Tin trên lưới cho biết vừa qua nhà Phương Nam trong nước cho tái bản cuốn Một Cơn Gió Bụi của Trần Trọng Kim, nhưng liền sau đó Cục Xuất Bản của nhà nước CS ra lệnh tịch thâu khiến dư luận bất bình.
Bài này không phải là một tiểu luận về cuốn Một Cơn Gió Bụi. Nó chỉ là cảm xúc chợt dấy lên khi nghe tác phẩm Kiến Văn Lục của Lệ Thần bị cắt xén rồi tịch thu. Về một tiểu luận đàng hoàng và kinh điển hơn thì xin đợi bài viết của Trương Vũ vậy nha, thưa bằng hữu.
Mình đã có đọc Một Cơn Gió Bụi từ hồi còn ngồi trên ghế giảng đường và ấn tượng còn lại tới bây giờ là cuốn sách hay, gợi cảm xúc và suy nghĩ. Nhưng hỏi còn nhớ gì không thì quả là mơ hồ lắm lắm. Và ngay bây giờ khi cuốn sách bị vùi dập và tịch thu Nguyễn cũng rất muốn có một cuốn lành lặn và đầy đủ để đọc lại. E phải tìm đọc trên E.book thôi, nếu thì giờ cho phép.
Hiện tại trước mắt xin điểm qua dư luận về cuốn Kiến Văn Lục bị tịch thu.
Một trong những lý do đầu tiên được Cục Xuất Bản của chính quyền CS nêu lên là cuốn sách ra không đúng thể loại như đã đăng ký. Về điểm này nhà báo Sơn Kiều Mai có nhận định: Nxb đăng ký thể loại Thơ Văn nhưng nội dung cuốn sách khi xuất bản không đúng thể loại. Tôi cho rằng đây là võ đoán. Chẳng có chỗ nào để Cục Xuất bản khẳng định được đây không phải là sách Thơ Văn hết. Tôi dẫn ra vài dấu hiệu nhận biết nhé:
– Bìa sách và bìa lót viết: MỘT CƠN GIÓ BỤI (Kiến Văn Lục).
Tên sách như thế thì Thơ Văn quá còn gì. Có chăng là giàu tính thơ văn mà thiếu tính đảng…
– Ngay Ðề từ cụ Trần Trọng Kim dẫn 2 câu thơ Ðường: “Liêu lạc bi tiền sự/ Chi ly tiếu thử thân”. Cụ tự dịch là: Quạnh hiu buồn nỗi trước kia/ Vẩn vơ chuyện vặt, cười khì tấm thân”.
Như thế, ý cụ muốn nói rằng, cái món Kiến Văn Lục này của tôi ấy nó là Chuyện Vặt vì thế tôi mới đặt cho nó là MỘT CƠN GIÓ BỤI.
Vậy là đúng với đăng ký đề tài của NXB Hội Nhà văn quá còn gì nữa.”
Nhà báo Trương Huy San cho biết thêm: Lý do chính để Cục xuất bản ra lệnh thu hồi Một Cơn Gió Bụi của học giả Trần Trọng Kim là vì “cuốn sách có nhiều chi tiết, đánh giá không phù hợp, không khách quan hoặc chưa được kiểm chứng”. Một cơn gió bụi (Kiến văn lục) là cuốn hồi ký của học giả Trần Trọng Kim (1882-1953), từng được NXB Vĩnh Sơn phát hành năm 1969. Ðầu năm 2017 sách được NXB Hội nhà văn và Phương Nam Books phát hành.
Nhận định về điểm này, nhà báo họ Trương viết: “Sự thật lịch sử là một khối đa diện, không ai có thể tiếp cận hết mọi tiết diện. Nếu sách có những chi tiết “không phù hợp, không khách quan hoặc chưa được kiểm chứng” thì hãy để các nhà sử học khác kiểm chứng, chỉ ra cái sai. Ðiều quan trọng là những gì cụ Trần Trọng Kim viết trong Một Cơn Gió Bụi đã phải là sự thật hay chưa. Nếu đã là sự thật thì nó luôn phù hợp ở mọi thời đại, chế độ nào thấy một sự thật không phù hợp với mình thì chế độ đó… không phù hợp với thời đại nào của loài người cả.”
Mạnh Kim, viết trên Văn Việt: Lại thêm một quyển sử bị cấm phát hành. Lần này là “Một cơn gió bụi” của học giả Trần Trọng Kim. Không chỉ là “một cơn gió bụi”, hồi ký của Lệ Thần Trần Trọng Kim, một tượng đài văn hóa Việt Nam thế kỷ 20, thật ra là một “cơn bão” xét dưới góc độ kiểm duyệt hiện hành. Nó tiết lộ các chi tiết về “một góc đời thường” Hồ Chí Minh, về vai trò rất ít được biết của Võ Nguyên Giáp, về những ngày tranh giành quyền lực và triệt hạ nhau giữa Việt Minh với các đảng phái đối thủ mà Việt Minh có khi không ngần ngại dùng “mền trùm đầu rồi bắt đi mất tích”. Việt Minh, theo miêu tả trong “Một cơn gió bụi”, là tổ chức có thủ đoạn chính trị quỷ quyệt bậc nhất giai đoạn lịch sử thập niên 1940.”
Mạnh Kim nói thêm: “Một cơn gió bụi” nhìn lại một giai đoạn biến động tranh tối tranh sáng và nó cũng đúc kết vài nhận định. Bất luận những nhận định này có chủ quan hay không, dưới góc nhìn một chứng nhân lịch sử khả tín như cụ Trần, thì hồi ký “Một cơn gió bụi” cũng cần được đọc lại, không chỉ bằng nhãn quan lịch sử mà còn bằng lăng kính đương đại, để hiểu quá khứ ảnh hưởng đến hiện tại như thế nào, và cũng để thấy một nghịch lý nực cười rằng, đôi khi giữa quá khứ với hiện tại không hề tồn tại khoảng cách hay chiều dài thời gian như một yếu tố thường dẫn đến khác biệt hoặc thay đổi, khi nói đến cái gọi là “bản chất”.
Nhà báo Tuấn Khanh cất lời than thở: Thật ngạc nhiên, bản PDF từ một cuốn sách cũ của học giả Trần Trọng Kim đột nhiên trở thành thứ được săn tìm trong suốt nhiều ngày ở Việt Nam, kể từ khi có lệnh “ở trên” là phải thu hồi bản in lại của nhà sách Phương Nam từ ngày 26/6/2017. Dù đó là một phiên bản bị kiểm duyệt và cắt xén một cách tồi tệ.
Những câu chuyện bị xoá đi, những chi tiết quan trọng liên quan đến những nhân vật lịch sử như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp được giấu lại sau lưỡi kéo kiểm duyệt của chính quyền. Nhưng chính điều đó, lại khiến vô số người săn tìm và đọc lại những bản in gốc để ngẫm nghĩ về chuyện tình của ông Hồ Chí Minh với cô Ðỗ Thị Lạc, rồi chuyện những người kháng Pháp đầu tiên từ chối không muốn theo cộng sản đã bị Việt Minh thủ tiêu… Thậm chí đây là cơ hội-đánh động để nhiều người nhìn thấy lại một chính phủ dân chủ đầu tiên của người Việt với chủ nghĩa quốc gia, chỉ trong 4 tháng tồn tại đã tạo ra những tiền đề cho một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và văn minh như thế nào.
Người viết trang này đương nhiên bất bình với công việc làm man trá, thô bạo của các cấp chính quyền và cơ quan trong nước. Cho xuất bản rồi lại thu hồi sách. Như thể cho nói rồi bịt miệng người ta lại. Nó là một sự xúc phạm đối với vị học giả đáng kính đã có nhiều công đóng góp cho đất nước. Nếu sách có gì sai lầm thì các thức giả sẽ chỉ ra. Việc gì phải lồng lộn, quay cuồng trong hành xử. Với lòng tôn kính một nhân vật của lịch sử, Nguyễn tôi xin đăng lại một bài thơ về cơn gió bụi một thời với đề từ dâng lên vị tiền bối:
soi bóng tôi
*Kính viếng Lệ Thần Trọng Kim. Một cơn gió bụi
Làm cánh chim hung hãn
người soi bóng xuống mặt ao hồ
thấy mây nương dâu. bay đi. bay đi
nửa thế kỷ soi dòng lịch sử
những đoàn người đi. những đoàn người thành bụi đất
những thôn xóm trong thơ. những thôn xóm vỡ. hoàng hôn
thành phố ấy nắng mưa xoi mòn. gạch ngủ
nắng mưa dài bãi bờ xa
cách chim bay không tới
nửa thế kỷ. tôi từng thấy những bông hoa nở gấp.
trong bùn
những ngọn gió sắc. như dao
chúng ta chia nhau mưa phùn. và cơn sấm động
húp bát cháo cô hồn
đấm ngực. khi qua cầu. nắng dội
từng cơn chớp bể mưa nguồn
nửa thế kỷ. những người anh hùng tóc râu.
rừng cháy
mắt trăng giếng khơi
xanh của đá. xanh
xanh của đá xanh
ngất tiếng tù và xung trận. khuya sương tây hồ
cơn giông lớn một thời
từng thắp suốt dòng sông
lửa phù du
soi mặt người và quỷ
nửa thế kỷ
bóng cờ che trước cửa mỗi nhà
cửa đóng
cây bàng mùa đông. tiếng kêu màu đỏ. giữa trời
em lên mười tuổi
ngọn đèn âm u phố
vương phủ nghèo. nắng phai
và
trên bản thảo của nhà thơ
mây hoàng hôn. cơn bão rớt. vầng trăng hát rong
ruộng đồng. bình minh. lên cơn dữ
nửa thế kỷ
hôm nay dưới mái tranh
chỉ còn lại cây đàn hư
và tiếng gió
người nghệ sĩ đi trong ngọn nắng hoang
nửa thế kỷ
soi bóng tôi
trên những trang thơ nức nở này
TN