Menu Close

Cần chuẩn bị gì khi bảo lãnh con nuôi

Chào anh Huy Tôn!

Xin anh cho tôi biết các quy định và thủ tục khi bảo lãnh con nuôi qua Mỹ  là như thế nào? Gia đình tôi có cháu nhận nuôi từ năm 4 tuổi đến nay cháu đã 20 tuổi và gia đình tôi cho phép cháu giữ liên hệ với cha mẹ ruột. Vậy sau khi cháu đến Hoa Kỳ nếu cháu bảo lãnh cha mẹ ruột thì có ảnh hưởng gì đến gia đình chúng tôi không? Xin cảm ơn anh và chúc anh nhiều điều tốt lành. An Nguyễn

Chào bạn!

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi. Theo hiệp ước giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, việc nhận con nuôi từ Việt Nam sẽ có hiệu lực vào ngày 16/09/2014. Tuy nhiên hiện nay vẫn có rất nhiều trường hợp ba mẹ muốn bảo lãnh cho con nuôi nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị các giấy tờ cần thiết và mở hồ sơ bảo lãnh. Bài viết này sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về Luật di trú cũng như Diện bảo lãnh con nuôi.

Theo luật di dân Hoa Kỳ, bảo lãnh con nuôi sẽ được chia làm hai trường hợp:

– IR-3: Con nuôi của công dân Hoa Kỳ

– IR-4: Con nuôi của công dân Hoa Kỳ (được nhận nuôi ở Hoa Kỳ)

Bài viết này sẽ tập trung chính vào trường hợp bảo lãnh con nuôi của công dân Hoa Kỳ được nhận nuôi tại Việt Nam (IR-3).

Ðể mở hồ sơ bảo lãnh diện con nuôi IR-3, bạn cần chuẩn bị các giấy tờ cũng như hồ sơ cần thiết để chứng minh cho mối quan hệ của cha mẹ và con nuôi là thật. Có một lưu ý là các giấy tờ xác nhận con nuôi cần phải được pháp luật công nhận (giấy chứng nhận quyền nuôi con nuôi).

Ðầu tiên và quan trọng nhất đó là để được xác định là một người con nuôi thì phải hội đủ 3 điều kiện như sau:

– Người con nuôi phải được nhận làm con nuôi trước khi 16 tuổi và sự nhận nuôi phải được hợp pháp theo luật pháp nơi con nuôi được nhận.

– Người con nuôi phải ở chung nhà với cha hoặc mẹ nuôi đủ 2 năm và sự ở chung nhà có thể xảy ra trước khi hoặc sau khi được nhận làm con nuôi. Lưu ý: thời gian sống chung là 2 năm trước khi con nuôi đủ 16 tuổi.

– Người con nuôi phải dưới quyền giám hộ của cha hoặc mẹ nuôi đủ 2 năm.

Ngoài ra, theo luật Việt Nam thì cha mẹ nuôi phải lớn hơn con nuôi ít nhất 20 tuổi thì mới được nhận con nuôi tại Việt Nam. Và tốt hơn hết, việc giao nhận con nuôi cũng như các giấy tờ chứng minh quyền giám hộ trên cần được chính quyền địa phương nơi cư trú xác nhận để hợp pháp hóa việc giao nhận con nuôi.

Khi một người xác định là con nuôi thì dưới luật Di trú Hoa Kỳ người con nuôi đó sẽ được hưởng tất cả quyền lợi di trú như của một người con ruột. Con nuôi có thể được áp dụng vào những trường hợp như là cha hoặc mẹ nuôi bảo lãnh cho con nuôi, anh chị nuôi có thể bảo lãnh cho nhau, và cha hoặc mẹ nuôi là người được bảo lãnh thì người con nuôi được chung một hồ sơ của cha hoặc mẹ nuôi như trong những điều kiện bảo lãnh thân nhân theo diện ưu tiên đó. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, khi một người xác định là con nuôi và đã hưởng được quyền lợi di trú theo cha hoặc mẹ nuôi thì người con nuôi đó sẽ không được bảo lãnh cho cha mẹ ruột hoặc anh chị em ruột. Ðây là một điểm cần lưu ý cho trường hợp con nuôi mong muốn được ba mẹ nuôi bảo lãnh đi Mỹ để rồi sau khi đến Mỹ mở hồ sơ bảo lãnh cho ba mẹ và anh chị ruột.

Ðể có thể mở hồ sơ bảo lãnh con nuôi thì cần phải có các giấy tờ như “Cho, nhận con nuôi” hợp pháp và giấy tờ chứng minh cha mẹ có thời gian sống chung với con nuôi là 2 năm trước khi con nuôi đủ 16 tuổi. Ngoài ra, để tăng sức thuyết phục, hồ sơ bảo lãnh con nuôi còn cần cung cấp các giấy tờ, bằng chứng để chứng minh rằng trong suốt thời gian nuôi đứa trẻ thì người cha mẹ nuôi đã thực sự thể hiện rõ vai trò làm cha, làm mẹ của mình. Cụ thể là:

– Giấy nhận nuôi con nuôi của cơ quan thẩm quyền cấp.

– Sổ hộ khẩu hay giấy tạm trú có tên cha hoặc mẹ nuôi và con nuôi chứng minh việc sống chung nhà, và sống chung trên 2 năm tính từ lúc con nuôi nhập khẩu.

– Giấy khai sinh hoặc giấy chuyển đổi tên của con nuôi theo họ của cha mẹ nuôi.

– Học bạ từ cấp 1, cấp 2,…: trong học bạ phải có tên cha mẹ nuôi và tốt nhất nên có một bản xác nhận của hiệu trưởng về việc giám hộ của cha hoặc mẹ nuôi (chăm sóc, đóng học phí, họp phụ huynh,…) trong 2 năm.

– Hình ảnh, thư từ, giấy chuyển tiền, tin nhắn liên lạc qua các phương tiện thể hiện từ thuở nhỏ kéo dài đến hiện tại.

– Giấy tờ liên quan tài chính (sổ tiết kiệm) hay tài sản có giá trị khác có tên chung của cha/mẹ và con nuôi.

– Ngoài ra, những lá thư xác nhận mối quan hệ của những người thứ 3 cũng thật sự cần thiết.

Trên đây là chi tiết các điều kiện cũng như các giấy tờ quan trọng cần chuẩn bị cho diện bảo lãnh con nuôi, mong rằng đây là một thông tin hữu ích cho những ai đang có mong muốn mở hồ sơ bảo lãnh cho con nuôi của mình.

Nếu bạn và gia đình có thắc mắc hoặc cần tư vấn chi tiết hơn về trường hợp bảo lãnh của mình, vui lòng liên lạc với SG VISA để được giải đáp cụ thể.

Huy Tôn & SG VISA Team

Huy Tôn & SG VISA Team

Lầu 14 toà nhà HDTC

36 Bui Thi Xuan, P. Ben Thanh, Q.1

Tp.HCM, Vietnam

Email: info@sgvisa.org

Phone: 0919106590