Khoảng giữa thập niên 1970, khi làn sóng người Việt tị nạn ồ ạt đổ vào nước Mỹ, cũng là lúc ban nhạc Boston làm mưa làm gió trên các băng tần FM khắp nơi. Thuở ấy tôi còn là một cậu học sinh trung học, tuổi teen yêu đời, và dĩ nhiên rất mê nhạc rock. Trong những giờ học khô khan, tôi hay tí toáy vẽ tên các ban nhạc mình ưa thích vào tập vở, hoạ theo các logo trên dĩa nhạc của họ. Nào là Bee Gees, Van Halen, Queen, Styx… Khó vẽ nhất là logo của ban Boston vì nó là chiếc phi thuyền mang hình dáng một cây đàn guitar đang bay vào vũ trụ, phun lửa xanh lè dưới bụng

Dĩa đầu tiên của ban nhạc này, mang tên “Boston”, khi vừa tung ra là đã chiếm ngay ngôi số một với những bài ngày nay đã thành cổ điển như “More Than A Feeling”, “Long Time”. Thời đó chưa có iPod, iTunes hay MP3 gì ráo. Muốn nghe nhạc cho hay phải mua nguyên cái dĩa nhựa 33 tua to đùng gọi là LP (Long Play). Nếu tiết kiệm hơn thì mua cái dĩa 45 tua nho nhỏ, mỗi mặt chỉ có một bài, tiếng Mỹ gọi là Single, tức dĩa đơn. Bài trên mặt A của dĩa đơn thường là bài được chọn làm “hit”, không hẳn phải là bài hay nhất, nhưng là bài có triển vọng được nhiều người thích nhất và bán chạy nhất. Nói theo kiểu kinh tế thị trường thì nó là bài để câu khách. Dĩa đơn được các hãng dĩa gởi đến các đài radio để họ chơi trên các làn sóng AM hoặc FM. Vì mục đích là câu khách qua radio nên các bài nhạc single thường rất ngắn, khoảng 3-4 phút là cùng.

Hồi mới qua Mỹ còn nghèo, lại không rành về nhạc rock, nên radio cho nghe gì thì biết nấy. Mãi đến khi có chút tiền mới có thể sắm LP, nhưng cũng chỉ dám mua dĩa của các nhạc sĩ mình quen thuộc từ hồi còn ở Việt Nam như Carpenters, Neil Diamond hay Bread. Chứ cỡ như Boston thì đâu dám, rủi nguyên dĩa chỉ có một hai bài nghe được thôi thì uổng tiền sao. Nhưng cũng may thời đó bạn bè có màn cho mượn dĩa hát, giống như trao đổi sách, nhờ vậy sự hiểu biết về nhạc rock của mình từ từ rộng mở. Nào là Pink Floyd, rồi thì Jethro Tull, Led Zeppelin, đủ các môn phái. Trong số đó, dĩa “Boston” chiếm một vị trí đặc biệt không những vì nhạc quá hay mà còn vì cái bìa rất bắt mắt. Thêm vào đó, dĩa LP “Boston” còn có một số bài dài ngoằng, cả 5-6 phút hoặc hơn, mà radio không bao giờ chơi. Sau này mình mới biết đó là một loại nhạc mang tên “prog rock” (prog là viết tắt của chữ “progressive”) nhưng lúc đó còn dốt đặc, nghe thì nghe nhưng chưa hiểu cho lắm.
Thuở ấy muốn đi nghe nhạc sống cũng không phải chuyện dễ. Trước hết là vé khá mắc (đối với dân tị nạn như mình), mà muốn mua thì phải lặn lội đến các tiệm dĩa, nhiều khi phải đứng sắp hàng cả buổi chứ đâu phải chỉ lên internet bấm bấm mấy cái như bây giờ! Thứ nhì là phải ở gần các thành phố lớn, vì các ban nhạc nổi tiếng ít khi đến các vùng hẻo lánh. Không hiểu sao năm 1979 ban Boston ghé Shreveport, Louisiana, nơi gia đình tôi định cư, lúc ấy dân số chưa tới 200,000 người. Năm đó tôi mới vào đại học ở Ruston, cách nhà khoảng 70 dặm. Là sinh viên, vừa đói vừa nghèo, nhưng tôi cũng ráng để dành tiền mua hai vé, mời một cô bạn người Việt tên Vân đi cùng. Tạm gọi là “first date” cho nó oai, mặc dù hai đứa chẳng phải là bồ bịch gì cả, nhưng vì hai gia đình chơi với nhau khá thân ở Shreveport nên quen. Cô ấy nói cũng thích Boston nên khi nghe mình rủ đi là ưng liền.

Thời nay, trước khi đi coi nhạc sống, người ta có thể lên internet để coi thiên hạ khen chê ra sao, hay là đọc danh sách các bản nhạc trong chương trình (set list), thậm chí coi video trên Youtube để biết sẽ có những gì. Chứ còn thời xưa thì khỏi. Ði coi nhạc sống là một trải nghiệm mới lạ luôn luôn. Ðặc biệt là thời đó chưa có luật cấm hút thuốc, nên đến các chỗ có rock concert là được hít khói mệt nghỉ, mà đâu phải chỉ khói thuốc lá không đâu! Rồi mỗi khi ban nhạc xong màn chính, vào hậu trường nghỉ vài phút trước khi trở ra chơi mấy bài encore, thiên hạ còn có màn rút bật lửa ra đốt lên đầy rạp, như một rừng đuốc trông rất đẹp mắt—nhưng giờ nghĩ lại thấy nguy hiểm gì đâu! Ngày nay trò này đã được thay thế bằng các màn hình điện thoại di động, nhìn còn hay hơn ngày xưa và dĩ nhiên là an toàn hơn nhiều.
Tôi nhớ hoài cái đêm xa xưa đó, khi chơi đến bài “Foreplay” để mở màn cho đoạn cuối, ban nhạc cho khói nhân tạo thổi ra đầy sân khấu, chảy tràn lan xuống khán giả phía dưới, đèn đủ màu chớp nhoáng lia lịa trông đẹp vô cùng. Cô bạn tuy không phải là dân mê nhạc rock nhưng cũng thích lắm.
Bẵng đi mấy chục năm trời, bỗng dưng hay tin Boston đang đi tour một vòng nước Mỹ và sắp đến Dallas. Thế là tôi rủ bà xã dẫn thằng con đi xem, để coi sau bao nhiêu năm mấy tay rocker già này còn gân cỡ nào. Lần này trước khi lên đường tôi cẩn thận lên internet nghiên cứu xem có phải là Boston thiệt hay giả. Lòi ra sau bao nhiêu thăng trầm Boston ngày nay chỉ còn mỗi một thành viên gốc duy nhất còn sót lại, đó là Tom Scholz, người khởi xướng ban nhạc và là cái đầu, trái tim, và linh hồn của Boston. Những nhạc sĩ khác đều nhập bọn sau này, sau khi các thành viên cũ lần lượt ra đi, kể cả Brad Delp, ca sĩ chính với giọng tenor cao vút tuyệt vời. Thật là tiếc khi biết được Brad Delp đã tự tử khi mới 55 tuổi, lúc ấy vẫn còn đang hát với Boston.

Ngoài ra, nhờ Google mới biết Tom Scholz không những là một nhạc sĩ có hạng mà còn là một kỹ sư điện tử, tốt nghiệp thạc sĩ tại trường đại học kỹ thuật nổi tiếng Massachusetts Institute of Technology (MIT) ở thành phố Boston. Sau khi ra trường, Scholz ban ngày đi làm cho hãng Polaroid, ban đêm cày cục xây một phòng thâu thanh dưới căn hầm của nhà mình. Anh tự viết nhạc và chơi nhiều nhạc khí khác nhau. Vì là kỹ sư nên Scholz làm nhạc rất kỹ lưỡng, có bài bản và cấu trúc chặt chẽ. Nhờ có studio riêng nên Scholz có thể bỏ rất nhiều thì giờ để hoàn chỉnh các bài nhạc của mình mà không sợ tốn tiền mướn chỗ. Sau khi thành lập một ban nhạc và thâu được vài bài tiêu biểu, Scholz mang những bản nhạc sơ khởi này đến các nhà sản xuất dĩa với hy vọng được ký hợp đồng. Nhưng rất tiếc không hãng dĩa nào chịu ký…
Có công mài sắt có ngày nên kim, cuối cùng Scholz cũng được một hãng dĩa để ý đến. Tuy nhiên, họ bắt anh phải thâu lại các bài nhạc của mình trong phòng thâu chuyên nghiệp của họ. Trên giấy tờ thì anh đồng ý với điều đó, nhưng thật ra anh vẫn lén thâu lại dưới căn hầm của mình, theo đúng ý mình mới chịu (kỹ sư mà!)
Dĩa đầu tay mang tên “Boston” ra đời trong hoàn cảnh đó, và cái tên Boston của ban nhạc cũng đến từ một đề nghị của nhà sản xuất. Dĩa “Boston” vừa tung ra là đã gây chấn động mạnh trong chốn giang hồ, cho đến nay đã bán hơn 17 triệu dĩa trên nước Mỹ và tổng cộng 25 triệu trên toàn thế giới. Sau khi “Boston” xuất hiện không biết bao nhiêu ban nhạc rock khác đã bắt chước kiểu nhạc của Boston nhưng không mấy thành công.

Cho nên không lấy gì làm lạ khi thấy ngày nay vẫn có rất đông người đi xem Boston. Thậm chí, đêm đó tại Dallas Starplex Pavilion có rất nhiều người còn đem con mình theo. Ngoài số khán giả 50-60 tuổi trở lên còn có rất đông người trẻ (20-30 tuổi). Ðiều này chứng tỏ âm nhạc của Boston không những không lỗi thời mà còn được thế hệ ngày nay ưa chuộng.
Tuy rằng các thành viên cũ không còn nữa, nhưng các nhạc sĩ mới sau này chơi vẫn cực kỳ hay. Ðiều này cũng dễ hiểu vì Tom Scholz nổi tiếng khó tính, nhất là trên phương diện âm thanh. Thêm vào đó, kỹ thuật video ngày nay cho phép anh làm nhiều thứ mà thời xưa không thể. Thành thử trong show mới nhất này khán giả ngoài việc nghe nhạc còn được thưởng ngoạn những hình ảnh và màu sắc cực kỳ phong phú, sáng tạo. Chiếc phi thuyền hình cây đàn guitar được phóng lớn lên và bay vào những vùng không gian ảo tưởng vô cùng đẹp mắt. Màn phun khói phì phì của thời 70 không còn nữa, thay vào đó là dàn đèn và các màn ảnh lớn hiện đại.
Những bản nhạc bất hủ như “Don’t Look Back”, “Peace Of Mind”, “Rock and Roll Band” nghe vẫn ngọt như thuở nào. Chỉ tiếc một điều là chàng ca sĩ chính hát tuy hay nhưng bộ điệu hơi bị cứng, không được tự nhiên như Brad Delp. Tuy nhiên khi ban nhạc chơi đến bài tủ “More Than A Feeling” thì toàn thể khán giả đều đứng dậy và hát theo tưng bừng.

Riêng tôi thì cố chờ đến bài “Foreplay/Long Time”, để được nghe lại những âm thanh và kỷ niệm thời mới lớn. Và thú thật tôi đã không thất vọng. Mà hình như rất nhiều người trong đám khán giả đêm đó cũng có cùng một cảm giác.
Lạ lùng nhất là cậu con trai, tuy chỉ biết duy nhất một bài của Boston (nhờ chơi video game Rockband) nhưng vẫn ngồi coi say mê, lâu lâu còn khoái chí vỗ tay theo nhịp trống. Ðược mẹ mua cho cái áo thun Boston hắn khoái ghê lắm. Chả bù thằng tía hắn ngày xưa nghèo mạt rệp, thèm có được cái áo lắm chớ mà đâu sắm nổi. Mua được hai ly nước ngọt với hộp bắp rang là sang lắm rồi.
Chợt nhớ đến người bạn năm xưa, giờ chắc cũng là bà nội bà ngoại. Không biết có dẫn con dẫn cháu đi coi Boston như mình, để ôn lại một kỷ niệm đẹp thời son trẻ…
IB