Khu chung cư mà tôi vừa “nhập trạch” nằm gần cầu Nhật Tân, Hà Nội. Tòa building không có tầng mang số 13 mà kế sau tầng 12 là tầng 12A. Người Việt không mê tín kiêng kỵ con số 13 của phương Tây, nhưng có lẽ là “giao lưu văn hóa” với mấy chú Tây nên tay chủ đầu tư đã bỏ hẳn con số 13. Chung cư này được cho là cao cấp ở thành phố này.

Xung quanh khu chung cư tôi ở cũng có một building 18 tầng đang xây, một khu tái định cư 12 tầng, một buiding “tháp đôi” 40 tầng, đã xây gần xong 20 tầng. Từ cửa kiếng của phòng khách hay phòng làm việc, tôi có thể nhìn ra Hồ Tây mỗi ngày.
Ở đây người ta cho thuê theo mấy phương thức. Khách thuê dài hạn thì hoặc là thuê xác nhà; thuê căn bản; thuê full đồ và thuê “căn hộ dịch vụ”. Thuê xác nhà thì chỉ có cái xác nhà trống không và tự lắp bếp, máy lạnh, bình nóng lạnh. Thuê căn bản thì người thuê nhà có những thứ như trên và là cách thuê phổ biến nhất. Cách khác là thuê full đồ với sẵn hết các thứ từ tivi, bàn ghế, tủ, bàn làm việc, etc. Và chỉ việc xách cái vali vô là ở luôn! Còn thuê “căn hộ dịch vụ” là chủ cho thuê nhà sẽ bao toàn bộ các dịch vụ như điện, nước, internet, các chi phí phụ liên quan như lệ phí vệ sinh, lệ phí an ninh, etc. Giá cho thuê kiểu “căn hộ dịch vụ” khá cao và người chủ thường chỉ muốn cho dân Tây thuê chứ không muốn cho người Việt thuê. Vì họ biết người Việt đồ “bao bụng” thì ăn xả láng; vừa ăn vừa bỏ cho đáng đồng tiền!

Khu tôi ở cũng có những căn cho thuê xác nhà, cho thuê căn bản và cho thuê full đồ. Ngay cả trong cái khe hẹp nhỏ này thì cũng đã có những tay “kinh doanh tháo vát”, họ thuê xác nhà của chủ nhà, lắp ráp đầy đủ các thứ rồi cho người khác thuê lại full đồ với giá cao hơn để họ ăn phần chênh lệch giá. Và thường những hợp đồng như vậy kéo dài hạn cũng dễ rủi ro rất lớn cho những tay “kinh doanh xác nhà trung gian”.
Khác với những căn apartment bên Mỹ, hầu hết những căn chung cư ở Việt Nam hoàn toàn không có closet, và cư dân phải tự thiết kế closet riêng như căn chung cư ở đây. Họ lại phải ới thợ đến lắp ráp những miếng gỗ plywood để có được cái tủ đựng đồ ưng ý. Cái closet ở Việt nam không thuộc nhu cầu tiện nghi tối thiểu, mà nó thuộc loại xa xỉ còn hơn cả cái “walking closet” của các bà nội trợ xứ Mỹ.
Nhập trạch – dọn vào nhà mới, tôi sắm liền cái máy giặt hiệu Electrolux, có đầy đủ chỉ dẫn tiếng Việt từ cách giặt đồ mỏng, đồ len, đồ cotton… Phần lớn các thiết bị Việt Nam đều đã được Việt hóa, từ tủ lạnh, bếp từ, nồi cơm điện, máy giặt, etc. Tôi đọc cái phiên bản Việt ngữ chỉ cách giặt đồ mà đến lọng cọng theo kiểu “hiểu chết liền”! Phần lớn dân Việt ta tận dụng năng lượng mặt trời làm máy sấy thiên nhiên, hiếm ai muốn bỏ ra vài ba triệu hay mười mấy triệu chỉ để sắm về một cái máy sấy đồ.

Dù chung cư cao cấp cũng không có được hệ thống central air, không khí vẫn thiếu điều hòa. Nhà tôi ở hướng “đón gió Hồ Tây”, máy lạnh trang bị đầy đủ mỗi phòng nhưng cái phòng tắm và nhà bếp vẫn là nơi cực nóng ẩm, ngột ngạt. Ðiều hòa là cách thường gọi về máy lạnh bên Việt nam, “điều hòa một chiều” là chỉ có một chiều lạnh, còn điều hòa hai chiều là có cả chiều sưởi vào mùa đông.
Tôi đặt mua một “cây nước nóng lạnh” (máy lọc nước) để dùng, bình 5 gallons tương đương cỡ 19 lít của công ty nước khá uy tín với “nước lọc tinh khiết Sapuwa”. Thực ra, có tin đồn nước ở Hà nội cũng bị ảnh hưởng từ nguồn nước ở khu vực phía Nam Hà nội như nguồn nước ở mạn Văn Ðiển bị nhiễm váng mỡ. Cộng đồng expat (người nước ngoài tới sống và làm việc) vẫn biết rằng, người mới sang sống ở Việt nam thường có sự cẩn trọng đến việc dùng nước đóng chai từ Sapuwa hay La Vie cho cả việc sinh hoạt nấu nướng, nhưng sau vài năm thì cũng nhận ra rằng là ở Hà Nội không ai nấu phở bằng nước La Vie cả!
Khu chung cư mới toanh, mới đến nỗi lối vào chính thức là con đường dọc con kênh xanh xanh còn lẫn mùi sình bùn của đường làng cũ. Những cư dân mới chuyển đến thì do thói quen của thị dân cao cấp, nên sớm hay chiều cũng đều đạp xe hay chạy bộ mặc dù con đường đất vẫn tung đầy bụi bặm, hoặc đi bộ lòng vòng trên tầng thượng lồng lộng gió. 2/3 dân cư đã dọn vào mà hạ tầng như đường sá, cống rãnh lại chưa xong nên mọi thứ mới mẻ đều trở nên ngồ ngộ. Khác với xứ Mỹ, nơi mà các khu dân cư được xây dựng hạ tầng và các thứ tiện nghi xong hết thì mới xây đô thị. Ðiển hình như là khu tôi đang ở trọ là rõ rệt sự tương phản giữa trong và ngoài, mạng cáp quang fiber thì vẫn còn phải chờ tiếp vài ngày mới được kết nối. Và tôi đây đang gõ phím và truy cập internet thông qua mạng di động “bốn gờ” 4G, chứ không phải đường truyền cáp quang.

Ðiện thoại T-Mobile mang từ Mỹ về thì chẳng thể dùng cho những cuộc gọi roaming cước phí cao. Một người bạn mách rằng có SIM ghép cho chiếc iPhone 7 Plus rất hoàn hảo. SIM ghép VF Fone thực chất là một bảng vi mạch mỏng dẹt 2mm như tờ giấy pơ-luya có kích cỡ giống như chiếc SIM thật để có thể chồng cái SIM ghép lên chiếc SIM điện thoại Viettel, và chiếc SIM ghép sẽ đánh lừa chiếc điện thoại iPhone 7 plus T-mobile bị lock là SIM của T-Mobile vậy. Giá cả rất rẻ chỉ mất 200,000 đồng cho chiếc SIM ghép, thêm 60,000 đồng cho chiếc SIM Viettel bốc thăm số ngẫu nhiên và 100,000đồng tiền nạp tài khoản ban đầu là tôi có thể vi vu gọi điện từ số điện thoại Viettel của Việt nam. Quả là quá ư tiện lợi với chiếc SIM ghép “Made in Vietnam” này.
Mới về đây nhưng tôi đã có thói quen sắm đồ online qua các trang mạng như lazada, adayroi, tiki, mymall… Dường như trong thói quen mua sắm của người Việt đang phát triển nhảy cóc bỏ qua giai đoạn phát triển các đại siêu thị kiểu như Walmart hay Cotsco. Có lẽ tôi đã không chú ý đến e-commerce nhiều, mặc dù đã quá quen với những trang mạng như eBay, Amazon, Newegg, etc. Ở Mỹ thì sự tiện dụng mua sắm khắp mọi nơi, về đến xứ Việt ta thì từ cái tủ lạnh đến microware, máy lạnh, bình nóng lạnh và phần lớn đồ gia dụng tôi đều thực hiện bằng những cú click chuột. Thị trường online ở Việt nam, phát triển một phần vì phố xá, thời tiết nóng bụi và phương tiện giao thông chủ yếu là xe máy chứ không phải như xe hơi nên người tiêu dùng có thể ngồi nhà, click chuột và hàng giao tận cửa, thanh toán theo phương thức COD (Cash on Delivery).

Siêu thị Việt nam bán lẻ thịt chính xác tới từng lạng, thịt đóng gói chỉ nhỏ cỡ bàn tay chứ không như từng “cục thịt” tổ chảng của tư bản Mỹ với mác giá cân đo dán sẵn. Bà nội trợ kiểu Mỹ như tôi thì phải chọn đến ba, bốn gói thịt nhỏ mới đủ cho một nồi thịt kho trứng. Một lần trong siêu thị, thấy một bà đứng tuổi, vẻ rất nghiêm trọng quan sát một cậu nhân viên đang xẻo cá, vừa cẩn trọng, vừa lọng cọng trước thi thể con cá hồi tái ngắt đông lạnh trong siêu thị Vinmart, cũng đủ hiểu salmon ở Việt Nam là món cá thời thượng. Lại mơ màng đến từng “dề” salmon phi lê tươi rói xếp lớp trong quầy đông lạnh ở Costco. Gần cả đời sống trên đất Mỹ, có ai cần phải bận tâm đến sự an toàn thực phẩm là gì?
Rất có thể, sự hoang mang giữa ranh giới chân thành và giả tạo, quy tắc và ngoại lệ luôn là quy luật của một xã hội đầy nhiễu nhương này. Mỗi ngày, vào cái thang máy của khu chung cư phải quẹt liền cái “thẻ từ an ninh” thì mới dzọt lên/xuống tầng được. Mỗi khi nhận đồ delivery hay cánh thợ lắp đặt đồ đạc là tôi phải đón lên từ dưới tầng hầm gửi xe và khi ra về cũng phải quẹt thẻ từ để đưa họ xuống lại cầu thang máy. Rời nhà, là phải nhớ khóa vài lớp cửa… An ninh vậy mà vẫn đầy cảm giác bất an?!

Mới ở trọ chung cư và tôi lại ngẫu nhiên hình thành cái thói hay khoái đọc mấy cái “thông báo chung” của cư dân, tỷ như:
THÔNG BÁO
Kính gửi Quý cư dân!
Hiện nay một số căn hộ đang thi công lắp đặt cục nóng điều hòa sai quy định, không đúng như cam kết. Vậy bằng thông báo này, bộ phận An ninh đề nghị các hộ dân trong danh sách dưới đây tháo dỡ và lắp đặt lại cục nóng đúng như cam kết.
Danh sách bao gồm X0301, X1206
Xin trân trọng cảm ơn!
Thật khó trách cho cư dân nào muốn dời “cục nóng điều hòa” ra phía bên ngoài balcony. Dàn nóng điều hòa cứ thường trực phả hơi hỏa diệm sơn vào cái balcony mà tôi dự tính có thể bắc cái ghế cùng bàn trà nhỏ mà chiêm ngưỡng hoàng hôn Tây Hồ. Thôi, đành ngắm đầm xác cáo sau lớp cửa kính, cũng như chậu trúc chỉ vàng mới tậu về cành lá đã khô queo bởi dàn gió nóng thổi vù vù mùa chạy máy lạnh.
Gã bạn cũ Nghiêm Chỉnh nhắn tin hỏi Hà nội đã ổn với Hạnh chưa? Tôi trả lời: “Còn khuya mới ổn!”

Ðmh