Menu Close

Lưu Hiểu Ba tù nhân lương tâm

Ông Lưu Hiểu Ba, trong khi bị chính quyền Trung Quốc giam giữ trong một nhà tù ở tỉnh Liêu Ninh có lần đã viết thư cho vợ bằng những lời lẽ thắm thiết chân tình: Tình yêu của em là ánh sáng vượt qua tường cao và xuyên qua những chấn song sắt của khung cửa sổ phòng giam anh, chạm vào từng phân vuông của da thịt anh, làm ấm từng tế bào thân thể anh… và đong đầy ý nghĩa từng mỗi phút giây trong lúc anh đang bị giam cầm.

luu-hieu-ba
Tưởng niệm Lưu Hiểu Ba tại Hongkong – nguồn Washington Times

Ðể đáp lại tình yêu đó, bà Lưu Hà, bằng bản năng của một người vợ luôn lo lắng cho số phận và định mệnh của chồng, đã viết mấy câu thơ sau: Em biết sớm muộn gì rồi ngày đó sẽ tới / Khi anh rời xa em / Và bước đi một mình trên con đường phủ đầy bóng tối.

Cái ngày định mệnh và khắc nghiệt đó đã đến. Hôm Thứ Năm ngày 13 tháng Bảy năm 2017, một bản tin chính thức được chính quyền của thành phố Trầm Dương (Shenyang) thuộc tỉnh Liêu Ninh đánh đi cho biết ông Lưu Hiểu Ba, một trong những nhà tranh đấu dân chủ kiên cường và nổi tiếng nhất ở Trung Quốc, đã qua đời do bị suy thận trong khi đang được điều trị tại một bệnh viện ở đây.

Ông Lưu năm nay 61 tuổi và đang bị thụ án với bản án 11 năm tù chỉ vì tội dám quảng bá dân chủ tại Trung Quốc. Ông được trao giải Nobel Hoà bình năm 2010 trong khi đang bị giam giữ.

Cuối tháng Sáu vừa qua, chính quyền Trung Quốc tiết lộ cho biết ông Lưu bị ung thư gan ở thời kỳ cuối đã hết thuốc chữa. Theo đúng luật, ông được tạm tha vì lý do sức khoẻ. Nhưng ngay cả khi ông đang phải đối diện với cái chết cận kề, ông vẫn bị khoá miệng và bị canh gác cẩn mật ở một bệnh viện, vẫn là một người tù dưới sự kiểm soát của một nhà nước độc tài toàn trị mà ông đã quyết liệt tranh đấu trong nhiều thập niên qua.

Trong một đoạn video ngắn nhắn tin cho một người bạn khi được thông báo về tình trạng sức khoẻ thập tử nhất sinh của chồng, bà Hà cho biết căn bệnh của chồng đã đến thời kỳ “không thể mổ, không thể xạ trị, không thể hoá trị.” Ðoạn video này ngay sau đó đã được lan truyền khắp trên mạng.

Lưu Hiểu Ba là người thứ ba duy nhất trong lịch sử được trao giải Nobel Hoà bình khi đang ở trong tù – hai người kia, Carl von Ossietzky, người Ðức được trao giải năm 1935, và Aung San Suu Kyi, người Miến Ðiện được trao giải năm 1991. Ông Lưu cũng là người thứ hai duy nhất bị chính quyền thậm chí không chỉ không cho phép đi nhận giải mà còn không được quyền cử người đại diện. Người kia không ai khác hơn là Ossietzky, bị chính quyền Ðức quốc xã của Hitler bỏ tù năm 1933 vì tranh đấu cho hoà bình và cũng như Lưu, chết trong khi còn đang bị giam giữ sau nhiều năm bị suy dinh dưỡng.

luu-hieu-ba2
Bà Lưu Hà đưa tang chồng – nguồn ABC News

“Tự do phát biểu là nền tảng của nhân quyền, là nguồn gốc của bản chất con người và là mẹ của sự thật. Giết chết quyền tự do phát biểu là xúc phạm đến quyền của con người, là bóp chết bản chất tự nhiên của loài người và đàn áp sự thật.”

Lưu Hiểu Ba


Ông Lưu bị bắt tổng cộng bốn lần và lần mới đây nhất là năm 2008 sau khi tham gia cùng một nhóm nhiều nhà tranh đấu dân chủ và tung ra Hiến chương 08, bản kiến nghị kêu gọi thực thi dân chủ, pháp trị và chấm dứt kiểm duyệt tại Trung Quốc.

Một năm sau, toà án tại Bắc Kinh đã đưa ông ra xét xử và kết án ông với tội danh kích động quần chúng để lật đổ chính quyền. Những bằng chứng mà toà án trưng ra để kết án ông là bản kiến nghị và những tiểu luận ông viết trước đó mà họ cho rằng đã cố ý nhạo báng chính quyền. Ông Lưu đã đáp lại bản án 11 năm tù bằng những lời cảnh báo về một tương lai không mấy tốt đẹp của Trung Quốc nếu như chính quyền nước này vẫn tiếp tục đối xử với những nhà tranh đấu cho tự do dân chủ như những kẻ thù.

Trong tiểu luận có tên Tôi không có kẻ thù: Bản tuyên bố sau cùng, viết hai ngày trước khi phiên toà kết án ông diễn ra và sau này được đọc trước một cử toạ đông đảo trong buổi lễ trao giải Nobel cho ông, Lưu Hiểu Ba viết:

Oán ghét có thể làm mất sự khôn ngoan và lương tâm của một người. Não trạng thù địch sẽ đầu độc tinh thần một dân tộc, khích động đấu tranh chết chóc tàn bạo, hủy hoại tính bao dung và nhân bản của xã hội, và cản trở bước tiến tới dân chủ tự do của một quốc gia. Ðó là lý do vì sao tôi hy vọng có thể vượt qua những kinh nghiệm cá nhân để hướng tới sự mở mang và thay đổi xã hội, để đương đầu với sự thù hằn của chế độ bằng thiện chí tột cùng, và giải trừ oán ghét bằng yêu thương. (Ðinh Từ Thức dịch)

Lưu Hiểu Ba sinh ngày 28 tháng 12 năm 1955 tại tỉnh Cát Lâm (Jilin), thuộc vùng đông bắc Trung Quốc. Là con của một giáo sư suốt đời luôn trung thành với đảng cộng sản, nhưng Lưu đã tách ra khỏi phạm trù giáo dục đó từ gia đình và trở thành một trong những tiếng nói phản kháng uy tín đối lập với thể chế toàn trị như tại Trung Quốc hiện nay.

Ông khởi nghiệp là một nhà phê bình văn học nổi danh tại Bắc Kinh trong thập niên 1980 và có thể nói là đã xác định được một vị trí vững chắc trong giới trí thức Trung Quốc thời ấy. Nhưng rồi ông càng ngày càng bị lôi cuốn vào trong những sinh hoạt chính trị do bị thôi thúc không ngừng bởi sự chất vấn lương tâm của một trí thức trước tương lai của đất nước trong lúc lãnh tụ Ðặng Tiểu Bình chấp nhận cải tổ kinh tế nhưng nhất quyết không chấp nhận cởi trói chính trị.

Năm 1989, khi Lưu đang làm việc trong tư cách là một học giả được Ðại học Columbia mời thì nổ ra vụ sinh viên Bắc Kinh chiếm đóng quảng trường Thiên An Môn, đòi chính quyền Trung Quốc phải thay đổi dân chủ và chấm dứt sự độc quyền của đảng cộng sản đang ngày một tha hoá. Ông lập tức quay về Bắc Kinh để ủng hộ cuộc biểu tình. Sau này ông mô tả lại thời điểm đó như là khúc quanh quan trọng đã chấm dứt cuộc đời với công việc thuần tuý nghiên cứu và giáo dục, và đẩy ông vào cuộc đời của một nhân vật đối kháng chính trị.

luu-hieu-ba1
Lưu Hiểu Ba tại Thiên An Môn 1989 – nguồn FreeCubaFoundation.com

Khi Ðặng Tiểu Bình quyết định thẳng tay đàn áp cuộc biểu tình, Lưu Hiểu Ba đã ở lại quảng trường cùng với sinh viên. Ðêm mùng 3 tháng Sáu, khi quân đội với súng ống và xe tăng siết chặt vòng vây, để tránh một cuộc đổ máu vô ích, Lưu đã thuyết phục được sinh viên và điều đình với quân đội để mở một con đường an toàn cho sinh viên rút lui khỏi quảng trường.

Ông Lưu bị bắt ít ngày sau cuộc đàn áp và bị cầm tù trong 21 tháng. Ông bị mất việc giảng dạy ở đại học, sách của ông bị cấm đoán và đảng cộng sản Trung Quốc đưa ông vào sổ đen như là một nhân vật chuyên gây rối. Ông bị bắt thêm ba lần nữa vào những năm 1995 (sáu tháng), 1996 (ba năm) và 2008.

Trong những ngày nằm trên giường bệnh, nhiều tổ chức quốc tế kêu gọi hãy để ông đi ra ngoại quốc chữa trị nhưng đã bị chính quyền Trung Quốc từ chối mặc dù có hai vị bác sĩ ngoại quốc được phép viếng thăm đã minh định rằng ông Lưu vẫn còn đủ sức để đi nước ngoài và vẫn còn hy vọng được cứu sống. Phải chăng người ta sợ nếu ông được tự do một vài tháng, một vài ngày, hay thậm chí một vài giờ thì ông cũng sẽ lên tiếng tố cáo về sự thật những gì đang xảy ra tại Trung Quốc?

Thậm chí, ngay khi ông vừa mất thì chính quyền đã vội vã cho tổ chức đám táng mau lẹ với sự chứng kiến của một nhúm người thân trong gia đình, sau đó đem hoả táng và rắc tro của ông xuống biển như một cách phi tang bằng chứng. Có lẽ vì chính quyền Trung Quốc lo ngại dù chỉ một hạt bụi của thân xác ông còn được giữ lại cũng đủ để làm chứng tích cho những người ủng hộ ông xây đài tưởng niệm sau này.

Ðúng như nhà báo Gordon G. Chang đã gọi Lưu Hiểu Ba là tù nhân của lương tâm chết trong vòng tay của một chế độ không có lương tri.

Hoặc như ký giả Nicolas Kristof của tờ New York Times, trong một lá thư ngỏ đã viết: Lưu Hiểu Ba phải chịu nhiều đau khổ để người khác có thể được tự do.

Cái chết của Lưu Hiểu Ba tuần qua có thể coi như chính quyền Trung Quốc vừa thắng thêm một keo nữa. Nhưng trên con đường dài tranh đấu dân chủ và tự do tại Trung Quốc, tính nhân bản và lòng bao dung không thù oán cho dù ngay cả đối với những kẻ đã ra sức trù dập cho đến chết những nhà tranh đấu cho dân chủ như Lưu Hiểu Ba rồi đây sẽ toàn thắng. Cái ác và những đố kỵ nhỏ nhen của chính quyền Trung Quốc không thể tồn tại được trong thế giới văn minh ngày nay.

VH