Roger Waters là cựu thành viên ban nhạc Pink Floyd nổi danh một thời với các album kinh điển của nhạc rock như “Wish You Were Here” (1975), “The Wall” (1979). Riêng album “Dark Side of the Moon” (1973) đã bán hơn 45 triệu dĩa và được liệt vào hàng Top 100 dĩa nhạc hay nhất của mọi thời đại, nằm trong danh mục Billboard Charts hơn 700 tuần lễ liên tục. Bìa của dĩa này cũng được bầu chọn là một trong những hình bìa đẹp và ấn tượng nhất.


Sáng lập tại Anh Quốc năm 1965 bởi một chàng sinh viên tên Syd Barrett, Pink Floyd rã đám vào giữa thập niên 1990. Sau đó các thành viên nòng cốt như David Gilmour, Richard Wright và Roger Waters vẫn tiếp tục đi tour và chơi đơn lẻ. Năm 2005 toàn ban nhập bọn trở lại (trừ Syd Barrett) để chơi cho chương trình Live 8, tổ chức gần nơi nguyên thủ các nước G8 đang họp bên Anh, nhằm kêu gọi các quốc gia tiên tiến đóng góp tích cực hơn trong việc xoá nạn đói toàn cầu.
Người đứng đầu Live 8, Bob Geldof, là một nhạc sĩ và là diễn viên chính trong phim “The Wall” dựa theo dĩa nhạc cùng tên của Pink Floyd. “The Wall” cũng là một trong những dĩa nhạc bán chạy nhất trong lịch sử. Và vì là dĩa đôi nên “The Wall” được coi như dĩa bán nhiều nhất của Pink Floyd. Buổi diễn tại Live 8 được coi như lần cuối cùng Pink Floyd chơi chung trước công chúng, và họ đã riêng tặng bài “Wish You Were Here” cho Syd Barrett, lúc ấy đang mắc bệnh tâm thần rất nặng. Ðến năm 2006 thì Barrett qua đời. Năm 2008 Richard Wright cũng mất. Ban nhạc Pink Floyd kể như chấm dứt mặc dù vào năm 2012 và 2014 họ cũng cho ra hai dĩa mới (không có Roger Waters) nhưng không mấy thành công.

Năm 2013, Roger Waters có một tour lưu diễn thế giới mang tên “The Wall”, và đã gây ít nhiều phẫn nộ trong một số người Do Thái cực đoan. Họ gán cho anh tội danh “anti-semitism”, tức là “kỳ thị chủng tộc Do Thái”. “Anti-semitism” là một cụm từ nhạy cảm ghê gớm vì nó ám chỉ những kẻ thời Ðệ Nhị Thế Chiến đã đồng lõa với Hitler để tiêu diệt giống dân Do Thái. Lý do họ đưa ra là vì trong show nhạc của Waters có một trái bong bóng hình con heo được thả cho bay vòng vòng, trên con heo đó có hình ngôi sao David (dùng trên quốc kỳ Israel). Tất nhiên đây là một sự quy chụp hết sức khiên cưỡng, vì thật ra trên mình con heo ấy còn có vô số biểu tượng tôn giáo khác – như thập tự giá, trăng lưỡi liềm, thậm chí kể cả đồng đô la (tượng trưng cho “tư bản giáo”)…
Thêm nữa, chú lợn bay này đã được sử dụng từ thời Pink Floyd của thập niên 70, khi dĩa nhạc “Animals” ra đời. Từ đó về sau, nó luôn được dùng trong các show nhạc sống của Pink Floyd để chuyển tải những thông điệp mang tính cách chính trị hoặc các đề tài xã hội đương thời. Riêng đối với nước Do Thái, Roger Waters thuộc thành phần chống đối việc chánh quyền Israel chiếm đóng và đàn áp người Palestine, không cho họ các quyền công dân bình đẳng với người Do Thái. Waters đã từng hợp tác với Ðức Giám Mục Desmond Tutu, người được trao giải Nobel Hoà Bình năm 1984 nhờ những hoạt động chống chính thể kỳ thị (apartheid) tại Nam Phi. Cả hai đều quan niệm rằng chính phủ Do Thái cũng là một dạng apartheid và do đó cần đến áp lực quốc tế mới có thể thay đổi.
Vì lý do đó nên một số người Do Thái cực hữu đã chụp cho Roger Waters chiếc mũ “anti-semitism” to tổ bố. Nói theo kiểu người Việt mình là “tặng anh nón cối cho anh chừa!” Nhưng đối với một nhân cách lớn như Roger Waters, có người bố tử trận trong Ðệ Nhị Thế Chiến, thì những trò thị phi rẻ tiền này chẳng là gì cả. Quyền tự do sáng tác, tự do ngôn luận, tự do phát biểu là cốt lõi của nghệ thuật, anh không bận tâm. Ai thích thì mua dĩa của anh về nghe hay mua vé đi coi. Ai không thích thì thôi.

Năm nay Roger Waters có tour mới mang tên “Us + Them”, lấy ý từ bản nhạc “Us and Them” trong dĩa “Dark Side of the Moon”. Lần này cũng vậy, một nhóm người tiếp tục lên án Waters là kỳ thị người Jew. Tại Miami, nơi có đông người gốc Do Thái sinh sống, họ đã tung ra một bài báo chụp mũ Waters, khiến cho những trẻ em đã được chọn và tập dượt để trình diễn trên sân khấu trong bài “Another Brick in the Wall” bị rút tên vào giờ chót. Ban tổ chức phải gấp rút kiếm các em khác để tập cho kịp buổi diễn.
Chú heo bay cũng được cập nhật hoá, lần này để công kích và chế giễu Tổng thống Mỹ. Một số fan của Roger Waters (đồng thời là fan của Donald Trump) đã tỏ ra bất bình và phản đối bằng cách bỏ về nửa chừng hoặc chỉ trích thậm tệ trên mạng xã hội, v.v… Nhưng nhiều khán giả lại vỗ tay ủng hộ khi các hình ảnh giễu cợt Trump được phóng lên những màn ảnh cực lớn lúc ban nhạc chơi bài “Pigs (Three Different Ones)” (1973). Lời nhạc mô tả một chính trị gia mập như heo, nhiều tiền của nhưng thực chất vẫn chỉ là một tên phường tuồng (charade). Và khi hắn giả vờ đặt tay lên ngực thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ:
Big man, pig man
Haha, charade you are!
You well-heeled big wheel
Haha, charade you are!
And when your hand is on your heart
You’re nearly a laugh
Almost a a joker
But you’re a cry!
Chuyện khán giả la ó phản đối trong các show nhạc của Pink Floyd cũng chẳng phải mới lạ. Năm 1977, tại Montreal, khi ban nhạc chơi đến bài “Pigs”, một tay fan cuồng đã ném chai bia lên sân khấu. Roger Waters gọi hắn lại gần, giả vờ giúp kéo hắn lên khán đài xong nhổ nước miếng ngay vào mặt hắn. Ban nhạc vẫn tiếp tục chơi tỉnh bơ như không có gì xảy ra. Nói vậy để hiểu Roger Waters là một nghệ sĩ có lập trường chính trị rõ ràng, và anh đã dùng âm nhạc để phát biểu chính kiến của mình từ mấy chục năm nay.

Như ông bà mình nói, gừng càng già càng cay. Trong tour mới nhất này các hình ảnh mang thông điệp chính trị được phóng lên một tấm màn LED khổng lồ trên sân khấu: chống chiến tranh, chống bất công xã hội, chống kỳ thị tôn giáo và chủng tộc, chống khủng bố, chống đói nghèo v.v…
Ðể kết thúc Phần Một là bài “Another Brick In The Wall” với một dàn trẻ em cỡ tuổi teen. Không biết đã được tập dợt bao lâu, nhưng các em tỏ vẻ rất thành thạo trong các điệu nhảy múa, dĩ nhiên cũng nhờ có người đứng phía dưới để điều khiển. Khúc cuối các em cởi áo khoác ngoài ra để lộ những chiếc áo thun in chữ RESIST (chống cự), màn hình cũng chiếu chữ RESIST thật to, một thông điệp thẳng thừng không ai có thể hiểu lầm.
Phần Hai của chương trình còn có thêm những tấm màn hình to lớn được hạ xuống từ nóc rạp, ngăn khán đường ra làm đôi theo chiều dọc. Trên đó, những chiếc ống khói nổi lên cao to, phun khói như nhà máy trên hình bìa dĩa “Animals”, nhưng thay vì thải chất độc hại thì chúng nhả ra một mùi hương vô cùng dễ chịu! Sau bài “Dogs” thì đến bài “Pigs” với những hình ảnh không mấy đẹp đẽ về ông Trump đã làm thiên hạ cười ồ. Bài nhạc dài trên 15 phút. Ðến đoạn cuối, một số những câu nói “bất hủ” của Donald Trump được chiếu lên màn ảnh cho mọi người cùng xem và suy gẫm. Chẳng hạn như:
“Nếu Ivanka không phải là con gái tôi thì tôi đã cặp bồ với nó rồi.”
“New York đang lạnh cóng vì tuyết. Chúng ta cần có Global Warming!”
“Thật lòng mà nói, tham bao nhiêu cũng không đủ.”
v.v. và v.v. Và cuối cùng là câu “Trump Là Con Heo” thật to, nhưng chỉ xuất hiện chừng hai giây thì vụt tắt!
Phải công nhận đây là một show nhạc được dàn dựng hết sức công phu, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Những dàn đèn được bố trí khắp nơi. Ðặc biệt là các tia laser được sắp xếp để kiến tạo chiếc lăng trụ (prism) khi ban nhạc chơi đến bài “Eclipse” trong dĩa “Dark Side of the Moon”.
Thành viên trong ban nhạc của Roger Waters đều là những nhạc sĩ thượng thặng. Từ tay đánh keyboard cho tới tay trống. Anh chàng chơi guitar có giọng hát hay chẳng thua gì David Gilmour. Hai nữ ca sĩ hát bè đến từ ban nhạc Lucius cũng ngầu không kém, nhất là khi họ cất tiếng hát solo bài “The Great Gig in the Sky”, nghe muốn nổi da gà!
Chàng thổi kèn saxophone thì được thiên hạ vỗ tay không ngớt khi thổi solo bài “Money”, có thể xem như bản nhạc nổi tiếng nhất của Pink Floyd. Roger Waters khi thì vừa đánh bass vừa hát, khi thì chỉ đứng hát suông (phần bass do tay guitar đảm nhiệm). Bài nhạc chủ lực của chương trình, “Us And Them”, đã được Roger Waters trình bày rất là phê.
Từ đầu đến cuối, gần 20,000 người trong sân banh American Airlines Center hầu như không ai muốn ngồi xuống. Và khi chương trình kết thúc với bài “Comfortably Numb” thì tất cả đều đứng dậy và cất tiếng hát theo. Khi những nốt nhạc cuối cùng sắp dứt, hàng ngàn những tấm confetti từ trên trần nhà được thả ra, bay xuống đám đông. Mỗi miếng giấy đỏ được in chữ “RESIST!” thật rõ. Ý chừng Waters muốn nhắn nhủ mọi người một lần nữa về quan điểm chính trị của mình để khỏi ai phải thắc mắc.
Nhớ lại thời 75 khi mới qua Mỹ, bắt đầu nghe đến Pink Floyd qua những dĩa như “Wish You Were Here”, “Dark Side of the Moon”, nhưng không có điều kiện và cơ hội đi xem. Mãi đến bây giờ mới được nghe nhạc sống của Pink Floyd lần đầu tiên, thật là một cảm giác khó tả, nhất là khi tình hình thế giới đang căng thẳng như chưa từng thấy. Sực nhớ năm ngoái có lần nổi hứng phóng dịch lời bài “Us and Them” sang tiếng Việt, mạn phép chép ra đây cho bà con đọc chơi. Ai chưa nghe bài này thì lên Youtube kiếm nghe thử cho biết, bảo đảm không hay không lấy tiền! Ai đã nghe rồi thì… nghe lại cho vui!
Ðịch Và Ta
“Us and Them” by Pink Floyd
Ðịch và ta–
toàn những con chốt không mà.
Tôi và anh–
đâu thằng nào muốn chiến tranh.
“Tiến lên!” từ sau có tiếng ai la,
một loạt đi đầu gục ngã.
Tên tướng ngồi trước tấm bản đồ,
những lằn quân xích lại xê qua.
Ðỏ và đen–
Làm sao phân biệt lạ hay quen,
anh hay em?
Xuống và lên–
cuối cùng chỉ là cuộc chạy quanh.
“Ðây là trận chiến của ngữ ngôn!”
gào to một kẻ cầm băng rôn.
Gã cầm súng bảo, “Phải rồi đấy,
trong đây còn dư chỗ nè con!”
“Thiệt ra tụi nó không giết chú đâu. Giựt nó một phát điếng người là nó chừa ngay. Hiểu hông? Mà tau nhẹ tay lắm rồi, chớ đáng lẽ phải bắn cho nát bét – tau tỉa nó nhõn một phát hè. Ai khác dám nghĩ tau hổng tử tế, nhưng mà nói ngay, xử đẹp đâu mất đồng nào phải hông em?”
Thua và thôi–
không thể nào tránh
vì cứ hở ra là oánh.
Có và không–
chẳng thể phủ nhận
nguyên nhân của bao chiến trận.
Ði chỗ khác chơi! Hôm nay ta bận,
có nhiều điều phải nghĩ suy.
Vì giá trà và một khuỷnh thị phần
lão ông đột quỵ.
Us and them
And after all we’re only ordinary men
Me and you
God only knows it’s not what we would choose to do
“Forward” he cried from the rear and the front rank died
And the general sat
And the lines on the map moved from side to side
Black and blue
And who knows which is which and who is who
Up and down
And in the end it’s only round and round
“Haven’t you heard it’s a battle of words?”
The poster bearer cried
“Listen son”, said the man with the gun
“There’s room for you inside”
I mean, they’re not gonna kill ya
So if you give ‘em a quick short, sharp, shock, they won’t do it again
Dig it? I mean he get off lightly
Cause I would’ve given him a thrashing
I only hit him once!
It was only a difference of opinion
But really, I mean good manners don’t cost nothing do they, eh?
Down and out
It can’t be helped but there’s a lot of it about
With, without
And who’ll deny it’s what the fighting’s all about?
Out of the way, it’s a busy day
I’ve got things on my mind
For the want of the price of tea and a slice
The old man died
IB
“Pigs” (Dallas, TX). https://youtu.be/0QkKwc6C_-w