Ðầu đường Ðại lộ Cộng Hòa có cái bùng binh nơi đường Phạm Viết Chánh, Hồng Thập Tự, Lý Thái Tổ, Hùng Vương, Nguyễn Hoàng và Ðại lộ Cộng Hòa gặp nhau. Ra khỏi bùng binh, chạy trên Ðại lộ Cộng Hòa thì trường Trung học Petrus Ký nằm ở đầu đường phía bên tay phải. Ðối diện bên kia cổng trường Petrus Ký là thành Ô-ma (Camp des Mares), là Bộ Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa. Vì địa thế đặc biệt như vậy nên các biến cố chánh trị lớn, nhỏ thời đó trường Petrus Ký dù muốn dù không cũng bị liên can.
Mà người thọ nạn tới 2 lần lại chính là nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký.
Ngày mùng 6, tháng Chạp, năm 1937, kỷ niệm ngày sinh lần thứ 100, tượng bán thân bằng đồng của nhà bác học Pétrus Trương Vĩnh Ký do nhà điêu khắc Sylve Raffegeard (Pháp) thực hiện mà tên tác giả vẫn còn ghi rõ ở vai trái, được dựng lên trong sân trường.
Cuối tháng Tư, năm 1955, trường Petrus Ký trở thành bãi chiến trường giữa lính Dù của Quân đội Quốc gia Việt Nam và Công an Xung phong của tướng Bảy Viễn.
Tạp chí Thế giới Tự do của Phòng Thông tin Hoa Kỳ, in trên giấy tốt, nên bọn học sinh chúng tôi thời đó hay dùng để bao vở, có chụp hình một người lính phe Bình Xuyên nằm chết gần phòng thí nghiệm của trường.
Tượng ông Petrus Ký thì cũng bị trúng đạn bên má trái, gần hàm dưới có một vết tròn hơi lõm vào.
Tàn trận đánh, Công an Xung phong Bình Xuyên rút chạy về Tổng hành dinh, bên kia cầu Chữ Y. Quân Dù xông vào trường lục soát và tưởng nhầm ông Hiệu trưởng Phạm Văn Còn, đang mặc một bộ ‘complet tussor’ màu hột gà, mang kính trắng gọng vàng rất oai phong là… tướng Bảy Viễn, thủ lãnh của Bình Xuyên!
Rồi đến năm 1963, mùng Một, tháng Mười Một, quân đội đảo chánh Tổng thống Ngô Ðình Diệm! Lính Dù đóng đầy trong dãy nhà chứa xe đạp của học trò, ngang hông trường. Bọn học trò tụi tui đành phải nghỉ học để chờ trời yên bể lặng.
Cuối cùng năm 1975, khi CS chiếm Sài Gòn, tượng ông Petrus Ký bị mang đi! Hổng biết tụi nó có đem đi nấu đồng chảy ra để bán ve chai không nữa?
Chết đã lâu mà cũng không được yên, còn bị đuổi nhà?!
o O o
42 năm sau ngày mất nước, trường mất tên, thảng hoặc bà con mình trong nước cũng đòi: ‘’Phải trả lại tên trường Petrus Ký lại cho dân Sài Gòn!”
Nhưng viên chức đảng CS vẫn ngoan cố, khăng khăng cho rằng: ‘’Về mặt văn hóa, Petrus Ký có công; về mặt chính trị ông có tội (?!)’’
Tội đã đào tạo ra đám thông ngôn bản xứ phục vụ cho chính sách xâm lược và đô hộ của thực dân Pháp. Cứ nhìn hàng huân chương ông đeo trên ngực được chính phủ thực dân ban tặng thì đủ biết cái tội “làm tay sai cho giặc” lớn ngần nào (?!).
Nhưng bà con đất Sài Thành cự lại là: Petrus Ký là một danh nhân văn hóa: “Ngát tỏa trời Tây danh thông thái/ Thơm hồn Nước Việt rạng non sông”
Các cố đạo người Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha và Pháp đã phiên âm tiếng Việt bằng cách dùng mẫu tự tiếng La Tinh để dễ giảng đạo.
Từ đấy, Việt ngữ, dễ học hơn nhiều so với chữ Hán hoặc chữ Nôm…
Rồi Petrus Trương Vĩnh Ký và Paulus Huỳnh Tịnh Của có công rất lớn trong việc phát triển và truyền bá chữ quốc ngữ để tiếng Việt mình mới có được ngày hôm nay.
Còn những cái huân chương? Không hẳn là phải giúp Pháp đô hộ thì mới có huân chương. Mà viết sách, nghiên cứu khoa học vẫn được chính quyền đô hộ bấy giờ tặng huân chương!
Dân Sài Gòn và cả nước, ai ai cũng kính trọng nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký. Mỗi người yêu nước đều có quyền đóng góp cho đất nước một cách khác nhau chớ!
Vậy mà từ năm học 1976 – 1977, trường lại bị mang tên Lê Hồng Phong!
Có bà con phát biểu xỏ ngọt, kiểu Nam kỳ là: ‘’Nếu giữ lại tên trường là Petrus Ký thì tên Lê Hồng Phong quẳng đi đâu?’’
Biết rồi mà còn hỏi? He he!
o O o
Ôi trường ta tang thương! Theo vận nước nhiễu nhương! Học trò năm cũ giờ đâu cả? Ðã dạt về đâu mấy nẻo đường!
Tui nhớ trường Petrus Ký không những lớn mà còn bề thế!
Cổng trường bằng gạch rất đồ sộ, cao độ 4 mét. Trên có ghi hai câu đối của Giáo sư dạy Hán văn Ưng Thiều: ‘Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt / Tây Âu khoa học yếu minh tâm!”
Trên đầu hai cột có tấm biển tên được đắp nổi: ‘Trường Trung Học Petrus Ký’.
Qua khỏi cổng là một sân có trải đá xanh cán nhỏ, có hai cây điệp rất lớn, vào mùa Hè (cũng là mùa thi) trổ bông vàng rực rỡ.
Ngay chính giữa là Hành lang Danh dự, dài và rộng, lót gạch bông.
Qua hành lang này, xuống tam cấp, là sân trường hình vuông vức. Chính giữa sân là tượng Petrus Trương Vĩnh Ký, mặc quốc phục, áo dài khăn đóng, trên ngực trái có đeo một dãy huân chương.
Hai dãy nhà lầu hai tầng hai bên làm lớp học. Cuối dãy bên tay phải, qua một hành lang nhỏ mới vào được lớp, lớp Ðệ thất 5, niên khóa 1963, của tui đó.
Ðối xứng dãy bên kia có một cái phòng y hệt vậy là phòng giám thị, nơi mà các Thầy đứng đó nhìn lũ học trò từ nhà chứa xe đạp đi vào.
Kỷ luật của trường Petrus Ký phải nói là nghiêm khắc không thua gì trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt!
Học trò Petrus Ký phải mặc đồng phục: quần dài màu xanh dương đậm, áo sơ mi trắng tay ngắn! Áo phải bỏ vào trong quần.
Ðứa nào tóc dài, mang dép Nhựt, không đeo hiệu đoàn trên túi áo sẽ bị bắt lại để Thầy Giám thị cho cái cấm túc (consigne).
Trước khi vào lớp, học sinh phải xếp hàng đôi ngay trước lớp. Khi giáo sư đến cho phép thì học sinh mới được vào. Ði ngang thầy cô đứng là phải cúi đầu chào. Vô lớp xong, vẫn đứng nghiêm, chờ thầy hay cô cho phép rồi mới được ngồi xuống!
Mỗi khi không thuộc bài, trò được quý thầy cô cho hai cái trứng vịt, hai con số không và đóng khung lại (zéros encadrés) thì đương nhiên đó là cấm túc.
Bị cấm túc cũng không ngán bằng đưa cái giấy báo cho Tía mình. Ðọc được bảo đảm mình sẽ biết điểm sôi nó nóng như thế nào. Nên mấy thằng bạn quậy của tui đâu dám đưa cho Tía nó vì sợ ăn roi mây! Ðành muối mặt nhờ Bà Tư hàng xóm ký thay vậy.
Suốt cả đời đi học chưa được lên bảng danh dự lần nào mà cũng chưa hề bị cấm túc hoặc phải ra Hội đồng Kỷ luật của nhà trường vì đánh bạn học u đầu chẳng hạn; vì tui là một thằng chết nhát!
Cái lạ là: Ra đời, những thằng bạn góc cạnh, chọc trời khuấy nước, bán trời không mời thiên lôi thuở còn đi học, coi chuyện bị cấm túc là chuyện thường ngày ở huyện thì lại thành công (?); thành đại gia ‘chơi’ với người mẫu không hè?!
Ðứa học giỏi thì làm bác sĩ, kỹ sư! Nhưng so với bọn bạn học chọc trời khuấy nước thì lại chẳng nhằm nhò gì.
Còn tui thuộc cái đám đông thầm lặng, giỏi không ra giỏi, dở không ra dở. Trong lớp 55 đứa lúc nào cũng hạng trung bình từ 20 đổ xuống thì ra đời cũng ‘èng èng’ như thời đi học vậy thôi! Hu hu!
Tuy nhiên nhờ kỷ luật nghiêm khắc và chặt chẽ này cộng với thầy cô trường Petrus Ký rất uyên thâm lại tận tâm nên học trò đi thi cái gì cũng ăn trùm thiên hạ.
Trường cử 5, 6 con gà chọi đi thi ‘Ðố vui Ðể học’ trên đài truyền hình số 9 do thầy Cao Thanh Tùng phụ trách, lần nào cũng chiến thắng vẻ vang, sát nút, trước trường Chu Văn An. Dù học trò trường ‘Chết Vì Ăn’ cũng không hề kém cạnh!
Còn đi thi Tú tài Một, Tú tài Hai là đậu gần hết lớp! Ưu, Bình là chuyện bình thường. Xoàng xoàng là Bình Thứ hay Thứ thì im thin thít hổng dám khoe vì sợ bị quê.
o O o
Muốn vào học Petrus Ký phải qua kỳ thi tuyển rất gay go. Cả 3,4 ngàn sĩ tử chỉ chưa tới 500, một chọi mười, chen vào 8 lớp đệ thất!
Danh sách đậu được đăng trên trang nhứt của nhựt báo Thần Chung là một vinh dự lớn lao biết sao mà kể.
Sau nầy xa quê, lâu lâu có những bực thức giả là Giáo sư Tiến sĩ hay hàng Tướng lãnh vốn là đồng môn trước cả chục, hai chục năm đi du thuyết, là tui mon men tới: “Tui cũng là dân Petrus Ký nè anh!”
Ðể thấy sang bắt quàng trường cũ hè! He he!
DXT – melbourne