho nhiều tên tuổi luôn hừng hực sáng tạo, đóng góp lớn lao vào một nền văn học đồ sộ và tươi mới… Tôi không thể kể hết những tên tuổi ra đây, nhưng đơn cử như Bùi Giáng, nếu không có thầy TT bên cạnh thì làm sao có những Sa Mạc Phát Tiết, Martin Heidegger, Lá Hoa Cồn, Con Ðường Ngã Ba,…và hàng chục tác phẩm khác? Cùng rất nhiều tác, dịch giả lừng lẫy khác?
Ngày giỗ đầu tiên của thầy Thanh Tuệ tại chùa Già Lam, tôi có tâm sự với thầy Tuệ Sỹ điều này. Tôi vẫn cứ mang nặng trong lòng mà chưa thể bày tỏ! Tôi cũng không hiểu vì sao các nhà biên soạn văn học lại quên mất sự đóng góp lớn lao của An Tiêm, của Thanh Tuệ?”
Nhà văn Lê Thị Huệ chủ trương trang Gió-o kể lại: “Tôi gặp Ông lần đầu tiên trong đời là vào dịp tháng Chín, 2003, ngày giỗ nhà văn Vũ Khắc Khoan ở rạp Le Petit Trianon, San Jose. Hôm đó Trần Diệu Hằng đến ngâm thơ. Sau buổi ngâm Hằng nói với tôi, có Anh Thanh Tuệ muốn gặp Huệ. Tôi nói Ông Thanh Tuệ là ai vậy. Là Ông nhà xuất bản An Tiêm, Hằng nói.
Lần đầu tiên Ông gặp tôi, thấy ông mảnh mai, cười chúm chím, nói không nên lời, tôi theo ghẹo Ông tới tấp. Tôi nói thôi Anh in sách làm gì. Sách hả. Có quyển in xong như quyển Kỷ Niệm Với Mỵ Ánh tui đưa cả chồng ra trước lò sưởi tui đốt thiệt là sướng tay. Ông chỉ nhìn tôi cười. Không kịp trả lời trước cái kiểu nói năng hơi du côn của tôi. Khi chia tay Ông ôm tôi nhẹ nhàng và xin số điện thoại để liên lạc. Cứ nhất định là Anh sẽ gọi lại cho Em.
Ông gọi lại ngay sáng Thứ Hai vào văn phòng trường tôi. Rủ đi uống Cà Phê nói chuyện An Tiêm. Ông cho tôi địa chỉ một cái Chùa ở San Jose. Sáng Chủ Nhật tôi đến rất sớm. Tám giờ sáng, ra sau sân Chùa thấy ông đang mặc bộ áo lam, tưới cây. Tôi đón ông và chở ông ra quán cà phê Việt Nam. Ông say sưa kể cho tôi nghe về chuyện An Tiêm cũ, chuyện An Tiêm hiện nay, và chuyện muốn làm kỷ niệm 40 năm thành lập Nhà Xuất Bản An Tiêm.
Tóc ông hãy còn đen, không nhuộm. Ông nói tiếng Huế Lai. Ông nói năng từ từ, nhỏ nhẹ, và dễ mỉm cười hồn nhiên như một thanh niên ngập ngừng trước một thiếu nữ, khi vui thú một lời nói tâm đắc. Nụ cười hiền hậu của một người thấm nhuần những lời Phật. Ông rất dễ gây cảm tình với mọi người. Ông kể cho tôi nghe lòng tử tế của Ông Trí Ðăng vẫn thỉnh thoảng giúp Ông tiền in sách, tức Nhà Xuất Bản Trí Ðăng cũ bây giờ đã thôi xuất bản và là chủ nhà thuốc Tây Medex rất lớn ở San Jose. Sau đấy tôi gặp Ông Trí Ðăng méc lại chuyện này. Ông Trí Ðăng nói, Ồ cái ông Thanh Tuệ ấy à. Ngày trước Ổng là một người rất hào phóng với anh em văn nghệ sĩ. Ổng chuyên môn đưa phong bì cho anh em văn nghệ sĩ thôi.
Ông níu tôi kể đủ chuyện. Qua đó tôi thấy Ông là cái kho lưu giữ những tài liệu những câu chuyện với nhiều nhà văn lẫy lừng của văn học Miền Nam trước 1975. Ông kể chuyện Bùi Giáng, Nhất Hạnh, Hồ Hữu Tường, Tam Lang, Nguyễn Ðức Sơn, Phạm Công Thiện, Tuệ Sỹ,Trí Hải, Tô Thuỳ Yên, Trịnh Công Sơn … những người An Tiêm in những quyển sách đầu tiên cho họ. Và sau đó giữ những mối liên hệ dễ thương như thế nào”
Riêng Bùi Giáng còn làm thơ cho Thanh Tuệ và NXB An Tiêm. “Lá nằm duỗi dọc duỗi ngang/An tiêm xuất bản một tràng cỏ hoa/Trăm năm trong cõi người ta/Ông là thanh tuệ tôi là tuệ thanh”…
Ðấy là bốn câu trích từ bài thơ của Bùi Giáng tặng ông Thanh Tuệ (hai chữ thanh tuệ viết thường) in trong cuốn Sa mạc phát tiết ấn hành tại Sài Gòn năm 1969 bởi NXB An Tiêm. NXB này đã in nhiều sáng tác, dịch thuật, biên khảo của Bùi Giáng và do Thanh Tuệ sáng lập điều hành từ năm 1965, nhà văn Tuấn Huy ghi: “Dạo đó tôi thường gặp Bùi Giáng ở nhà Thanh Tuệ sát cạnh nhà tôi, trong một hẻm nhỏ đường Lý Thái Tổ. Ngôi nhà lầu ngăn đôi, bên này một mình tôi mướn lại của nhà văn Song Linh, bên kia Thanh Tuệ thuê, vừa làm NXB An Tiêm vừa ở đó với mấy người bạn. Một lần, đang nằm ở bên này, tôi nghe tiếng bước chân sầm sập lên chiếc cầu thang gỗ. Rồi tiếng Bùi Giáng ồn ào cười nói. Có khi ông đọc thơ. Có khi ông chuyện trò với Thanh Tuệ và những người khác, bằng cái giọng vừa ồm ồm, vừa trọ trẹ. Một lúc huyên náo như thế, rồi bặt im, không một tiếng động nào nữa. Những căn nhà san sát mê thiếp dưới ánh nắng xế và lớp gió chiều quấn lộng… Tôi bước sang đẩy cánh cửa khép hờ, thấy Bùi Giáng đang ngồi ngủ gục trên một chiếc ghế. Thanh Tuệ thì nhẹ nhàng ý tứ xếp lại những chồng sách mới in. Tôi cũng nhẹ nhàng ý tứ đến gần bên Thanh Tuệ, nhặt một cuốn sách lên, để mùi thơm của giấy mới loãng tan trong khứu giác. Thanh Tuệ ngó Bùi Giáng, cười. Nụ cười tươi tắn và hồn hậu. Tôi khẽ gật đầu. Chúng tôi để yên cho nhà thơ chúng tôi ngủ”.
Con đường vào thơ của Bùi Giáng dẫn tới cửa chùa. Nói cụ thể hơn, không có NXB An Tiêm của Thanh Tuệ (một tu sĩ Phật giáo) thì bạn đọc không có cơ hội thấy hết được sự nghiệp thơ đồ sộ của Bùi Giáng. “Cuộc chơi lớn” của Bùi Giáng không dễ tìm được một NXB nào chịu bỏ tiền ra in cho ông, ngoài nhà An Tiêm.
NGUYỄN & BẠN HỮU – Tổng hợp