Menu Close

Thập niên cũ (kỳ 3)

Lê Quỳnh Mai: Trần Vũ có cái nhìn thế nào giữa 2 thế hệ sáng tác tại hải ngoại: Thế hệ đàn anh sống trong chiến tranh và Thế hệ trẻ sau chiến tranh?

Trần Vũ: Các thế hệ nối tiếp Tạ Tỵ, Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Sỹ Tế, Cung Tích Biền, Thế Uyên, Tường Hùng, Nguyễn Ðạt, Cao Xuân Huy, Hoàng Khởi Phong, Nguyễn Mộng Giác, Trịnh Y Thư, Ngu Yên, Nguyễn Ý Thuần, Hồ Minh Dũng, Trần Doãn Nho, Tuý Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, Trần Thị Ngh, Lê Thị Huệ, Trùng Dương, Trang Châu, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Huỳnh Hữu Uỷ, Vũ Huy Quang, Nguyễn Xuân Hoàng, Hoàng Xuân Giang, Hoàng Xuân Sơn, Trần Thị Lai Hồng, Trương Vũ, v.v.. đều đã thành hình rồi mới tan vỡ sau cuộc nội chiến thảm khốc. Thế hệ tôi, thế hệ theo sau tức khắc, Phạm Thị Ngọc, Vũ Quỳnh Hương, Vũ Quỳnh Nh, Trân Sa, Lê Thị Thấm Vân, Nguyễn Thị Thanh Bình, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Phạm Chi Lan, Y Chi, Hoàng Mai Ðạt, Nguyễn Thanh Hùng, Nguyễn Phước Nguyên, Trầm Phục Khắc, Nguyễn Quý Ðức, Ðặng Thơ Thơ, Ðinh Linh, Bùi Hoằng Vị, Nguyễn Quốc Chánh, Thận Nhiên, Phan Nhiên Hạo, Ðinh Trường Chinh, Nguyễn Danh Bằng, Nguyễn Trung Tây, Ðỗ Lê Anh Ðào, Vương Thúy Lệ, Nguyễn Hương, Thu Hiền Ngô, Bảo Phi, v.v.. tan vỡ trước khi kịp thành hình. Tôi chưa gặp tất cả, nhưng qua sáng tác của họ, tôi thấy rất rõ, chúng tôi cùng thất lạc, cùng trải qua cùng những mất mát, chung đoạn trường của thế hệ đi trước. Hoàng Khởi Phong đi làm thợ tiện cực thế nào, thế hệ tôi bước đầu cũng cực thế ấy. Cũng cà lăm, không thốt nổi một chữ tiếng Anh, tiếng Pháp, cũng chầu chực xin giấy tờ tỵ nạn, cùng lủi thủi đi bộ đợi xe bus hứng bão tuyết, cũng làm đủ nghề nghiệp, bồi nhà hàng, rửa chén, rửa xe, xin trợ cấp, bị kỳ thị, bất ngờ trước khác biệt văn hoá của quốc gia đến định cư. Lam lũ, nhọc nhằn, nhục nhã, nhớ nhà, nhớ gia đình, cô đơn, đơn độc, một thân một mình, căm phẫn cho mối nhục mất nước, uất ức khi Sàigòn mang tên Hồ Chí Minh, tuyệt vọng… thế hệ tôi nếm đủ, không thua chi các bậc đàn anh.

Lê Quỳnh Mai
Lê Quỳnh Mai

Chúng tôi nhìn bên ngoài thấy có vẻ hội nhập, đa số giỏi ngoại ngữ, đa số thành đạt, nhưng có đọc tác phẩm mới thấu nỗi đau câm lặng trong từng cá nhân. Nỗi đau đó, không nghẹn ngào, buồn chín xương như thơ Mai Thảo “nửa đường hương gẫy trên nghìn biển, rụng xuống mười xuân đã đứt lìa.”, không tiếc nuối quá vãng như Cao Tiêu “hiền sĩ thuở xưa có trăng treo đầu ngõ, tôi có gì đâu ngoài nón trận…”, cũng không hương vị Bắc của những cơn mưa phùn Ðất Khách trong thơ Thanh Nam, không băn khoăn “mai mốt anh về có thằng túm hỏi, mày sang bến ấy làm củ gì?” như  Cao Tần, cũng không ngạo nghễ như Bắc Phong, Lâm Hảo Dũng, Nguyễn Ðức Bạt Ngàn, không ngông một cách “zen” tỉnh bơ như Ngu Yên khi nghe két chửi “tổ cha mày, ngoài trời mây vẫn bay…”, và ít bềnh bồng lãng đãng như Nguyễn Bá Trạc. Nỗi đau của thế hệ tôi câm lặng, chưa rõ hình, không rõ lời, không rõ tiếng, chưa rõ thần, chỉ vì giản dị, đã tan vỡ trước khi kịp định hình.

Trong Florence, cách đây đã hơn một thập niên Phạm Thị Ngọc đặt câu hỏi: “Nước Mỹ có còn gì cho chúng tôi không?” Lúc đó Phạm Thị Ngọc chỉ mới ngoài đôi mươi, đã hoang mang trước lục địa mới. Câu hỏi lặp đi lặp lại suốt toàn truyện giữa những trận gió lạnh buốt quất qua thềm cửa trông sang ngôi nhà có bà lão tóc bạc. Câu trả lời duy nhất: To Die in Dignity!

Trong Miền Vĩnh Phúc, sau Vận Tốc Trung Bình, sau Nẻo Quyên Ca, Vũ Quỳnh Hương năm 86 lúc đó vừa hơn 30 tuổi, mô tả trong hốt hoảng, thảng thốt tương lai của chính cô đang diễn ra trong một viện dưỡng lão Hoa Kỳ với tất cả bản năng basic của con người trước khi lìa đời, với tất cả bần tiện của con người khi còn cách xa địa ngục hoặc thiên đàng. Trân Sa, những ngày vừa đến Gia Nã Ðại miêu tả tâm trạng một thiếu nữ dưới trận bão tuyết tầm tã lầm lũi ra đường đi bộ nhiều cây số tìm mua cho được một điếu thuốc, để trốn cô đơn, rồi đi giữa hai hàng ghế trống với những bóng ma mộng mị ác mộng đeo đuổi. Cao Huy ở Úc mô tả một bà lão bản xứ cầm đồng hồ có mặt kim xoay tít không thời gian, đi từ tầng lầu này sang tầng lầu khác, từ building này sang building khác đuổi theo Cao Huy bén gót. Nguyễn Thanh Hùng, một hoạ sĩ trẻ lâu lâu viết tùy bút, những giòng chữ gần như khóc trên trang giấy, trên tháp chuông chót vót của một mái nhà thờ câm lặng gióng tiếng chuông vô hình bay ngân nga ngang những cánh đồng hoa hướng dương tím tái của xứ Hòa Lan. Nhược Thủy, trong Phiến Diện, tả một người đàn bà da trắng đã chết có khuôn mặt đẹp tuyệt vời trong một ngôi nhà gỗ thơm củi thông cheo leo giữa lưng chừng núi tuyết, toàn truyện gần như không có một tiếng động. Vũ Quỳnh Nh. tự buông thả rơi vào những sắc màu nhập nhoè trong những khu phố Geisha sằng sặc tiếng cười đĩ thõa phung phá. Lê Thị Thấm Vân trông thấy rõ mồn một bộ phận sinh dục trên thân thể phụ nữ Việt Nam, suốt bốn ngàn năm che giấu. Ðinh Linh cho cô gái điếm trẻ VN chia động từ Être, je suis, tu es, il est, nous sommes… với một khách làng chơi VN còn chập chờn nuối tiếc quá khứ. Phan Nhiên Hạo bị ám ảnh bởi cơn đói trước khuôn viên trường đại học Vạn Hạnh trên đường Trương Minh Giảng cũ. Thận Nhiên những đêm mất ngủ ngồi trước bàn phiếm mơ liên tục những giấc mơ trẻ thơ. Nguyễn Hương tìm kiếm không ngừng nguồn gốc đứt đoạn của thời gian VN. Nguyễn Hoàng Nam, Trần Minh Quân trần truồng không chút ngượng ngùng, quăng bộ phận sinh dục vào mặt tất cả, quăng vào mặt đạo đức xã hội, dân tộc, Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, Trịnh Công Sơn, gia tài của Mẹ… không chút do dự. Còn nhiều nữa, tôi có thể kể tiếp tục như vậy suốt đêm. Tôi đọc gần như tất cả truyện ngắn ngoài nước. Theo dõi kỹ càng sáng tác của các bạn mình. Tôi không bỏ sót dòng chữ nào của họ. So với trong nước, tuổi trẻ ngoài nước cá tánh và bạo dạn, phóng túng hơn rất nhiều. Họ chỉ chưa rõ rệt, vì đã tan vỡ quá sớm. Ngày nào họ ráp lại tất cả những mảnh vỡ họ nhặt lên từ mặt đất này, nơi cho phép tự do nhặt nhạnh ngay cả những miểng chai quốc cấm, lúc đó, Việt Nam sẽ thật sự có một nền văn học mới, có đủ tri thức, kinh nghiệm nhân loại, hiểu rõ Tây phương và biết rõ giá trị con người sau khi đóng thuế. Hãy đợi thế hệ sau chiến tranh thêm 5, 10 phút nữa. Ðã thực sự trưởng thành, đã bắt đầu lên đường, và đang nhận trách nhiệm. Có hơi muộn, nhưng không thể khác hơn, chúng tôi cũng tự túc lo cơm áo, nhà, xe, trợ cấp, học hành, ly dị, du lịch VN, nuôi con y như thế hệ đàn anh. Chỉ sau 5,10 phút. Trưởng thành sau 5, 10 phút và sẽ chết sau 5,10 phút ở Tokyo, London, NewYork, Victoria, Melbourne, Los Angeles, Paris, Berlin, Québec, Montréal, Toronto… Nhưng 5, 10 phút này quyết định tất cả sự khác biệt.

Trần Vũ
Trần Vũ

Lê Quỳnh Mai:  Bây giờ thì hiểu vì sao ông viết Tổng kết Hợp Lưu 12 năm, dường như ông thích liệt kê?

Trần Vũ: Ðúng vậy, tôi mắc cùng bệnh liệt kê của …nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh. Do làm việc trong ngành điện toán, tôi quen với điều nghiên khái quát, điều nghiên chi tiết, điều nghiên kỹ thuật, mô hình dữ kiện, mô hình tổ chức, quan hệ chức năng, lập trình, kết quả thống kê, phân tích, danh mục, chỉ số, kiểm toán, phúc trình mỗi quý… dù sau đó, các số liệu hoàn toàn nhân tạo  sai lệch 70% so với thực tế đưa đến bảo trì, hiệu đính rồi… công ty vứt bỏ toàn bộ hệ thống mua máy mới!

 

Lê Quỳnh Mai: Là người đề xướng chủ đề Yêu của Hợp Lưu, xin ông cho biết ý kiến về từ Yêu ở nghĩa rộng và nghĩa hẹp? Và dường như ông luôn là người thực hiện các chủ đề sáng tác cho các tập san hải ngoại? Tại sao những chủ đề?

Trần Vũ: Tôi thường hay lôi kéo bạn bè cùng viết truyện chung vì sáng tác phải có bạn mới vui. «Chủ đề» đầu tiên tôi thực hiện là tập hợp Những Cây Bút Trẻ tại Pháp, theo yêu cầu của chủ bút Hoàng Khởi Phong và tổng thư ký Cao Xuân Huy với… trình bày Khánh Trường cho tạp chí Văn Học số 45 tháng 11.1989. Lúc đó, quy tụ được Nhược Thủy (Y Chi) với truyện ngắn tâm lý gia đình rất xúc động Dòng Sông Sa Mạc, Ngọc Khôi (đã mất), Văn Cũng Thường (đã đi chui qua Mỹ), và Sĩ Liêm (đã ngưng viết). Thời kỳ đó, anh Hoàng Khởi Phong thực hiện liên tiếp những số báo giới thiệu người viết trẻ, với Cao Huy, Cheo Reo, Uyên Nguyên, Thường Quán, Hoàng Ngọc-Tuấn, Hoàng Từ Dương ở Úc trên Văn Học số 41 tháng 6-1989. Trước đó anh Nguyễn Mộng Giác «chuyên gia chủ đề» cũng đã làm vô vàn những chuyên đề, ‘‘9 Người Viết Trẻ’’ với Chân Phương, Hoàng Mai Ðạt, Nguyễn Hoàng Nam, Trần Trúc Giang, Nguyễn Ý Thuần, Tạ Thái, Nguyễn Hiền Thảo, Nguyễn Phước Nguyên ở Mỹ và Nguyễn Thanh Hùng ở Hoà Lan trên Văn Học số 22 tháng 11-1987, rồi chuyên đề ‘‘Các Cây Bút Nữ’’ với Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Trân Sa, Phạm Thị Ngọc, Vũ Thùy Hạnh, Trần Thị Kim Lan, Như Chi, Nguyễn Thị Thanh Bình, Thuỵ Khuê trên Văn Học số 33 tháng 10-1988… Sang đến giai đoạn Hợp Lưu, họa sĩ  Khánh Trường cũng liên tục chủ đề Những Nhà Văn Nữ, Văn Cao, Mai Thảo, Bùi Giáng, Hoàng Xuân Hãn, Thanh Tục Trong Văn Chương, v.v.. Tôi trưởng thành trong môi trường sáng tác và sinh hoạt của những tập san này, nên lây bệnh của mấy ông anh là đương nhiên.

Thật sự là vào năm 1989, khi thực hiện chủ đề đầu tay Những Cây Bút Trẻ tại Pháp, tôi hoàn toàn không ngờ là định mệnh sẽ đưa đẩy một thập niên sau, vô cùng bất ngờ khi Nam Dao từ Québec, Trân Sa từ Toronto, Thường Quán từ Melbourne, rồi Nguyễn Thị Ngọc Nhung từ Los Angeles sang Pháp, giữa khói cần sa mù mịt Trân Sa mua ở Hoà Lan và vấn cho tôi hút thử, với rượu vang của các chị Phan Thị Trọng Tuyến, Miêng, Mai Ninh, hoạ sĩ  Phan Nguyên, cả nhóm bỗng dưng «hưng phấn» rủ nhau đi «thuê nhà chung» trong truyện, chung câu văn nhập, với ‘‘kẻ lạ’’, không cho thấy mặt, không cho… giao tiếp thân xác, cấm kết có hậu! Ðã có những truyện ngắn rất bất ngờ: Nam Dao thuê nhà chung với chúa Jésus đi ra đường gặp… Karl Marx, Eric Nguyễn Việt thuê nhà chung với một người đàn bà là thần chiến tranh, Phan Nguyên thuê nhà với ma…  Rồi chia tay, bạn bè lại xa. Hai năm sau, bỗng nhiên Miêng nhắc đến đề tài Truyện Tình Mùa Hè của Trân Sa bỏ bê bao năm, lại ầm ào, lôi kéo, rủ nhau một lần nữa. Lần này Trân Sa và Nam Dao muốn mở rộng phạm vi «toàn quốc», thư mời gởi đi lung tung, dưới sự bảo trợ của chủ biên Hợp Lưu là Phùng Nguyễn khi ấy. Phạm Thị Hoài đặt tựa Yêu nhưng rồi bận không tham dự, chị Phan Thị Trọng Tuyến nói tựa Yêu của Chu Tử… Nhưng rồi Yêu cũng ra đời với 36 tác giả trong ngoài nước. Sau đó hoạ sĩ Khánh Trường sau khi rời nhà thương, trở lại trông coi tạp chí, anh quyết định lên đường một lần nữa. Các chủ đề Thế Hệ Sau Chiến Tranh với 30 tác giả nội-ngoại và Tiểu Thuyết tiếp nối… Mục đích duy nhất của tất cả những tác giả cùng tham dự là cùng muốn gây lại sinh hoạt sáng tác, hâm nóng lại bầu không khí đã chùng xuống mấy năm vừa qua, tạo sinh khí, sinh động, ầm ĩ và biết đâu… bắt đầu một giai đoạn mới. Ngoài ra không còn mục đích nào khác.

Về ý nghĩa chữ Yêu, tôi không thể trả lời cô, vì giản dị, không thể định nghĩa tình yêu.

 

Lê Quỳnh Mai:  Ông nghĩ sao về ý kiến của một số độc giả và văn hữu cho rằng những tay viết nữ luôn luôn là những người đi tiên phong trên phương diện Tình Dục?

Trần Vũ: Tôi nghĩ ngược lại, các nhà văn nữ VN rất gìn giữ, không bao giờ viết hết suy nghĩ của họ. Gia đình, xã hội và truyền thống giáo dục Khổng giáo vây quanh, khiến nhà văn nữ VN mất tự do, tự kiểm duyệt, không muốn nghĩ đến hoặc nghĩ đến nhưng không thấy đẹp đẽ rồi lẩn tránh. Trước đây, ở miền Nam, Lệ Hằng, Nguyễn Thị Thuỵ Vũ, Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng, Trần Thị Ngh. là những hiện tượng cá biệt. Hôm nay, số lượng nữ tác giả viết về tình dục một cách bạo dạn, không trốn tránh, vẫn còn rất ít. «Miền dục lạc » như Trân Sa gọi, gồm Lê Thị Thấm Vân, Mai Ninh, Nguyễn Hương, Ðặng Thơ Thơ cùng với Lê Quỳnh Mai mới đây trong văn xuôi, Ðỗ Lê Anh Ðào, Trần Minh Quân, Vy Thùy Linh, Phan Huyền Thư trong thơ, cũng mới đây.

Một trong những nguyên nhân tuy không chính yếu, nhưng có ảnh hưởng, nằm trong tiêu chí đạo đức-thuần phong mỹ tục vô cùng cổ-lỗ-sĩ của các toà báo. Mỗi lần đăng được một bài thơ bị người Việt xem là «bạo» là mỗi một lần tác giả và ban biên tập phải tranh đấu cho dòng thơ này cất tiếng. Ngay Hợp Lưu, một tạp chí vung khẩu hiệu «khai phá » cấp tiến, bước vào thế kỷ 21 vẫn vô cùng ngần ngại với sinh dục. Chủ đề Yêu, Hợp Lưu không đăng trích đoạn Âm Vọng Tình Ta của Lê Thị Thấm Vân, thơ ca Sex của Trần Minh Quân vì Lê Thị Thấm Vân luôn gây dị ứng. Tức quá, có lần tôi đem Âm Vọng Tình Ta của Lê Thị Thấm Vân gởi cho tạp chí Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng, được xem một tạp chí trẻ, của tuổi trẻ trưởng thành ngoài nước, của tuổi trẻ «thấm đẫm» văn hoá phương Tây, nhưng… chủ biên Phạm Chi Lan không đăng! Phạm Chi Lan cũng sinh 1962 nhưng viện dẫn không phù hợp thị hiếu Á-Ðông!

Tôi luôn ngạc nhiên trước những hàng rào này. Không có hoạ sĩ Khánh Trường, chắc chắn phong trào sinh dục hoá thi ca không bao giờ có thể ra đời trong văn chương VN hải ngoại. Hiện tại, tạp chí điện tử Tiền Vệ của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, là tạp chí duy nhất không sợ hãi tình dục lẫn các bộ phận sinh dục. Ðã đến lúc các tòa báo phải biết vứt Khổng Tử vào thùng rác.

 

Lê Quỳnh Mai: Thập niên ba mươi, Thơ mới đã là một bước đột khởi trong dòng văn chương Việt Nam. Theo ông, Thơ Tân Hình  Thức hiện nay có thể nối tiếp nhiệm vụ gây hưng phấn cho nền thi ca Việt Nam hay không? Độc giả chưa bao giờ thưởng thức một bài thơ nào của ông. Có phải nhà văn Trần Vũ bị “dị ứng” với Nàng Thơ?

Trần Vũ: Tôi không quan tâm đến thi ca. Tôi chỉ đọc có hai loại sách duy nhất, tiểu thuyết và các tài liệu chiến tranh Ðông Dương, Algérie, Ðệ nhất & Ðệ nhị thế chiến, Thủy chiến – Không chiến Thái Bình Dương… Chuyên môn chính của tôi là các binh chủng Lê Dương, Nhảy Dù, Panzer, Waffen SS, Luftwaffe, U-Boot… Thuở niên thiếu khi bước chân lên trung học đệ nhất cấp, lúc còn ở Sàigòn, tôi đã sớm say mê tủ sách Hitler của nhà Sông Kiên, Samourai, Những Trận Không Chiến Dữ Dội Nhất Lịch Sử Thái Bình Dương của Trung úy Saburo Sakai, Erwin Rommel Con Cáo Già Sa Mạc của Desmond Young, Hitler và Mặt Trận Miền Ðông của Paul Carell, Tameichi Hara Khu Trục Hạm của Thiên hoàng là những sách gối đầu giường của tôi khi ấy. Lớn hơn một chút, khi bạn bè mê thơ Nguyên Sa, Trần Dạ Từ, Phạm Thiên Thư, mê truyện Ví Dụ Ta Yêu Nhau của Nguyễn Thanh Trịnh, Anh Chi Yêu Dấu của Từ Kế Tường, Chủ Nhật Uyên Ương của Ðinh Tiến Luyện, Mưa Trên Cây Sầu Ðông của Nhã Ca, v.v.. thì tôi mê Bố Già (do Ngọc Thứ Lang dịch), Ông Mãnh Súng Vàng (do Hoàng Hải Thủy dịch), Z-28 Hận Vàng Ấn Ðộ (Người Thứ Tám), Về Miền Ðất Hứa (do Thế Uyên dịch), Chiến Hữu (Vũ Kim Thư dịch) và dĩ nhiên Tử Thủ Căn Cứ Hỏa Lực 30 Hạ Lào của Ðại úy Trương Duy Hy giải nhất văn chương Phủ Tổng thống VNCH. Sang đến Pháp, tôi rơi ngay vào kho sách chiến tranh của các sĩ quan Pháp tham chiến tại VN, từ Trung tướng Navarre đến Trung tá Grauwin y sĩ trưởng Ðiện Biên Phủ, từ bút ký của Francis Garnier đang viết dở dang cho báo Figaro, đến tiểu thuyết Sensualité của Henry Rivière mới viết 2 chương ở Hà Nội khi cả hai bị Lưu Vĩnh Phúc chém chết ở Ô Cầu Giấy… Tôi bị văn xuôi cùng chiến tranh cám dỗ và không còn thời gian cho những thứ khác. Nếu Quỳnh Mai gọi đó là dị ứng thi ca, thì đó là dị ứng thi ca.

 

Lê Quỳnh Mai: Trần Vũ có hoài bão riêng nào cho bản thân và cho Hợp Lưu?

Trần Vũ: “Hoài bão” cho Hợp Lưu? Câu hỏi này dành cho hoạ sĩ Khánh Trường chủ biên tạp chí đúng hơn. Tôi chỉ mong muốn, các tập san văn chương VN trên giấy cũng như trên mạng, cùng nhà xuất bản ngoài nước trả tác quyền và nhuận bút cho các tác giả, ký kết văn kiện hợp đồng đàng hoàng y như Tây phương. Ðến lúc đó hẳn ghi copyright Tiền Vệ, Talawas, Hợp Lưu, Văn, Văn Học, Da Màu… Ðây là điều kiện chuyên nghiệp đầu tiên trước khi đòi hỏi các tác giả chuyên nghiệp trong sáng tác. Dương Thu Hương có lần tuyên bố: “Cái nhục lạc hậu nghèo đói cũng nhục như cái nhục mất nước”. Tôi muốn thêm: “Cái nhục không trả tiền nhuận bút, cũng nhục như cái nhục mất nước.”

Muốn vậy, nhưng tôi biết rõ các tạp chí không có lợi tức. Không nhuận bút ở ngoài nước đã thành một thông lệ. Một truyền thống. Hơn một truyền thống, một định mệnh.

“Hoài bão” riêng cho bản thân? Có thể về hưu tức khắc, ngay bây giờ, có một biệt thự sát biển ở Phù Két-Thái Lan và nhiều biệt thự khác ở Nha Trang, Ðà Lạt, Sàigòn, Hy Lạp, Ý, Tây Ban Nha… Có thời gian viết tiểu thuyết, dịch sách chiến tranh, có hầm rượu vang nhiều ngàn chai và tôm hùm, bào ngư, hàu sống, cá sống với bạn bè đến uống rượu mỗi chiều cùng ngắm mặt trời trước biển trong tiếng cười vang suốt đại dương… Nhưng hoài bão lớn nhất, là được trông thấy quê hương không Cộng sản trước khi chết.

 

Lê Quỳnh Mai: Là người được mô tả thân thiết với họa sĩ Khánh Trường. Trần Vũ có cảm tưởng ra sao khi nghe tin họa sĩ Khánh Trường, sau tai biến mạch máu não, lại rơi vào bệnh nan y khác: ung thư thanh quản.

Trần Vũ: Tôi không biết phải trả lời cô như thế nào, vì tôi vẫn chưa hình dung rõ ràng chuyện gì đang xảy đến. Tôi biết là họa sĩ Khánh Trường đang gặp nguy hiểm, và tôi nghĩ đang có cùng cảm giác của anh, ngày anh đến thăm Mai Thảo trong căn gác phía sau nhà hàng Song Long, thấy Mai Thảo không đi được nữa. Mai Thảo đã luôn là một người anh của họa sĩ Khánh Trường. Tình cảm của anh dành cho Mai Thảo thế nào, thì tình cảm của tôi dành cho anh y vậy. Tôi tin vậy. Lúc này tôi không biết làm gì khác hơn là phụ lặt vặt với anh chuyện toà báo, giống như mình có ông anh mở một cửa hiệu buôn bán gì đó, không có lời, nhưng ông anh vẫn bán, vẫn đứng trông hàng mỗi ngày từ sáng đến chiều để gặp bạn bè, rồi đột nhiên anh ngã bệnh, tôi chạy ra trông hàng thay, cũng chẳng để buôn bán hay kiếm lời chi hết, chỉ để gặp bạn bè, thông báo cho họ hay chưa đóng cửa hiệu, còn mở. Ðến khi nào, bao giờ, thì tôi không biết. Tôi chỉ biết hoạ sĩ Khánh Trường đang ốm đau và anh cần có người phụ giúp. Tôi phụ anh tất cả những gì tôi có thể phụ được, và nghĩ ngày mai anh sẽ ra cửa hiệu trở lại, lại cười khà, và tôi sẽ lại bỏ đi chơi với Thận Nhiên, Trân Sa, Nguyễn Hương, Thấm Vân, Nguyễn Hà Ý Nhi, Nam Dao, Thế Giang cho đến khi lại nghe anh kêu làm cho anh cái này, cái kia. Tôi đã quen với bao nhiêu năm hoạ sĩ Khánh Trường hứng mũi chịu sào cho tôi phá phách, tôi không hình dung ra sự thay đổi nào khác. Hoạ sĩ Khánh Trường, hoạ sĩ Võ Ðình, anh Trương Vũ, là các ông anh lớn. Họ luôn ở bên cạnh, che chở, la rầy, và chỉnh đốn những khi cần thiết. Chị Nguyễn Thị Hoàng Bắc, chị Thụy Khuê, chị Trần Thị Lai Hồng, chị Phan Thị Trọng Tuyến là những bà chị lớn… Họ là gia đình tôi. Thường khi tôi hay phá phách chọc tức họ, nhưng mỗi khi họ gặp hung hiểm, tôi khổ vô cùng. Mỗi lần như vậy, tôi đều nghĩ đến cuộc vượt biển của mình, nghĩ lúc đóng bè trôi giạt giữa biển Ðông, nghĩ đến các trại cô nhi viện tôi đã sống suốt năm năm, và nghĩ tôi đã may mắn có một gia đình ấm cúng như vậy, ở bên này biển.

Từ trái: Nhã Ca, Nguyễn Thị Thanh Bình, Trịnh Thanh Thủy, Lê Thị Thấm Vân, Lê Quỳnh Mai
Từ trái: Nhã Ca, Nguyễn Thị Thanh Bình, Trịnh Thanh Thủy, Lê Thị Thấm Vân, Lê Quỳnh Mai

LQM thực hiện qua điện thư, Montréal 2003