Kỳ 3
Santa Clara
Santa Clara là trận đánh cuối cùng của cuộc cách mạng tại Cuba năm 1958; quân đội kháng chiến do ông Guevara dẫn đầu đã dùng xe xúc đất đào xới đường rầy xe lửa. Khi quân đội chính phủ Batista chuyển quân và vũ khí, lương thực qua nơi này bằng xe lửa thì bị phục kích và tiêu diệt. Trận Santa Clara và trận Yaguajay đã giúp quân kháng chiến của Fidel Castro thắng trận. Chính phủ Batista bỏ chạy và ông Castro lên nắm chính quyền.

Một chút về lãnh tụ kháng chiến Che Guevara, thường được gọi một cách thân mật là “Che”. Ông Ernesto Guevara de la Serna sinh ngày 14 tháng Sáu năm 1928, tại Rosario, Argentina trong một gia đình khá giả gốc Tây Ban Nha và Ái Nhĩ Lan. Sau khi tốt nghiệp y khoa, hành nghề và đi du lịch khắp vùng Nam Mỹ, ông Guevara chứng kiến nhiều cảnh khốn khó của dân nghèo, bị chủ đồn điền ngược đãi và bóc lột, ông ấy chán ghét người giàu, tiền bạc. Khi tìm hiểu về chủ nghĩa cộng sản, ông Guevara say mê và từ đó hoạt động chính trị ngay tại quê hương Argentina, vùng lân cận Bolivia và Guatemala. Tên gọi “Che” đến từ thói quen ậm ừ, từa tựa như “ờ, ờ” vô nghĩa của tiếng Việt ta (trong tiếng Tây Ban Nha là “che”) do bạn bè đặt trong những năm đi tìm “hướng đi” trong vùng Nam Mỹ. Năm 1954, ông Guevara gặp và kết thân với anh em ông Fidel Castro tại Mexico và trở thành một lãnh tụ của quân đội kháng chiến Cuba chống lại chính phủ Batista, trong cuộc “the Cuban Revolution” (1956–59). Khi ông Fidel Castro lên nắm chính quyền tại Cuba, năm 1959, ông Guevara trở thành công dân danh dự của Cuba và nắm các chức vụ quan trọng trong chính quyền mới. Là sếp lớn của nhà tù La Cabaña Fortress nơi giam giữ những người đối kháng, ông Guevara đã giết khoảng 156-550 tù nhân. Sau đó ông Guevara giữ chức Chủ tịch ngân hàng quốc gia Cuba; trong chức vụ này, ông Guevara đã hủy bỏ các mối giao thương với Huê Kỳ và buôn bán với liên bang Xô Viết. Ba năm sau, ông Guevara trở thành Bộ trưởng bộ Kỹ Nghệ. Không mấy thích thú với công việc hành chánh và tài chánh, ông Guevara rời Cuba, đến các quốc gia nghèo khó khác với mục đích [làm cách mạng bằng cách tiêu diệt người giàu để giúp kẻ nghèo] giúp phiến quân địa phương chống lại chính quyền và “xuất cảng” chủ nghĩa cộng sản. Năm 1966, ông Guevara âm thầm đến Bolivia gầy dựng quân đội phiến loạn. Không được dân chúng ủng hộ, ông Guevara và các phiến quân chiến đấu trong hoàn cảnh ngặt nghèo thiếu thốn và bị quân chính phủ bắt giữ rồi xử tử ngày 9 tháng Mười năm 1967. Từ đó, ông Guevara trở thành anh hùng của những con người thiên tả, yêu chuộng chủ nghĩa cộng sản, hình ảnh được trưng bày rầm rộ tại các quốc gia Nam Mỹ. Tên tuổi ông ấy dính liền với sự đối kháng, cách mạng và xã hội chủ nghĩa. Những người chạy trốn cộng sản nhất là người gốc Cuba lại nhớ đến các hành động sắt máu, bất nhân của ông này đối với những người không đồng chí hướng. Sách vở và phim ảnh viết về nhân vật này khá nhiều, Dế Mèn mới đọc có hai cuốn (Che Guevara: A Revolutionary Life của Jon Lee Anderson và Fidel and Che: A Revolutionary Friendship của Simon Reid-Henry), và ông Che nọ xem ra là một con người khá phức tạp, lẫn lộn giữa lý tưởng (một xã hội công bằng) và hành động thực tế qua các tội ác tận diệt kẻ bất đồng.

Năm trước Dế Mèn lang thang qua vùng Trung Mỹ, đi xem các di tích Maya rải rác trên các vùng đất ngày nay là lãnh thổ Guatemala, Honduras, và El Salvador, gặp gỡ những cư dân địa phương nhất là những người trải qua cuộc nội chiến đẫm máu, từa tựa như dân Cuba, xem ra họ ngưỡng mộ ông Che, tất nhiên là có lý do. Hẳn là xã hội vùng Trung Mỹ thủa nọ đầy rẫy những bất công, phần đông dân chúng nghèo xơ xác, tiền bạc của cải do một thiểu số nắm giữ, và người ta phản kháng? Và chỉ có Cuba thành công? Sự “thành công” ấy đem lại những gì cho người dân? Một quốc gia nghèo khó, lạc hậu, xa cách thế giới bên ngoài như ngày nay?!

Rời đài kỷ niệm chiến thắng Santa Clara, xe bus đưa nhóm du khách đến di tích nơi trải qua trận đánh Santa Clara nửa thế kỷ trước. Cư dân Cuba dựng đài tuyên dương chiến thắng, giữ lại cả chiếc xe ủi đất và toa xe lửa cũng như những di vật trong một bảo tàng viện nhỏ nhỏ.

Ði xem di tích xong thì phe ta vào thành phố, trung tâm là một công trường nho nhỏ, bốn mặt là các tòa nhà xây cất từ những năm 1700 theo kiểu “Thuộc Ðịa” (Colonial, theo kiểu kiến trúc của mẫu quốc) như tòa Hý Viện đã được tu sửa nhiều lần và hình như ngày nay vẫn còn được sử dụng.

Công viên Vidal có bức tượng bà Marta Abreu, một phụ nữ nổi tiếng qua các hoạt động xã hội, xây trường học, bệnh viện và giúp đỡ phiến quân nổi dậy chống người Tây Ban Nha (Spanish-American War), đòi độc lập trong những năm cuối thế kỷ XIX.

Dế Mèn nghe nói đây là một thành phố “tên tuổi” của Cuba mà… chẳng thấy gì, hẳn vì lúc đi quanh trời nóng hầm hập, nắng lóa mắt khiến phe ta ngầy ngật; chỉ nhìn quanh tìm bóng mát mà núp nên chẳng ghi nhận được chi?
Xa lộ của Cuba là những con đường đủ cho hai chiếc xe đi song song cùng chiều, hai bên đường là những thửa ruộng và thỉnh thoảng cũng có những người bán rong đứng giữa trời nắng với những chuỗi tỏi khô. Ðến Trinidad thì trời đã dịu nắng.
TLL