Three Colours trilogy
Trong số những tác phẩm nổi tiếng trên thế giới của Krzysztof Kieslowski ngoài Dekalog (1989) có “The Double Life of Veronique (1991) và The Three Colours trilogy gồm 3 phim: Three Colours: Blue (1993), Three Colours: White (1994), and Three Colours: Red (1994).
Cả ba phim đều do Krzysztof Kieślowski và Krzysztof Piesiewicz đồng tác giả kịch bản. Hai bộ phim được làm bằng tiếng Pháp và một bằng tiếng Ba Lan.
Ý tưởng của tựa phim, Xanh, Trắng, Đỏ là màu cờ của Pháp theo trật tự từ trái sang phải, và câu chuyện phim dựa trên lý tưởng chính trị của nước Cộng hòa Pháp: Tự Do, Bình Đẳng, Bác Ái (liberty, equality, fraternity).

Blue là bộ phim đầu tiên trong bộ ba Trilogy. Theo Kieślowski, chủ đề của bộ phim là tự do, đặc biệt là tình cảm tự do, chứ không phải là ý nghĩa xã hội hay chính trị của nó.
Đặt bối cảnh ở Pháp, câu chuyện phim kể về một người phụ nữ, Julie (Juliette Binoche), vợ của nhà soạn nhạc nổi tiếng Patrice de Courcy, phải đương đầu với cái chết của chồng và con gái trong một tai nạn xe hơi mà cô vẫn sống sót. Trong khi đang ở bệnh viện, Julie định tự sát bằng cách uống thuốc quá liều nhưng không nuốt nổi viên thuốc. Sau khi hồi phục, Julie tìm mọi cách cắt đứt với những ký ức trong quá khứ, trước đó, cô thường viết hoặc giúp viết nhiều tác phẩm nổi tiếng của chồng, bây giờ cô tìm cách hủy luôn bản nhạc đang viết dở dang của chồng, sống ẩn danh và cô đơn.
Nhưng cuộc sống ở Paris buộc Julie phải đối mặt với những yếu tố trong quá khứ của mình dù cô không muốn: mối quan hệ với một người bạn của chồng, cũng là một nhà soạn nhạc, người đã thầm yêu cô trong bao năm; mối quan hệ của chồng với một người phụ nữ khác mà Julie tình cờ khám phá ra, và nhất là nỗi ám ảnh vể bản nhạc dở dang. Cuồi cùng cô chọn cách vượt qua, trở lại với cuộc sống cũ.
White-Bình đẳng, là câu chuyện của một người đàn ông Ba Lan, Karol Karol, sau một thời gian bị vợ bỏ rơi một cách nhục nhã ở Paris, không tiền, không nơi cư trú, phải ra ngoài phố thổi harmonica kiếm sống qua ngày, đã nỗ lực để khôi phục lại sự bình đẳng cho cuộc đời của mình và tìm cách trả thù người vợ cũ.

Red-Bác Ái hay Tình Huynh Đệ, là câu chuyện về hai con người dường như có rất ít điểm chung- Valentine, một cô gái trẻ, một sinh viên đại học có công việc làm thêm là người mẫu, và Kern, một thẩm phán về hưu sống đơn độc mà niềm vui là nghe lén, theo dõi cuộc sống riêng tư của những người hàng xóm. Lúc đầu, Valentine không sao chịu được điều đó và định tố cáo Kern. Dần dần, qua những cuộc trò chuyện, cả hai người đã có được sự đồng cảm, thấu hiểu sâu sắc từ hai tâm hồn cô đơn và nhạy cảm. Và dường như Kern đã yêu cô gái bất chấp khoảng cách tuổi tác giữa hai người.
Trong ba bộ phim, Blue và Red được dánh giá cao hơn White, và tùy theo cái nhìn của các nhà phê bình khác nhau mà Blue hay Red được yêu thích hơn.
Krzysztof Kieslowski đã chứng tỏ mình là một người kể chuyện bằng hình. Cả ba bộ phim, nhất là Blue, cùng với A Short Film About Love, A Short Film About Killing thường được đưa vào chương trình giảng dạy của các lớp đạo diễn, quay phim tại các tường điện ảnh như là những ví dụ về mặt ngôn ngữ hình ảnh, bố cục, góc máy, ánh sáng cho tới những chi tiết trong đường dây cốt truyện.
Người xem sau khi đã xem các bộ phim một thời gian lâu, có thể quên mất nội dung hoặc nhiều tình tiết, nhưng vẫn nhớ một số cảnh quay hay vẫn bị ám ảnh về một số chi tiết về hình ảnh, và gam màu của bộ phim. Miếng giấy gói kẹo màu xanh bị gió thổi ngược chiều gió ngoài cửa xe trước khi tai nạn xảy ra, chiếc chuông gió làm bằng những viên thủy tinh màu xanh như những giọt nước biển kết tinh, hình ảnh viên bác sĩ in trong mắt khi người phụ nữ tỉnh dậy sau tai nạn, viên đường tan chậm rãi trong ly cà phê…trong Blue; bức tượng thạch cao màu trắng, chiếc vali màu nâu trôi trên băng chuyền, đồng hai France cuối cùng nằm trong tay người đàn ông…trong White; tấm pano phông đỏ có hình ảnh nữ nhân vật chính, con chó, mặt trời đỏ từ từ chìm sau một ngọn núi, chuyến tàu định mệnh trong cơn bão,…trong Red…
Ba bộ phim độc lập, chả có gì chung ngoại trừ sự ám ảnh về ngoại tình trong cả 3 phim. Nhưng mỗi nhân vật xử sự khác nhau. Trong Blue, sự cao thượng khi phát hiện ra người chồng đã ngoại tình bao nhiêu năm giúp người phụ nữ vượt qua và tiếp tục sống, sáng tác. Trong White, người chồng ủ mưu hủy hoại cuộc đời của người vợ đã từng xử tệ với mình đồng thời cũng tự bóp chết luôn tình yêu còn lại trong mình khi quyết định rời bỏ người vợ phía sau song sắt nhà tù. Trong Red nhân vật thẩm phán Kern mất lòng tin vào con người, không còn có thể yêu ai được nữa khi bị phản bội…
Ba màu-The Three Colors Trilogy, là những tác phẩm điện ảnh tuyệt đẹp về mặt ngôn ngữ hình ảnh, đưa người xem vào với không gian, bối cảnh của câu chuyện và tâm trạng của các nhân vật.
Krzysztof Kieślowski cũng là một đạo diễn rất giỏi chọn diễn viên, các diễn viên của ông rất hợp vai, và hóa thân rất tốt vào nhân vật. Từ Juliette Binoche trong vai Julie de Courcy, Benoît Régent trong vai Olivier Benôit (Blue), Zbigniew Zamachowski trong vai Karol Karol, Julie Delpy trong vai Dominique Vidal, Janusz Gajos trong vai Mikołaj (White), Irène Jacob trong vai Valentine Dussault, và đặc biệt Jean-Louis Trintignant trong vai Joseph Kern (Red).
Được biết, ông cũng là một đạo diễn rất chú ý, rất kỹ trong từng chi tiết nhỏ, chẳng hạn, để thể hiện nhân vật nữ chẳng quan tâm gì đến thế giới chung quanh, ông cho quay cảnh nhân vật ngồi nhìn chăm chăm vào viên đường thấm rồi tan chậm rãi suốt mấy giây trong tách cà phê; hay chi tiết về chiếc dây chuyền của Julie mà người chồng tặng cô, được một thanh niên đem đến trả sau khi anh đã chết, cũng một chiếc dây chuyền tương tự Julie nhìn thấy trên cổ người phụ nữ khác cho cô biết chồng mình thực sự yêu người phụ nữ ấy…Hay những chi tiết gợi ý, kết nối nhau trong Red.
Vì Red là bộ phim cuối cùng nên trong cái kết có phần nào đó bí ẩn và không thực, đạo diễn cho cả con tàu với trên ngàn người chết, chỉ có 7 người sống sót, trong đó có ba cặp chính trong bộ ba- Julie và Olivier (Juliette Binoche và Benoît Régent) của Blue, Karol và Dominique (Zbigniew Zamachowski và Julie Delpy) của White, Valentine và Auguste của Red, cùng với Kern người chứng kiến mọi chuyện qua truyền hình.

Trong sự nghiệp điện ảnh của mình, Kieślowski nhận được khá nhiều giải thưởng, bao gồm the Cannes Film Festival Jury Prize (1988), FIPRESCI Prize (1988, 1991), và Prize of the Ecumenical Jury (1991); the Venice Film Festival FIPRESCI Prize (1989), Golden Lion (1993), và OCIC Award (1993); và the Berlin International Film Festival Silver Bear (1994). Năm 1995 ông được đề cử Oscars cho Best Director and Best Writing với Three Colors: Red. Năm 2002, Kieślowski được xếp thứ hai trong Top Ten Directors list of modern times của tạp chí British Film Institute‘s Sight & Sound.
Tiếc rằng Krzysztof Kieślowski mất khá sớm, 55 tuổi (27 June 1941 – 13 March 1996) và Red là bộ phim cuối cùng, nếu không chắc có lẽ chúng ta còn được thưởng thức thêm nhiều tác phẩm điện ảnh xuất sắc nữa của ông.
SC