Menu Close

Thượng đỉnh G20 tại Hamburg

Cuộc họp hàng năm của nhóm G20 – bao gồm các lãnh tụ của 19 quốc gia giàu nhất trên thế giới cộng thêm Liên hiệp Âu châu – theo truyền thống luôn được chào đón rầm rộ bởi đám đông biểu tình chống toàn cầu hoá, và lần này tại Hamburg cũng không ngoại lệ.

thuong-dinh-g20-1

Nước Ðức được giao trọng trách tổ chức thượng đỉnh G20 năm nay, diễn ra trong hai ngày 7 và 8 Tháng 7, và Thủ tướng Angela Merkel đã đưa vào chương trình nghị sự một số đề tài hiện đang được thế giới quan tâm như vấn đề biến đổi khí hậu, tự do thương mại, và việc giúp đỡ di dân và người tị nạn. Ðây cũng là những đề tài đi ngược lại các chính sách hiện thời của chính phủ Hoa Kỳ. Mới đây, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút tên quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới ra khỏi thỏa ước về khí hậu quan trọng của nhóm. Người ta nghĩ rằng sắp tới đây rất có thể có thêm Nga, Ả Rập Saudi và Nam Dương cũng theo chân Hoa Kỳ rút tên ra khỏi thỏa ước này.

Năm nay có hơn 100,000 người biểu tình đã quy tụ về thành phố Hamburg, ở một số địa điểm đã có những cuộc bạo động đáng tiếc xảy ra và hàng trăm người đã bị bắt, trong khi đó chỉ trong ngày đầu tiên đã có hơn 150 cảnh sát giữ an ninh trật tự đã bị chấn thương.

thuong-dinh-g20-4
Bản đồ các quốc gia tham dự G20 2017 – nguồn G20.org

Bên cạnh những cuộc xô xát và bầu không khí căng thẳng của những nhóm người biểu tình trên đường phố, cuộc họp thượng đỉnh diễn ra bình thường ở bên trong toà nhà dưới sự canh gác an ninh cẩn mật, và mặc dù G20 vẫn luôn bị một số tổ chức chống đối, nó vẫn được xem như một định chế hiện đang đóng một vai trò quan trọng cho sự ổn định của kinh tế toàn cầu. Ðây có lẽ là khoảng thời gian duy nhất mà lãnh tụ của các nền kinh tế hàng đầu của thế giới có cơ hội để gặp gỡ nhau trong cùng một sảnh đường để thảo luận về những thử thách kinh tế và an ninh mà thế giới đang phải đối phó.

Mặc dù trong thời gian gần đây với sự nổi lên của những khuynh hướng nghiêng về chủ nghĩa quốc gia và bảo hộ mậu dịch như tại Hoa Kỳ, Anh Quốc và một vài nơi khác, việc trao đổi thương mại vẫn là động cơ thúc đẩy kinh tế toàn cầu. Các cuộc trao đổi thương mại giữa các quốc gia trên thế giới hiện nay chiếm tới hơn 58% tổng sản lượng (GDP) toàn cầu.

Thoát thai từ khối G7, là nhóm gồm bảy quốc gia giàu có nhất, khối G20 được thành lập sau cuộc khủng hoảng tài chánh tại Á châu vào cuối thập niên 1990, và như nhận định của kinh tế gia Larry Summer, càng ngày người ta càng thấy rõ là nhiều vấn đề liên quan đến tài chánh toàn cầu không còn có thể điều hành theo lối cũ được nữa. G7 trở nên lỗi thời và không thể đại diện cho kinh tế thế giới đã phát triển quá nhanh và nhiều quốc gia xưa kia thuộc loại nghèo thì đến thời điểm cuối thập niên 1990 đã khá lên, điển hình như Brazil, Trung Quốc và Nam Dương.

thuong-dinh-g20-2
Hình logo G20 2017 tại Đức – nguồn G20.org

Các quốc gia thành viên của G20 đóng góp 85% tổng sản lượng toàn cầu. Và trong khoảng gần 20 năm kể từ khi nhóm này được thành lập, Hoa Kỳ vẫn là quốc gia đứng đầu, nhưng Trung Quốc đã vượt lên cao trong bảng xếp hạng, từ nền kinh tế lớn hàng thứ sáu năm 2000 thì nay đứng thứ ba, chỉ sau Hoa Kỳ và khối Liên Âu.

Giới tiêu thụ của những quốc gia này cũng tiêu thụ một số lượng lớn hàng hoá sản xuất bởi những công ty lớn nhất trên thế giới, là vì dân số của họ chiếm tới hai phần ba dân số toàn thế giới và có sức tiêu thụ mạnh nhất tính trên đầu người.

Với những lý do trên, nhóm G20 có thể sẽ còn đóng một vai trò quan trọng trong những chính sách về an ninh và kinh tế thế giới trong nhiều thập niên tới.

Mặc dù vậy, ở hầu hết các cuộc họp thượng đỉnh G20, những thỏa thuận quan trọng thường xảy ra ở những cuộc họp bên lề và không chính thức, chứ không hẳn là ở những cuộc họp chính. Và đôi khi có những cuộc họp riêng giữa một số lãnh tụ lại được chú ý nhiều hơn hết.

Tại thượng đỉnh G20 năm nay, cuộc gặp mặt trực tiếp lần đầu tiên giữa Donald Trump và Vladimir Putin là được nói tới nhiều hơn cả. Giới truyền thông quốc tế đã cẩn thận theo dõi từng mỗi cử chỉ và hành động của hai lãnh tụ này từ cả tuần trước đó, và thậm chí ngay cả cú bắt tay trước cuộc họp cũng đã được một số tờ báo phân tích tỉ mỉ.

thuong-dinh-g20
Hình lưu niệm G20 2017 – nguồn G20.org

Mà cuộc gặp mặt tay đôi này xứng đáng được chú ý là vì Hoa Kỳ và thế giới còn đang loay hoay tìm cách giải quyết một số vấn đề an ninh nóng bỏng hiện nay, điển hình là cuộc khủng hoảng ở Trung Ðông, trong đó cuộc chiến tại Syria vẫn chưa thấy có dấu hiệu kết thúc nay mai, và nhất là cuộc khủng hoảng hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên. Muốn giải quyết những vấn đề này thì bắt buộc phải cần đến sự hợp tác của Nga.

Ngoài cuộc chiến tại Syria mà Nga trực tiếp tham dự, cuộc khủng hoảng hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên mà sắp tới đây – theo đề nghị của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn – Liên Hiệp Quốc có thể sẽ đưa ra nghị quyết trừng phạt kinh tế mạnh hơn nữa đối với Bắc Hàn. Nga là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an và nếu như Nga bỏ phiếu chống thì bất cứ một nghị quyết về an ninh nào của Liên Hiệp Quốc đưa ra cũng sẽ không được thông qua.

Cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện nay không chỉ là mối quan tâm hàng đầu của Hoa Kỳ mà còn của nhiều quốc gia trong khu vực. Vào đúng ngày Lễ Ðộc Lập của Hoa Kỳ hôm mùng 4 Tháng 7, Bắc Hàn đã cho thử thành công vụ phóng phi đạn Hwasong-14 bay xa tới 578 dặm và rớt xuống vùng biển giữa Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên. Nhưng dựa trên độ cao quỹ đạo của phi đạn, các nhà phân tích tin rằng phi đạn này – nếu cố tình nhắm đúng mục tiêu – có thể bay xa đến 4,200 dặm. Khoảng cách này đủ để phi đạn Hwasong-14 bay tới tiểu bang Alaska, và điều này có nghĩa là Bắc Hàn nay đã đủ khả năng để trực tiếp tấn công Hoa Kỳ. Quan trọng hơn nữa, điều rõ ràng là Bắc Hàn đang đạt được những tiến bộ trong chương trình thử nghiệm phi đạn của họ và rất có thể trong nay mai họ có thể phát triển thêm khả năng để bắn phi đạn tới Hawaii, California và một số nơi khác trên lãnh thổ Hoa Kỳ.

thuong-dinh-g20-3
Trump và Putin bên lề G20 2017 – nguồn ABC News

Cuộc họp thượng đỉnh G20 năm nay có sự tham dự của tổng cộng 36 nhân vật đứng đầu của các quốc gia và tổ chức kinh tế. Ngoài 20 thành viên chính của G20, Tây Ban Nha được xem như khách mời thường trực, và thêm một số khách mời khác cũng thường được mời tham dự. Năm nay, Ðức mời ba quốc gia hợp tác khác của họ là Na Uy, Hoà Lan và Singapore, cũng như tổ chức Liên hiệp Phi châu (Africa Union – đại diện bởi Guinea), Kế hoạch Quan hệ Hợp tác Mới cho sự Phát triển Phi châu (NEPAD – đại diện bởi Senegal) và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Một số tổ chức kinh tế quan trọng khác cũng được mời như Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Hội đồng Ổn định Tài chánh (FSB), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Liên Hiệp Quốc (UN) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Trong bức hình lưu niệm của thượng đỉnh G20 lần này được đài CNN phát đi, nhân vật được xếp ở vị trí thứ 34 là Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Ông Phúc được mời trong tư cách là đại diện của APEC, với cuộc họp thượng đỉnh APEC 2017 sẽ được tổ chức tại Ðà Nẵng vào Tháng 11 năm nay. Người ta dự trù ông Trump cũng sẽ đến tham dự thượng đỉnh này theo lời mời chính thức từ phía Việt Nam.

Thượng đỉnh G20 năm nay là cuộc họp thượng đỉnh lần thứ 12 của nhóm này và là lần đầu tiên được tổ chức tại Ðức. Thượng đỉnh năm ngoái được tổ chức tại Hàng Châu, Trung Quốc, và năm tới sẽ được tổ chức tại thủ đô Buenos Aires của Argentina.

VH