Đến Duy Xuyên (Quảng Nam), qua cầu Cửa Đại, men theo con đường biển gồ ghề, băng qua những rừng phi lao cát trắng (nay đã bị Vinpear Quảng Nam vây lại bằng thép sắt để xây dựng) đến xã Bình Minh, hỏi thăm cô giáo Dung ở làng ChanChu, hầu như ai cũng biết.
Sở dĩ gọi là cô Dung ở làng Chanchu vì nơi đây từng đẫm nước mắt sau cơn bão Chanchu vào năm 2016. Có 87 ngư dân ở làng chài này đã bỏ mình ngoài biển khơi, để lại vợ dại, con thơ có đứa chưa đầy tuổi. Người dân gọi đây là làng Chanchu từ đó, và cô giáo Dung cũng được gọi là cô giáo làng Chanchu khi quyết định mở lớp dạy kèm miễn phí cho các em có người nhà mất trong bão Chanchu.

– Hồi đó sáng ra, ngủ dậy em vói tay bật điện, ai dè tay từ từ rơi xuống, em nằm luôn, nửa người từ cổ xuống không cử động được. Gia đình đưa đi bác sĩ, mới biết là em bị viêm tủy cắt ngang, không rõ nguyên nhân.
– Thế em bị năm nào?
– Năm 2006 đó chị, lúc đó em vừa vào lớp 11 được khoảng 2 tháng, em nằm viện gần 1 năm, từ Ðà Nẵng, Huế, cho đến Bình Thuận. Xong bệnh viện trả về rồi, chứ không ai nghĩ là em còn sống đến giờ… Ban đầu về em dạy học cho mấy đứa cháu, xong rồi dạy cho mấy em có ba mất trong bão Chanchu, sau đó kiểu như mình dạy miễn phí rồi lại hiệu quả nữa nên nhiều em tới theo học. Bữa nay có hơn 100 em rồi. Chỉ còn một vài em thuộc thế hệ bão Chanchu thôi, còn lại nhiều em ra trường rồi. 11 năm rồi mà chị.
– Hình như em dạy cả ngày thì phải và dạy rất nhiều môn?

– Dạ em dạy từ 7 giờ rưỡi sáng đến 11 giờ trưa, chiều thì khoảng 2 giờ, 2 giờ rưỡi đến 5 giờ. Nhiều hồi buổi tối cũng có, nhất là lúc các em vào năm học thì học. Em dạy kèm cấp 1 và cấp 2, gồm Toán, Anh văn, Vật lý…
– Vậy chiều 2 giờ mới học, mà sao giờ học sinh đến đông vậy em?
-Thì nói là 2 giờ thôi chứ mấy đứa đến sớm lắm chị à, 12 giờ rưỡi, 1 giờ là tụi nó tới rồi, để vở đó rồi đọc sách hoặc đá banh, nhảy dây…
– À, đúng rồi, chị thấy em có tủ sách nhiều ghê. Sách này là của em trước khi bị bệnh hay sao?
– Dạ không, chủ yếu là em vận động, quyên góp được đó chị. Có khoảng hơn 1 ngàn cuốn nhưng mấy đứa đọc cũng đọc đi đọc lại rồi, sắp tới đây em đang dự định xin một ít sách mới cho các em.
– Vậy em thường vận động bằng cách nào?
– Thì qua mạng xã hội đó chị. Em từng xin được nhiều rồi. Chị thấy đó, trẻ em ở đây nghèo lắm, nhiều đứa đi học em không lấy tiền, rồi cho viết, vở, cặp sách, có đứa em còn xin được xe đạp cho đi học nữa.

Câu chuyện của chúng tôi tạm gián đoạn khi mấy đứa trẻ líu tíu “chị Bảy ơi, chị Bảy ơi…”. Ra là các em học sinh ở đây không ai gọi Dung là cô giáo mà đứa nào cũng gọi là chị Bảy, cũng có thể vì thế mà giữa Dung và học trò có sự gần gũi đáng yêu. Dung tâm sự, em từng ‘gỡ rối’ được cho rất nhiều em có chuyện khó nói, và không em nào dám tâm sự với người thân, những lúc như thế, Dung thấy thương học trò của mình quá chừng.
-Chị nghe nói là trước đây em từng ra Ðà Nẵng làm thêm vào dịp hè phải không, có bà con gì ngoài đó không mà gan vậy?
– Hì, không có bà con gì đâu chị, mọi chuyện bắt đầu từ chuyến đi Ðà Nẵng của em năm lớp 6. Lúc đó giận mấy anh của em quá, số là 3 anh em học một trường, lúc đó, em lên xã làm giấy tờ xác nhận để có thể xin giảm 50% học phí vì nhà nghèo, về anh Hai la em sao đó, sáng mai em quyết định đi Ðà Nẵng tìm việc luôn. Mà lúc đó em gan lắm nha chị, em nhắm đi theo một bà lão đang xách giỏ hương, nghĩ bà là người tốt nên lên xe theo, nhờ bà tìm việc giùm. Chu choa, mấy bà thấy em nhỏ thó, lại nghe tìm việc nữa nên hoảng hồn, nhưng rồi cũng tìm giùm, em phụ quán cà phê, rửa chén bát mỗi dịp hè để kiếm tiền vô năm trang trải học phí.
– Em cá tính thật đó, có phải nhờ vậy mà em vượt qua được mọi chuyện không?
– Cũng có thể nhờ vậy chị à. Lúc em nhập viện điều trị, nhiều người bảo con bé này bị khùng, bị thế mà sao cứ cười nói cả ngày. Mà em nghĩ giờ mình phải chấp nhận và đối mặt chứ biết sao giờ. Cũng nhờ thế mà em sống đến hôm nay.
– Có khi nào em cảm giác mệt mỏi hay chán nản với công việc dạy học này chưa?

– Chưa chị à, mà chắc là em sẽ không mệt mỏi hay chán gì đâu. Chỉ có điều em thấy thương mẹ, mẹ lo cho em đủ thứ, mọi sinh hoạt đi đứng của em phụ thuộc vào mẹ hết. Có vài lần em thấy buồn lắm, bực nữa, vì mấy đứa còn nhỏ quá, nhiều lúc có đứa chưa quen, đọc sách xong để lung tung, rồi đôi khi sách bị rách nữa. Cuối buổi học mẹ em phải dọn hết rồi dán sách lại nữa, những lúc đó em thương mẹ nhiều lắm.
– Vậy còn ba của Dung, hình như chú cũng đi biển?
– Dạ, ba em đi câu mực ngoài khơi, đi hơn 1 tháng rồi, khoảng gần 2 tháng nữa ba mới về. Ði câu mực nguy hiểm lắm, đi biển mà, nhưng nhà em giờ phụ thuộc vào việc đi biển của ba nên em cũng không ngăn được. Em cũng có bán hàng online phụ gia đình nhưng… Mỗi lần ba đi em chỉ biết cầu mong trời yên bể lặn thôi. Chị biết không, mọi người ở đây vất vả lắm, chủ yếu là nghề biển mà lại phụ thuộc vào Trung Quốc, lúc họ nâng giá mua lên, bà con mình vay mượn đóng tàu, rồi khi tàu nhiều, cá nhiều, họ lại ép giá, hạ giá, dân nghèo lâm vô nợ nần. Vậy đó nhưng vẫn nhiều người bị lừa miết.
– Em bán hàng online, vậy đây có phải là cách duy trì lớp học?
– Dạ, cũng một phần thôi chị. Trẻ em thì hè này em dạy có vài đứa miễn phí, vì mấy đứa nghèo khó đều đi làm thêm vào dịp hè hết, chỉ có con nhà khá giả họ gửi con đến học hè, mỗi tháng em thu 100 đến 150 ngàn đồng mỗi đứa. Cũng để đóng bàn ghế, mua sách, viết, vở cho các em nữa, vì lâu lâu mình mới xin được nguồn đóng góp của mọi người, nên phải thu mới xoay sở được, hơn nữa, như vậy mấy đứa mới biết quý mà học hành đàng hoàng.

– Vậy ngoài trẻ em có người thân bị chết trong bão Chanchu, em còn dạy miễn phí cho ai?
– Ở đây nghèo khó lắm chị, rất nhiều trẻ nhà nghèo, rồi cha mẹ tha phương cầu thực, để con lại cho ông bà, rồi có nhiều chị đi lấy chồng khác, cũng gửi con lại cho ông bà.
– Nhiều hoàn cảnh quá em nhỉ? Vậy em bán hàng online loại nào?
-Thì em bán mật ong rừng, măng rừng phơi khô, cá phơi khô, mực phơi khô… gần thì gửi xe khách, xa thì em gửi bưu phẩm chị à. Ðược cái, hàng em lấy từ đồng bào thiểu số nên chất lượng, mọi người mua rồi thường mua tiếp ủng hộ nên cũng được chị à.
Học trò đến đã đông, tôi cám ơn Dung về những lời tâm sự, rồi trả chị Bảy lại cho đám học trò. Trong tôi lúc này cảm phục cô đến không tả.
– Cô ơi, ban đầu Dung nói ý định mở lớp học, cô có lo lắng không? – Tôi hỏi cô Ðào, mẹ Dung.
– Không con à, vì Dung là đứa rất lanh lợi, từ lúc nó bị bệnh, không những nó không bỏ cuộc mà nhiều lúc còn khuyến khích cô nữa. Trước đó, em nó cũng dạy mấy đứa cháu trong nhà rồi, tiếng lành đồn xa hồi nó dạy mấy đứa trẻ nghèo. Trước nó nằm cả ngày chỉ có 4 bức tường, giờ có trẻ con ra vào hằng ngày, cuộc sống vui hơn con à.
Nhìn và chứng kiến tận mắt nỗ lực sống, nỗ lực làm việc và sự lạc quan của Dung và mẹ, tôi thực sự chỉ muốn ôm chầm lấy cô gái này. Ðể cám ơn Dung, cám ơn những bông hoa đẹp của đời sống.
UC