Menu Close

Cuộc chiến con heo

Cách Seattle 3 giờ lái xe về phía Bắc, bạn đến đảo San Juan. Hòn đảo xinh đẹp, vỗ về tiếng sóng và thủy triều lên xuống. Những trang trại alpaca ngộ nghĩnh, những cánh đồng chạy dài tô điểm với những con bò và cừu nhẩn nha gặm cỏ, những thửa oải hương tím ngát trong chiều tà, những cánh đồng nho mang hương say men nồng, những cánh rừng thăm thẳm đổ xô ra biển rộng, vọng vang tiếng cá voi quẫy đuôi. Nơi hòn đảo này thật yên bình và đẹp. Đẹp đến mức người ta chỉ đi bộ hay bằng xe đạp để cảm nhận. Và bạn sẽ càng thú vị hơn khi nghe lại cuộc chiến con heo ở nơi này năm xưa.

cuoc-chien-con-heo

Dựa vào chủ thuyết “Vận mệnh hiển nhiên” năm 1840 trong quá trình Tây tiến mở mang bờ cõi, Tổng thống Mỹ thứ 11 James Polk khi vận động tranh cử năm 1844 đã hô hào: “54 đến 40 hay là chiến đấu”. Hàm ý phải chiếm lấy vĩ tuyến 54 đến 40. Bao gồm phần cuối phía Nam Alaska (mà Mỹ mua được từ Nga) đến Lãnh thổ Oregon ở phía Tây của Vùng đất Louisiana (mà Mỹ mua lại từ Pháp) ở vĩ tuyến 42 biên giới của Canada. Giấc mơ của James Polk thành tựu nhưng không trọn vẹn.

Năm 1846, Hiệp ước Oregon xác định biên giới giữa thuộc địa Canada của Anh và Hoa Kỳ trên đường vĩ tuyến 49, theo đó thì đường biên giới chạy giữa biển, ngang qua eo biển Georgia ở phía Tây cho đến Thái Bình Dương, hai bên đều đồng ý đảo Vancouver thuộc quyền sở hữu của Anh, nhưng hiệp ước không nói gì tới quần đảo San Juan, một quần đảo nằm phía Nam vĩ tuyến 49. Anh và Mỹ đều tuyên bố những hòn đảo này thuộc chủ quyền của mình. Vì cả hai nước đều có cư dân sinh sống ở đó.

cuoc-chien-con-heo5
Bản đồ ranh giới Anh và Mỹ ở vĩ tuyến 49 theo Hiệp ước Oregon

Trước đó quần đảo này nằm trong vị trí chiến lược nên nhiều quốc gia tranh chấp bao gồm Mỹ, Vương quốc Anh, Pháp, Nga và Tây Ban Nha. Sau đó chỉ còn Anh và Mỹ. Tổng thống Jefferson phái Lewis và Clark đi thám hiểm vùng cuối phía Tây Bắc này, trong khi người Anh thì cho là Công ty Hudson’s Bay của họ đã đến đây làm ăn buôn bán trước đó. Thỏa thuận hòa bình bằng Hiệp ước Oregon đã tạm thời làm lắng dịu mọi xung đột… Công ty Hudson’s Bay (HBC) của Anh vẫn tiếp tục buôn bán lông thú hoạt động trên quần đảo và lập nên trang trại nuôi cừu Belle Vue để lấy lông. Anh cử James Douglas làm thống đốc Ðảo Vancouver và British Columbia.

Người Mỹ không bỏ cuộc, khi lãnh thổ Washington được hình thành ở phía Nam của đảo năm 1853. Hạt Whatcom được lập và đánh thuế lên công ty Anh, ngay cả bắt giữ 34 con cừu đực để trừ nợ. Dầu vậy cả hai phía đều tránh xung đột và cùng nhau chiếm giữ, sử dụng quần đảo này. Vào năm 1858 vàng được tìm thấy ở Fraser Canyon, kéo 30 ngàn người Mỹ đến vùng đất British Columbia (BC). Nhiều người thất bại và định cư ở Victoria, sau đó một số không thích công ty Anh nên đi ra đảo San Juan, họ lập nghiệp cạnh trang trại nuôi cừu Belle Vue của Anh vì đất đai màu mỡ.

cuoc-chien-con-heo4
Tướng Anh Geoffrey Hornby

Sự việc bắt đầu đi vào lịch sử giữa 2 quốc gia vào ngày 15 tháng 6, 1859, đúng 13 năm sau ngày Thỏa ước Oregon được ký kết, một người Mỹ định cư trên đảo tên là Lyman Cutlar nhìn thấy một con heo đen giống Berkshire đang nhẩn nha cày xới vườn khoai tây mơn mởn sau nhà mình. Một con heo đen to hung hãn. Không nén được cơn giận khi bấy lâu nay mảnh vườn bị cào xới, Lyman lên cò súng. Tiếng nổ vang vọng trong xóm làng. Và tin tức lan đến tai chủ nhân của con heo. Ðó là Charles Griffin, một người Ái Nhĩ Lan làm việc cho công ty Hudson’s Bay. Charles có nuôi đàn heo và bấy lâu nay chúng vẫn được thả rông… Lyman và Charles là láng giềng và trước đây khá hòa hảo. Khi biết chuyện, Lyman đề nghị bồi thường 10 đô nhưng Griffin đòi đến 100 đô. Tức giận, Lyman nói con heo đã xâm phạm vào tài sản riêng, vườn khoai tây của mình và sẽ không trả 1 xu, Griffin thì đáp trả: “Ông phải giữ khoai tây ngoài miệng con heo của tôi!” Sau đó báo cáo lên thẩm quyền Anh đề nghị truy tố bắt giữ Lyman. Dân Mỹ định cư nghe chuyện và cầu cứu quân đội Mỹ can thiệp.

Lữ đoàn trưởng William S. Harney phái một đơn vị với 66 lính Mỹ, dưới quyền của Ðại úy George Pickett đến đảo San Juan. Người Anh sợ rằng người Mỹ nhân chuyện này sẽ chiếm đảo, Hạm trưởng Geoffrey Hornby vội đưa 3 tàu chiến của Hoàng Gia Anh đến. Mọi hoạt động quân sự của 2 phe gia tăng bất ngờ. Ngày 10 tháng 10, 1859 người Mỹ lập trại lính phòng thủ với 16 cà nông và 461 lính, trong khi người Anh phái 5 tàu chiến với 72 súng lớn cùng 2,140 thủy thủ lập đồn trại sẵn sàng…

cuoc-chien-con-heo3
Đại úy Mỹ George Pickett

Những người Anh ở thuộc địa Victoria và BC đều lo rằng 1 ngàn người dân Mỹ đi đào vàng còn ở đó sẽ nổi loạn khi nghe súng nổ. Tuy vậy cả 2 phía đều dè dặt và nhận được chỉ thị nghiêm ngặt, không được nổ súng trừ khi kẻ thù khai hỏa trước. Vài khiêu khích chửi rủa và thách thức bằng ngôn ngữ, nhưng không bên nào bóp cò…

Sự việc giằng co trong căng thẳng, buộc Luân Ðôn và Washington can thiệp. Tổng thống Mỹ James Buchanan phái Tướng Winfield Scott thương thảo với Sĩ quan Anh, đây là một hành động khôn khéo trong khi nội tình nước Mỹ bắt đầu rối ren với cuộc nội chiến đang bắt đầu nhen nhúm, quân đội Mỹ còn non yếu và mệt mỏi sau chiến tranh Mỹ – Mễ. Người Mỹ tìm cách tránh chiến tranh với nước Anh hùng mạnh. Tướng Scott đến San Juan vào cuối tháng 10 và thương lượng với Thống đốc Anh ở thuộc địa quần đảo Vancouver. Cuộc thương thảo thành công, 2 phe đều đồng ý “hạ nhiệt”, cùng nhau chiếm giữ quần đảo cho đến khi có thỏa thuận chính thức. Quân đội 2 phía sẽ giảm số quân chỉ còn 100 lính ở mỗi phía, trại lính Anh đóng ở phía cực Bắc và trại lính Mỹ đóng ở cực Nam. Trong 12 năm sau đó, cả 2 phía Anh Mỹ đồn trú trên đảo đều qua sinh hoạt thân thiện, ăn nhậu và lễ hội vui vẻ. Có sử gia ghi lại “Mối đe dọa cho hòa bình duy nhất ở đảo này là có quá nhiều rượu.”

cuoc-chien-con-heo1
Quần đảo San Juan

Hòa hoãn thân thiện, nhưng chưa có kết thúc ổn thỏa. Cả 2 phe Anh Mỹ đều tìm cách chiếm lấy quần đảo. Tháng 4, 1861 cuộc nội chiến Mỹ nổ ra, kết thúc sau 4 năm với chiến thắng của phe Liên quân phía Bắc. Quan hệ Anh và Mỹ càng trở nên tồi tệ, khi trong cuộc nội chiến, Anh đã ủng hộ quân Confederate miền Nam và giúp tài trợ đóng một chiến thuyền lớn Alabama làm thiệt hại khá nhiều cho quân miền Bắc. Hành động này xem như Anh không còn trung lập và âm mưu phá vỡ nước Mỹ. Phía Anh thì cần đồng minh với Mỹ sau khi chiến tranh Pháp – Phổ xảy ra. Một đế quốc Ðức đang vươn lên mạnh mẽ, thay đổi cán cân quyền lực ở Châu Âu, Pháp thì suy yếu. Anh cần dồn sức mạnh tập trung ở Châu Âu. Thỏa ước ở Washington ngày 8 tháng 5, 1871 Anh đồng ý bồi thường 15.5 triệu đô cho Mỹ trong vụ đóng tàu Alabama. Ngày 21 Tháng 10, 1872 Quốc vương Phổ Wilhelm I được mời làm trọng tài phân xử vụ tranh chấp quần đảo San Juan, Mỹ thắng. Lính Anh rút khỏi San Juan sau 12 năm dùng dằng với nguy cơ chiến tranh giữa 2 quốc gia từ 1 con heo. Những người dân Anh định cư trên đảo vào quốc tịch Mỹ và tiếp tục đời sống an bình.

Cuộc chiến con heo là cách thức lý tưởng để giải quyết các vụ tranh chấp sau này trên trường quốc tế. Như tranh chấp ở biên giới Alaska và British Columbia năm 1903. Quan hệ Anh – Mỹ càng trở nên mật thiết khi vào đầu 2 cuộc Thế chiến. Anh luôn dựa vào Mỹ để có nguồn vũ khí và viện trợ dồi dào. Quan hệ đồng minh này gắn bó cho đến ngày nay.

cuoc-chien-con-heo6
Vịnh San Juan

Cuộc chiến tranh này được gọi là “Cuộc chiến tranh khoai tây và heo”, “Cuộc tranh chấp biên giới Tây Bắc”, “Cuộc tranh chấp biên thùy San Juan”. Nhưng cả thế giới và lịch sử biết đến bằng Cuộc chiến con heo. Một cuộc chiến tranh hoàn hảo, bởi chỉ có một viên đạn nổ, không có một nhân mạng tổn thương và chỉ có một con heo đen bị giết. Cuộc chiến nói lên sự xung đột tiềm ẩn và dễ bùng phát trong mỗi quốc gia từ một nguyên cớ nhỏ nhặt nhất. Con heo đen bị giết chỉ là một giọt nước làm tràn ly, châm ngòi nổ chiến tranh. Tuy vậy những người lãnh đạo ở hai phía đã khéo léo ứng xử ngoại giao một cách hoàn hảo.

SB