Menu Close

Dừa tắc mát dịu nắng hè

Người Việt ai mà không biết cây dừa và trái dừa. Từ Nam ra Bắc, đâu đâu cũng thấy cây dừa tỏa bóng như một cây dù xanh khổng lồ kiêu hãnh vươn lên giữa bầu trời xanh lộng gió. Ngày cũng như đêm, nắng cũng như mưa, bất kể thời tiết, cây dừa vẫn đứng sừng sững trơ trơ phục vụ đời sống người dân Việt.

dua-tac-mat-diu-nang-he
nguồn: bentrequetoi.com

Ởmiền Trung, nhiều dừa nhất là Tam Quan, Bình Ðịnh: “Công đâu công uổng công thừa/ Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan”. Miền Nam nhiều dừa nhất là xứ Bến Tre.

Cây dừa không thể thiếu trong đời sống người dân Việt Nam. Trái dừa là để làm thức ăn (kho, nấu, làm bánh, làm mứt, làm kẹo, lấy tinh dầu, ăn tươi, làm nước giải khát…) điều này không cần bàn cãi. Tinh dầu dừa vừa làm thức ăn vừa là một loại dầu tốt dùng trong công nghiệp mỹ phẩm phục vụ chị em phụ nữ. Vỏ trái dừa phơi khô làm chất đốt. Than đốt từ cái gáo dừa khô (kêu là than hoạt tính) để lọc nước. Lá dừa tươi để trang trí đám tiệc, làm đồ chơi cho trẻ con. Lá dừa khô làm chất đốt. Nông thôn miền Nam với đặc điểm rất nhiều kênh rạch nhỏ chằng chịt, để đi lại thuận tiện, người ta chặt một thân dừa lão bỏ vắt qua dòng kênh, vậy là thành cái cầu dừa ngon ơ. “Ðã lâu lắm rồi em về thăm lại chốn xưa/ Ðã lâu lắm rồi em về đi qua cầu dừa/ Cầu dừa trơn trợt lắm em ơi/ Ai mà không khéo té như chơi/ Môi son má hồng, chân guốc cao gót làm sao qua cầu dừa…” (Cây cầu dừa – Nhạc sĩ Hàn Châu).

Tôi đặc biệt thích những vật dụng nhà bếp làm ra từ thân cây dừa lão. Nó cứng, chắc và dai không thua gỗ quý trên rừng, lại có vân màu nâu đỏ, nâu sậm chen lẫn nhau rất đẹp. Từ cái muỗng, cái nĩa, đôi đũa, cái chén, cái tô, cái dĩa, cái mâm, cái dá múc canh, cái tiểu liểu xào đồ ăn, cái bàn, cái ghế, cái tủ nhiều ngăn đựng quần áo… chế tác ra từ gỗ dừa lão đều làm tôi mê mẩn nó. Nó vừa là vật dụng hàng ngày mà cũng là đồ mỹ nghệ nên giá bán không hề rẻ, thành ra không phải thích mà có đủ bộ. Ðặc biệt xài cái tiểu liểu đó xào đồ ăn không hề bị nóng tay, mà cũng không làm cho cái chảo (dù là chảo rẻ tiền) tróc xi kim loại làm lẫn xi vô thức ăn.

Ðừng tưởng người Mỹ không biết trái dừa, không biết sử dụng trái dừa mà lầm. Trong các chợ Mỹ, đều có bán tinh dầu dừa đông lại trắng phếu như mỡ heo đông, dùng để nấu ăn, mùi vị thơm ngon, được nhập cảng nhiều nhất từ Philippines. Tất nhiên giá bán mắc hơn dầu bắp, dầu cọ hay dầu olive. Tinh dầu dừa chế ra dầu gội đầu, dầu xả tóc, nhất là dầu dừa xức tóc cho bóng, do hãng Mỹ sản xuất bán không hề rẻ à nha. Nước cốt dừa đóng lon của Singapore giá có $1 một lon, hôm nào nổi hứng lên tôi sẽ mua về thử thắng dầu dừa xức tóc coi có được hay không. Chớ tội tình gì mà bắt chước một vài người gởi tiền về Việt Nam nhờ người quen thắng dầu dừa rồi gởi ngược qua Mỹ làm chi cho khổ sở, mất nhiều thời gian chờ đợi, giá thành cao ngất ngưởng, còn hơn gấp mười lần mua dầu dừa xức tóc của Mỹ sản xuất nữa.

Nhưng có một loại nước giải khát bình dân đặc biệt từ trái dừa mà chỉ có bán trên đường phố Sài Gòn, đó là dừa tắc. Tôi lên Sài Gòn “phiêu bạt giang hồ” hơn mười năm mới biết dừa tắc là cái giống gì. Tắc tức là trái quất đó, người miền Nam còn kêu là cây hạnh, trái hạnh (hạnh phúc).

Trong cái nóng hừng hực của đất Sài Gòn, vào những buổi trưa hè cái nóng như nhân lên khi mặt đường nhựa hút nóng của mặt trời rồi tỏa nhiệt ra, mười một giờ đêm vẫn còn nóng hừng hực. Tôi có cảm giác mình đang bị “nướng” giữa mặt trời hè và mặt đường, lúc đó không gì ngon bằng chạy ra đường Pasteur quận 3 ngồi dưới bóng cây, uống một ly dừa tắc mát lạnh giá năm ngàn đồng một ly cối lớn từ các xe đẩy bán rong trên vỉa hè.

Dừa tắc được pha từ nước dừa xiêm tươi. Làm món giải khát này rất dễ, chỉ cần một trái dừa xiêm ngon, năm sáu trái tắc vừa chín tới, đường, muối, nước đá viên là đủ. Dừa xiêm tươi phải lựa trái không to lắm nhưng cầm nặng tay mới là dừa nhiều nước, vừa ăn. Dừa già quá cơm dừa bị cứng, ăn không ngon, ít nước và nước dừa không ngọt. Dừa non quá cơm dừa mỏng, ít nước, nước dừa chưa đủ độ ngọt, cũng không ngon.

Lựa trái tắc còn tươi, không xanh quá (chua khé), cũng không chín quá (thiếu độ chua thanh), vừa hơi vàng vàng xanh xanh là tốt nhứt. Lựa trái lớn, da căng, vỏ mỏng bóng láng thì  mới nhiều nước và ngon. Ờ, chỗ này nói rõ luôn là phải mua trái tắc Việt Nam, không mua trái tắc Thái Lan. Tắc Việt Nam có đặc điểm mùi thơm hấp dẫn, trái tròn, vỏ mỏng, vị chua thanh, nếu trái vừa chín tới có vị chua chua, ngọt ngọt. Còn tắc Thái Lan trái hơi giống hình quả trám, màu vàng, vỏ dày, vị ngọt, ít nước. Kẹt quá thì xài đỡ tắc Thái chớ nói trước là làm dừa tắc bằng tắc Thái là không ngon bằng tắc Việt Nam rồi. Chợ ở Nam California thấy bán trái tắc Thái nhiều hơn tắc Việt Nam, nhưng tôi cũng thấy các ngôi nhà Việt Nam ở khu vực quận Cam này trồng nhiều trái cây Việt Nam, có nhiều tắc, ta có thể “lợi dụng tình cảm bạn bè” đến nhà chôm tắc.

Trái tắc rửa sạch, xẻ làm hai, vắt lấy nước cốt, bỏ hột. Vỏ tắc xắt chỉ mỏng. Cho vỏ tắc và nước cốt tắc vô chung, ướp với khoảng ba bốn muỗng cà phê đường cát trắng và một phần ba muỗng cà phê muối nghiền. Ðể chừng một giờ đồng hồ cho vỏ tắc thấm đường và muối.

Dừa xiêm chặt ngang đầu, lấy nước để riêng. Dùng cây dao lớn chặt đôi trái dừa (đã lấy hết nước dừa) rồi dùng cái muỗng nạo lấy hết cơm dừa. Nếu nạo ra miếng cơm dừa lớn quá thì xắt thành miếng nhỏ cho dễ uống. Cho tất cả cơm dừa, nước dừa vô tủ lạnh ướp lạnh, các xe đẩy bán rong họ cho vô thùng nước đá.

Ðem phần tắc, đường vừa ướp ở trên cho vô nồi, bắc lên bếp nấu nhỏ lửa cho đến khi thấy sôi lên sền sệt, vỏ tắc chuyển sang màu vàng óng và trong vắt là được, lúc này nhìn nó giống như một thứ siro. Tắt lửa, nhắc nồi xuống. Chờ nguội rót vô hũ thủy tinh để vô tủ lạnh cất, hoặc ướp lạnh trong thùng nước đá.

Khi uống, rót nước dừa ra ly, múc thêm cơm dừa vô, múc vài muỗng siro kể trên cho vô ly, khuấy đều rồi thêm nước đá viên vô ly. Vậy là chúng ta có một ly nước dừa tắc mát lạnh để uống giải khát trong cái nóng hừng hực mùa hè rồi.

Tôi không biết những tiểu bang khác có bán trái dừa tươi hay không, nhưng các chợ khu vực Nam California thì trái dừa tươi bán nhiều lắm. Người Việt có thể mua trái dừa tươi về làm món dừa tắc cho gia đình mình thưởng thức. Còn không có trái dừa tươi, có thể mua nước dừa tươi đóng lon của Singapore xài tạm cũng được, tất nhiên là không thể bằng trái dừa tươi mới chặt ra, nhưng có còn hơn không.

Cầm ly nước lên, nhấp từng ngụm nhỏ nước dừa tắc trong ly để từ từ tận hưởng vị ngọt thanh mát lạnh nước dừa, vị ngọt ngọt chua chua nhẹ nhàng của tắc, của đường, hơi một chút mằn mặn của muối, nhai chút cơm dừa sần sật, vừa giòn vừa béo của cơm dừa, quan trọng hơn là mùi thơm dịu quyến rũ của vỏ tắc, thiệt là hấp dẫn vô cùng. Bao nhiêu cái nóng chạy đi đâu mất sạch.

TPT