Menu Close

Việt Nam thừa nhận các tổ chức Xã Hội Dân Sự độc lập

NGUỒN TIN: RFA

Tổ Chức Xã Hội Dân Sự Việt Nam. Ảnh: Thong Tin Duc Quoc
Tổ Chức Xã Hội Dân Sự Việt Nam. Ảnh: Thong Tin Duc Quoc

Trong bài viết có tựa đề “Phòng, chống hoạt động lợi dụng xã hội dân sự để chống phá Đảng, Nhà Nước,” đăng trên trang web của nhật báo Quân Đội Nhân Dân, tác giả Nguyễn Đức Quỳnh xác nhận ” Xã Hội Dân Sự bao gồm các tổ chức, hội đoàn, hay một nhóm người…, thực hiện mối liên hệ giữa công dân với Nhà Nước được hình thành, hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong khuôn khổ pháp lý và đạo lý, cùng với Nhà Nước kiểm soát và hoàn thiện Nhà Nước Pháp Quyền, phát huy dân chủ, nhằm duy trì sự ổn định, cân bằng và phát triển bền vững của Nhà Nước và Xã Hội.”

Ảnh: Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm
Ảnh: Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm

Bài xã luận cũng đưa ra số liệu thống kê chưa đầy đủ ghi nhận rằng, hiện nay Việt Nam có gần 18 tổ chức công đoàn ngành, 400 hội đoàn, hàng ngàn hiệp hội, câu lạc bộ hoạt động trong mọi lãnh vực xã hội. Các tổ chức Xã Hội Dân Sự này không phụ thuộc vào Nhà Nước, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, độc lập về tài chính, với mục tiêu chung vì sự phát triển của cộng đồng, xã hội.

Ảnh: Người Trong Cuộc - blogger
Ảnh: Người Trong Cuộc – blogger

Đài Á Châu Tự Do cho biết, các tổ chức Xã Hội Dân Sự độc lập trong nước nói rằng, đây là dấu hiệu lần đầu tiên chính quyền Việt Nam chính thức xác nhận nhận sự tồn tại của Xã Hội Dân Sự, hoàn toàn trái ngược với quan điểm Xã Hội Dân Sự là thủ đoạn của chiến lược “Diễn biến hòa bình,” cũng được đăng tải trên nhật báo Quân Đội Nhân Dân và Báo Nhân Dân từ 05 năm trước.

Gặp gỡ giữa các tổ chức hoạt động xã hội dân sự độc lập với Tiểu ban Nhân quyền của EU. Ảnh: Dân Làm Báo - blogger
Gặp gỡ giữa các tổ chức hoạt động xã hội dân sự độc lập với Tiểu ban Nhân quyền của EU. Ảnh: Dân Làm Báo – blogger

Tiến Sĩ Phạm Chí Dũng, nhà quan sát tình hình Việt Nam, đồng thời cũng là Chủ Tịch Hội Nhà Báo Độc Lập, cho biết, sở dĩ  nhà cầm quyền Việt Nam phải lên tiếng nói về vai trò và trách nhiệm của Xã Hội Dân Sự trong thời điểm này, bởi vì họ thấy áp lực về vấn đề dân chủ và nhân quyền gia tăng, trong giới trí thức và dân chúng. Họ cũng muốn các chính phủ tiến bộ trên thế giới, cộng đồng nhân quyền quốc tế biết rằng, Nhà Nước Việt Nam chấp nhận Xã Hội Dân Sự. Tuy nhiên, tất cả những điều này chỉ là đối với Xã Hội Dân Sự của chính phủ, còn Xã Hội Dân Sự hoạt động độc lập mang tính phản biện, phản kháng, vẫn  không được chấp nhận.