Ở thời mà phim hoạt họa gần như đồng nghĩa với hoạt họa ba chiều (Finding Nemo, Shrek, The Incredibles…), truyện tranh và hoạt họa theo kiểu truyền thống của Nhật vẫn sống được và bùng nổ phạm vi toàn cầu thì quả thật đáng nể. Hội chợ AnimeJapan 2017 tổ chức trong bốn ngày cuối tháng 3 năm nay tại Tokyo đã đón đến 145,453 lượt khách, đông nhất kể từ khi hội chợ tổ chức lần đầu tiên năm 2004.

Ảnh hưởng toàn cầu của anime
Theo BusinessWeek, doanh thu vé và DVD phim hoạt họa Nhật (anime) có thể vọt lên 5.2 tỷ USD tính cả toàn cầu trong năm nay. Chỉ video game, đồ chơi và các hình thức ăn theo anime đã có thể đạt khoảng 18.5 tỷ USD tính riêng thị trường Nhật. Và anime còn tràn vào Hollywood cũng như thời trang cao cấp. Chính John Lasseter (phó chủ tịch điều hành hãng phim hoạt họa Pixar Animation Studios) cũng phải thừa nhận anime “có ảnh hưởng quá rộng” và người ta dự báo ảnh hưởng anime tiếp tục bùng nổ, trở thành một trong những sản phẩm xuất cảng có doanh thu cao của Nhật. Ngôi sao sáng nhất kỹ nghệ anime Nhật hiện thời là đạo diễn Hayao Miyazaki. Phim Sen to Chihiro no Kamikakushi (Spirited Away) của ông từng giành Oscar hạng mục phim hoạt họa năm 2003.
Người ta yêu phim Miyazaki đến mức lập một công viên chủ đề (gọi là Viện bảo tàng Ghibli) gần Tokyo để du khách có thể thấy hậu trường sản xuất anime của Miyazaki. Ðầu tháng 7-2017, hãng Studio Ghibli do Miyazaki đồng sáng lập cho biết họ có kế hoạch mở một công viên chủ đề dựa vào một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông: “Người láng giềng Totoro của tôi”. Công viên được dự định mở cửa vào năm 2020 nhân dịp Thế vận hội Tokyo 2020.

Giới chuyên môn đánh giá Miyazaki rất cao. “Phim của Miyazaki đưa chúng ta đến những nơi chưa từng đặt chân đến trước đó và khai mở trí tưởng tượng chúng ta với những hình ảnh tuyệt vời” – nhận xét của Richard Cook, chủ tịch phân nhánh hoạt họa của Walt Disney. Và Miyazaki chỉ là một phần trong hiện tượng anime, từng hình thành cách đây vài thập niên với một trong những bộ phim kinh điển mang tên Astro Boy (năm 1963) của đạo diễn Osamu Tezuka (phim anime nhiều tập đầu tiên được chiếu trên truyền hình Nhật). Ðiều bất ngờ là Tezuka đã đặt những viên gạch nền đầu tiên cho anime Nhật bằng cách nghiên cứu các nhân vật trong truyện phim Disney (vịt Donald, nai Bambi, chuột Mickey…). Một trong những tác phẩm xuất sắc của Tezuka là Kimba-Sư tử trắng (mà nhiều người tin rằng đó là nguồn cảm hứng cho The Lion King của lò Walt Disney).
Hiện tại, anime là ngành kiếm bộn bạc nhất kỹ nghệ giải trí Nhật, với những tên tuổi khổng lồ như Katsuhiro Otomo (hồi năm 2004 tung ra Steamboy, sau thành công mang tính dấu ấn với Akira) hoặc Mamoru Oshii (tác phẩm Innocence được đánh giá cao tại LHP Cannes). Nhiều trò chơi video thu được hàng tỉ đôla như Yu-Gi-Oh hay Pokémon đều có nguồn gốc từ anime. Xin mở ngoặc, anime liên quan gần gũi với manga (truyện tranh) mà hiện thời vẫn lan rộng trong xã hội Nhật cũng như nhiều nước châu Á. Tuần báo manga Shonen Jump bán được 3 triệu bản/kỳ – bằng lượng phát hành của truyện tranh Marvel (Mỹ) tiêu thụ trong một tháng. Và nếu có dịp tản bộ ở khu Akihabara (Tokyo), bạn có thể thấy hàng trăm người bán rong mời chào DVD anime. Ngay tại Trung Quốc, nơi chưa bao giờ muốn văn hóa Nhật lấn át văn hóa nội địa, anime vẫn bùng nổ với thị trường trị giá 21 tỷ USD. Tại Festival phim hoạt họa quốc tế tổ chức ở Hàng Châu năm nay, hơn một triệu người đã đến dự. Nikkei cho biết, số hàng hóa liên quan anime và phim hoạt họa nói chung bán được đến hơn 2 tỷ tệ (290 triệu USD)!
Tuy nhiên, cũng cần nói rõ, đến nay, chưa có một hãng anime nào có tên tuổi được biết nhiều như Walt Disney hoặc Pixar của Mỹ. Và một doanh số hàng trăm triệu USD như của Pixar vẫn là điều không tưởng đối với nhiều hãng anime Nhật. Hiện có khoảng 440 studio anime, từ hãng lớn như Studio Ghibli của Miyazaki (150 nhân viên) đến những cơ sở nhỏ (mang tính gia đình) chỉ có hai người. Dù vậy, thành công kỹ nghệ anime là điều không thể phủ nhận và có lẽ ít người biết rằng hai tập phim Kill Bill của đạo diễn Quentin Tarantino thật ra là mô phỏng từ anime Nhật.
Anime và hơn thế nữa
Nguyên nhân khiến công nghệ anime Nhật chưa thể so với công nghệ hoạt họa Mỹ là trình độ quản lý. Hơn nữa, như BusinessWeek cho biết, số họa sĩ anime bỏ nghề ngày càng tăng. Trong 5 năm qua, số họa sĩ anime giảm còn 3,000 người so với 3,500. Lý do đơn giản là nghề anime – vẽ phim hoạt họa theo kiểu truyền thống – tốn nhiều công nhưng thu nhập thấp (một cảnh vẽ có khi mất đến 30 phút nhưng chỉ được trả 2 USD, có nghĩa một họa sĩ anime kiếm trung bình vỏn vẹn 700 USD/tháng). Ðể duy trì, nhiều hãng anime đã thuê nước ngoài (Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines).
1,000 họa sĩ tại studio Dongwoo Animation (lớn nhất Hàn Quốc) đã thực hiện hầu hết giai đoạn cho phiên bản màn ảnh rộng cũng như phiên bản truyền hình của phim Yu-Gi-Oh, theo hợp đồng với hãng Nhật Konami Corp. 2/3 hãng anime hàng đầu Nhật đã đổ quân sang Hàn Quốc. Có vài tín hiệu thay đổi trong làng kỹ nghệ anime Nhật. Hãng Yumeta hiện sẵn sàng trả lương tối thiểu 1,150 USD/tháng cho họa sĩ giỏi nghề và lương tiếp tục tăng theo từng năm. Production I.G. cho biết họ cũng áp dụng chế độ lương tưởng thưởng, theo đó, một số cây cọ kỳ cựu có thể kiếm được 180,000 USD/năm.

Từng thờ ơ với kỹ nghệ anime, Chính phủ Tokyo bây giờ đã có kế hoạch tăng gấp 5 lần xuất cảng anime, đạt 13.8 tỉ USD/năm; và kỹ nghệ anime cũng dần được trọng thị không thua gì kỹ nghệ xe hơi hoặc kỹ nghệ điện tử. Phần mình, các hãng anime lớn vài năm gần đây đã móc nối hãng Mỹ để tiếp cận thị trường hải ngoại. Studio Ghibli (thành lập năm 1985) đã hợp tác với Walt Disney, trong khi Production I.G. bắt tay với DreamWorks.
Một trong những nét đặc thù của anime Nhật là hình vẽ mắt to, xuất phát từ ảnh hưởng của đạo diễn huyền thoại Osamu Tezuka, người cho rằng mắt to giúp dễ thể hiện cảm xúc-tâm lý nhân vật. Anime có thể được phân thành ba hình thức chính: 1/ Phim màn ảnh rộng; 2/ OVA (Original Video Animation), thường là dạng thức tương tự phim truyền hình nhiều tập nhưng độ dài mỗi tập gần tương đương phim màn ảnh rộng và được sản xuất dưới dạng băng video chất lượng cao; 3/ Cuối cùng là phim anime truyền hình nhiều tập (phim ngắn, mỗi tập khoảng 23 phút để chen quảng cáo khi chiếu truyền hình, và một bộ thường có 26 tập).
Có nhiều loại anime: Seinen (cho người lớn); Shonen (cho con trai); Shojo (cho con gái); Mecha (nhân vật chính thường là người máy); Moé (nội dung lãng mạn); Shonen-ai (ái tình đồng tính nam); Shojo-ai (ái tình đồng tính nữ)… Nhìn ở góc độ văn hóa, nhiều học giả thế giới tiếp tục nghiên cứu hiện tượng anime và đặt nó trên cái nền chung của văn hóa thế giới đương đại. “Tôi phải nói một cách chính xác hơn, khi gọi hiện tượng này (anime) là sự nổi trội của một phong trào nghệ thuật hoặc một cách thức tư duy và nhìn thế giới hoàn toàn mới lạ” – phát biểu của Marjorie Manifold, giáo sư nghệ thuật học Ðại học Indiana (Mỹ) – “Theo cách như trường phái Ấn tượng từng đưa ra một cách nhìn mới trong thế giới quan, cho nghệ sĩ, nhạc sĩ và triết gia ở thời kỳ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20”. Tất nhiên anime cũng có mặt trái, đặc biệt anime khiêu dâm, tạo ra nhiều thứ mốt bệnh hoạn (cuồng si các nhân vật nữ trong anime) trong giới trẻ Nhật Bản.
Dù thế nào, ở góc độ tích cực, anime (hoạt họa) cùng manga (truyện tranh) đã rất thành công trong truyền bá văn hóa Nhật ra nước ngoài cũng như quảng bá giá trị văn hóa đất nước bằng những tên tuổi vang danh trong đó có Hayao Miyazaki, người tung ra những bộ phim pha trộn tài tình chất dân gian Nhật và văn hóa phương Tây, trong đó có cả việc sử dụng ngôn ngữ sáng tạo bay bổng vô tận khi dõi mắt về tương lai, theo lăng kính tương tự Jules Verne. Trong bài viết khen ngợi Miyazaki hết lời, cây bút bình luận điện ảnh A. O. Scott (New York Times) thậm chí cho rằng Miyazaki đã tạo ra một thứ triết lý cho văn hóa anime, với tính lạc quan trong cốt truyện luôn có cái kết có hậu, được diễn đạt qua trung gian ngôn ngữ cổ tích và được thể hiện trực tiếp bằng nét cọ hiện đại…
mK