Công ty cà phê lừng danh Starbucks kiện một số cửa tiệm càphê tại Thượng Hải tội sử dụng thương hiệu Xingbake. Trong tiếng Hoa, “xing” nghĩa là “star” và trong một cách nào đó, “Xingbake” nghĩa là “Starbucks”. Một nhà soạn nhạc ở Atlanta tên Bill Wyman liên tục nhận thư yêu cầu “ngưng ngay lập tức” việc sử dụng cái tên trên. Thư được gửi từ luật sư đại diện tay bass thuộc nhóm Rolling Stones, tất nhiên cũng tên là Bill Wyman. Phản hồi, Bill Wyman thứ nhất nói rằng Bill Wyman thứ hai chẳng có tư cách gì kiện mình vì tên khai sinh của Bill Wyman thứ nhất thật ra là William George Perks. Những vụ kiện tên tuổi như vậy đang bùng nổ khắp ngóc ngách thế giới…

Công ty xe hơi Ðức Dr. Ing. h.c.F. Porsche AG đang giao đấu quyết liệt để bảo vệ thương hiệu Carrera. Tuy nhiên, một ngôi làng tên Carrera tại Thụy Sĩ cũng đang kiện Porsche AG tội sử dụng tên mình một cách bất hợp pháp. Một doanh nhân tên Jeff Burgar sống tại High Prairie (thị trấn nhỏ bằng cái lỗ mũi ở Alberta, Canada) hiện là mục tiêu của nhiều đơn kiện, bởi nhân vật này sở hữu vô số tên trong “lãnh thổ” dot.com. Cần nhắc lại, Jeff Burgar đã đăng bạ tên J.R.R. Tolkien và dùng như một địa chỉ Internet từ năm 1996 và tiếp tục xài jrrtolkien.com cho đến đầu năm 2004, khi một tiểu ban thuộc Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) yêu cầu chấm dứt (J.R.R. Tolkien là tác giả bộ truyện được dựng thành phim Chúa tể chiếc nhẫn).

Thế giới đang cạn kiệt tên. Sự bùng nổ của hoạt động Internet đã khiến tên ngày càng ít dần, đặc biệt nhân danh hoặc địa danh nổi tiếng ngày càng được khai thác mạnh. Cần biết rằng cái tên Nike (thương hiệu thể thao) hiện trị giá 7 tỉ USD và Coca-Cola trị giá 70 tỉ USD! Ở một phạm vi nào đó, “không gian” tên ngày càng eo hẹp, trong nhiều lĩnh vực. Cơ quan quản trị dược-thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) hiện đang xem xét một số tên thuốc nghe na ná nhau có thể khiến lẫn lộn, và công việc này tỏ ra phức tạp và ít nhiều mang tính chủ quan, chẳng hạn những cái tên như Taxol (một loại thuốc ung thư) và Taxotere (cũng là thuốc ung thư) hay Zantac với Xannax; Verelan với Virilon; Lamictal với Lamasil; Ludiomil với Lomotil; Zeldox với Zovirax hoặc Zephrex với Zyprexa. Rõ ràng ngày càng có nhiều tên trùng lặp hoặc gần giống.
Có hàng triệu tờ báo hiện chứa những từ quen thuộc như Courier, Journal, Dispatch hoặc Post… Cùng lúc, nhiều cái tên quen thuộc khác lại được sử dụng với nghĩa mới, khiến sự tình càng thêm loạn cào cào. “Domino” ư? Tùy trong ngữ cảnh, bạn mới có thể hiểu “domino” là gì. Nó có thể là một món pizza; một loại đường cát trắng phau, một phần mềm; một công ty đĩa hát hoặc thậm chí một nhãn mì gói ăn liền. Tại Mỹ, đã có hai “domino” kiện nhau ầm ĩ (một “domino” pizza và một “domino” đường). Cuối cùng, tòa phán cả hai “domino” đều cùng được phép chung sống trong hòa bình.

Tính phức tạp sự việc đang làm điên đầu tổ chức ICANN (Internet Corporation for Assigned Names and Numbers), nơi giám sát và quản lý tên và địa chỉ Internet. Vấn đề ở chỗ người ta đã lợi dụng kẽ hở luật bản quyền. Ðó là lý do thành phần như Jeff Burgar không dám đụng đến những cái tên như Coca-Cola hoặc Pepsi. Tập đoàn Time Warner từng thắng kiện liên quan 108 vụ vi phạm khai thác tên “Harry Potter”. Tính phức tạp còn ở chỗ luật nhãn hiệu cầu chứng nước này lại khác so với nước kia. Hơn nữa, gần như chẳng ai vác giấy khai sinh đi ghi tên bảo vệ “nhân danh” cho cái tên mình, theo cách như cầu chứng bảo vệ thương hiệu.
WIPO đang cố mở rộng luật địa chỉ Internet để có thể giám sát các vấn đề nằm ngoài khuôn khổ luật nhãn hiệu cầu chứng. Những phạm vi được xét sẽ bao gồm địa danh, chẳng hạn tên quốc gia, tên thành phố hoặc thậm chí tên châu lục. Còn nữa, đó là những cái tên bộ tộc, bộ lạc; rồi tên núi, tên sông, tên thung lũng…! Ý nghĩa của tên cũng được đề cập đến, chẳng hạn trường hợp nhãn rượu Manhattan và Bordeaux. Trong khi Bordeaux hàm ý vùng đất trồng loại nho đặc biệt dành nấu rượu, rượu Manhattan chẳng hề mang ý nghĩa tương tự. Còn nữa, cái tên Budweiser không cho thấy nó dính dáng đến một thị trấn tại CH Czech mà là một thương hiệu bia lừng danh sản xuất tại Mỹ.

Có những vụ kiện không khó giải quyết, chẳng hạn trường hợp Madonna.com. Sau thời gian cùng vác chiếu hầu tòa, ca sĩ Madonna Ciccone đã thắng kiện Dan Parisi, khi nhân vật này sử dụng Madonna.com cho một website “nội dung giải trí dành cho người lớn”, dù Dan Parisi đã nói rõ trên website rằng cái tên Madonna.com của mình chẳng hề liên can đến Giáo hội Thiên chúa giáo (ám chỉ Thánh mẫu Madonna), Ðại học Madonna, Bệnh viện Madonna hoặc Madonna-ca sĩ. Tuy nhiên, có không ít vụ khó giải quyết hơn. Ðó là trường hợp họa sĩ đồ họa vi tính tên Anand Ramnath Mani ở Vancouver (Canada), người sử dụng tên tắt mình đặt cho website cá nhân (Armani.com). Tất nhiên, ông hoàng thời trang Giorgio Armani đã nhảy nhổm phản đối, bởi Armani là thương hiệu thời trang danh trấn toàn cầu. Hai bên kiện nhau túi bụi và cuối cùng, Giorgio Armani giành lại được Armani.com.
Với nhiều người Mỹ, Crazy Horse là tên của chiến binh da đỏ huyền thoại Ta-Sunko-Witko thuộc bộ tộc Oglala (một nhánh của Sioux). Năm 1992, Crazy Horse trở thành tên loại rượu mạch nha được tiếp thị từ công ty Stroh Brewery. Năm sau, thương hiệu rượu này bị tẩy chay khắp Mỹ và cuối cùng Stroh Brewery phải xin lỗi tổ chức da đỏ Crazy Horse Defense Project. Tuy nhiên, thật trớ trêu chuyện đời, dân da đỏ Mỹ không những không kiện mà còn lấy làm hãnh diện khi một quán bar thoát y ở Paris chọn Crazy Horse làm tên quán và dân Pháp còn bán mũ Crazy Horse, áo thun Crazy Horse, bật lửa Crazy Horse và thậm chí áo ngủ Crazy Horse…

Cách đây nửa thế kỷ, Ernst Pulgram từng viết trong Theory of Names (Lý thuyết về tên) rằng “khuynh hướng tăng dần trong sự phức tạp của các thể chế xã hội và quản lý nhà nước của một nhóm chính trị hoặc dân tộc sẽ tạo ra sự tăng dần tính phức tạp và sự khô cứng trong hệ thống nghiên cứu tên riêng (onomastic)”. Ðiều này đang diễn ra trong thời toàn cầu, với sự giao thoa văn hóa và thậm chí phong cách sinh hoạt. “Sự tăng dần tính phức tạp và sự khô cứng” đã thể hiện cụ thể trong cái tên Apple. Trong nhiều năm, đây là thương hiệu của Apple Computer (sản xuất máy tính) và Apple Corps (sản xuất đĩa hát). Tuy nhiên, khi Apple Computer nhảy sang lĩnh vực âm nhạc, Apple Corps (nơi từng tung ra đĩa hát của nhóm Beatles) đã nhăn nhó và lập tức đâm đơn kiện giành quyền sở hữu riêng cái tên “Apple”.
Do tính phức tạp tăng dần, có thể hiểu tại sao năm 1980, chỉ có 30,000 nhãn hiệu cầu chứng xin đăng bạ bảo vệ tại Mỹ; nhưng con số trên vào năm 2003 đã vọt lên 185,182, tăng gần 50% so với hai năm trước rồi hiện nay là hơn 500,000. Và do tên ngày càng ít đi, nhiều nhãn hiệu cầu chứng đã phải đặt búa xua: Drive Harder (Lái bạo hơn); My Assistant (Trợ lý của tôi); A coffee shop in your office (Một tiệm càphê trong văn phòng bạn); Flexible Thinker (Người suy nghĩ linh hoạt – tên một công ty sản xuất loa nghe nhạc ở Canada)… Cùng lúc, người ta vẫn hầm hè nhau và tiếp tục kiện nhau rần rần. Pet Friendly ở tiểu bang Alabama (Mỹ) kiện Pet Friendly Rentals ở California; hãng xe DaimlerChrysler (với hai thương hiệu Dodge và Viper) kiện một gã tên Brad Bargman ở Florida tội đặt tên website cá nhân là Dodgeviper.com…

MK